Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa hè vẫy gọi

11:05, 24/05/2017

Tháng 5, ve sầu trên cây réo gọi mùa hè, các bậc phụ huynh với nhiều cung bậc cảm xúc khi con kết thúc năm học. Bao lâu nay, mùa hè của trẻ vui hay buồn phần lớn phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của phụ huynh chứ không còn là quyền quyết định của trẻ.

Tháng 5, ve sầu trên cây réo gọi mùa hè, các bậc phụ huynh với nhiều cung bậc cảm xúc khi con kết thúc năm học. Bao lâu nay, mùa hè của trẻ vui hay buồn phần lớn phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của phụ huynh chứ không còn là quyền quyết định của trẻ.

Trẻ em ở đình cổ Bình Tự (ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) rủ nhau đi bắt ve, bắt còng.
Trẻ em ở đình cổ Bình Tự (ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) rủ nhau đi bắt ve, bắt còng.

Hè đến, những con hẻm ở phố thị xuất hiện nhiều trẻ nhỏ tụ tập vui đùa. Trẻ nhỏ vùng quê thì lem luốc vì nghịch đất, chạy nhảy quá nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ bị “nhốt” trong nhà với chồng sách vở, tivi, điện thoại di động có kết nối internet.

* Nỗi lòng phụ huynh

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng ban Chỉ đạo hè tỉnh, bày tỏ mong muốn các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh cùng với gia đình đem lại cho các em thiếu niên, nhi đồng thật sự có một mùa hè vui tươi, bổ ích và ý nghĩa.

Chồng đột ngột ra đi sau cơn bạo bệnh nên chị Nga (ngụ phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) phải gác lại chuyện đưa con về quê thăm nội ngoại khi mùa hè đến. Mùa hè thiếu cha, anh em Hải và Nhi buồn hơn vì phải lủi thủi trong nhà khi mẹ vào ca đến chiều muộn mới về.

Anh em Hải và Nhi chơi với nhau chán thì mở tivi xem. Đói bụng, cả 2 lục tìm cơm mẹ nấu sẵn ăn cho no rồi đi ngủ trưa. Ngủ dậy, 2 anh em lại bày biện các món đồ chơi ban sáng ra chơi và ngóng tiếng xe mẹ về.

Tranh thủ ngày hè, các học trò nhỏ ở KP.4, thị trấn Vĩnh An đi cắt hom tràm thuê.
Tranh thủ ngày hè, các học trò nhỏ ở KP.4, thị trấn Vĩnh An đi cắt hom tràm thuê.

Thiếu đôi vai của chồng chia sẻ, chị Nga phần muốn tăng ca nhiều hơn trước để có tiền trang trải cuộc sống, phần muốn về sớm để trông nom, dạy dỗ 2 con. “Nghe con thông báo cuối tuần này nghỉ hè, tôi rất lo vì biết các con phải ở nhà mà không có sự chăm sóc của mẹ nhưng không biết nói sao, chỉ biết ậm ừ với các con cho qua chuyện” - chị Nga thổ lộ.

Chị Thu Hoài (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) gửi con ở nhà cô giáo khi hè đến vì vợ chồng chị đều bận công việc. Chị Hoài tâm sự, tiền gửi con tháng hè cao hơn những tháng đi học, nhưng vợ chồng chị rất yên tâm vì tìm được chỗ gửi con uy tín trong ngày hè. Còn chuyện các con của chị ở nhà cô giáo chơi và học ra sao, chị không phải bận tâm nhiều.

Không tìm được hoặc không có điều kiện gửi con ở các điểm trông trẻ ngày hè, nhiều phụ huynh đành “nhốt” con trong nhà để đi làm hoặc nhờ hàng xóm trông coi. Với những phụ huynh có nơi ở rộng rãi, điều kiện sinh hoạt tương đối, hàng xóm lân cận tốt bụng thì phần nào an tâm khi để con ở nhà, còn các phụ huynh sinh hoạt nơi nhà trọ nhỏ hẹp, phức tạp thì khó tránh khỏi nơm nớp âu lo cho con trẻ ở nhà một mình suốt 3 tháng hè.

Không có nơi gửi con ngày hè, phụ huynh lo trẻ ở nhà một mình vì vui đùa quá trớn dễ dẫn đến tai nạn, lêu lổng hoặc bị xâm hại, dụ dỗ làm điều xấu.  Còn “nhốt” con trong nhà, cách ly với bên ngoài sẽ gây cho trẻ tâm lý ù lì, tự ti, mặc cảm. “Nhốt” tụi nhỏ trong nhà để chúng xem tivi, chơi game thỏa thích không đành, nhưng để mặc trẻ lêu lổng suốt ngày với bạn bè ngoài đường cũng không yên tâm. Vợ chồng tôi không biết tính sao khi mùa hè đến” - chị Hồng Tuyến (ngụ phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) tâm sự.

Chuyện nhờ cha mẹ, người thân ở quê lên chăm cháu ngày hè hoặc gửi con trẻ về quê chơi với ông bà, không phải cặp vợ chồng trẻ nào cũng làm được. Phương án “nhốt” trẻ trong nhà hoặc để mặc trẻ lêu lổng với bạn bè suốt ngày hè không phụ huynh nào mong muốn, nhưng đành thực hiện. Cho nên, chứng kiến những đứa trẻ đứng ở cửa sổ nhìn ra đường với sự thèm khát tình thân, rụt rè khi tiếp xúc với bạn bè trong xóm thật sự làm cho nhiều phụ huynh lo lắng khi ve sầu khản tiếng gọi hè.

* Mùa hè hồn nhiên

Hè sắp đến, nhiều em nhỏ ở KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) rủ nhau đi mua kéo rồi hăm hở theo người lớn cắt hom tràm thuê. Tùy theo lứa tuổi và sự nhanh nhạy mà các em được chủ rẫy trả tiền công từ vài chục ngàn đến trên 100 ngàn đồng.

Em Hải Hậu (14 tuổi) cho hay, sau mỗi mùa hè em kiếm được trên 5 triệu đồng. Số tiền này, em mua được sách vở, quần áo và chiếc xe đạp mới.

Trong số em nhỏ cắt hom tràm thuê, em Hiếu (13 tuổi) là tay cắt hom đáng nể. Năng suất làm việc trong ngày của em không thua kém những người cắt hom tràm chuyên nghiệp. Hiếu cười tít mắt thưa chuyện, suốt những tháng hè em vừa có tiền từ công việc cắt hom tràm thuê, vừa được thỏa sức vui đùa cùng bạn bè nơi những vườn tràm giống xanh mượt. Cho nên, ngày hè của em luôn đầy ắp tiếng cười.

Trong khi đó, trẻ nhỏ ở ấp Bến Nôm 2 (xã Phú Cường, huyện Định Quán) thì tranh thủ ngày hè phụ cha mẹ vá lưới, làm ngư cụ. Vài em nhỏ giỏi chèo ghe, giỏi bơi thì theo xuồng máy của cha mẹ đi đánh bắt cá. Em Ngần (14 tuổi) cho biết em theo cha mẹ làm nghề chài lưới từ năm 10 tuổi nên quen việc, quen thức đêm. Ngày hè không phải đến trường, không phải học bài nên em thỏa sức theo cha mẹ đi thả lưới về đêm.

Còn các em nhỏ trên cánh đồng ấp Cây Xoài (xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) thì hò hét cùng người lớn đuổi bắt mấy con chuột đồng trong đám ruộng khô vừa gặt xong. Chụp được chú chuột to em Bình khoái chí chạy đi khoe lòng vòng như mình vừa bắt được vàng, làm cho đám bạn của em ganh tị, đòi chia phần, dẫn đến cãi nhau.

Nơi đình cổ Bình Tự (ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), trẻ em thường hay tụ tập chơi đùa dưới bóng cây dầu trăm tuổi. Cầm vợt bắt ve sầu chán chê, các em đạp xe chạy lòng vòng đến toát mồ hôi rồi túm tụm nhau nói đủ chuyện của trẻ con vẫn không sợ phụ huynh la rầy, cho dù vài em nhỏ vương một chút nắng bụi nên tóc khét nắng và mũi khụt khịt cảm mạo.

Tuy khó tính, nhưng chị Cẩm Nhung (ngụ xã Hiệp Hòa) vẫn để cho con thỏa sức vui đùa với bọn trẻ hàng xóm. Chị Cẩm Nhung bày tỏ, thỉnh thoảng chị nhắc nhở bọn trẻ khi chơi với nhau không được cãi cọ, đánh nhau hoặc xuống ao bắt cua, bắt cá nguy hiểm; lúc nào chơi mệt hoặc trời mưa thì vào nhà chị trú mưa, uống nước nên bọn trẻ rất khoái chí.

Mùa hè của trẻ em nông thôn thật hồn nhiên; con cá, con chuột, hom tràm… các em bắt, lao động mà có được có thể quy đổi thành tiền để dành dụm, tiêu vặt hoặc làm thức ăn cho gia đình. Còn học trò nhỏ vùng đô thị, việc đạp xe chạy quanh trong hẻm nhỏ, sân đình; rủ nhau đi bắt ve, bắt bướm tuy ít gặp, nhưng đó cũng là những ngày hè vui nhộn, không kém ngày hè của các học trò con gia đình khá giả.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều