Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhọc nhằn duy tu đường bộ

10:04, 14/04/2017

Giữ nhiệm vụ đảm bảo các tuyến tỉnh lộ an toàn cho xe cộ lưu thông, những công nhân Đội Duy tu, sửa chữa cầu đường của Công ty TNHH Bá Lộc luôn túc trực để kịp thời sửa chữa khi đường xuất hiện "ổ gà", sụt lún, khắc phục các biển báo hư hỏng...

Giữ nhiệm vụ đảm bảo các tuyến tỉnh lộ an toàn cho xe cộ lưu thông, những công nhân Đội Duy tu, sửa chữa cầu đường của Công ty TNHH Bá Lộc luôn túc trực để kịp thời sửa chữa khi đường xuất hiện “ổ gà”, sụt lún, khắc phục các biển báo hư hỏng... Với họ, nắng bụi, mưa dầm, sửa cầu đêm, “vá” đường sớm là điều rất đỗi quen thuộc suốt nhiều năm gắn bó với nghề.

Ông Đỗ Văn Thắng, Đội trưởng Đội Duy tu sửa chữa cầu đường Công ty TNHH Bá Lộc (giữa) cùng công nhân kiểm tra đoạn đường đang được sửa.
Ông Đỗ Văn Thắng, Đội trưởng Đội Duy tu sửa chữa cầu đường Công ty TNHH Bá Lộc (giữa) cùng công nhân kiểm tra đoạn đường đang được sửa.

* Nắng trên đầu, nhựa nóng dưới chân

Ông Đỗ Văn Thắng, Đội trưởng Đội Duy tu, sửa chữa cầu đường của Công ty TNHH Bá Lộc, cho biết: “Các sự cố hư hỏng cầu đường thường bất ngờ, không báo trước nên có những ngày anh em công nhân phải di chuyển từ đầu này đến đầu kia tuyến đường dài hàng chục cây số vì sự cố xảy ra ở 2 đầu. Thậm chí, nhiều lúc đường mới sửa chữa, vừa dọn dẹp xong thì sự cố khác lại xảy ra. Công việc “không tên” của chúng tôi khá nhiều và đã làm thì phải xong việc mới thôi”.

Tháng tư, nắng nóng gay gắt trên đầu. Tỉnh lộ 765, đoạn qua xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), dù đi xuyên qua những rẫy tiêu, điều nhưng màu xanh cây cỏ không thể làm dịu bớt cái nắng nóng ngột ngạt.

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, bà Lê Thị Mừng (ngụ xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc; nhân viên Đội Duy tu, sửa chữa cầu đường) cho hay bà đã có gần 20 năm làm công việc sửa chữa cầu đường.

Cũng chừng ấy năm, bà miệt mài trên những con đường bất kể ngày đêm, có khi sửa chữa đường ở tận các huyện: Tân Phú, Định Quán cách nhà cả trăm cây số, phải ăn ngủ ở nhà trọ đến khi xong việc mới về nhà.

Bà Mừng cho biết, công việc của nữ công nhân ở các công trình sửa chữa cầu đường chủ yếu là quét đường, làm nền đá… Nắng, bụi, mùi nhựa đường nóng phả lên mặt có thể làm những người đi đường nhăn mặt, nhưng với công nhân làm đường, đó là chuyện thường ngày.

"Những ngày mới vào nghề, tôi cảm thấy rất khó chịu; nắng gắt, bụi bay vào mắt cay xè làm tôi thường xuyên chóng mặt, tưởng chừng có lúc phải bỏ việc. Tuy nhiên, làm riết rồi quen, vả lại trang bị bảo hộ bây giờ tốt hơn nhiều so với 20 năm trước rồi” - Bà Mừng tâm sự.

Các nữ công nhân sửa chữa đường xử lý nền đá khi vá “ổ gà” trên đường.
Các nữ công nhân sửa chữa đường xử lý nền đá khi vá “ổ gà” trên đường.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ, đường thủy Đồng Nai, cho biết những công nhân làm công tác duy tu đường bộ có vai trò rất quan trọng, đảm bảo các tuyến đường an toàn cho những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Hiện Đồng Nai có 21 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài trên 430km. Qua nhiều năm sử dụng, các tuyến tỉnh lộ xuất hiện “ổ gà”, lớp nhựa bị bong tróc, biển báo giao thông bị xe lớn va quẹt bị gãy, móp…, đó cũng là lúc công nhân sửa chữa cầu đường sẽ “ra tay”.

Bất kể nắng mưa, nhất là khi có sự cố va quẹt giao thông làm hư hỏng các cây cầu, hoặc khi đoạn đường vừa dọn sạch đất, đá xong lại có xe làm rơi vãi các tảng đất ra đường, công nhân sửa chữa cầu đường phải có mặt ngay để khắc phục.

Mùa khô, công nhân phải đối mặt với thời tiết nắng nóng, lúc thảm nhựa các vị trí cần sửa chữa, nhiệt độ ngoài trời trên 350C, nhiệt độ nhựa đường lên đến 120-1300C, rất dễ khiến công nhân mau mất sức vì nóng.

Nhưng đến mùa mưa, những sự cố xảy ra do trơn trượt, xe va quẹt làm hư hỏng cầu đường, cột mốc… cũng xảy ra khá thường xuyên, đòi hỏi công nhân sửa chữa cầu đường phải chia nhau ra khắc phục liên tục, kể cả làm xuyên đêm để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn và kịp thời.

Ông Bùi Văn Thuần (ngụ xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, nhân viên Đội Duy tu, sửa chữa cầu đường), chia sẻ: “Trước khi vào mùa mưa, một bộ phận của Đội Duy tu, sửa chữa cầu đường sẽ đi nạo vét các mương thoát nước để tránh tình trạng ngập đường. Phải có mặt tại những miệng mương, miệng cống mọi người mới thấy được lý do cứ mưa đến là ngập và sự cực nhọc của anh em công nhân sửa chữa cầu đường. Một số hộ dân sau khi thu hoạch nông sản thường bỏ thân cây xuống suối khiến các miệng cống, mương bị thân cây tạo thành vật cản thoát nước, lâu dần bít miệng mương, cống”.

.* Thường xuyên xa nhà

Làm công nhân sửa chữa cầu đường từ năm 1994, ông Đào Ngọc Dũng (ngụ xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) cho biết ngày ông đi làm chỗ gần nhất cũng cách nhà 5-7 cây số, ngày làm xa có khi cả trăm cây số, tùy thuộc sự cố xảy ra ở đoạn đường nào. Hầu hết công nhân sửa chữa cầu đường đều có tuổi nghề trên 10 năm, rất ít thấy người trẻ tuổi làm công việc này.

Ông Dũng giải thích, do tính chất công việc không làm cố định một chỗ, lại thường xuyên làm việc dưới trời nắng nóng, mưa gió, các phương tiện lưu thông trên đường liên tục nên dễ xảy ra va quẹt, rất nguy hiểm.

“Ngay trên con đường tôi đang đứng (tỉnh lộ 765), có lúc công nhân đang sửa chữa đường thì bị xe máy va quẹt vào người, rất may là không sao. Dù đã có biển báo, nhưng công nhân rất dễ bị nhiều người chở nông sản cồng kềnh va quẹt. Vì vậy, ai làm công việc này đều phải cẩn thận, vừa đảm bảo an toàn lao động vừa tránh sự cố xảy ra" - ông Dũng nói.

Ông Dũng kẻ thêm: "Một số tuyến tỉnh lộ ít xe lớn còn đỡ, các tuyến nằm trên trục đường chuyển hàng, xe chạy ngày đêm khá nguy hiểm khi sửa chữa đường. Nhất là buổi tối, nhiều tuyến không có đèn đường, chúng tôi đi sửa chữa đường phải câu điện nhờ của nhà dân, mỗi người tự mặc áo phản quang, đèn báo chớp nháy để đảm bảo an toàn”.

Do tính chất công việc phải ở ngoài đường cả ngày, di chuyển quãng đường dài nên cuối ngày về nhà, hầu hết công nhân sửa chữa cầu đường ai nấy đều mệt nhoài. Lúc đó, việc nhà thường được các thành viên khác trong gia đình chia sẻ.

Có cặp vợ chồng đều làm công nhân sửa chữa đường nên nhiều khi đi làm nửa tháng mới xong việc. Khi đó, việc nhà, con cái lại nhờ cha mẹ trông giúp. Nhiều người cho hay nếu không có sự cảm thông, san sẻ từ người bạn đời hoặc gia đình thì khó duy trì công việc này lâu được.

Bà Lê Thị Mừng tâm sự: “Tôi quen với công việc tay chân rồi, nhiều lúc có được ngày nghỉ, ngồi ở không cũng thấy bứt rứt trong người. Nhưng đi làm xa nhiều lúc cũng mệt mỏi; tuổi càng lớn, kinh nghiệm trong công việc càng cao, nhưng lại xuất hiện nhiều vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, người nào thật sự yêu nghề, gắn bó với công việc, xem nó như một cái nghiệp mà cả đời theo đuổi thì mới có thể làm lâu dài được”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều