Báo Đồng Nai điện tử
En

Trao "cần câu cơm" cho người nghèo

11:04, 17/04/2017

Nhìn con bò mộng đang nhẩn nha gặm cỏ, nông dân Tư Nên (ngụ ấp 6, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) tính nhẩm: "Năm đầu, bỏ công nuôi bê lớn lên rồi bán thì lãi được 5 triệu đồng. Nuôi thêm một năm nữa, nó thành bò mộng rồi đem bán thịt thì lãi gần 13 triệu đồng. Nếu bò cái giống, trong 3 năm nuôi tui đã có 2 bò và 1 bê".

 Nhìn con bò mộng đang nhẩn nha gặm cỏ, nông dân Tư Nên (ngụ ấp 6, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) tính nhẩm: “Năm đầu, bỏ công nuôi bê lớn lên rồi bán thì lãi được 5 triệu đồng. Nuôi thêm một năm nữa, nó thành bò mộng rồi đem bán thịt thì lãi gần 13 triệu đồng. Nếu bò cái giống, trong 3 năm nuôi tui đã có 2 bò và 1 bê”.

Bà Chế Thị Hiến (ngụ ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) với chú bê thứ 2 khi bò mẹ chết.
Bà Chế Thị Hiến (ngụ ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) với chú bê thứ 2 khi bò mẹ chết.

Kết quả nuôi bò của ông Tư Nên đã kích thích nhiều người nghèo ở xã Mã Đà tham gia dự án nuôi bò, dê của Mặt trận và Hội Chữ thập đỏ xã nỗ lực hơn nữa. Tuy vậy, không phải con bò, con dê nào cũng thương cho thân phận người nghèo.

* Vận đỏ, vận đen

Ông Tư Nên (ngụ ấp 6, hộ nhận dự án nuôi bò của Ủy ban MTTQ xã Mã Đà) tâm sự ông xem con bò của dự án như thành viên trong gia đình. Bởi vì, nếu ông chăm sóc tốt, con bò sẽ mau lớn, sinh sản được nhiều bê và từ con bò, con bê này sẽ giúp gia đình ông có cơ hội thoát cảnh nghèo khó bấy lâu nay. “Không ai muốn mình rơi vào cảnh nghèo khó hết, nghèo khó là do số phận, điều kiện thoát nghèo không có” - ông Tư Nên nói.

Năm 2015, bà Chế Thị Hiến (ngụ ấp 4) được Hội Chữ thập đỏ xã Mã Đà hỗ trợ vốn 8 triệu đồng (không tính lãi suất), đồng thời vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội ưu đãi cho hộ nghèo 14 triệu đồng để mua con bò cái và bê con trị giá 22 triệu đồng về nuôi. Năm đầu tiên, con bê bị chết, bà Hiến chỉ còn con bò mẹ. Năm thứ 2, con bò mẹ đẻ được con bê đực. Sau đó, con bò cái phát bệnh nên Hội Chữ thập đỏ xã đồng ý cho bà Hiến bán đi, thu về 5 triệu đồng.

Như vậy, sau 3 năm nuôi bò, bà Hiến dù rất cố gắng vẫn chỉ bảo lưu được một phần vốn ban đầu, chưa phát huy được điều mà dự án kỳ vọng. Đó là sự cố khách quan nên Hội Chữ thập đỏ xã Mã Đà rất thông cảm và động viên bà Hiến tiếp tục nuôi dưỡng chú bê đực trưởng thành. Hơn nữa, bà Hiến thuộc diện hộ nghèo B (hộ nghèo có ít nhất một thành viên trong hộ thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật và các thành viên khác trong hộ không có khả năng lao động) nên không bị sức ép bởi kế hoạch xóa nghèo như các hộ nghèo A (hộ nghèo có ít nhất một thành viên trong hộ còn khả năng lao động) khi dự án kết thúc. Bà Hiến tâm sự, dù bước đầu nuôi bò không thành công, nhưng bà vẫn phải quyết tâm nuôi mới có khả năng hoàn vốn cho dự án.

Trong khi đó, con bò mà Hội Chữ thập đỏ xã hỗ trợ cho ông Chế Văn Điệp nuôi vào năm 2015, nay bò mẹ chuẩn bị đẻ bê con thứ 2 và con bê đực đẻ trước đó đã thành chú bò tơ mập mạp. Ông Điệp vẫn có suy nghĩ như ông Tư Nên, sau 3 năm nuôi, ông có 2 bò và 1 bê. Tuy nhiên, ông Điệp khôn khéo tính toán, khi bò mẹ đẻ chú bê thứ 2, ông bán con bò đực tơ và mua ngay con bò cái giống để nhân đàn nhanh hơn.

Hoàn cảnh ông Điệp khá bi đát: ông bị bệnh tim bẩm sinh nhưng phải nuôi thêm người anh trai bị liệt nằm một chỗ. Nguồn sống chủ yếu của anh em ông nhờ vào số gạo Hội Chữ thập đỏ và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Mã Đà hỗ trợ 20 kg/tháng và số tiền trợ cấp cho người tàn tật. Cho nên, ông Điệp dồn hết tâm huyết, thời gian chăm sóc bò với hy vọng sau này có được một số vốn.

6 con dê của bà Đỗ Thị Yến (ngụ ấp 1) gặp khách cất tiếng kêu be he, be he. Bà Yến vác nắm lá cây nhét vào chuồng, bầy dê mới chịu im tiếng. Bà Yên khoe với Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nguyễn Hải Thần, sau khi bán 4 con dê trưởng thành, bà đã hoàn vốn vay của dự án mà vẫn còn dư 6 con, gồm 2 con dê giống đang mang thai và 4 dê tơ. “Dê tui nuôi thường đẻ mỗi lứa 2-3 con. Nhờ vậy mà sau 1 năm nuôi, tui trả được vốn cho dự án. Nếu không bị chết mất 2 con giống thì đàn dê của tui giờ trên chục con” - bà Yến nói.

* Kỳ vọng vào dê, bò

Thuộc diện hộ nghèo B nên bà Yến, ông Điệp ý thức việc mình nhận dự án nuôi dê, bò của Hội Chữ thập đỏ xã hỗ trợ nhằm nỗ lực vươn lên, hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo khó trong tương lai gần. Niềm vui mừng của bà Yến, ông Điệp và sự mủi lòng của bà Hiến qua dự án hỗ trợ hộ nghèo B nuôi bò, dê của Hội Chữ thập đỏ xã Mã Đà đã nói lên tất cả.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mã Đà Nguyễn Hải Thần cho biết từ năm 2014 đến nay, Hội Chữ thập đỏ xã đã triển khai 5 dự án nuôi bò, dê thuộc đối tượng của Hội giúp đỡ. Trong đó, chỉ có hộ bà Hiến gặp trục trặc, nhưng bà vẫn bảo lưu được một phần vốn vay. Bên cạnh hỗ trợ vốn vay không lãi, Hội còn quan tâm xây nhà tình thương, trợ cấp gạo thường xuyên cho họ.

Ngoài dự án hỗ trợ hộ nghèo B nuôi dê, bò của Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban MTTQ xã Mã Đà còn có dự án hỗ trợ dê, bò cho hộ nghèo A.

Chủ tịch MTTQ xã Mã Đà Trần Huỳnh Hạt cho hay thông qua Ủy ban MTTQ huyện, Ủy ban MTTQ xã đã nhận được 43 con bò cái giống và 60 con dê giống cấp cho đối tượng nghèo A và cận nghèo. Mỗi con bò giống trị giá 15-20 triệu đồng, dự án cho vốn (không thu hồi) 15 triệu đồng, số còn lại người được cấp bò bỏ ra. Riêng về dê, mỗi hộ được dự án cấp 4-5 con, trị giá 15 triệu đồng (tùy vào trọng lượng dê mua về) và không phải trả vốn lại cho dự án...

Chính vì được dự án của Ủy ban MTTQ xã cho vốn tới 15 triệu đồng, nguồn dê mua về có xuất xứ rõ ràng và được bảo đảm tiêm phòng nên hấp dẫn người nuôi hơn dự án của Hội Chữ thập đỏ (cho vay không tính lãi nhưng thu lại vốn). Bù lại, trách nhiệm của người được giao con giống là phải quyết tâm cùng Ủy ban MTTQ, chính quyền xã trong 2-3 năm nhận nuôi dê phải thoát nghèo.

Ông Hạt giải thích, đây là dự án của Ủy ban MTTQ đề ra nhằm mục đích chung sức với chính quyền địa phương trong việc giảm nghèo, để xã Mã Đà đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017. Vài năm trước, số hộ nghèo của xã trên 200 hộ, nhưng đến cuối năm 2016 giảm còn 10 hộ nghèo. Quyết tâm của xã là cuối năm 2017 sẽ giảm hộ nghèo chỉ còn con số 4. “Dự án hỗ trợ bò, dê cho người nghèo thôi chưa đủ, mà bằng nỗ lực trong mục tiêu giảm nghèo, xã Mã Đà đã có nhiều chương trình khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; vay vốn sản xuất; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tìm việc làm; xây tặng nhà tình thương; giúp nhau làm kinh tế... Đó mới là giải pháp tổng thể trong việc giảm nhanh hộ nghèo của xã Mã Đà” - ông Hạt chia sẻ.

Con bò, con dê của Hội Chữ thập đỏ hay Ủy ban MTTQ xã Mã Đà dù hấp dẫn hay không hấp dẫn khi người nghèo đem ra so sánh để lựa chọn, nhưng cả 2 dự án đều mang lại hy vọng, cơ hội cho người nghèo, khó khăn, bệnh tật. Nó cũng là “chiếc cần câu” mà Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ xã mong muốn đối tượng được dự án hỗ trợ “câu” được nhiều thành quả để sớm tạo dựng cuộc sống ổn định, tự lực vươn lên bằng chính nghị lực của gia đình.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều