Báo Đồng Nai điện tử
En

"Săn lộc trời" hồ Trị An

10:09, 20/09/2017

"Mỗi lần Nhà máy thủy điện Trị An bắt đầu xả đập tràn, bà con quanh đây lại chộn rộn theo con nước. Những ngày sau đó, ai cũng bỏ cả công việc "canh me", chờ người ta đóng cửa xả để mang đồ nghề đi "săn lộc trời".

“Mỗi lần Nhà máy thủy điện Trị An bắt đầu xả đập tràn, bà con quanh đây lại chộn rộn theo con nước. Những ngày sau đó, ai cũng bỏ cả công việc “canh me”, chờ người ta đóng cửa xả để mang đồ nghề đi “săn lộc trời”. Cả trăm người ngụp lặn dưới chân đập, tranh nhau quăng lưới với hy vọng bắt được mẻ cá lớn…” - ông Nguyễn Văn Tư (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) hồ cho biết.

Khi Nhà máy thủy điện Trị An đóng cửa xả tràn, nhiều người quăng lưới “săn lộc trời”. Mẻ cá nặng với những con cá “khủng”.
Khi Nhà máy thủy điện Trị An đóng cửa xả tràn, nhiều người quăng lưới “săn lộc trời”. Mẻ cá nặng với những con cá “khủng”.

Hàng năm, Nhà máy thủy điện Trị An đều xả đập tràn để điều tiết nước. Tùy theo tình hình thời tiết, nhà máy tính số đợt xả đập nhằm đảm bảo độ an toàn cho hồ thủy điện. Có năm chỉ 1 đợt, nhưng vào năm trời mưa nhiều, lượng nước trong hồ đạt đỉnh thì số lần xả tràn có khi nhiều hơn.

* Vui như hội

Mỗi lúc Nhà máy thủy điện Trị An xả tràn, cá ở sông theo con nước ngược dòng chạy lên, khi đột ngột ngăn đập thì cá tụ lại phía đầu dòng. Người dân nắm rõ điểm này để “săn” được những mẻ cá ngon. Đây được coi là đặc ân mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây bởi những giống cá này vốn sinh sống trong tự nhiên, mỗi con bắt được trung bình 2-3kg.

Đặc biệt, với những loài cá, như: tra, mè, trắm, leo… cân nặng có khi lên đến vài chục ký. Do sống lâu năm trong hồ rộng lớn nên không phải ai cũng đánh bắt được chúng, ngay cả những ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản ở lòng hồ Trị An. Bởi vậy, mỗi khi đến dịp nhà máy thủy điện xả tràn, người dân trong vùng lại rủ nhau đi “săn” cá như dịp may hiếm có.

Ông Tư cho hay không chỉ người ở thị trấn Vĩnh An, mà dân ở các xã lân cận cũng nô nức đem lưới, chài và một số dụng cụ bắt cá khác đến chỗ chân đập chờ sẵn. Chỉ trong vòng 1 giờ, khi nước gần như rút hoàn toàn, các bãi đá ngầm lộ ra, tạo thành từng vũng nước nhỏ. Đây là nơi loài cá ẩn nấp theo con nước trong hồ chạy ra lúc nhà máy thủy điện mới bắt đầu xả tràn.

Cả trăm người ùa ra, có người đứng quăng chài trên những tảng đá lớn, người thì ngụp lặn ở những vị trí nước sâu. Nếu không phải dân địa phương thì khó mà giành được những chỗ “đẹp” để bắt được những mẻ cá lớn. Nhiều người bắt được hàng chục ký cá lớn, nhỏ; từ những loại cá phổ biến, như: tra, mè, trôi đến một số loại cá có giá thành cao, như: cá trèn, chép, lóc bông, lăng…

Nếu gặp may và thạo con nước, có người còn bắt được những con cá “khủng” nặng đến vài chục ký. Mỗi lần lưới của ai đó rung mạnh vì dính cá “khủng”, không chỉ dân đánh bắt cá sung sướng mà hàng chục người đứng trên bờ hò reo khiến không khí nơi đây rộn ràng như một lễ hội.

Vợ chồng bà Đoàn Ngọc Thu (ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) phấn khởi cho biết năm nào vợ chồng bà cũng mong chờ Nhà máy thủy điện Trị An xả nước. Chồng quăng lưới, hì hục dưới khu vực cửa xả tràn, còn bà Thu lãnh nhiệm vụ bán “chiến lợi phẩm” cho người mua nếu được giá. Cả trăm người dùng đủ cách, tranh giành nhau bắt cá, từ giăng lưới đến xung điện khiến cả khúc sông náo loạn, ồn ào.

Việc bắt được cá không chỉ nhờ tài của người đánh lưới mà chủ yếu còn phụ thuộc vào sự may mắn. Cùng một vũng nước rộng vài mét vuông, có người ăn đậm, hốt trọn “ổ cá”, nhưng số khác “trắng tay” trong tiếc nuối. Sau đó, họ lại háo hức “săn lộc trời”, đến khi nào trên khúc sông không còn ai mới thôi.

Và hiển nhiên, giá những loại cá “khủng” không hề rẻ, thương lái hay dân sành ăn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua lại. Vậy nên, trên bờ lúc nào cũng có vài thương lái đậu xe tải chờ sẵn, chỉ cần người dưới sông mang lên loại cá đặc sản nào là họ ngả giá mua ngay.

“Năm nào cũng vậy, nghe tin nhà máy thủy điện xả tràn là vợ chồng tôi mang lưới đi bắt cá. Có năm thu về hơn triệu đồng, nhưng đợt này chỉ đủ để dành cho gia đình ăn, không bán được đồng nào. Vừa rồi có người bắt được 3 con cá leo, mỗi con nặng khoảng 6-7kg, bán được gần 1,5 triệu đồng” - bà Thu bộc bạch.

“Săn lộc trời” mỗi dịp nhà máy thủy điện xả tràn, ngoài chuyện kiếm thêm thu nhập thì nhiều người đến đây chủ yếu để hòa vào không khí vui như lễ hội. Ai cũng vui vẻ dù hôm đó không có cá mang về. Nhiều người may mắn bắt được cá “khủng” lại cùng anh em đem về chế biến thành các món ăn ngon.
“Săn lộc trời” mỗi dịp nhà máy thủy điện xả tràn, ngoài chuyện kiếm thêm thu nhập thì nhiều người đến đây chủ yếu để hòa vào không khí vui như lễ hội. Ai cũng vui vẻ dù hôm đó không có cá mang về. Nhiều người may mắn bắt được cá “khủng” lại cùng anh em đem về chế biến thành các món ăn ngon.

* Háo hức chờ lần xả tràn tiếp theo

Nhà máy thủy điện Trị An xả tràn là tín hiệu vui với bà con ngư dân, là dịp chỉ diễn ra vài lần trong năm nên ai cũng háo hức.

Nhiều người cho biết đợt xả tràn vừa qua cá không nhiều bằng mọi năm do nước xả gần 1 tuần và chỉ với một cửa. Chưa kể, nhiều người ở xã khác nghe tiếng từ lâu nên đổ xô về đây đánh bắt cá, khiến số lượng cá ngư dân địa phương đánh bắt được ít hẳn. Tuy nhiên, mỗi lần nhà máy thủy điện xả đập mọi người lại khấp khởi vui mừng vì sắp có thêm thu nhập.

Ông Văn Thiện (ngụ xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) phấn khởi cho hay tới mùa này là cả xóm của ông ồn ào, người này rủ người kia đi chung cho có bạn, tiếng nói cười văng vẳng suốt, vui dữ lắm. Hiếm ai đi một mình vì “sự kiện” này được nhiều người biết đến đã nhiều năm qua.

Theo kinh nghiệm đánh bắt thủy sản lâu năm, ông Thiện lý giải năm nay mưa nhiều và đến sớm so với mọi năm nên Nhà máy thủy điện Trị An xả tràn trước cả tháng. Nếu tình hình mưa lớn tiếp tục kéo dài như hiện tại, chắc chắn trong nay mai nhà máy thủy điện sẽ xả tràn lần nữa. Đây chính là cơ hội để người dân “săn” được những mẻ cá ngon.

Cá đánh bắt được, nhiều người thường để ngay trong lưới và rộng dưới nước vì cá còn sống giá cao hơn nhiều so với để cá chết. Khi cá vừa đưa lên bờ là có mối lập tức đến lấy hàng đưa đi ngay. Cuộc mua bán có lúc kéo dài, giá cả nhích từng chút, nhưng cũng kết thúc nhanh chóng.

Bà Nguyễn Thị Khương, chủ vựa cá có tiếng ở gần hồ Trị An, cho hay những con cá  lớn, sống trong môi trường tự nhiên luôn được trả giá cao. “Cá mua về chủ yếu bán cho các nhà hàng lớn ở TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh. Thực khách rất ưa chuộng những loại cá “đặc sản” nên chúng tôi thường đặt hàng trước, nhưng không phải lúc nào cũng có” - bà Khương nói.

Võ Nguyên

Tin xem nhiều