Báo Đồng Nai điện tử
En

Con tim mộc mạc của người cựu binh

10:04, 16/04/2017

Nghèo khó nơi đất khách, cựu chiến binh Đỗ Văn Học, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 4, ấp Bàu Sầm (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) vẫn mở lòng cưu mang người phụ nữ trẻ cùng 2 con riêng, bỏ ngoài tai những định kiến, thị phi của thế gian.

Nghèo khó nơi đất khách, cựu chiến binh Đỗ Văn Học, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 4, ấp Bàu Sầm (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) vẫn mở lòng cưu mang người phụ nữ trẻ cùng 2 con riêng, bỏ ngoài tai những định kiến, thị phi của thế gian. Cũng vì vậy mà bà con địa phương cảm thông, bàn nhau bán nợ cho vợ chồng ông Học 2,3 hécta đất nhằm giúp vợ chồng ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Cựu chiến binh Đỗ Văn Học được người dân, đồng đội đánh giá sống có trách nhiệm, nghĩa tình.
Cựu chiến binh Đỗ Văn Học được người dân, đồng đội đánh giá sống có trách nhiệm, nghĩa tình.

Đất Bàu Sầm vốn nặng tình, giàu nhân nghĩa. Ông Học bộc bạch, ngày xưa khu vực tổ 5, ấp Bàu Sầm chỉ có duy nhất túp lều tranh của vợ chồng ông. Nay cả tổ có trên 30 hộ dân sinh sống, trong đó 7 hộ là họ hàng bên vợ được ông rủ về.

* Tình người nơi đất khách

“Mái ấm gia đình nhỏ bé của cựu chiến binh Đỗ Văn Học lúc nào cũng rộn rả tiếng cười. Cựu chiến binh Đỗ Văn Học càng tự hào về mối tình gá nghĩa với bà Mai suốt 30 năm qua không một tiếng cãi cọ, phút giận hờn. “Nếu không có bà ấy, chắc tôi không có được sự nghiệp như ngày hôm nay. Đó cũng là duyên phận trời ban cho anh lính nghèo cô độc nơi vườn rẫy như tôi” - ông Học thổ lộ.

Năm 1986, người lính Hải quân Đỗ Văn Học rời quân ngũ trở về quê nhà (tỉnh Nam Định) cấy cày. Mấy sào ruộng do hợp tác xã cấp cho gia đình bộ đội xuất ngũ không đủ để cấy cày nên ông Học xin phép cha mẹ rồi một mình vác ba lô vào xã Bàu Trâm tìm kế sinh nhai.

Lúc mới đặt chân đến Bàu Trâm, với bộ đồ bộ đội ướt đẫm mồ hôi trên người, ông Học tìm chỗ làm thuê nhưng chưa có ai nhận lời. Chiều dần buông, bụng đói cồn cào, trời thì mưa rả rích, ông Học vẫn nhẫn nại đi về hướng những cánh rừng, nơi có mấy cái chòi nhỏ của nông dân người Hoa để tìm việc. May sao, ông được một gia đình người Hoa nhận vào làm việc với mức tiền công 4 kg gạo và cơm nước 3 bữa/ngày. Mừng vì có việc làm và nơi ngả lưng, cơm ngày 3 bữa, ông Học chẳng đắn đo nghĩ suy mà gật đầu nhận lời ngay. Được chủ rẫy Bẩu thết đãi một bữa cơm no bụng, ông đánh một giấc ngủ dài tới sáng hôm sau rồi bắt tay vào làm việc.

Nhìn đất đai bạt ngàn của chủ rẫy Bẩu đầy cỏ dại, rừng chồi nhiều hơn cây trồng, ông Học khát khao được sở hữu một phần đất nhỏ để làm riêng. Thương người lính thật thà, chất phác, có sao nói vậy, chủ rẫy Bẩu động viên ông Học cố gắng làm hết mùa rẫy đó, mùa rẫy tới ông sẽ bàn với các nông dân khác giúp cho đất sản xuất.

Mùa thu hoạch năm ấy kết thúc, giữ lời hứa với ông Học, ông Bẩu bàn với 2 nông dân An và Sơn (có rẫy liền kề với ông Bẩu) bán nợ cho ông Học 2,3 hécta đất; đồng thời đề nghị ông Học cất chòi ở lại rẫy, trồng hoa màu, giữ đất đai giùm 3 ông để khỏi bị người lạ vào lấn chiếm và thú rừng phá hại.

Một mình với cái chòi tranh bé nhỏ với bốn bề rẫy vườn, ông Học xuyến xao lòng khi để ý đến hoàn cảnh đáng thương của bà Mai một nách 2 con nhỏ chuyên đi làm thuê cho các chủ rẫy. Vậy là ông rủ bà Mai đưa con về làm bạn với ông.

Ngày 2 người nên nghĩa vợ chồng, không họ hàng, không tiệc tùng, ông Học vẫn biến cái chòi tranh nhỏ bé của mình thành một mái ấm hạnh phúc để che chở cho 2 đứa trẻ thiếu tình cha và giúp chúng được học hành tử tế.

* “Của chồng, công vợ”

Có bà Mai phụ giúp, ông Học mạnh dạn đăng ký với Hội Nông dân xã Btrồng thử nghiệm đầu tiên giống bắp cao sản PK88. Năm đó, vợ chồng ông thu hoạch được 20 tấn bắp với giá bán 3 tạ bắp được 1 chỉ vàng.

Ông Học kể, để bóc 2,3 hécta bắp ngoài rẫy thành 20 tấn hạt, vợ chồng ông phải chong đèn dầu bóc hạt gần một tháng mới xong.

Sau khi trả hết tiền nợ mua đất cho 3 nông dân: Bẩu, Sơn và An, vợ chồng ông Học mua 10 con heo con về nuôi. Từ 10 con heo con, vợ chồng ông chọn ra 2 heo nái để nhân đàn. Nhờ đàn heo nái mắn đẻ, vợ chồng ông dành dụm được chút vốn mua thêm bò, dê về nuôi; đồng thời chuyển đổi 2,3 hécta vườn rẫy sang trồng tiêu, cà phê nên kinh tế gia đình khá giả và lo cho 2 con riêng, 1 con chung ăn học đàng hoàng.

Thật hiếm có người cha nào như ông Học, ngày làm việc mệt mỏi, tối về vẫn cần mẫn bên chiếc đèn dầu kèm cặp chuyện học cho con chung, con riêng tới tận khuya. Nhờ vậy, 3 người con của vợ chồng ông lần lượt bước vào đại học. “Tôi phải sống như thế để vợ con không tủi hổ trước lời đàm tiếu của người đời. May là vợ và các con hiểu chuyện nên quý tôi, chăm làm và học giỏi”  - ông Học tâm sự.

Cuộc sống đổi thay nhưng cái tình của cựu chiến binh Học vẫn không thay đổi với bà Mai và các con riêng. Thương bà Mai thời trẻ khổ cực, thiếu tình thân nên ông bàn với vợ gọi họ hàng có hoàn cảnh khó khăn của bà ở quê về tổ 5, ấp Bàu Sầm sinh sống cho vui cửa, vui nhà. Mỗi khi họ hàng của bà Mai vào, ông Học lại chạy đôn chạy đáo lo tìm đất ở, đất sản xuất, lo hộ khẩu, việc làm, nơi học hành cho các cháu nhỏ và giúp họ vốn làm ăn nên ai cũng vui, quý mến ông.

Tổ 5, ấp Bàu Sầm dân cư kéo về ngày một đông nhưng thiếu điện, thiếu đường, ông Học lại đứng ra vận động. Để việc đi học của các cháu nhỏ trong xóm bớt vất vả, ông Học mạnh dạn mở con đường mới băng qua rẫy tiêu của mình dài hơn 650m; đồng thời bỏ ra 32 triệu đồng hỗ trợ một hộ dân bốc mộ, làm hàng rào khi hộ này hiến đất mở đường.

Cái ao rộng 1,5 sào đất của ông Học một thời là nguồn thực phẩm chính của gia đình, nay trở thành cái ao chung để họ hàng thỏa sức câu bắt cá cải thiện đời sống. Và cái tình của ông Học nay không chỉ dành riêng cho bà Mai và 3 con, mà lan tỏa rộng ra xã hội. Bà con trong xóm hay họ hàng, ai cần con giống thì vợ chồng ông hỗ trợ; người bệnh tật hoặc cơ nhỡ, vợ chồng ông biết chuyện là đến thăm hỏi, động viên và cho mượn chút ít tiền để giải quyết khó khăn. Vì vậy, ngày cựu chiến binh Học được Hội Cựu chiến binh xã Bàu Trâm bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 4, ấp Bàu Sầm, cả xóm đều vui bởi trong lòng người dân, ông thật sự là “bộ đội Cụ Hồ” biết rung cảm trước sự khó khăn, thiếu thốn của người khác.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều