Báo Đồng Nai điện tử
En

Vươn lên từ đôi chân khập khiễng

10:02, 27/02/2017

Phải chịu nỗi đau tật nguyền vì di chứng của chất độc da cam/dioxin, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Hiên (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa, công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai) đã mang nhiều mặc cảm tưởng chừng không thể vượt qua.

Phải chịu nỗi đau tật nguyền vì di chứng của chất độc da cam/dioxin, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Hiên (ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa, công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai) đã mang nhiều mặc cảm tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng bằng nghị lực mạnh mẽ, chị đã vượt lên số phận, có được công việc làm ổn định bằng chính sức lực của bản thân. Hơn thế nữa, chị còn truyền nghị lực vượt khó ấy đến với những người đồng cảnh ngộ để giúp họ cải thiện cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Hiên (đứng phía đầu bàn) chia sẻ với các phụ huynh có con em là người khuyết tật về việc tái hòa nhập cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Hiên (đứng phía đầu bàn) chia sẻ với các phụ huynh có con em là người khuyết tật về việc tái hòa nhập cộng đồng.

* Mỏi mệt nhưng không nản

Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn chân chất độc da cam/dioxin tỉnh, cho biết: “Bị khuyết tật từ nhỏ nhưng Nguyễn Thị Hiên đã không ngừng cố gắng vươn lên. Hiên đã làm việc ở Hội được 5 năm và trong thời gian qua, Hiên đã thể hiện mình là người có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại khó khăn, luôn xông xáo tham gia hoạt động giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin khác. Ngoài giờ làm việc, Hiên đã tranh thủ những ngày nghỉ để tiếp tục học thêm và lấy được bằng đại học ngành kế toán”.

Là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Hiên đã bị chứng teo cơ chân trái. Tuy nhiên, gia đình chỉ biết chân chị bị như vậy sau một cơn sốt nặng chứ không rõ nguyên do đâu. Vài năm sau, khi có đoàn bác sĩ đến khám thì chị và gia đình mới biết dị tật ấy do di chứng của chất độc da cam/dioxin từ người cha từng có thời gian đi bộ đội. Dù rất buồn khi nhìn các anh chị em lành lặn, còn bản thân không đi lại được, nhưng chị Hiên không vì thế mà phát sinh tâm lý chán nản, buông bỏ.

“Suốt những năm đi học cùng cặp nạng, tôi hay bị bạn bè trêu ghẹo nên luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti vì khiếm khuyết của bản thân. Dù được nhà trường, cha mẹ động viên, nhưng vẫn có lúc tôi muốn bỏ học, trốn tránh cái nhìn châm chọc của mọi người. Và không ai khác, chính cha mẹ đã tiếp bước cho tôi vững tin đến trường bằng chính đôi chân của cha mẹ. Sợ bạn bè trêu chọc, ngày nào cha mẹ cũng đưa đón tôi đến trường. Ngày mưa, đường trơn trượt, cha mẹ cõng tôi đi từng bước chậm rãi đến lớp. Hiểu được tình trạng của bản thân, thấy được công sức của cha mẹ nên từ nhỏ tôi đã cố gắng học, bỏ ngoài tai những lời châm chọc của người khác và luôn tự nhủ nếu không tự vươn lên thì mãi mãi sẽ bị châm chọc” - chị Hiên kể.

Chị Nguyễn Thị Hiên trong chuyến thăm một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật.
Chị Nguyễn Thị Hiên trong chuyến thăm một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật.

Đến năm học lớp 4, chị Hiên được một đoàn từ thiện hỗ trợ phẫu thuật và 3 tháng liền sau đó, bằng nỗ lực phi thường và một chút may mắn, chị đã tự bước đi bằng đôi chân của mình. Có thể tự đi lại một cách chậm rãi, nhưng di chứng của chất độc da cam/dioxin quái ác vẫn khiến chị không thể có dáng đi như người bình thường. Sau này, dù đã có trong tay tấm bằng cao đẳng kế toán, nhưng vì khuyết tật, cánh cửa công việc vẫn luôn lạnh lùng khép lại với chị.

“Có những công ty chỉ tuyển dụng nhân viên tốt nghiệp cao đẳng nhưng khi tôi đến xin việc, chưa cần đọc hồ sơ, nhìn thấy dáng đi của tôi họ đã thẳng thừng mời tôi ra về. Có công ty, hồ sơ xin việc của tôi lọt qua được vòng sơ tuyển (khi đó công ty chỉ yêu cầu bằng trung cấp, cao đẳng kế toán), nhưng đến khi phỏng vấn trực tiếp thì họ tìm mọi lý do, như: tôi không đi lại bình thường, không phù hợp di chuyển liên tục… để loại tôi. Đến giờ tôi không thể nhớ nổi đã cầm bao nhiêu bộ hồ sơ xin việc, gõ cửa bao nhiêu công ty và thất vọng bao nhiêu lần mỗi khi bị từ chối tuyển dụng vì những lý do khác nhau, chỉ vì tôi có dáng đi khập khiễng” - chị Hiên tâm sự.

Sau nhiều lần thất bại với những bộ hồ sơ xin làm công việc văn phòng, chị Hiên quyết định đi làm công nhân để trước mắt tự nuôi sống bản thân, không dựa vào gia đình. Vậy là vừa làm công nhân may tại một công ty, chị vừa học tiếp. Nhờ sự phấn đấu không ngừng, chị đã được công ty đưa lên làm việc tại bộ phận văn phòng đúng với chuyên môn được đào tạo.

* Giúp những hoàn cảnh giống mình

Hơn 4 năm làm việc ở công ty may, chị Hiên đã tham gia một lớp tập huấn kỹ năng cho người khuyết tật do Quỹ Ford (một tổ chức phi chính phủ trợ giúp các tổ chức và cá nhân sáng tạo trên thế giới) tổ chức tại Đồng Nai. Lúc đầu chị chỉ tham gia lớp tập huấn cho biết, nhưng hiệu quả từ chương trình đã làm thay đổi cách nhìn của chị về khả năng của người khuyết tật. Sau đó, chị trở thành một cộng tác viên tích cực cho dự án cải thiện cuộc sống người khuyết tật TP.Biên Hòa.

Chị Hiên tâm sự, khó khăn nhất nhưng cũng thành công nhất của chị là giúp những người có cùng cảnh ngộ, đặc biệt là gia đình họ nhận thức được rằng người khuyết tật không phải vô ích.

“Làm việc cho các dự án của Quỹ Ford được mấy năm, vì phải liên tục sống xa nhà và sức khỏe có hạn nên tôi không thể tiếp tục theo dự án. May mắn cho tôi, sau khi kết thúc dự án hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật thì tôi được một người quen giới thiệu vào làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh. 5 năm qua, tôi tranh thủ đi học thêm vào những ngày nghỉ để hoàn thành bằng đại học ngành kế toán. Đến năm 2015, tôi được Chi bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh kết nạp Đảng” - chị Hiên vui vẻ cho hay.

Ngoài công việc chính ở cơ quan, chị Hiên còn tham gia những hoạt động bên ngoài, như: làm tình nguyện viên chăm sóc người bại liệt tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi; làm “cầu nối” giữa người khuyết tật và các doanh nghiệp… Trước đây, do có làm trong dự án hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật nên dù đã kết thúc dự án, chị Hiên vẫn giữ liên hệ với các công ty để giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Đến nay, chị đã giới thiệu 10 người khuyết tật vào các công ty làm việc, đồng thời đứng ra vận động các nhà tài trợ hỗ trợ xe lăn, xe lắc tay, xe máy 3 bánh cho người khuyết tật.

“Quá trình tiếp xúc với những gia đình có người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, việc khó khăn nhất là thuyết phục phụ huynh cho con em tham gia dự án hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật. Nhiều gia đình do mặc cảm với tình trạng của con em mình mà tỏ ra e dè với người ngoài, hoặc họ không tin cuộc sống con em họ có thể thay đổi nên không muốn hợp tác với chúng tôi. Tuy vậy, bằng những dẫn chứng cụ thể, bằng những hoàn cảnh chúng tôi đã giúp đỡ được và bằng chính bản thân tôi, dần dần nhiều phụ huynh cũng hợp tác để mong con em họ có thể vươn lên trong cuộc sống bằng những cơ hội nhỏ nhất” - chị Hiên tâm sự.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều