Báo Đồng Nai điện tử
En

20 năm tìm kiếm những nghị lực sống đáng trân trọng

09:06, 16/06/2017

Triển lãm Mưu sinh và 2 quyển sách ảnh của Trần Thế Phong vừa ra mắt công chúng tại Nhà triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, TP.Hồ Chí Minh), giới thiệu 108 bức ảnh được chụp từ năm 2008 đến nay. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 11 và cuốn sách ảnh thứ 6 của Trần Thế Phong trong 20 năm cầm máy ảnh.

Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong

Triển lãm Mưu sinh và 2 quyển sách ảnh của Trần Thế Phong vừa ra mắt công chúng tại Nhà triển lãm thành phố (92 Lê Thánh Tôn, TP.Hồ Chí Minh), giới thiệu 108 bức ảnh được chụp từ năm 2008 đến nay. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 11 và cuốn sách ảnh thứ 6 của Trần Thế Phong trong 20 năm cầm máy ảnh.

Những bức hình trong triển lãm Mưu sinh này được chụp ở nhiều vùng miền; Huế, Hà Nội đều có nhưng nhiều nhất là ở TP.Hồ Chí Minh, nơi gắn liền với tuổi thơ “bụi đời” thật sự của Trần Thế Phong. Không chọn góc nhìn bi lụy, đau khổ mà lạc quan vui sống, rõ ràng Trần Thế Phong có được sự đồng cảm, thông hiểu về  cuộc mưu sinh của những người buôn gánh bán bưng tại các thành phố lớn.

Trần Thế Phong sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Anh là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh TP.Hồ Chí Minh. Tại triển lãm ảnh Mưu sinh, Trần Thế Phong ra mắt 2 tập sách ảnh vừa mới phát hành, đó là 45 ngày tại Thụy Sĩ (tháng 3-2017), và Mưu sinh (tháng 5-2017). Tác giả sẽ trích 50% số tiền thu được từ bán sách ảnh để hỗ trợ học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

“Trong đời người, có ai không phải trải qua cuộc sống mưu sinh. Với tôi, hai chữ mưu sinh đã thấm sâu vào trong tâm trí từ khi tôi tròn 6 tuổi. Số phận đã đưa đẩy tôi bước vào cuộc sống tự lập từ thuở bé, phải mưu sinh bằng những công việc như bán vé số, bán báo, bán kem… Và từ đó tôi lớn lên với nhiều công việc khác nhau, cho đến khi tôi đến với nhiếp ảnh - một nghề giúp tôi mưu sinh trong 20 năm nay. Tôi nhận ra nhiếp ảnh không chỉ là nghề giúp tôi kiếm sống, mà đó còn là cái duyên, cái nghiệp của mình. Những trải nghiệm về cuộc sống đường phố từ thuở bé là một may mắn với tôi, cho tôi có được sự đồng cảm với những mảnh đời mưu sinh, từ đó mang lại cho tôi nhiều cảm xúc để theo đuổi và lưu giữ lại những hình ảnh mưu sinh ở một số vùng miền trên quê hương đất Việt” - Trần Thế Phong chia sẻ.

Với tuổi đời và tuổi nghề như Trần Thế Phong, để có được 11 triển lãm cá nhân và 6 sách ảnh quả là không đơn giản, tại Việt Nam thật ít người làm được. Đây là chưa nói nghệ sĩ đường phố này cũng đã có hơn 100 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế, trong đó có những giải thưởng lớn. Có 2 chủ đề gần như xuyên suốt trong ảnh của Trần Thế Phong là trẻ em và mưu sinh đường phố, nhưng tư tưởng xuyên suốt lại là cuộc tìm kiếm những nghị lực sống đáng trân trọng. Từng là trẻ bụi đời, sống cạnh những hiểm nguy, cám dỗ, khinh miệt, nhưng lớn lên anh lại cố gắng nhìn đời bằng con mắt lạc quan. Thật không đơn giản để làm được như vậy, dù vô tình hoặc hữu ý.

“Khi tiếp cận cuộc mưu sinh, tôi đã học được nhiều điều ở họ, trong đó có tinh thần lạc quan cho dù cuộc sống có bao khó khăn, cơ cực. Ý chí, sự siêng năng, nghị lực sống, tình thương và bổn phận, trách nhiệm với gia đình ở họ rất cao... Họ có những điều mà đa phần chúng ta khó có được, đó là sự nhẫn nại, bình dị, biết an phận, chỉ mong muốn mưu sinh để kiếm bữa cơm hàng ngày, lo cho cuộc sống gia đình. Họ sống mộc mạc, không mưu toan, tranh giành hoặc tính kế hại ai” - Trần Thế Phong nói.

Trần Thế Phong nói thêm: “Ngoài sự đồng cảm, tôi thích tiếp cận họ với góc nhìn đầy lạc quan. Bởi vì tôi mong muốn xã hội, mong muốn những người có cuộc sống đủ đầy, sang trọng hơn không nhìn họ bằng ánh mắt thương hại mà bằng sự cảm phục, trân trọng”.

Hiền Hòa

Tin xem nhiều