Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhịp cầu nhân ái của "má" Ngọc

10:04, 09/04/2017

Hơn 15 năm gắn bó với công tác Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) Lưu Kim Ngọc thật sự hạnh phúc khi giúp nhiều người tìm lại ánh sáng cuộc sống qua các chương trình mổ mắt nhân đạo; hỗ trợ xe lăn, xe lắc để mưu sinh.

Hơn 15 năm gắn bó với công tác Hội Chữ thập đỏ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) Lưu Kim Ngọc thật sự hạnh phúc khi giúp nhiều người tìm lại ánh sáng cuộc sống qua các chương trình mổ mắt nhân đạo; hỗ trợ xe lăn, xe lắc để mưu sinh.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) Lưu Kim Ngọc (trái) trao đổi công tác với bà Trần Thị Kim Cúc, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) Lưu Kim Ngọc (trái) trao đổi công tác với bà Trần Thị Kim Cúc, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường.

Được bạn trẻ mến mộ gọi là “má” lòng bà Ngọc thêm rộn ràng khi nhịp cầu nhân ái của Hội Chữ thập đỏ phường vươn xa.

* Dẹp quán để làm công tác xã hội

Năm 2003, Hợp tác xã thương mại - dịch vụ phường Bửu Long giải thể, mậu dịch viên vui tính Lưu Kim Ngọc về nhà mở quán bún nho nhỏ để mưu sinh. Nhờ khéo nấu nướng, tính tình lại cởi mở nên quán bún của bà Ngọc ngày càng đông khách. Vì vậy, bà chủ quán bún được cán bộ phường để mắt đến, ấn cho bà chức danh Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Chữ thập đỏ KP.2, phường Bửu Long.

Phong trào phụ nữ, chữ thập đỏ KP.2 ngày thêm khởi sắc dưới vai trò của bà chủ quán bún. Do đó, vào năm 2007, lãnh đạo phường một lần nữa “ấn” cho bà Ngọc chức danh Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường khi Chủ tịch Hội Đặng Thị Minh Thông đến tuổi hưu trí. Tình cảnh đó buộc bà Ngọc phải dẹp quán bún, lên phường ngồi ghế Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, dù bà biết rõ thu nhập từ chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ không bằng hàng ngày ngồi bán bún.

Bà Lưu Kim Ngọc (đội mũ) trao xe lăn cho người tàn tật.
Bà Lưu Kim Ngọc (đội mũ) trao xe lăn cho người tàn tật.

Nhiệm vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ lúc đầu còn bỡ ngỡ đối với bà chủ quán bún. Được lãnh đạo, đồng nghiệp động viên, hỗ trợ hết mình, bà Ngọc thêm tự tin rảo bước chân đi khắp 5 khu phố tập hợp hội viên, kiện toàn bộ máy, tổ chức, quỹ Hội; đồng thời chú trọng phát huy sức bật từ các phong trào sôi nổi một thời do cựu Chủ tịch Hội Đặng Thị Minh Thông để lại, như: “Vì người nghèo”; “Nạn nhân chất độc da cam”; “Khám bệnh và cấp thuốc từ thiện”…

Hăng hái công tác Hội, bà Ngọc quên mất chuyện “tề gia nội trợ” cho chồng. Tuy vậy, chồng bà Ngọc không bực mà còn động viên vợ cho thuê mặt bằng quán để bà không còn nghĩ đến chuyện buôn bán, tập trung thời gian lo cho công tác Hội.

Rào cản gia đình không còn, bà Ngọc càng hăng hái đi xa, đi gần bắt nhịp cầu nhân ái giữa các mạnh thường quân trên địa bàn phường với công tác Hội để lo cho người nghèo, người neo đơn, cơ nhỡ, bệnh tật. Tính bà không thích làm nổi cho mình, gây thiệt cho công tác Hội và đối tượng cần chăm lo nên bà luôn cân nhắc, tính toán trong việc vận động mạnh thường quân tham gia các chương trình sao cho hiệu quả, bền lâu.

Bà Ngọc bộc bạch, người nghèo khó, bệnh tật cái gì họ cũng thiếu, cũng cần, nhưng khả năng của Hội không thể lo cho họ tất cả. Cho nên, chiếc cầu nối của Hội Chữ thập đỏ bắt nhịp nhằm hướng người nghèo, bệnh tật, neo đơn có động lực, thêm nghị lực để vượt qua nghịch cảnh.

* Giúp người tìm lại ánh sáng, bước chân

Trần Thị Kim Cúc, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Long, cho hay kỷ niệm ấn tượng nhất giữa bà với bà Lưu Kim Ngọc là những lần cả hai ăn bờ ngủ bụi chầu chực ở Cảng Sài Gòn để nhận xe lăn, xe lắc; hoặc lúc tay kết tay dẫn hàng chục người vừa phẫu thuật mắt với cục băng trắng to tướng băng qua đường mà chân run, tim đập thình thịch.

Nhìn người khiếm thị dò dẫm bước chân trên đường với xe cộ ken đầy, bà Ngọc không khỏi chạnh lòng. Đem điều ray rứt đó tâm sự với bạn bè, bà Ngọc được ông Hoàng (ngụ TP.Hồ Chí Minh) giới thiệu cho Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Long gắn kết với tổ chức từ thiện của bác sĩ Mân ở TP.Hồ Chí Minh.

Được bác sĩ Mân nhận lời, bà Ngọc hăng hái về nhờ cán bộ truyền thanh phường thông báo cho người dân biết chương trình mổ mắt nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ phường triển khai để đăng ký danh sách.

Đợt thứ nhất có 28 người bị các chứng bệnh về mắt đăng ký phẫu thuật. Để có tiền đưa 28 bệnh nhân đi TP.Hồ Chí Minh phẫu thuật, bà Ngọc mạnh dạn trích nguồn quỹ của Hội thuê xe cho họ đi; riêng tiền ăn sáng và nước uống thì bà bỏ tiền túi ra lo.

Đợt thứ nhất thành công ngoài mong đợi, người dân trong và ngoài phường hay tin kéo đến Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Long đăng ký được phẫu thuật để tìm lại ánh sáng đôi mắt đã bị mất. Nguồn quỹ giới hạn, bà Ngọc bàn với Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ phường vận động các mạnh thường quân trong phường hỗ trợ tiền xe, ăn sáng, nước uống cho người được mổ mắt. Được các mạnh thường quân nhận lời ủng hộ, từ năm 2007 đến nay, bà Ngọc đã tổ chức hàng chục chuyến đi và nhiều người dân bị các bệnh về mắt được phẫu thuật mắt miễn phí.

Không chỉ làm cầu nối tìm lại ánh sáng cho người dân trong tỉnh, bà Ngọc còn giới thiệu Hội Chữ thập đỏ các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Bình Thuận… đưa người bị bệnh về mắt đến TP.Hồ Chí Minh mổ mắt từ thiện.

Cùng với việc triển khai chương trình mổ mắt nhân đạo, bà Ngọc còn gắn kết với tổ chức Trả lại tuổi thơ ở TP.Hồ Chí Minh cấp xe lăn, xe lắc cho những người tàn tật trong và ngoài phường. Để làm thành viên của tổ chức nhân đạo này, bà Ngọc phải cất công đi học các kỹ năng về lắp ráp xe, hướng dẫn người khuyết tật sử dụng, bảo quản xe…

Bà Ngọc cho biết từ chương trình Trả lại tuổi thơ, Hội Chữ thập đỏ phường Bửu Long xin được trên 500 xe lăn, xe lắc cấp miễn phí cho các đối tượng tàn tật trong và ngoài tỉnh. Nếu người nhận xe sống trên địa bàn tỉnh thì Hội Chữ thập đỏ tổ chức cấp xe tại Hội Chữ thập đỏ phường; nếu họ ở xa thì Hội tổ chức những chuyến đi về các tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ địa phương để cấp xe.

“Giúp người khiếm thị được sáng mắt, người bị liệt chân có chiếc xe lăn, xe lắc để di chuyển, làm phương tiện mưu sinh, tui vui không khác gì họ” - bà Ngọc bộc bạch.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều