Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Rung "Kỹ Thuật Điều"

11:09, 08/09/2017

Cây điều một thời là cây trồng chủ lực của nông dân xã An Viễn (huyện Trảng Bom). Trong khi những nhà nông trồng điều giỏi cũng chỉ đạt năng suất 3 tấn/hécta, thì vườn điều của Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Rung năm nào cũng đạt trên 3,5 tấn/hécta....

Cây điều một thời là cây trồng chủ lực của nông dân xã An Viễn (huyện Trảng Bom). Trong khi những nhà nông trồng điều giỏi cũng chỉ đạt năng suất 3 tấn/hécta, thì vườn điều của Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Văn Rung năm nào cũng đạt trên 3,5 tấn/hécta. Vì trồng điều giỏi mà Chủ tịch Hội Nông dân Rung được nông dân trong xã đặt cho biệt danh Rung “Kỹ Thuật Điều”.

Ông Nguyễn Văn Rung (phải) hứa với ông Nguyễn Văn Hồ (ngụ ấp 2) sẽ kiến nghị với xã vấn đề điện sinh hoạt chập chờn ở các nhà dân dọc tuyến đường số 9.
Ông Nguyễn Văn Rung (phải) hứa với ông Nguyễn Văn Hồ (ngụ ấp 2) sẽ kiến nghị với xã vấn đề điện sinh hoạt chập chờn ở các nhà dân dọc tuyến đường số 9.

Ông Rung vốn là bộ đội tăng - thiết giáp xuất ngũ về làm nông dân. Trong quá trình sản xuất, tham gia công tác xã hội, ông Rung có nhiều tài lẻ, như: làm dân vận, chăn nuôi bò... khiến nhà nông thêm ngưỡng mộ ông.

* Theo chân ông Rung đi… xin tiền

Ông Phạm Hữu Trí, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn, chia sẻ ông rất thích kiểu cách “miệng nói tay làm” của ông Rung, nên việc lớn việc nhỏ gì của Hội Nông dân xã, chỉ cần ông Rung quyết là đâu vào đó, hoàn thành trước thời gian và kế hoạch đã đăng ký với xã, với Hội cấp trên.

Tuyến đường số 9 dài 1,5km ở ấp 2 chỉ được địa phương cứng hóa bằng đá mi. Tuy vậy, Hội Nông dân xã An Viễn vẫn nhận trách nhiệm xây dựng tuyến đường này đạt tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Ông Rung cho biết con đường này vốn đi vào vườn rẫy của dân nên rất lầy lội. Dọc hai bên đường có khoảng chục hộ dân sinh sống. Khi tuyến đường được địa phương cứng hóa, chưa được tráng xi măng hay trải nhựa, chỉ trong 2 năm số dân sinh sống dọc 2 bên tuyến đường tăng lên đến 70 hộ.

Dân đông, tuyến đường bị sức ép về vấn đề vận tải, vệ sinh môi trường, điện sinh hoạt chập chờn…, trong khi xã An Viễng đang trên đà xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh (sau khi xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2016). Vì vậy, ông Rung và Hội Nông dân xã bàn tính xây dựng tuyến đường đạt tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Do Hội Nông dân xã không có tiền để làm cho đường số 9 “sáng - xanh - sạch - đẹp” theo kế hoạch đề ra, ông Rung và Ban Chấp hành Hội Nông dân xã chỉ còn cách phối hợp với Ban điều hành ấp 2 triển khai lực lượng đi vận động dân góp tiền để làm.

Không chờ ngày đẹp trời, các ông: Rung, Phạm Hữu Trí (Phó chủ tịch Hội Nông dân xã, nguyên Phó trưởng ấp 2) và Ninh Xuân Cơ (Trưởng ban công tác Mặt trận ấp 2) đèo nhau bằng xe máy đi vận động dân đóng góp. 3 ông bàn nhanh với nhau, trước tiên “xin” tiền của dân mua thuốc xịt cỏ, vận động dân cho phát quang cây trồng lấn ra đường; sau đó kết hợp triển khai kế hoạch họp dân bàn về mức đóng góp chung để có kinh phí xây dựng tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Nằm ở đầu tuyến đường, tiệm tạp hóa của bà Liên (ngụ tổ 1) được các ông đến vận động đầu tiên và bà Liên nhanh chóng ủng hộ 3 lít thuốc diệt cỏ (quy ra tiền là 400 ngàn đồng).

Người tiếp theo, ông Nguyễn Trần Vũ móc túi ủng hộ 300 ngàn đồng cùng lời hứa vài ngày nữa tự kéo thêm một bóng điện cho sáng và sẽ đích thân cùng Hội Nông dân, Ban ấp đi ra xịt cỏ.

Còn hộ ông Lâm Thanh Trí do đang lúc khó khăn, “Ban vận động” chỉ đề nghị ủng hộ 50 ngàn đồng mua thuốc xịt cỏ, nhưng ông Trí quyết tâm ủng hộ 100 ngàn đồng mới chịu.

Chỉ trong buổi sáng, các ông: Rung, Trí và Cơ đã vận động được 15 hộ đóng góp gần 3 triệu đồng. Còn 55 hộ nữa, các ông quả quyết sẽ tranh thủ vận động xong trong ngày hôm sau để 17 giờ ngày tiếp theo có thể triển khai xịt cỏ và họp dân thống nhất kế hoạch đóng góp kinh phí làm đường.

Ông Nguyễn Văn Rung (thứ 2 từ trái sang) cùng cán bộ Hội Nông dân xã đi vận động xây dựng tuyến đường số 9 “sáng - xanh - sạch - đẹp” mà Hội Nông dân xã đã đăng ký với UBND xã.
Ông Nguyễn Văn Rung (thứ 2 từ trái sang) cùng cán bộ Hội Nông dân xã đi vận động xây dựng tuyến đường số 9 “sáng - xanh - sạch - đẹp” mà Hội Nông dân xã đã đăng ký với UBND xã.

* Con người nhiệt huyết

Tạm dừng buổi đi vận động, ông Rung quay về UBND xã gặp Chủ tịch UBND xã Trịnh Viết Phương truyền đạt lại những ý kiến phản ánh của người dân về nguồn điện sinh hoạt của các hộ dân sống dọc 2 bên tuyến đường số 9 rất yếu. Từ đó, Chủ tịch Phương cho chủ trương và chỉ đạo hạ thế đường điện sớm, Hội Nông dân xã mới thuận lợi triển khai tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Tranh thủ thời gian, ông Rung chuyện trò với chúng tôi về những đóng góp của ông cho nông dân xã An Viễn thời gian qua.

Ông Rung kể, vào năm 1986, ông xuất ngũ và về ấp 4, xã An Viễn định cư cho đến nay. Ngày rời quân ngũ, vợ chồng ông chỉ có 1 hécta đất trồng mì. Nhờ chịu khó cày sâu cuốc bẫm, nghiên cứu áp dụng khoa học - kỹ thuật, vợ chồng ông dần dành dụm mua thêm 4 hécta đất để trồng điều, lập vườn ươm điều giống, chăn nuôi bò, gà thả vườn.

Những năm 1990, phong trào trồng điều rầm rộ ở địa phương, ông chuyển đổi toàn bộ 5 hécta đất mì, điều giống địa phương sang giống điều cao sản và được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tặng bằng khen 2 lần. Nhờ trồng điều năng suất cao, ông Rung được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân xã, được đi học trung cấp về chăn nuôi trồng trọt.

Ông Rung bộc bạch, người ta làm chủ tịch thì áo bỏ vào quần đi dự họp rất oai, còn ông cũng làm chủ tịch thì mặc đồ lính xách túi đi đỡ đẻ cho bò, mang mặt nạ phòng độc đi xịt thuốc cỏ, vào vườn điều hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh, kích cho ra hoa đậu trái… đến nhẵn mặt.

Vì là hộ sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, ông Rung còn mạnh dạn giúp điều giống, bò giống và tiền mặt hàng trăm triệu đồng cho nông dân không lấy lãi.

Thấy ông Chủ tịch Hội Nông dân xã làm ăn khá giả, lại nhiệt huyết giúp đỡ mọi người, nông dân xã An Viễn không muốn để người khác thay vị trí của ông nên 17 năm qua cứ bầu ông làm Chủ tịch Hội để thuận bề nhờ vả.

Nông dân Nguyễn Văn Đức (ngụ ấp 4) bày tỏ nông dân mà nói được, làm được như ông Rung đã giúp ông và các hội viên khác được đủ điều.

Thấy nông dân xã An Viễng rầm rộ sản xuất theo phong trào, không đúng kế hoạch của xã, ông Rung khuyên nhủ mọi người phải tỉnh táo, không thì “mất cả chì lẫn chài” vì đất An Viễn chỉ có cây điều trồng xen canh, trong chuồng thì nuôi vài con bò, đàn gà thả vườn là hiệu quả nhất. Nhiều nông dân không nghe ông Rung khuyên nhủ sau đó phải nhăn nhó đến gặp ông than thở nhờ Hội Nông dân giúp đỡ làm lại từ đầu.

“Nông dân mà, thất bại thì còn đất, còn chí để làm; nếu mất đất, mất chí thì Hội đành bó tay, không can thiệp được” - ông Rung tâm sự.

Làn gió “nông thôn mới” dồn dập thổi vào rẫy vườn của nông dân xã An Viễng, nhiều nông dân giàu nhanh nhờ đất tăng giá trị, bắt nhịp được xu thế nông thôn mới. Ông Rung và Hội Nông dân xã tranh thủ cơ hội đi vận động xây dựng các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp.

Ông Rung bày tỏ nông dân mà giàu thì xã An Viễn mới mạnh và cái biệt danh Rung “Kỹ Thuật Điều” nông dân đặt cho ông sẽ tồn tại lâu dài.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều