Báo Đồng Nai điện tử
En

Những mảnh đời du cư

10:05, 05/05/2017

Gia đình đông con, không có đất canh tác, lại không biết chữ nên nhiều người phải tìm đến các tỉnh xa kiếm sống. Có nhiều gia đình đã cố gắng bám trụ lại một nơi, làm đủ mọi nghề để cố gắng cho con em được học hành đến nơi đến chốn.

Gia đình đông con, không có đất canh tác, lại không biết chữ nên nhiều người phải tìm đến các tỉnh xa kiếm sống. Có nhiều gia đình đã cố gắng bám trụ lại một nơi, làm đủ mọi nghề để cố gắng cho con em được học hành đến nơi đến chốn.

Với công việc hái tiêu thuê, mỗi ngày ông Sô Phát kiếm được khoảng 200 ngàn đồng.
Với công việc hái tiêu thuê, mỗi ngày ông Sô Phát kiếm được khoảng 200 ngàn đồng.

* Bươn chải xa nhà

Nhà có 3 anh chị em nhưng không có ruộng đất cày cấy, nên từ nhiều năm nay ông Sô Phát (quê TX.Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã đi nhiều nơi kiếm việc làm để nuôi sống vợ con. Bắt đầu từ việc cạo mủ cao su thuê ở tỉnh Bình Phước hơn 10 năm trước, một thời gian sau do nhiều chủ vườn bỏ cây cao su và tiền công thợ không còn ổn định, ông theo chân những người cùng quê đến xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) hái tiêu thuê.

“Sau tết, nhiều người ở quê tôi lại khăn gói đến đây hái tiêu thuê. Cả chuyến xe ô tô 52 chỗ đầy ắp người quê tôi đến Cẩm Mỹ làm thuê. Đến cuối mùa, mọi người lại kéo nhau về, một số người bám trụ lại tìm việc làm khác, trong đó phần lớn là những cặp vợ chồng trẻ, thanh niên độc thân nên không lo việc học hành của con cái. Còn tôi, có 2 đứa con đang học ở Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh (xã Lâm San) nên phải tìm nhà ở lại đây, vừa đi làm nuôi con vừa để mấy đứa nhỏ học hết phổ thông. Nghĩ cũng tội, tụi nó theo tôi từ Trà Vinh đến Bình Phước rồi quay lại Trà Vinh, giờ mới ổn định ở đây” - ông Phát tâm sự.

Em Sơn Thị Thanh Tuyền hòa nhập với bạn bè ở môi trường mới.
Em Sơn Thị Thanh Tuyền hòa nhập với bạn bè ở môi trường mới.

Hơn 10 năm rời huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) để phiêu bạt nhiều nơi kiếm sống, anh Thới Tấn Đại đã bán hủ tiếu gõ từ TP.Hồ Chí Minh đến tỉnh Bình Dương, rồi giờ là TP.Biên Hòa.

Anh Đại tâm sự, quê anh nghèo nên nhiều người tìm vào các thành phố lớn, các tỉnh có khu công nghiệp ở miền Nam làm công nhân hoặc bán mì gõ. Bán hàng rong thì nay đây mai đó, đến khi nào tìm được góc đường buôn bán ổn định mới ở lại lâu. “Đi làm xa nhà đâu ai muốn, nhưng ở quê không có ruộng đất canh tác, không có nhiều công ty tuyển lao động nên cũng không có nhiều việc làm. Do sức khỏe có hạn nên khi vào đây tôi tiếp tục cái nghề bán mì gõ đã truyền qua 2 thế hệ của gia đình. Buôn bán ở vỉa hè thời điểm này cũng lo, lỡ bị đuổi cũng không biết bán chỗ nào, tiền đâu mà thuê nổi mặt bằng ở thành phố. Tôi và mấy anh em đồng hương đi bán mì gõ kiếm tiền gửi về nuôi con, chỉ mong tụi nhỏ ăn học cho tốt để sau này có tương lai hơn cha và ông chúng” - anh Đại bộc bạch.

* Học để thay đổi cuộc sống

Em Sơn Thị Thanh Tuyền (học sinh lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh, xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Nhiều lần em xin cha mẹ cho đi làm kiếm tiền phụ nuôi em Trang, nhưng cha mẹ không đồng ý, đồng thời khuyên em phải học tốt sau này mới có cuộc sống tốt hơn. Từ đó, em nuôi ước mơ trở thành giáo viên để có thể truyền đạt những gì đã học được, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như em có thể thoát được cái nghèo”.

Một số cặp vợ chồng đến xã Lâm San hái tiêu thuê đã đưa theo con cái và cho con theo học tại các trường ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều em cho biết cứ 2-3 năm cha mẹ các em lại đến một tỉnh khác để làm việc thời vụ nên việc học các em bị gián đoạn khá nhiều.

Sơn Thị Xuân Trang (học sinh lớp 6/4 Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh, xã Lâm San) theo cha mẹ từ tỉnh Trà Vinh đến xã Lâm San được 2 năm nay. Ở đây, cha mẹ Trang hái tiêu thuê, làm rẫy mướn, còn em và chị gái Sơn Thị Thanh Tuyền ở nhà (thuê của dân địa phương) lo việc cơm nước, đi học. “Ông bà nội, ngoại ở quê có đông con cháu, mà các cậu, dì, cô, chú… đi làm ăn xa gửi con cho ông bà nuôi nên họ chăm sóc tụi em không nổi. Với lại, ở chung mấy anh chị em hay cãi nhau nên cha mẹ em phải về quê rước tụi em theo, rồi cho đi học ở gần chỗ làm. Nếu không tính lần chuyển cấp, em đã học ở 3 trường tiểu học rồi, cứ mỗi lần cha mẹ đổi chỗ làm là tụi em đổi trường học. Mấy lần như vậy, việc học bị ảnh hưởng nhiều lắm, chưa kể lạ chỗ, lạ trường lớp tụi em cũng thấy sợ. May mắn là học ở Trường tiểu học Lâm San vào năm ngoái và Trường THCS Nguyễn Hữu Cảnh năm nay, em được các bạn học yêu quý, thầy cô giúp đỡ, lại được nhận học bổng dành cho học sinh người dân tộc thiểu số nên được khích lệ tinh thần rất nhiều” - Trang cho hay.

Vợ bỏ đi nhiều năm nay, ông Bùi Văn Cường (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) hàng ngày phải đi đục đá thuê để kiếm sống. Khi mỏ đá đóng cửa, ông lại tìm công việc tay chân khác, có khi phải đi làm cách nhà cả trăm cây số để kiếm tiền gửi về nuôi con.

Ông Cường cho hay, do hồi nhỏ không có điều kiện đi học, ông cũng đã đứng tuổi nên khó xin vào làm công nhân trong các công ty nên chỉ có thể làm việc tự do. Những tháng mùa khô, ông có thể làm việc cả ngày dưới trời nắng, nhưng mùa mưa chỉ làm được 2/3 lượng việc, thu nhập vì vậy cũng giảm sút.

“Từ ngày vợ bỏ đi, một mình tôi phải gồng gánh nuôi 3 đứa con nhỏ. Khi tôi đi làm ở tỉnh khác xa nhà ở nhà đứa lớn thay cha trông chừng đứa nhỏ. Dù vất vả nhưng mỗi ngày tôi cũng cố làm việc, dành dụm chút ít để lo cho tụi nhỏ được ăn học nên người. Nhìn tấm gương đời cha khổ do không được học hành tử tế nên mấy đứa con tôi cũng biết phấn đấu học hành, nhờ đó mà tôi có động lực để tiếp tục rày đây mai đó kiếm tiền” - ông Bùi Văn Cường tâm sự.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều