Báo Đồng Nai điện tử
En

Trở lại Xuân Phú

11:08, 25/08/2017

Chúng tôi trở lại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) sau "sự cố" hàng trăm học viên đập phá, gây rối, bỏ trốn vào tháng 11-2016, và nhận ra đến nay cơ sở đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.

Chúng tôi trở lại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) sau “sự cố” hàng trăm học viên đập phá, gây rối, bỏ trốn vào tháng 11-2016, và nhận ra đến nay cơ sở đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới giao lưu với học viên.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới giao lưu với học viên.

Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai, cho biết điểm tích cực nhất là tình trạng học viên quá tải hiện không còn. Thời điểm xảy ra sự cố, số lượng học viên tại đây lên đến 1,5 ngàn người, gấp đôi so với sức chứa; còn hiện nay cơ sở đã trở về tình trạng bình thường với khoảng 730 học viên. Theo quy định chung, tiêu chuẩn ăn của học viên chỉ 1 triệu đồng/tháng, nhưng tiêu chuẩn của học viên tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy Đồng Nai là 1,2 triệu đồng/tháng; dịp Tết Nguyên đán hàng năm, UBND tỉnh đều có chế độ hỗ trợ thêm. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đoàn thể cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, động viên học viên cai nghiện tốt để trở về cộng đồng.

* Vẫn khó tứ bề

“Chúng tôi rất quan tâm đến diễn biến tâm lý, tình cảm của học viên trong quá trình cai nghiện vì đây là yếu tố rất quan trọng giúp học viên thêm động lực, quyết tâm cai nghiện. Nhưng nhân tố chính của quá trình này vẫn là sự quan tâm của gia đình. Bên cạnh đó, để học viên khi trở về cộng đồng không bị tái nghiện thì ngoài sự quan tâm của gia đình, cũng cần có sự quản lý chặt chẽ của cộng đồng và chính quyền cũng nên có chính sách quản lý sau cai nghiện, song song đó là hỗ trợ tạo việc làm. Thế nhưng, tất cả những điều đó nằm ngoài tầm tay của chúng tôi. Một học viên trở về cộng đồng là một niềm vui, nhưng trong thâm tâm chúng tôi vẫn nặng nỗi lo các em không đủ nghị lực vượt qua, bị bạn bè xấu rủ rê sử dụng ma túy và tái nghiện...” - ông Hồ Trí Lịch tâm sự.

Cũng từ sự cố học viên đập phá cơ sở cai nghiện, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cũng như đời sống của học viên hơn. 8 khu ở của học viên trước đây được sửa chữa, nâng cấp khang trang hơn; 10 phòng ở mới được xây dựng để giảm tải nơi ở cho học viên. Khu xử lý nước thải tập trung được thực hiện để đảm bảo vệ sinh môi trường. Cơ sở cũng được đầu tư thêm 2 phòng cắt cơn, 1 xe cứu thương và nhiều trang thiết bị y tế cần thiết khác. Nhiều khu vực trọng yếu của cơ sở được lắp đặt hệ thống camera an ninh… Tổng kinh phí đầu tư mới cho cơ sở gần 25 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn, không thoải mái khi đến cơ sở là trong khuôn viên cơ sở có quá ít cây xanh, cây lớn. Thêm vào đó, những tường rào cao với sắt nhọn, hệ thống nhà bê tông kiên cố tạo cảm giác ngột ngạt, nhất là với các học viên vốn đã mang tâm lý bị cách ly khỏi cộng đồng, bị giám sát nghiêm ngặt 24/24 giờ.

Bác sĩ Chu Văn Phương, bác sĩ duy nhất của cơ sở hàng chục năm nay, cho biết theo quy trình điều trị cai nghiện heroin chỉ cần 15 ngày học viên sẽ cắt được cơn nghiện, khoảng 3 tháng sau là học viên hết “thèm”. Nhưng đối với người nghiện ma túy đá thì quá trình cai nghiện khó khăn hơn, lâu dài hơn, do đến nay hầu như chưa có thuốc đặc hiệu trong điều trị; methadone chỉ dùng trong điều trị nghiện heroin, không sử dụng được cho điều trị nghiện ma túy đá, trong khi 80% học viên của cơ sở  “dính” ma túy đá.

Trong quá trình cắt cơn nghiện ma túy đá, người bệnh rơi vào trạng thái “mất khoái cảm” (anhedonia), tức là mất khả năng cảm nhận niềm vui kể cả bình thường nhất trong cuộc sống, phải đối mặt với việc suy giảm nhận thức và cảm xúc trầm uất trong giai đoạn mới ngưng sử dụng. Ở giai đoạn quan trọng này, người bệnh cần được tập vật lý trị liệu, khuyến khích tập thể dục, chơi thể thao để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng.

Lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế trang thiết bị, đội ngũ y tế phục vụ, thậm chí cả dụng cụ thể dục - thể thao ở cơ sở rất thiếu thốn. Hiện nay, hàng ngày học viên được tập bài thể dục buổi sáng, còn thể thao chỉ có thể chơi được 2 môn: bóng chuyền - là môn thể thao cần có thể lực tốt mới chơi được nên học viên tham gia rất hạn chế; cầu lông - môn thể thao nhẹ, nhưng khó phổ biến đại trà do thiếu sân bãi. Vì vậy, vào giờ chơi thể thao buổi chiều, rất nhiều học viên… ngồi chơi là chính.

“Nếu cơ sở được trang bị các thiết bị dụng cụ thể dục bên ngoài giống các công viên, như: máy đi bộ, máy chạy xe đạp, máy đạp chân, máy tập đẩy tay, máy xoay eo… sẽ rất tốt cho việc tăng cường sức khỏe, thể lực của học viên. Chi phí đầu tư các thiết bị này chỉ khoảng 100 triệu đồng, nhưng “ước” lâu rồi mà chúng tôi không thực hiện được vì không có kinh phí” - ông Lịch bộc bạch.

Việc cho các học viên lao động, đào tạo nghề để thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện cũng là vấn đề trăn trở của lãnh đạo cơ sở cai nghiện. Hiện nay, học viên của cơ sở chỉ có thể làm 2 nghề: bóc hạt điều và đan lát - những nghề rất “kén” việc trong xã hội, nên khả năng tìm được việc làm sau khi về với cộng đồng rất thấp.

Nghệ sĩ Khánh Đan (Nhà hát nghệ thuật cải lương Đồng Nai) biểu diễn giao lưu với học viên Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai.
Nghệ sĩ Khánh Đan (Nhà hát nghệ thuật cải lương Đồng Nai) biểu diễn giao lưu với học viên Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai.

* Thèm được quan tâm

Ông Hồ Trí Lịch cho biết trong quá trình cai nghiện, để học viên thêm quyết tâm thì sự quan tâm của gia đình, người thân rất quan trọng, là động lực để người cai nghiện từ bỏ thói quen xấu trước kia. Vì thế, ngoài chế độ thăm nuôi hàng tuần, cơ sở còn đề ra các chương trình: “Hội nghị gia đình học viên”, “Theo dấu chân học viên”.

Hàng năm, cơ sở có 2 lần tổ chức các chương trình nói trên để gặp gỡ gia đình học viên, gặp gỡ học viên đã trở về cộng đồng để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, động viên tránh xa ma túy cũng như môi trường xấu. Thế nhưng số gia đình, người thân tham gia chương trình rất ít, thường chỉ đạt tỷ lệ 10-15%, vì thế hiệu quả chương trình chưa đạt như mong muốn.   

Quá trình điều trị cai nghiện đã khó, quá trình phấn đấu để người cai nghiện không tái nghiện càng gian nan gấp trăm lần.

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, cho biết đã có trường hợp học viên cai nghiện xong, xin ở lại cơ sở thêm một thời gian dài để chắc chắn đã đoạn tuyệt với ma túy. Vậy mà trở về cộng đồng chỉ vài tháng, sau một lần đi chơi với bạn, lúc “xỉn” lên bị bạn rủ rê họ lại cao hứng “phê” một lần, thế là tái nghiện.

Háo hức tham dự buổi giao lưu, nói chuyện chuyên đề do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức, học viên P.T. (ngụ phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) rất tự tin lên sân khấu biểu diễn khá chuyên nghiệp ca khúc Hát với dòng sông trong tiếng vỗ tay cổ vũ nhiệt tình của các học viên. Nhưng khi nghe nghệ sĩ Phương Thảo (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai) hát bài Bông hồng cài áo, P.T. len lén chùi nước mắt, giọng buồn buồn nói: “Em nhớ má em quá. Lâu rồi má chưa vô thăm em. Em biết mình đã làm má buồn nhiều lắm. Lần này cai nghiện xong, trở về em sẽ ráng kiếm việc làm ăn đàng hoàng cho má vui. Má em lớn tuổi rồi, em không muốn làm má buồn nữa…”.

Hà Lam

Tin xem nhiều