Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạo chơi ở thành phố ngàn tuổi

08:10, 21/10/2017

Nằm cạnh con sông Weser, Bremen ở miền Tây Bắc nước Đức với lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ 10 được mệnh danh là thành phố cổ tích không chỉ vì câu chuyện cổ tích Những nhạc sĩ thành Bremen do anh em nhà Grimm sáng tác xuất phát từ nơi này...

Nằm cạnh con sông Weser, Bremen ở miền Tây Bắc nước Đức với lịch sử hình thành từ thế kỷ thứ 10 được mệnh danh là thành phố cổ tích không chỉ vì câu chuyện cổ tích Những nhạc sĩ thành Bremen do anh em nhà Grimm sáng tác xuất phát từ nơi này, mà còn bởi những di sản văn hóa được người dân Bremen nâng niu, gìn giữ suốt 1.200 năm qua.

Con đường xưa nhất châu Âu ở làng cổ Schnoorviertel.Ảnh: T.THÚY
Con đường xưa nhất châu Âu ở làng cổ Schnoorviertel.Ảnh: T.THÚY

Bremen không có những đại lộ thênh thang, cao ốc chọc trời như các đô thị châu Âu khác, mà chỉ có những con phố nhỏ lát đá đã được những bước chân bộ hành cùng mưa nắng thời gian mài mòn bóng loáng, cùng những khối nhà xây bằng gạch đỏ không tô theo kiểu kiến trúc Roman, Gothic hoặc hiện đại, nhưng tất cả đều khống chế chiều cao để không phá vỡ cảnh quan chung.

Phố nhỏ, ngõ nhỏ…

Nhưng đừng vội cho rằng Bremen “lạc hậu”: toàn bộ xe taxi ở đây đều sử dụng Mercedes hoặc Audi đời mới, “bèo” lắm cũng là BMW.

Marie, cô hướng dẫn viên người địa phương, cho biết Bremen “né” được hầu như tất cả các cuộc chiến tranh trong lịch sử nước Đức, từ cuộc chiến tranh Ba Mươi Năm (1618-1648) cho đến cuộc chiến chống Napoléon Bonaparte năm 1806 khiến nước Đức bị tàn phá nặng nề. Thậm chí trong Thế chiến thứ 2, Bremen chỉ hứng một vài trận oanh tạc bằng máy bay làm gãy một trụ đá ở bờ sông Weser là hết. Nhờ vậy, Bremen giữ lại được rất nhiều kiến trúc cổ. Thành phố nhỏ bé này sở hữu đến 2 di sản thế giới chỉ cách nhau vài bước chân, đó là tòa thị chính thành phố và tượng Roland.

Một quầy hàng ăn ở hội chợ.
Một quầy hàng ăn ở hội chợ.

Tòa thị chính TP.Bremen được xây từ năm 1405 đến năm 1410, là tòa thị chính duy nhất ở châu Âu xây từ cuối thời Trung cổ mà không bị tàn phá hay thay đổi kiến trúc. Gần đó là bức tượng Roland - biểu tượng của tự do thương mại, bằng đá cao 5,5m, dựng từ năm 1404 và được chuyên gia của UNESCO đánh giá là đẹp nhất, tiêu biểu nhất, cổ xưa nhất. Phía trước 2 nơi này là một quảng trường lớn, thường sử dụng để tổ chức các hoạt động của cộng đồng.

Marie cho biết người Bremen trân trọng gìn giữ tất cả những gì gọi là giá trị văn hóa. Gần Tòa thị chính TP.Bremen có một con phố tên là đường Con Heo (Sögestrasse). Nơi đây có quần thể tượng vui mắt: đàn heo ục ịch bên người chăn heo đang ngước cổ thổi tù và. Marie kể thời Trung cổ dọc con đường này là những quầy hàng ăn uống và bầy heo được lùa đến mỗi buổi chiều để ăn thức ăn thừa, tượng được dựng để tôn vinh người nuôi heo cùng những con heo đã góp phần làm thịnh vượng ngành nông nghiệp của vùng.

Cũng trong khu vực này có nhà thờ cổ St.Petri. Nhà thờ có 5 trụ cột lớn, mỗi trụ có tượng các thánh tông đồ, phía trên nhà thờ có giàn chuông cổ. Hầm mộ của nhà thờ chôn 90 vị hồng y, giám mục, lãnh chúa và người quyền quý trong vùng.  

Theo chuyện cổ Grimm, 4 con gia súc lừa, chó, mèo, gà bị chủ đối xử tệ bạc, quyết định kết bạn cùng nhau đến Bremen để trở thành nhạc sĩ… Câu chuyện cổ tích đã trở thành niềm tự hào của người dân thành phố. Vào năm 1951, Hội đồng TP.Bremen quyết định dựng một bức tượng lừa, chó, mèo, gà xếp chồng lên nhau như trong chuyện cổ tích, đặt ngay trước sân Tòa thị chính. Hình ảnh này từ đó cũng trở thành biểu tượng của thành phố.

Khi chúng tôi đến Bremen, một hội chợ địa phương đang diễn ra ở quảng trường trước Tòa thị chính. Hội chợ không chú trọng đến yếu tố thương mại, buôn bán như ở Việt Nam mà chỉ là “cái cớ” để người dân Bremen ra đường vào dịp cuối tuần, giao lưu, vui chơi và ăn uống, bởi ở Bremen người dân vẫn giữ thói quen cùng ăn với gia đình vào cuối tuần nên thông thường trong những ngày các nhà hàng, quán xá đều đóng cửa im ỉm, không hoạt động.

Ngoài một vài quầy hàng bán đồ da, hàng lưu niệm, phần lớn các quầy hàng ở hội chợ bán hàng ăn uống kiểu truyền thống. Người bán hàng trong trang phục thời trung cổ nướng những tảng thịt, cá to trên bếp lửa củi bốc mùi thơm lừng, phục vụ kèm theo là vại bia ủ trong thùng gỗ lớn, rất độc đáo. Cạnh đó là quầy bánh mì cũng làm theo công thức xưa, những tảng kẹo bông gòn thổi từ đường sặc sỡ màu sắc, các loại xúc xích Đức truyền thống. Tất nhiên, cũng không thiếu các loại thức ăn nhanh. Ở hội chợ, cảnh sát Bremen đi tuần tra giữ trật tự trên… cà kheo cao lênh khênh, tay thoăn thoắt tạo hình từ bong bóng để tặng cho mấy đứa trẻ, rất thân thiện.

 Đang mải mê nhìn ngắm, tôi chợt nghe một bà mẹ dạy con phải xếp hàng chờ mua xúc xích bằng… tiếng Việt Nam. Ở nơi xa lạ, giọng miền Nam của bà mẹ trẻ nghe thân thiết làm sao. Mừng rỡ, tôi bắt chuyện và được chị Hồng cho biết ở Bremen có khoảng 200 người Việt đang sinh sống, phần lớn đi làm công cho một số trang trại gần đó hoặc phụ việc ở nhà hàng, cửa hiệu. Bremen có 1 nhà hàng Việt do người Việt làm chủ, khách đến khá đông nhưng cũng đóng cửa vào cuối tuần.

Ngôi làng cổ 1.200 năm tuổi

Đến Bremen, du khách không thể nào bỏ qua ngôi làng cổ có cái tên rất khó nhớ, khó đọc: Schnoorviertel. Marie cho biết ngôi làng là niềm tự hào của người dân Bremen. Vào thế kỷ thứ 10, cảng đầu tiên ở Bremen được xây dựng dọc sông Balge - một nhánh của sông Weser, từ đó hình thành khu làng chài chuyên đánh cá và sản xuất dây thừng với những cư dân đầu tiên của Bremen. Sông Balge theo thời gian dần dần bị bùn và phù sa vùi lấp, biến mất, làng chài Schnoorviertel cũng không còn, người dân chuyển sang làm thợ thủ công nhưng ngôi làng vẫn được giữ đến nay.

Khu vực quảng trường Tòa thị chính TP.Bremen.
Khu vực quảng trường Tòa thị chính TP.Bremen.

Schnoorviertel ngày nay không còn là khu dân cư của “những người khốn khổ”, sống dưới đáy xã hội như cách đây hơn ngàn năm, mà trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Du khách đến Schnoorviertel để được lách mình qua những con hẻm nhỏ xíu chỉ vừa một người qua, ngắm những ngôi nhà cũng nhỏ xíu nhưng thật xinh xắn. Người dân Schnoorviertel cũng giống như phần lớn dân châu Âu là yêu thiên nhiên, khắp nơi trong làng đều có hoa cỏ, từ những tàng cây phong lớn đang bắt đầu trổ lá đỏ báo hiệu mùa thu cho đến những chậu hoa bé tí hon xinh xinh trên bệ cửa sổ hay lẵng hoa phong lữ lãng mạn ở góc nhà.

Đặc biệt nơi đây là “thiên đường” của các sản phẩm hand-made, rất được ưa chuộng ở châu Âu. Hàng lưu niệm ở đây phần lớn được dân địa phương làm bằng tay, từ những chiếc áo len, mũ, vớ, găng tay, khăn choàng len được đan bằng đôi que đan như cách đây hàng thế kỷ, cho đến những sản phẩm gốm sứ, gỗ, thiệp giấy, khăn trải bàn vải viền ren, búp bê vải… đều được làm thủ công, và vì làm thủ công nên giá cực kỳ mắc. Bán hàng ở đây là những “cướp biển” đội mũ rộng vành, đeo bịt mắt, hoặc người thợ thủ công đeo chiếc tạp dề, “gentlemen” với chiếc quần chẽn ống và mũ cao…  Ngang qua những quầy hàng bánh ngọt, chocolate, mùi bánh nướng thơm ngào ngạt bay ra từ bếp cùng bóng dáng bà chủ nhà mặc đầm xòe có gọng, đội mũ đăng ten đeo tạp dề loay hoay bên chiếc lò nướng, không khí phảng phất thời trung cổ bình yên đến lạ lùng.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều