Báo Đồng Nai điện tử
En

Bắt đá nở hoa

12:08, 05/08/2017

Khu 18, ấp 3, xã Phú Lợi (huyện Định Quán) đá nhiều hơn đất. Để tìm chỗ gieo hạt bắp, trồng dây tiêu…, vợ chồng ông Nguyễn Đình Lâm (quê tỉnh Nghệ An) cần mẫn bới đá tìm đất. Khi màu xanh cây trồng phủ kín vườn, đá được xếp ngay ngắn theo hàng ranh, ông Lâm đã nghe lời vợ tham gia công tác xã hội.

Khu 18, ấp 3, xã Phú Lợi (huyện Định Quán) đá nhiều hơn đất. Để tìm chỗ gieo hạt bắp, trồng dây tiêu…, vợ chồng ông Nguyễn Đình Lâm (quê tỉnh Nghệ An) cần mẫn bới đá tìm đất. Khi màu xanh cây trồng phủ kín vườn, đá được xếp ngay ngắn theo hàng ranh, ông Lâm đã nghe lời vợ tham gia công tác xã hội.

Hết giờ hành chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lợi Nguyễn Đình Lâm lập tức về nhà phụ vợ việc vườn rẫy.
Hết giờ hành chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lợi Nguyễn Đình Lâm lập tức về nhà phụ vợ việc vườn rẫy.

Hết giờ làm việc ở xã, ông Lâm ra vườn rẫy cùng vợ dọn đá, trồng cây. Đồng bào dân tộc Hoa ở Khu 18 thấy vợ chồng ông Lâm biết cách chinh phục vùng đất đá nên quý và tin tưởng.

* Lều tranh trên đá

Ông Phạm Trung Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Phú Lợi, cho biết Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Đình Lâm là người giỏi việc xã hội lẫn việc gia đình. Chính sự nỗ lực, chịu khó của ông Lâm trong lao động, nuôi dạy các con và nỗ lực học tập đã trở thành tấm gương cho lớp cán bộ trẻ học tập, noi theo.

Kết hôn và có với nhau 3 mặt con, ông Nguyễn Đình Lâm và bà Đinh Thị Mai mới dắt nhau về vùng đất đá Khu 18, ấp 3, xã Phú Lợi lập nghiệp. Ngày ấy, không mảnh đất cắm dùi, vốn liếng mang theo cũng không, vợ chồng ông Lâm chấp nhận cảnh làm thuê làm mướn để sống cho qua ngày.

May nhờ họ hàng cho vay mượn chút ít tiền, vợ chồng ông Lâm mới sang lại 1,5 hécta đất đá của một hộ dân tộc Hoa ở Khu 18 để có đất sản xuất và chốn nương thân. Sẵn cái lều trơ khung của chủ đất trên tảng đá lớn, vợ chồng ông Lâm nhanh chóng cắt tranh mang về lợp lại. Từ đó, Khu 18 có thêm một tổ ấm đầy ắp tiếng cười và 3 đứa trẻ cộc cạch đạp xe trên những con đường lởm chởm đá ra trung tâm xã học mỗi ngày.

Ông Lâm kể, thời điểm năm 1999 khi gia đình ông vào Khu 18 lập nghiệp, vùng đất này dân cư vẫn còn thưa thớt với nhiều cái không, như: không điện, không đường, không giếng khoan... Mùa nắng, người dân ở Khu 18 trong đó có gia đình ông Lâm phải dùng xe đạp thồ từng can nước về sử dụng. Cho nên, ngoài cây điều có khả năng chịu hạn, đồng bào ở đây còn trồng vụ thuốc lá đông - xuân sau khi thu hoạch màu.

Đồng bào người Hoa ở đây quý những người thật thà như vợ chồng ông Lâm. Bà Mai tâm sự, những tháng đầu mới về định cư ở Khu 18, gia đình bà phải ăn cháo rau qua bữa. Khi quen việc rồi thì vợ chồng bà được bà con ở đây thuê làm công nhiều hơn, nên không còn chịu cảnh cháo rau nữa.

Cơm trắng no bụng, ông Lâm càng siêng năng rủ vợ đi làm thuê làm mướn cho các chủ rẫy quanh vùng. Người dân thấy vợ chồng ông Lâm làm được việc nên thuê làm công đến không xuể.

Ông Lâm kể, rẫy vườn của người dân ở Khu 18 khá nhiều nên rất cần người làm thuê. Tuy vậy, nếu thấy người làm thuê không trách nhiệm, làm việc biếng nhác là họ đuổi ngay và dứt khoát lần sau không thuê nữa, cho dù cây thuốc lá, đậu, bắp… trên rẫy chín rục, hư hỏng họ vẫn không thuê người lười biếng làm công.

Rồi vườn điều của gia đình ông Lâm bắt đầu cho thu hoạch. Vụ điều năm đó, vợ chồng ông thu được 3 tấn hạt nên có tiền trả dứt được số nợ mua đất trước đó, đồng thời mua thêm được 6 sào đất nữa. Sau vụ điều, vợ chồng ông Lâm tranh thủ thay lớp tranh mới cho túp lều của gia đình.

 Sự chịu khó của vợ chồng ông Nguyễn Đình Lâm sớm làm cho vùng đất đá Khu 18 nở hoa.
Sự chịu khó của vợ chồng ông Nguyễn Đình Lâm sớm làm cho vùng đất đá Khu 18 nở hoa.

* Đá nở hoa

Được cộng đồng người dân ở Khu 18 quý mến, được vùng đất đá đãi ngộ, vợ chồng ông Lâm càng siêng năng làm thuê làm mướn cho các chủ rẫy ở trong và ngoài xã. Ông Lâm bàn tính với vợ, thu nhập từ việc làm thuê của ông dành vào chi tiêu trong nhà, lo cho các con học tập và đầu tư cho vườn rẫy; còn phần dư sau mỗi vụ thu hoạch điều thì dùng mua thêm đất sản xuất. Từ sự quyết tâm đó, vợ chồng ông Lâm chấp nhận cảnh lều tranh đơn sơ suốt 13 năm để dần tạo lập được 4,5 hécta đất rẫy.

Ông Lâm tâm sự, dù được chính quyền địa phương mời làm cán bộ ấp, cán bộ xã và được huyện, tỉnh tặng giấy khen nông dân sản xuất giỏi, ông vẫn gắn bó với túp lều tranh và đi làm thuê làm mướn để kinh tế gia đình ngày càng vững chắc hơn.

Ông Lâm làm cán bộ hay làm nông dân đều giỏi, 3 con ông đều học cao đẳng và đại học, đồng bào dân tộc Hoa ở Khu 18 đặt cho ông biệt danh “Lâm Nghệ An” để phân biệt với những người cùng tên nhưng không giỏi giang bằng.

Phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi rầm rộ theo chủ trương xây dựng nông thôn mới của xã, huyện về đến Khu 18, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lợi Nguyễn Đình Lâm cùng với những người dân nhạy bén bắt tay vào cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh chăn nuôi dê. Theo gợi ý của ông Lâm, người dân ở Khu 18 và các nơi lân cận mạnh dạn tỉa vườn điều trồng chen tiêu, cà phê vào. Rẫy nào thiếu nước thì kêu thợ về khoan giếng sâu, cùng nhau hiến đất mở đường rộng để đi.

Ông Lâm bộc bạch, để theo kịp bà con ở Khu 18 trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi khi bận công việc xã, hết giờ hành chính và tranh thủ cả những ngày nghỉ, ông cùng vợ ra vườn gom đá, đào lỗ trồng tiêu, mít...

Cũng vì nông thôn mới, ông “Lâm Nghệ An” mới dám bỏ ra 400 triệu đồng để xây căn nhà khang trang để ở và ngừng việc đi làm thuê làm mướn. Giờ ông “Lâm Nghệ An” thay đổi suy nghĩ, ông cho rằng cần tập trung vào đầu tư vườn rẫy, chú tâm làm tốt hơn nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lợi cho phù hợp với nông thôn mới kiểu mẫu.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều