Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ voi rừng bằng hàng rào điện

12:09, 09/09/2017

Cho đến nay, hàng rào điện bảo vệ voi (nằm trong dự án khẩn cấp bảo tồn voi của tỉnh) cơ bản hoàn thành và đang được vận hành thử nghiệm trước khi nghiệm thu để đưa vào sử dụng chính thức.

Cho đến nay, hàng rào điện bảo vệ voi (nằm trong dự án khẩn cấp bảo tồn voi của tỉnh) cơ bản hoàn thành và đang được vận hành thử nghiệm trước khi nghiệm thu để đưa vào sử dụng chính thức.

Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng đang kiểm tra cổng chính hàng rào điện tại địa bàn xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).
Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Lê Việt Dũng đang kiểm tra cổng chính hàng rào điện tại địa bàn xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).

Mới đây, ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, đã tổ chức kiểm tra dọc hàng rào điện bảo vệ voi rừng. Mục đích của lần kiểm tra này nhằm xem mưa gió có làm cây rừng ngã đổ gây ảnh hưởng đến hàng rào điện hay không, từ đó nhắc nhở đơn vị liên quan phải thường xuyên theo dõi, phát dọn cho gọn gàng; đối với những đoạn có dây điện còn chùng thì phải xiết căng lại, đảm bảo kỹ thuật.

Ngoài ra, ông Dũng yêu cầu đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ làm việc ở một số công đoạn phụ còn lại, sớm hoàn thiện công trình để có thể tiến hành nghiệm thu và đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt.

* Điện giật không gây chết người

Thường xuyên kiểm tra, bảo trì hàng rào điện

Hàng rào điện là hệ thống lưới rào được cung cấp xung điện áp cao nhằm gây giật, choáng đối với động vật. Sau khi bị giật, động vật sẽ học được cách phải xa hàng rào. Hàng rào điện ngăn voi không xâm nhập vào vùng dân cư sinh sống, nhưng voi là động vật rất thông minh, do đó sẽ tìm cách phá hàng rào bằng cách dùng vòi quấn cây đập vào hàng rào hoặc đẩy cây lớn ngã vào hàng rào để có lối đi qua. Voi có thể dùng cây phá hàng rào hoặc mùa mưa bão, cây cối thường bị ngã vào hàng rào gây đứt dây hoặc ngắn mạch, điện áp trên hàng rào bị sụt giảm, dẫn đến điện áp xung không đủ giật răn đe, voi có thể ra ngoài và phá nương rẫy. Vì thế, cần kiểm tra thường xuyên dọc tuyến để đảm bảo không có các sự cố trên hàng rào.

Kiểm tra kỹ thuật, ông Dũng tỏ ra hài lòng về chất lượng hàng rào điện, vì từ trụ cột hàng rào, dây điện cho đến các thiết bị đều đảm bảo yêu cầu. Thiết bị phát xung điện phù hợp với quy tắc an toàn của quốc tế và được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Dũng cho biết, hàng rào điện được thi công từ tháng 2-2017, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Hàng rào có chiều dài 50km (30km cố định và 20km di động), nối từ 2 xã Mã Đà và Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đến xã Thanh Sơn (huyện Định Quán).

Hàng rào có độ cao 2,2m, được xây dựng bằng các cột bê tông, trên gắn 4 sợi dây cáp dẫn điện kéo căng tạo thành hàng rào ngăn chặn voi vượt qua. Toàn bộ hàng rào có tổng cộng 19 cổng chính và hơn trăm cổng phụ dành cho xe cộ lưu thông, nhằm giúp người dân ra vào nương rẫy canh tác và thu hoạch mùa màng.

Theo ông Dũng, hàng rào điện lấy điện từ năng lượng mặt trời và tích vào bình ắc quy 24V. Các bình ắc quy này đặt tại 10 trạm thu - phát (thu năng lượng và phát xung điện) dọc theo hàng rào, mỗi trạm cách nhau khoảng 5km. Sau đó, thông qua bộ phát xung để nâng điện thế lên trung bình từ 6-11 ngàn V rồi phát vào dây rào điện.

Tuy nhiên, còn tùy vào địa hình, vùng đất khô hay ẩm ướt và có kim loại nằm lẫn trong đất hay không để đặt mức điện cho phù hợp. Hiện tại, trong quá trình thử nghiệm thì nơi thấp nhất được đặt khoảng 4.500V, còn nơi cao nhất khoảng 14.000V. Thiết bị phát xung cấp xung điện cho suốt dây thép hàng rào, chu kỳ phát xung điện là 1 giây. Xung điện gây giật, choáng cho động vật nhưng là gây sốc an toàn, không làm nguy hiểm đến động vật.

Khi người đụng vào dây điện sẽ bị giật bắn ra, nhưng không nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, trên hàng rào điện, cứ cách 50m lại gắn một tấm biển ghi “Nguy hiểm điện giật” để cảnh báo người dân. Ông Dũng lưu ý cần tránh tiếp xúc cơ thể vào dây thép hàng rào; không trèo qua hoặc chui qua khe hở hàng rào; trẻ em cần được giám sát bởi người lớn, không cho trẻ em chơi đùa với hàng rào điện; không đặt vật dụng, chất liệu dễ cháy gần hàng rào điện…

Đối với những đoạn hàng rào điện đi qua các khe suối, vị trí trũng thấp và dễ bị ngập nước khi trời mưa lớn, ông Dũng cho biết những đoạn đó được gắn công tắc và thiết bị hạn dòng nhằm làm giảm điện áp cấp xuống các dây bên dưới bị ngập từ 1,5-2kV hoặc có thể ngắt công tắc phía trước thiết bị hạn dòng nhằm ngắt điện xuống các dây bị ngập. Khi nước rút khô thì đóng công tắc lại để cấp điện cho các dây bên dưới hoạt động trở lại bình thường.

Đặc biệt, cái hay ở hàng rào điện là ngồi ở nhà nhưng vẫn biết được chỗ nào xảy ra sự cố để nhanh chóng cử người đến đó kiểm tra, khắc phục ngay bằng cách báo trên điện thoại di động. “Tôi rất tâm huyết công trình này. Từ ngày 11-7-2017, khi hàng rào điện được đưa vào vận hành thử nghiệm đến nay thì chưa có con voi nào vượt qua được. Đó là thành công ban đầu…” - ông Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Sang (tổ 2, ấp 6, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) thường xuyên nhắc nhở trẻ em không được chơi gần hàng rào điện.
Ông Nguyễn Ngọc Sang (tổ 2, ấp 6, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) thường xuyên nhắc nhở trẻ em không được chơi gần hàng rào điện.

* Người dân đồng tình ủng hộ

Mục đích chính xây dựng hàng rào điện là bảo vệ voi rừng, ngăn chặn đàn voi ra phá tài sản của bà con dẫn đến xảy ra xung đột giữa voi với người. Khi hiểu được việc có hàng rào điện thì voi không ra phá nông sản nữa, những ngày qua bà con nông dân rất phấn khởi và bắt tay vào cải tạo, chăm sóc lại vườn, rẫy cây ăn trái để hy vọng mùa thu hoạch tới đạt năng suất cao.  

Ông Nguyễn Ngọc Sang (tổ 2, ấp 6, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, gia đình ông đã sống trong rừng gần 30 năm và có đầu tư làm gần 2 mẫu xoài. Trước đây, khi xoài vườn ra trái và chưa kịp thu hoạch thì voi rừng thường ra ăn phá, gây thiệt hại nhiều. Do vây, nhiều lúc ông buồn và không muốn đầu tư vườn xoài nữa vì sợ voi tiếp tục ra phá thì “công bay về núi”.

Từ khi có hàng rào điện đi ngang qua trước nhà, gia đình ông Sang rất mừng vì không còn lo lắng, mất ăn mất ngủ việc voi rừng ra “kiếm chuyện” nữa. Hiện gia đình ông cũng đang đầu tư chăm sóc vườn xoài để cho năng suất cao vào mùa tới.

Voi ngà lệch tại rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Voi ngà lệch tại rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.

Ông Dũng chia sẻ, ngay từ khi triển khai dự án hàng rào điện thì đa số người dân đã ủng hộ nhiệt tình, vì có hàng rào, voi không ra được, họ đầu tư vào vườn, rẫy và thu lợi nhuận cao. Hơn nữa, khi có hàng rào bà con không còn bị đe dọa cuộc sống hàng ngày, cảm thấy yên tâm hơn.

“Mỗi lần đoàn chúng tôi về kiểm tra hàng rào điện ở xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) là bà con nơi đây đến hỏi thăm và ủng hộ nhiệt tình. Khi đoàn về, họ còn gửi quà cây nhà, lá vườn: chanh, mít, đu đủ… rất xúc động” - ông Dũng tâm sự.

Theo ông Dũng, để người dân tham gia tích cực vào công tác bảo vệ hàng rào điện thì phải tạo điều kiện để họ cũng được hưởng lợi từ dự án bảo tồn voi. Trước mắt cho họ tham gia xịt cỏ, phát dọn nhành cây dọc hàng rào điện… Còn sau này, nếu phát triển tuyến du lịch ngắm thú thì cũng tạo điều kiện cho bà con tham gia làm một số công việc tương đối dễ, phù hợp với khả năng của họ.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt kế hoạch khẩn cấp bảo tồn voi ở Việt Nam, giai đoạn 2012-2020 với tổng kinh phí 278 tỷ đồng và được chia thành 4 dự án, trong đó có dự án khẩn cấp bảo tồn voi rừng tỉnh Đồng Nai. Dự án bảo tồn voi tỉnh Đồng Nai có tổng kinh phí trên 74 tỷ đồng và giao Chi cục kiểm lâm Đồng Nai làm chủ đầu tư. Dự án gồm 8 nội dung,  trong đó có nội dung “tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, tránh xung đột giữa người và voi” bằng cách xây dựng hàng rào điện.

Cơ Duyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích