Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ rừng mùa mưa

10:06, 12/06/2017

Tháng 6 mưa dầm, đường vào Trạm Kiểm lâm Suối Ràng (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, gọi tắt Khu bảo tồn) trơn trượt, dễ té ngã. Một mình lạc giữa cơn mưa, chúng tôi sợ sấm sét và sự xuất hiện đột ngột của voi hơn là sợ cây rừng cản lối làm té xe.

Tháng 6 mưa dầm, đường vào Trạm Kiểm lâm Suối Ràng (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, gọi tắt Khu bảo tồn) trơn trượt, dễ té ngã. Một mình lạc giữa cơn mưa, chúng tôi sợ sấm sét và sự xuất hiện đột ngột của voi hơn là sợ cây rừng cản lối làm té xe.

Mỗi năm, Trạm Kiểm lâm Suối Ràng thu cả ngàn dây bẫy tại khu vực rừng trạm quản lý. Trong ảnh: Trạm trưởng kiểm lâm Nguyễn Văn Lập kiểm tra thu hồi dây bẫy.
Mỗi năm, Trạm Kiểm lâm Suối Ràng thu cả ngàn dây bẫy tại khu vực rừng trạm quản lý. Trong ảnh: Trạm trưởng kiểm lâm Nguyễn Văn Lập kiểm tra thu hồi dây bẫy.

Mùa mưa, những cánh rừng thuộc quản lý của Trạm Kiểm lâm Suối Ràng âm u, nhiều muỗi, vắt. Tuy vậy, bước chân tuần rừng của các kiểm lâm viên trong trạm vẫn bền bỉ leo lên các con dốc: 8 Hơi, Kỳ Đà Lật Ngửa, Song Nàng... để quan sát rừng bình yên rồi mới trở về trạm.

* Nơi mặt trời “thức muộn, ngủ sớm”

Năm nàp cũng vậy, con voi ngà lệch dẫn đàn về phá Trạm Kiểm lâm Suối Ràng từ 1-2 lần. Mỗi lần như vậy, kiểm lâm viên trong trạm phải mất mấy ngày dọn dẹp, khôi phục lại vườn rau, chuồng gà... “Chúng tôi còn phát hiện khu vực rừng Suối Ràng có dấu vết beo rừng. Riêng các họ thú móng guốc, như: nai, bò tót và loài khỉ thì gặp thường xuyên khi tuần rừng” - Trạm trưởng Nguyễn Văn Lập cho hay.

8 giờ sáng, mặt trời vẫn buông những tia sáng yếu ớt xuống những cánh rừng trong Khu bảo tồn. Chúng tôi ghé Trạm Kiểm lâm Suối Cốp hỏi thăm đường vào Trạm Kiểm lâm Suối Ràng thì được kiểm lâm viên Hồ Giêng hướng dẫn kỹ càng và giục đi nhanh để tránh cơn mưa sắp đến. Kiểm lâm viên Hồ Giêng còn cảnh báo, mưa dễ làm cây rừng bật gốc chắn lối đi; kiểm lâm phải dùng dao, rựa dọn lối đi, còn nhà báo chỉ có máy ảnh thì chỉ còn cách quay về.

Lời cảnh báo của kiểm lâm viên Hồ Giêng làm chúng tôi lo lắng vì sợ hỏng chuyến đi và sợ Trạm Kiểm lâm Suối Ràng không có sóng điện thoại để liên lạc nhờ hỗ trợ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có thêm nỗi sợ là giữa đường gặp voi và những tiếng sấm sét gầm trên đầu đúng lúc xe hỏng máy thì nguy.

Vượt qua cơn mưa rừng nặng hạt với lo lắng miên man, chúng tôi phải cài xe máy số 1, số 2 để vào Trạm Kiểm lâm Suối Ràng vì đường rất xấu và đôi lần té ngã khi bò lên, tuột xuống đồi Song Nàng, dốc Đất Đỏ. Mất gần 1 giờ cho đoạn đường 14km, chúng tôi cũng đến được Trạm Kiểm lâm Suối Ràng. Gặp chúng tôi, Trạm trưởng Nguyễn Văn Lập cho biết ông chờ chúng tôi lâu đến mức cái bình trà 1 lít trên bàn đã cạn.

Các kiểm lâm viên phải thu người dưới tán lồ ô khi đi tuần rừng.
Các kiểm lâm viên phải thu người dưới tán lồ ô khi đi tuần rừng.

Trạm Kiểm lâm Suối Ràng có 7 kiểm lâm viên nhưng phải quản lý gần 5 ngàn hécta rừng tự nhiên. Trạm trưởng Lập tâm sự, đúng ra biên chế của trạm có 8 kiểm lâm viên, do kiểm lâm viên Nguyễn Văn Tiến (con trai già làng Năm Nổi) vừa nghỉ hưu hồi đầu tháng nên Khu bảo tồn chưa kịp bổ sung biên chế mới cho trạm. Còn lại 7 người, Trạm trưởng Lập vẫn phân công người trực, tuần rừng và xoay vòng cho mọi người nghỉ cuối tuần theo đúng quy định.

Dù tách biệt với khu vực dân sinh, những cánh rừng thuộc sự quản lý của Trạm Kiểm lâm Suối Ràng vẫn bị tác động của con người tại các khu vực giáp ranh với huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) và xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Đối tượng tác động vào rừng phần lớn là phụ nữ, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số và một số ít người Kinh. Họ vào rừng để hái đọt mây, lá díp và săn bẫy thú nhỏ…

9 giờ sáng, mặt trời vẫn chiếu những tia sáng yếu ớt xuống những cánh rừng sau cơn mưa. Mấy con chó ở Trạm Kiểm lâm Suối Ràng thật dễ thương, gặp khách lạ chúng quấn quýt mừng rỡ chứ không sủa bậy.

Trạm trưởng Lập tỏ bày, trạm nuôi mấy chú chó để xua đuổi rắn, diều hâu bắt gà của trạm nuôi (để cải thiện đời sống), chứ không phải huấn luyện chúng tuần rừng. Những tháng mùa mưa, rừng Suối Ràng rất ẩm ướt nên sinh nhiều vắt, mòng, muỗi.

* Vết vắt kỷ niệm

Trời lại đổ mưa to, Trạm trưởng Lập vừa nấu ăn vừa kể chuyện rừng cho chúng tôi nghe để chờ 2 nhóm tuần rừng của các kiểm lâm viên: Trường, Phong, Hoàng, Ngọc và Minh về. Hôm nay, lẽ ra Trạm trưởng Lập ra Khu bảo tồn có công việc nhưng vì chúng tôi đến thăm nên ông phải ở lại trạm nấu cơm, tiếp khách.

Trên 22 năm gắn bó với những cánh rừng: Mã Đà, Hiếu Liêm và Vĩnh An, Trạm trưởng Lập đã trải qua nhiều nhiệm vụ, như: thiết kế rừng, kiểm lâm viên các trạm, kiểm lâm cơ động… nên ông có nhiều chuyện để kể. Rằng thời “phá” rừng còn được coi là “thành tích”, ông phải đấu tranh tư tưởng giữa “làm bảo vệ rừng chân chính hay là lâm tặc” đến mệt cái đầu. Rồi rừng thiêng, nước độc làm ông nhiễm sốt rét, khiến ông phải nằm trạm xá xã đến quen mặt và cưới được y tá làm vợ.

Bữa cơm trưa do Trạm trưởng Lập nấu vừa được dọn ra thì nhóm tuần tra rừng của 2 kiểm lâm viên Trường và Phong kịp về tới trạm.

Kiểm lâm Phong mới có 5 năm ở rừng nhưng cơ thể anh đã mang nhiều vết sẹo do vắt, mòng cắn. Riêng con mắt trái của anh thì bị rách giác mạc vì cây rừng quẹt phải, làm giảm thị lực ít nhiều.

Kiểm lâm viên Trường có gần 10 năm ở rừng nên sẹo vắt cắn đầy chân tay. Kiểm lâm Trường cho hay dù được bôi thuốc chống muỗi, vắt trước khi đi rừng nhưng thuốc bị nước mưa, khi lội qua suối bị nước làm trôi hết thuốc nên mất tác dụng. Vắt, muỗi cắn nhiều nên hôm nào không bị cắn cũng làm các anh thấy nhớ.

Hôm nay, rừng ở khu vực dốc 8 hơi bình yên nên các anh đỡ mệt. Hôm nào tuần rừng gặp dấu chân lạ, các kiểm lâm viên phải theo dõi đến chiều tối mới về và sáng hôm sau phải vào rừng thật sớm để mật phục. Công việc kiểm lâm của các anh cứ lặp đi lặp lại như vậy, hết mùa mưa đến mùa nắng vẫn không ai chán nản, miễn sao rừng bình yên là mừng.

Trạm trưởng Lập cho hay mỗi năm Trạm Suối Ràng thu hồi cả ngàn bẫy thú các loại. Rừng Suối Ràng là rừng lồ ô chen gỗ lớn nên có những bãi lồ ô rộng gần trăm hécta. Đây là nơi thú lớn, thú nhỏ trú ngụ và tìm nguồn khoáng để bổ sung cho cơ thể. Để vào các khu vực này tuần tra, thu hồi bẫy, các kiểm lâm viên phải bò dưới các tán lồ ô nên thường bị muỗi, vắt đốt.

Trời quá trưa nhưng nhóm tuần rừng của các kiểm lâm viên: Hoàng, Ngọc và Minh vẫn chưa về trạm để dùng cơm nước. Chúng tôi yêu cầu kiểm lâm viên đưa ra thác Suối Ràng để chụp ảnh. Chỉ 15 phút bên thác Suối Ràng, chúng tôi đã bị gần 20 con vắt cắn đến thâm tím da thịt. Sau khi cầm máu cho chúng tôi, Trạm trưởng Lập cười nói: “Đó là kỷ niệm Trạm Kiểm lâm Suối Ràng tặng nhà báo làm quà”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều