Báo Đồng Nai điện tử
En

Về cù lao Minh

10:05, 28/05/2017

Từ khi cầu Hàm Luông hoàn thành, nối liền đôi bờ cù lao Bảo với cù lao Minh, du lịch tỉnh Bến Tre trở nên khởi sắc, nhất là phía cù lao Minh (gồm các huyện: Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Chợ Lách).

Từ khi cầu Hàm Luông hoàn thành, nối liền đôi bờ cù lao Bảo với cù lao Minh, du lịch tỉnh Bến Tre trở nên khởi sắc, nhất là phía cù lao Minh (gồm các huyện: Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Chợ Lách). Những ngày lễ hoặc cuối tuần, mỗi ngày có đến vài ngàn người từ TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận về đây tắm biển, thưởng thức hải sản bên bờ biển Cồn Bửng - Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú), hoặc dạo chơi trong “vương quốc trái cây của Việt Nam” tại Cái Mơn - Chợ Lách… Cù lao Minh là vùng dừa và cây ăn trái có diện tích lớn nhất tỉnh BếnTre.

Bài 1: Từ bài hát Tiểu đoàn 307

Biết tôi quê tỉnh Bến Tre nên vừa đi tham quan “xứ Dừa” về, ông Nguyễn Quốc Hoàn (công tác ở Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh) gặp tôi liền khoe: “Tôi biết được nơi làm lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307 rồi, ngay tại trung tâm xã Đại Điền (huyện Thạnh Phú). Về tận nơi mới thấy đồng bào Bến Tre hay thật, bà con sống nghĩa tình, thủy chung quá!”.

Trước bia kỷ niệm lễ xuất quân Tiểu đoàn 307.
Trước bia kỷ niệm lễ xuất quân Tiểu đoàn 307.

* Bài hát bất hủ

Việc tập hợp lực lượng, đào tạo, huấn luyện và làm lễ xuất quân của tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của cả Nam bộ ở Đại Điền không phải là chuyện... tình cờ lịch sử. Chỉ cái tên Đại Điền đã nói lên sự trù phú của một địa bàn nông thôn ruộng vườn “cò bay thẳng cánh”, giàu có bậc nhất trên đất cù lao Minh. Ngoài chuyện đất đai màu mỡ, phong thủy tốt và có nhiều thanh niên hăng hái tòng quân tham gia kháng chiến, làng cổ Đại Điền còn có những địa chủ giàu “nứt đố đổ vách”. Nổi tiếng nhất là Phủ Kiểng (Nguyễn Duy Hinh, 1874-1945), người chiếm hữu 3.906 mẫu ruộng. Năm 1923, ông này cho khởi công xây một ngôi nhà 3 tầng theo kiến trúc châu Âu đầu tiên ở Đại Điền. Khuôn viên của ngôi nhà rộng đến 6 ngàn m2, có hàng rào bao bọc với hệ thống cột đèn điện, hồ chứa nước, đường dẫn vào kho lúa, cầu thang lên sân thượng có hồ bơi… với toàn bộ vật liệu đặt mua từ bên Pháp. Công trình kiến trúc đồ sộ này được báo chí và người dân thời bấy giờ gọi là… “Thành” Phủ Kiểng. Nay “Thành” Phủ Kiểng là Trường đoàn Lê Văn Quang của tỉnh Bến Tre.

Mới đây, một số người quen ở Quảng Trị và Quảng Bình, vốn là thanh niên xung phong và bộ đội Trường Sơn, được tôi đưa về thăm quê hương Đồng Khởi. Vừa bước tới bia lưu niệm lễ xuất quân của Tiểu đoàn 307 thì trời bất chợt đổ mưa, nhưng các chị vẫn lấy điện thoại di động ra chụp ảnh và hào hứng hát vang: “Lẻ bảy, Tiểu đoàn lẻ bảy, đoàn quân lẻ bảy, kể từ ngày ấy, đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy”… Thật không ngờ, bài hát Tiểu đoàn 307 có sức lan tỏa và vang xa đến thế.

Ngay lần đầu nghe cố nhạc sĩ Quốc Hương hát (không có dàn nhạc) bài này trong buổi giao lưu với toàn thể nữ công nhân Nhà máy may Đồng Nai vào một tối đầu năm 1977, tôi đã bị mê hoặc bởi giai điệu rộn ràng, phấn chấn của… “Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy”… Lời hát đơn sơ, mộc mạc, dễ nghe, dễ nhớ và dễ hát theo, nhưng nghe cứ vang vang và có sức thúc đẩy mạnh mẽ.

Sau đó, rất nhiều lần tôi được nghe bài hát này trong các cuộc họp mặt, sinh hoạt văn nghệ, kể cả trong đám cưới. Hình như đây là bài hát ai cũng biết và có người không thuộc hết lời, nhưng vẫn nhớ được từng đoạn. Mãi rất lâu sau này tôi mới biết tác giả của bản nhạc bất hủ này là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, tên thật là Nguyễn Văn Bầy (1917-1980), quê Mỹ Tho, tham gia bộ đội năm 1945, từng có sáng tác đầu tay là bài Phá đường phổ nhạc từ thơ Tố Hữu.

Theo nhạc sĩ Dân Huyền, vào cuối năm 1949, Tư lệnh Khu 8 Trần Văn Trà phát động sáng tác ca khúc biểu dương Tiểu đoàn 307 mới thành lập đã ra quân đánh thắng nhiều trận lớn vang lừng.

Ngay đầu năm 1950, nhà thơ Nguyễn Bính, cán bộ tuyên truyền của Khu 8 đã sáng tác bài thơ Cửu Long Giang dài gần 2 trang đăng trên báo Tổ quốc - Khu 8. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (lúc ấy là Tổ phó Tổ Quân nhạc Khu 8) đọc bài thơ với cảm hứng dạt dào đã phổ nhạc ngay bài thơ thành nhạc phẩm Tiểu đoàn 307 theo thể hành khúc nhịp 6/8, cấu trúc 2 bè.

* Tiểu đoàn oai hùng

Trước khi biết tên tác giả bài hát Tiểu đoàn 307, tôi đã “công phu” tìm hiểu về đơn vị quân sự  “đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy” làm cho “Tiếng tiểu đoàn, bao nhiêu quân Pháp run rẩy, sợ hãi” này.

Theo đó, để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, vào ngày 1-5-1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 đã quyết định thành lập một đơn vị chủ lực cơ động chiến đấu, bao gồm lực lượng vũ trang của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre. Với quân số 1,2 ngàn người, trang bị chủ yếu là súng trường, mã tấu… do đồng chí Đỗ Huy Rứa chỉ huy và đồng chí Hồng Long làm chính trị viên, sau hơn 2 tháng tập trung huấn luyện, vào ngày 5-7-1948, Tiểu đoàn liên quân lưu động (tên gọi ban đầu của Tiểu đoàn 307) làm lễ xuất quân tại căn cứ Giồng Luông (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú).

Đúng như lời bài hát: “Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi… Nguyện một lòng gìn giữ non sông”, Tiểu đoàn đã hùng dũng tiến về hướng Mỹ Tho.

Ngày 16-8-1948, tiểu đoàn đánh trận đầu tiên diệt đồn Mộc Hóa và hôm sau đánh tiếp đoàn quân địch tiếp viện, diệt 300 tên địch, thu 300 súng, trong đó có 3 súng cối 60 ly và hàng chục đại liên, trung liên…

Và rồi, trong thế: “Lưỡi gươm vung với cánh tay sắt, đầu giặc rụng, nổ súng đồng đồn giặc vỡ tan”, tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Khu 8, cũng là đơn vị cơ động đầu tiên của Nam bộ đã liên tiếp lập nên nhiều chiến công vang dội khắp cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, như: Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu...”.

Trong 6 năm, Tiểu đoàn 307 đã đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ và diệt hàng ngàn tên địch. Trung tướng Nguyễn Văn Tiên, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 từ năm 1949-1954, cho rằng bài hát Tiểu đoàn 307 có sức động viên, cổ vũ rất lớn. Tiểu đoàn tuy “đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy”, nhưng cũng có những tổn thất, hy sinh. Vậy mà, thanh niên khắp vùng Cửu Long Giang nghe tiếng Tiểu đoàn 307 đã hăng hái, tình nguyện đầu quân, giúp cho quân số đơn vị luôn ổn định ở mức 1,2 ngàn chiến sĩ cho đến tận ngày đình chiến, tập kết ra miền Bắc làm nhiệm vụ mới.

Bùi Thuận

Bài 2: Ngậm ngùi nhớ vụ thảm sát Thạnh Phong

Tin xem nhiều