Báo Đồng Nai điện tử
En

Tội nghiệp… con voi

10:05, 05/05/2017

Mấy ngày nay, đêm nào ông Nguyễn Văn Thi và người dân ở ấp 4 (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cũng thức trắng vì đàn voi rừng lại về phá rẫy.

Mấy ngày nay, đêm nào ông Nguyễn Văn Thi và người dân ở ấp 4 (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cũng thức trắng vì đàn voi rừng lại về phá rẫy.

Voi cái trưởng thành (chụp bằng bẫy ảnh). Ảnh: Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cung cấp
Voi cái trưởng thành (chụp bằng bẫy ảnh). Ảnh: Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cung cấp

Chuyện voi về kiếm ăn, phá rẫy với người dân xã Thanh Sơn không còn là chuyện lạ. Năm nào cũng xảy ra chuyện voi về phá rẫy, nhất là khi vào mùa thu hoạch. Chỉ từ cuối tháng 2 đến nay đã có cả chục lần đàn voi rừng ra khu vực rẫy của dân để kiếm ăn.

Túng làm liều

“Mấy “ông Bồ” đi thành đàn đâu khoảng chừng 9-10 con, tiếng bước chân của mấy ổng rầm rập nghe mà thất kinh. Bao nhiêu chuối, mía, xoài trên rẫy mấy ổng đạp, quật ngã đổ hết, sau khi mấy ổng rút đi, rẫy tan hoang như bãi chiến trường, người dân chỉ còn nước ngồi khóc. Trước đây, tụi tôi thấy mấy “ổng” về thì gõ xoong nồi, thùng phuy, kẻng cho mấy ổng rút, riết rồi mấy ổng cũng quen không còn sợ tiếng động, tụi tôi phải chuyển qua đốt lửa, tự bảo vệ mình là chính chớ cũng không ngăn được mấy ổng phá rẫy. Mà lóng rày mấy ổng về nhiều hơn hồi trước, chắc tại năm nay thời tiết kỳ cục quá, rừng thiếu thức ăn nên mấy ổng đói. Ông bà mình nói “Đói ăn vụng, túng làm liều”. Voi cũng vậy thôi, tội nghiệp… ”.

Theo Sách đỏ thế giới, voi châu Á xếp loại EN (nguy cấp); Sách đỏ Việt Nam xếp loại voi là CR (cực kỳ nguy cấp); Nghị định số 32/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xếp voi châu Á vào nhóm IB là loài nguy cấp quý hiếm cần có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt.

Mà tội nghiệp thiệt. Ông Lê Việt Dũng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho biết theo khảo sát của ngành kiểm lâm, trước năm 2000 đàn voi ở Đồng Nai có khoảng 20 con với 3 con đực, 3 con cái, 4 con nhỏ và một số voi nhỡ.

Mới đây qua điều tra khảo sát bằng đặt bẫy ảnh, xác định đàn voi hiện còn khoảng 14 con, trong đó có 2 con voi ngà lệch nổi tiếng. Bầy voi chia thành 2 đàn, một đàn 6 con, một đàn 7 con, có một con voi ngà lệch bên phải thường đi một mình.

“Cả nước chỉ còn 3 khu vực có số lượng voi đủ lớn là: Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai với khoảng dưới 200 cá thể. Riêng tại Đồng Nai, đàn voi được đánh giá cơ cấu đàn tốt, có khả năng sinh sản cao vì trong đàn có voi con, voi bán trưởng thành và voi trưởng thành, đặc biệt có 2 voi con sinh trong năm 2016. Tuy nhiên, đàn voi quý hiếm này đang đối mặt nhiều nguy cơ, nếu không có những biện pháp bảo tồn tích cực và hữu hiệu thì có thể sẽ bị tuyệt chủng” - ông Dũng nhấn mạnh.

Rừng ngày càng thu hẹp, trong khi vùng hoạt động của voi rất rộng, một voi cái trưởng thành cần diện tích khoảng 6 ngàn hécta, một con voi đực cần khoảng 20 ngàn hécta để di chuyển kiếm thức ăn. Mùa khô hiếm nước và thức ăn, một ngày voi có thể di chuyển tới hơn 30km trên diện tích khoảng 40 ngàn hécta.

Sinh cảnh rừng cũng xuống cấp khiến voi thiếu thức ăn và muối khoáng, dẫn đến voi phải đến khu vực có người sinh sống, sản xuất để tìm thức ăn, từ đó gây ra xung đột giữa người và voi. Chỉ trong vòng 4 năm đã có 1 người chết, 2 người bị thương do voi rừng gây ra. Ngược lại, đã có 9 cá thể voi rừng bị sát hại; hàng ngày voi rừng vẫn ra phá hoại mùa màng gây thiệt hại về vật chất hàng tỷ đồng/năm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tinh thần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục ngàn người dân sống ven rừng...

Người và voi, bên nào “tội nghiệp” hơn?

Sống trong khu vực voi thường hoạt động kiếm ăn, như xã Phú Lý, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), xã Tà Lài (huyện Tân Phú) phần lớn là nông dân nghèo, sinh sống chỉ biết dựa vào cây trồng trên rẫy. Voi kiếm ăn, phá rẫy là phá luôn nồi cơm của dân, bởi vậy dân có nhiều lý do để “ghét” voi khi bao nhiêu mồ hôi, công đổ ra hàng mấy tháng trời bị voi phá nát chỉ trong một đêm.

Vì vậy, có người đã đầu độc voi để “trả thù” bằng cách cho thuốc trừ sâu vào chuối, mía, mà con voi bị chết vì nhiễm độc vào năm 2010 (bộ xương đang lưu giữ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) là bằng chứng. Rồi bản thân con voi cũng “có giá”, nhất là cặp ngà, trở thành đối tượng bị săn bắn ráo riết…

Chung sống hòa bình

Người và voi xung đột, giữ bên nào?

Chuyện di dời đàn voi rừng sang khu vực khác là hoàn toàn không thể thực hiện, bởi trong nước không có các diện tích rừng khác đủ lớn và phù hợp cho đàn voi sinh sống, kinh phí để di dời một đàn voi cũng không nhỏ.

Trước đây, rừng liền mạch từ dãy Nam Trường Sơn đến Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông, như: Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Đồng Nai, giờ thì rừng bị “phân lô” từng đoạn, một số địa phương không giữ được rừng nên địa bàn để voi di chuyển ngày càng hiếm hoi.

Còn nhớ, 2 đợt di dời voi từ Đồng Nai lên Đắk Lắk trước đây vào năm 1993 và 1999 đều thất bại thảm hại, vừa tốn kém tiền của, công sức, nhân mạng (một chuyên gia Thái Lan bị voi quật chết) vừa không đạt hiệu quả mong muốn vì đàn voi sau khi bị di dời đã chết gần hết do không thích nghi được với môi trường mới, số còn sống sót cũng “dạt” trở lại địa bàn cũ.

Và tại sao phải di dời khi đàn voi hiện tại là tài sản quý hiếm của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung, có thể trở thành tiền đề để phát triển ngành du lịch?

Di dân ra khỏi vùng voi hoạt động cũng không phải là biện pháp khả thi vì voi luôn mở rộng phạm vi hoạt động đến các địa bàn dân cư khác. Hay nói cách khác, khó có thể xác định được giới hạn vùng hoạt động của voi, bởi voi đâu có chịu “định canh định cư”.

Chính vì vậy, Đồng Nai chọn giải pháp voi và người “chung sống hòa bình” bằng cách lập hàng rào điện để ngăn đàn voi vào khu dân cư. Nguyên tắc chung của hàng rào điện là dùng nguồn điện có dòng ampe thấp (< 12mA) gây giựt, gây hoảng sợ nhưng không làm chết voi, thú rừng và ngay cả con người.

Bản năng của voi là không đi qua các khu vực đã ngăn chặn và đã từng bị điện giật, do vậy việc áp dụng hàng rào điện chặn hướng voi về tấn công phá hoại mùa màng là biện pháp được đánh giá là tích cực.

Song song đó, đề án “Tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020” của Đồng Nai cũng hướng đến các hoạt động tuyên truyền người dân vùng có voi rừng hoạt động có ý thức bảo tồn voi, không trồng các loại cây voi thích ăn (mía, chuối, xoài…) để hạn chế việc voi phá rẫy; khôi phục, cải tạo và mở rộng sinh cảnh tự nhiên có quần thể voi; cải thiện sinh cảnh sống tự nhiên để đảm bảo môi trường sống ổn định bền vững cho các quần thể voi; xác định diện tích trồng cây thức ăn, cây thuốc trị bệnh bổ sung cho voi; bổ sung điểm cung cấp khoáng chất cho voi…

Nếu đề án được thực hiện, con voi sẽ… sướng như tiên. Xung đột giữa người và voi xem như đã có biện pháp giải quyết, nhưng con voi đã thật sự “yên” chưa?

Ông Lê Việt Dũng cho biết, đàn voi ở Đồng Nai cũng đang đối mặt với nguy cơ có thật khác, đó là tình trạng đồng huyết, cận huyết do sự giao phối hẹp trong bầy. Để hạn chế vấn đề này, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã đề xuất phương án “lấy chồng ngoại” cho voi bằng giải pháp mượn của Thái Lan 2 con voi đực để giao phối với voi cái bản địa, hoặc mượn voi từ Sơn La đưa vào. Phương án này cho đến nay được các chuyên gia đánh giá là khả thi nhất, bởi voi mượn đều có nguồn gốc là voi châu Á, bảo tồn được gen loài voi bản địa.

Diện tích khu vực voi thường xuyên sinh sống vào khoảng 52,7 ngàn hécta phân bố ở các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán và Tân Phú. Dự án khẩn cấp bảo tồn voi của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014-2020 có tổng vốn đầu tư là 85 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 45 tỷ đồng. Dự án tiến hành xây dựng hệ thống hàng rào điện dài 50km (30km cố định và 20km di động) cùng với 20km đường cặp theo hàng rào cố định để bảo vệ voi, hạn chế xung đột giữa người và voi. Dự án đang thực hiện phần cắm cọc hàng rào.

Hà Lam


 


 

 

 

Tin xem nhiều