Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện một nữ dân biểu Hạ nghị viện Sài Gòn và vị cha xứ

10:04, 24/04/2017

Trước sự cố thủ quyết liệt của tàn binh địch tại Nhà thờ Thái Lạc (nay thuộc xã Long An, huyện Long Thành), "ấp chiến lược, cứ điểm cuối cùng" ở quận lỵ Long Thành khi ấy, để tránh gây thương vong cho người dân địa phương và lực lượng cách mạng, một quyết sách sáng suốt đã được áp dụng.

Bài cuối: Giải phóng bằng... chính sách

Trước sự cố thủ quyết liệt của tàn binh địch tại Nhà thờ Thái Lạc (nay thuộc xã Long An, huyện Long Thành), “ấp chiến lược, cứ điểm cuối cùng” ở quận lỵ Long Thành khi ấy, để tránh gây thương vong cho người dân địa phương và lực lượng cách mạng, một quyết sách sáng suốt đã được áp dụng. Bằng sự kiên trì vận động và thuyết phục, ta đã khiến vị cha xứ nhà thờ thay đổi thái độ, khuyên đám tàn binh quy hàng cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn.

Vào lúc 16 giờ 30 ngày 26-4-1975, tại Bình Sơn (huyện Long Thành), Quân đoàn 2 triển khai đội hình chiến đấu. Sư đoàn 304 theo đường 15B tiến về căn cứ Nước Trong của quân địch, Sư đoàn 325 theo lộ 25 qua Lộc An tiến vào quận lỵ Long Thành. Đến 17 giờ, trong khi Sư đoàn 304 bắt đầu tấn công vào các Trường: Thiết giáp; Sĩ quan Lục quân và Cảnh sát quốc gia Quân khu III của ngụy thì pháo của Sư đoàn 325 đặt tại cánh đồng Sở Hoàng (xã Long An) bắn vào Chi khu Long Thành. Loạt đạn rót vào chi khu và dinh quận đã diệt gần 2 trung đội bảo an của địch. Thiếu tá Hà Văn Sáu, Quận trưởng Long Thành, trúng miểng đạn vào đùi ngay từ loạt đạn đầu tiên.

* Cố thủ ở “ấp chiến lược”

Đến 22 giờ ngày 26-4-1975, những đồn bót của quân địch làm nhiệm vụ bảo vệ xung quanh quận lỵ Long Thành đã lần lượt bị phá hủy; quân địch rút chạy vào dinh quận cố thủ. Trong cơn hoảng loạn, Quận trưởng Hà Văn Sáu bắt lính cận vệ đưa đi trốn. Biết tin, toàn bộ binh lính trong dinh quận Long Thành vội vàng buông vũ khí tháo chạy.

Tại căn cứ Nước Trong, với 5 tiểu đoàn chốt giữ và được 50 xe tăng của Thiết giáp đoàn 22 yểm trợ, địch chống trả quyết liệt. Sư đoàn 304 phải nhờ pháo và xe tăng của Lữ đoàn 203 phối hợp mở nhiều đợt tấn công; mãi đến 15 giờ ngày 27-4-1975 mới đập tan mọi sự kháng cự của địch. Huyện Long Thành gần như vào tay nhân dân và lực lượng cách mạng.

Thế nhưng, đến sáng 28-4-1975, trên địa bàn Long Thành vẫn còn một ấp nhỏ của xã Long An nằm giáp với thị trấn Long Thành chưa thể giải phóng được là ấp Thái Lạc. Ấp Thái Lạc thực chất là một ấp chiến lược đặc biệt nằm trên quốc lộ 15 (nay là quốc lộ 51), gồm toàn giáo dân di cư từ miền Bắc vào. Ấp được bố trí bao quanh bởi một hệ thống giao thông hào kiên cố, cùng mấy lớp hàng rào kẽm gai và một hàng rào tre gai dày đặc. Muốn vào ấp chỉ có con đường duy nhất ngay cổng Nhà thờ Thái Lạc. Ngoài cổng ấp luôn túc trực một lực lượng vũ trang canh phòng cẩn mật. Đặc biệt, mọi người dân trong ấp đều được trang bị súng, đạn.

Trước đó 2 ngày, theo yêu cầu khẩn thiết của linh mục chánh xứ Nhà thờ Thái Lạc, quận trưởng Long Thành đã quyết định tăng phái cho ấp chiến lược đặc biệt này thêm Đại đội 3 của Tiểu đoàn 309 ngụy. Một ngày sau đó, 2 trung đội địa phương quân từ Đập Nước, Cầu Hưu rút chạy cũng kéo vào Thái Lạc xin nương thân cố thủ. Tiếp đó, đám sĩ quan, binh lính của Trung đội 46 làm nhiệm vụ bảo vệ dinh quận bị thất thủ cũng rút vào đây.

* Thuyết phục để địch ra hàng

Sáng 1-5-1975, tại lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai và long trọng ở Long Thành, linh mục Trần Quang Vũ đã đăng đàn đọc bài phát biểu vạch trần luận điệu gian trá của bọn Mỹ - ngụy trong việc chia rẽ, gây hận thù giữa bà con có đạo với cách mạng. Vị cha xứ của Nhà thờ Thái Lạc đã khóc trước hàng ngàn người dân tham gia buổi lễ.

Để giải phóng ấp Thái Lạc, lực lượng du kích kết hợp cùng các đơn vị bộ đội đã tiến hành bao vây ấp từ 2 ngày trước đó và đã nhiều lần gọi loa kêu các lực lượng của địch đang cố thủ ở đây ra hàng, nhưng đều bị trả lời rất ngoan cố bằng những tràng đạn nổ chát chúa.

Lúc bấy giờ, lực lượng quân sự phối hợp của ta đã mở 3 đợt tấn công liên tiếp, làm 21 chiến sĩ hy sinh nhưng vẫn không công phá được mục tiêu. Đồng chí chỉ huy lực lượng đã báo cáo với bộ chỉ huy mặt trận xin cho pháo bắn hủy diệt.

Quyền Bí thư Huyện ủy Long Thành lúc ấy là đồng chí Nguyễn Thanh Sơn nhớ lại: “Tình hình lúc đó hết sức căng thẳng. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh mặt trận phía Đông, hỏi ý kiến địa phương về việc bắn pháo hủy diệt, nhưng đồng chí Hai Thông (Nguyễn Văn Thông), Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa nông thôn, đang chỉ đạo mặt trận cánh Đông Nam, quyết liệt phản đối. Đồng chí Hai Thông cho rằng: “Ta không được dùng pháo hủy diệt ấp Thái Lạc vì trong ấp còn rất đông đồng bào, chỉ có một số rất ít thành phần ngoan cố chống lại; nếu ta hủy diệt bằng hỏa lực mạnh sẽ gây thương vong cho đồng bào vô tội là thất sách rất lớn về chính trị. Đây lại là ấp mà hầu hết đồng bào Công giáo di cư lâu nay không có dịp tiếp xúc với cách mạng, ta cần phải kiên trì vận động, thuyết phục họ để họ nhận ra chân lý mà theo cách mạng, chớ tuyệt đối không được tàn sát đồng bào”. Nghe vậy, Tư lệnh Mặt trận Lê Trọng Tấn chỉ thị: “Phải thực hiện cho được nhiệm vụ tiêu diệt bọn ngoan cố, nhưng tuyệt đối không được sử dụng pháo gây thương vong cho dân” và đồng chí lệnh cho Sư đoàn 325 điều thêm một đại đội kết hợp cùng Đại đội 2 Biệt động của huyện Long Thành “giải quyết gấp” cứ điểm cuối này”.

Tức thì, 2 cánh quân tăng viện vào cuộc. Từ quốc lộ 15, cối 81 ly giòn giã nổ hỗ trợ cho bộ binh và biệt động từ cánh đồng Bưng Cơ đồng loạt xông vào. Trước tình thế nguy ngập, binh lính ngụy thấy không thể chống cự đã mở đường máu tháo chạy ra khu Gò Mã (thuộc ấp Hàng Gòn) rồi lẩn vào rừng cao su. Riêng bọn dân vệ, phòng vệ của ấp Thái Lạc vẫn tử thủ trong nhà dân và tiếp tục bắn liều. Có mấy chiến sĩ ta bị thương, chúng bắt được đem ra đánh đập, hành hạ hết sức dã man.

Sợ kéo dài thấy tình hình này sẽ rất nguy hiểm, đồng chí Hai Thông gọi đồng chí Chín Công (Nguyễn Minh Công), Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Long Thành, đến trao đổi và cho biết phải bằng mọi cách thuyết phục bọn ngoan cố còn lại trong ấp buông súng quy hàng, tránh đổ máu vô ích vì toàn quận Long Thành đang nằm trong vòng kiểm soát của lực lượng cách mạng.

Nhận chỉ thị của đồng chí Hai Thông, được cán bộ binh vận tỉnh phụ trách địa bàn Long An thông báo ta đang tạm giữ cha đạo của Nhà thờ Thái Lạc, đồng chí Chín Công liền đến gặp ngay vị cha xứ.

Linh mục Trần Quang Vũ ngồi nghe anh “cán bộ Việt Cộng” nói về diễn tiến tình hình chiến sự với một thái độ hết sức bình thản và luôn giữ im lặng. Thế nhưng, khi nghe đồng chí Chín Công giới thiệu và đọc 10 điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ trong vùng giải phóng và Chính sách 10 điểm của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam thì ông tỏ vẻ ngạc nhiên và chăm chú lắng nghe.

Tỏ vẻ hết sức bất ngờ, linh mục Vũ cho rằng: “Thưa ông! Bây giờ được nghe cương lĩnh, chính sách của Mặt trận giải phóng, tôi mới biết cách mạng có đường lối, chủ trương cụ thể, rõ ràng, chứ cách mạng không phải như lâu nay tôi vẫn tưởng… Bây giờ tôi mới thực sự hiểu là chúng tôi đã nhầm. Tôi xin phép được về khuyên bảo anh em bỏ súng quy hàng cách mạng!”.

Đồng chí Chín Công vội cho người lái chiếc xe Toyota (bị bỏ trên đường 15, đoạn xã Long Phước) chở linh mục Trần Quang Vũ về tận cổng Nhà thờ Thái Lạc. Không đầy 2 giờ sau, 2 xe lam chở đầy vũ khí, đạn dược, cùng hồ sơ, sổ sách... đến nộp cho Ủy ban quân quản thị trấn Long Thành.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều