Báo Đồng Nai điện tử
En

Những chuyến xe nghĩa tình

11:09, 11/09/2017

Khoảng 3 tháng nay, ông Trần Huy Thông (ngụ ấp 2, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) đã bỏ ra gần 700 triệu đồng mua 2 xe ô tô làm xe cấp cứu miễn phí cho những trường hợp thai phụ chuyển dạ, bị bệnh nặng hoặc tai nạn…  Ông Thông cho biết việc ông làm là tự nguyện, muốn phục vụ miễn phí cho mọi người.

Khoảng 3 tháng nay, ông Trần Huy Thông (ngụ ấp 2, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) đã bỏ ra gần 700 triệu đồng mua 2 xe ô tô làm xe cấp cứu miễn phí cho những trường hợp thai phụ chuyển dạ, bị bệnh nặng hoặc tai nạn…  Ông Thông cho biết việc ông làm là tự nguyện, muốn phục vụ miễn phí cho mọi người.

Ông Trần Huy Thông (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) với chiếc xe cấp cứu miễn phí.
Ông Trần Huy Thông (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) với chiếc xe cấp cứu miễn phí.

15 năm trước, ông Thông rời quê (TP.Cần Thơ) đến huyện Nhơn Trạch lập nghiệp với công việc đầu tiên là phụ hồ. Đến năm 2003, ông làm nhân viên tại một công ty bảo vệ và đến năm 2011 trở thành Giám đốc chi nhánh Công ty dịch vụ bảo vệ Đông Á Việt Nam tại Đồng Nai.

* Chứng kiến nỗi đau

Ông Trần Văn Cần, Phó trưởng Công an xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), nhận xét ông Trần Huy Thông là người rất nhiệt tình với các hoạt động thiện nguyện. Không chỉ tham gia chở người bệnh, người bị tai nạn đi cấp cứu ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, thậm chí ở TP.Hồ Chí Minh miễn phí, ông Thông còn thường xuyên lui tới thăm hỏi những trường hợp người già neo đơn, hay bị đau ốm. Mỗi khi địa phương có hoạt động xã hội hay thiện nguyện, ông Thông đều xung phong tham gia và tích cực vận động bạn bè… cùng chung tay giúp đỡ những người khó khăn.

Ông Thông kể lại, trên đường đi làm, ông đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm mà chỉ có thể đứng nhìn vì lực bất tòng tâm, không biết cách nào giúp đỡ người bị nạn. Vài năm gần đây, khi công việc làm ăn đã khấm khá, có của ăn của để, ông bàn với vợ mua xe ô tô làm xe cấp cứu để giúp đỡ người khác, trước mắt là người dân bị bệnh, bị tai nạn hay thai phụ chuyển dạ ở khu vực gần nơi ông sinh sống.

Ông Thông cho biết: “Khi tôi nói ra ý định, mọi người trong nhà đều ủng hộ. Tuy nhiên, mình cũng cần thời gian tìm hiểu đủ thứ vì xe cấp cứu hoạt động khác với xe bình thường. Tôi từng rất áy náy vì không giúp được nhiều hoàn cảnh bệnh đau, bị tai nạn mà tôi gặp ở trong xóm, trên đường đi làm nên tôi quyết định tự mình đưa những người đó tới bệnh viện và giúp hết sức mình, nếu không lại áy náy hơn. Đầu tháng 6-2017, tôi mua 1 xe ô tô và bắt đầu chở người bị bệnh, bị tai nạn giao thông đi cấp cứu miễn phí. Khi đó, tôi cũng hồi hộp vì không biết việc mình làm có hiệu quả không, mọi người có tin mình không”.

Thời gian đầu, do còn ít người biết đến xe cấp cứu miễn phí của ông Thông nên 1 xe của ông cũng hoạt động đủ. “Tiếng lành đồn xa”, mọi người nói với nhau và qua mạng xã hội, nhiều người biết đến xe cấp cứu miễn phí của ông Thông nhiều hơn nên 1 xe dù chạy hết công suất cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.

Vì vậy, ông Thông mua thêm 1 xe ô tô và vận động một số đồng nghiệp có cùng chí hướng phụ chạy xe. Đêm cũng như ngày, nắng cũng như mưa, chỉ cần tin báo của người dân ở huyện Nhơn Trạch cần xe đi cấp cứu, ông Thông lại lên xe xuất phát, nếu bận thì ông gọi người khác đi thay.

“Tôi quan niệm thế này, giúp người bằng cách cho tiền thì bao nhiêu người ta cũng tiêu hết, nhưng nếu giúp đúng cách, đúng thời điểm thì người được giúp sẽ giải quyết được rất nhiều thứ mà đôi khi có tiền cũng không làm được. Vừa rồi, có trường hợp bệnh nặng cần đi cấp cứu gấp mà đêm hôm đi xe máy, trời lại mưa nên rất nguy hiểm. Khi nhận được cuộc gọi của họ, tôi đã nhanh chóng đến nơi đưa họ đi cấp cứu. Lúc đó, người nhà tạm gác được nỗi lo tiền xe đi lại, chuyên tâm chăm sóc người bệnh, dồn tiền để lo chữa chạy bệnh tật lúc gấp rút. Tôi còn dặn mấy anh em phụ lái xe không được nhận tiền của gia đình người bệnh, mình đang làm việc thiện, làm xong thấy nhẹ lòng là đủ rồi, còn tiền bạc thì để người ta xử lý việc khác” - ông Thông cho hay.

Một số dụng cụ y tế cơ bản được ông Trần Huy Thông trang bị trong xe.
Một số dụng cụ y tế cơ bản được ông Trần Huy Thông trang bị trong xe.

* Để chút hương cho đời

Qua 3 tháng hoạt động, ông Trần Huy Thông đã xuất xe giúp đỡ gần 90 trường hợp đi bệnh viện cấp cứu. Bằng thu nhập từ việc quản lý chi nhánh công ty bảo vệ, kinh doanh nhà nghỉ và một số dịch vụ khác, ông Thông cũng bù đắp được chi phí hoạt động và tiền trả cho lái xe.

Hiện nay, không chỉ người dân gần nơi ông Thông sống mà người dân ở một số xã lân cận thuộc huyện Long Thành, ai có việc cần cấp cứu, chuyển bệnh lại gọi đến ông. Trong số đó, có nhiều trường hợp thai phụ chuyển dạ, người già đi cấp cứu được ông Thông đưa bến bệnh viện kịp thời.

“Sắp tới, tôi sẽ mua thêm 1 xe ô tô cấp cứu nữa vì 2 xe hiện nay phục vụ bà con không kịp. Nhiều lúc cả 2 xe đang chạy mà điện thoại reo liên tục, tôi phải cố gắng sắp xếp để về chở thêm. Với tôi, chỉ cần người bệnh đến bệnh viện kịp thời và an toàn, sau đó chúng tôi còn gặp lại nhau mà thấy khỏe mạnh, bình an là vui lắm rồi. Nhiều người bệnh sau khi về nhà muốn tìm tôi nói lời cảm ơn và hậu tạ, nhưng tôi chỉ nhận lời cảm ơn thôi, chứ hậu tạ thì không; giúp người ai mong người khác trả ơn” - ông Thông bộc bạch.

Gần nhà có một cụ già neo đơn hay bị bệnh, ông Bạch Văn Thắng (ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) thường xuyên qua giúp, thăm bệnh. Mỗi khi cụ già chuyển bệnh, ông Thắng đều dùng xe máy đưa cụ đi bệnh viện. Biết là nguy hiểm, nhưng vì không có tiền thuê taxi nên ông Thắng đành chịu. Khoảng 3 tháng nay từ khi có xe cứu thương miễn phí của ông Thông, ông Thắng yên tâm hẳn bởi mỗi lần người dân xung quanh gặp chuyện bệnh tật cần đi cấp cứu khẩn cấp ông Thông đều nhiệt tình giúp đỡ.

Ông Thắng cho hay: “Tôi đã nhờ anh Thông hỗ trợ xe cấp cứu miễn phí 10 lần rồi. Lúc mới gọi điện nhờ vả tôi cũng thấy ngại. Sau này, thấy anh Thông nhiệt tình, lại thật tâm muốn làm việc thiện nên tôi và những người khác khi có việc cần chuyển người bệnh gấp liền gọi điện nhờ anh. Chỗ tôi đợi taxi tìm đến đúng chỗ để chở người bệnh đi cấp cứu chắc không kịp, mà xe máy chỉ có thể đi gần, chứ cần đi bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh xa xôi sợ không kịp và nguy hiểm”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều