Báo Đồng Nai điện tử
En

Nụ cười ở trạm y tế xã

09:02, 26/02/2017

Mỗi ngày, đội ngũ y, bác sĩ ở Trạm y tế xã Bình Lộc (TX.Long Khánh) thăm khám bệnh cho gần 40 lượt người. Người có bảo hiểm y tế (BHYT) hay người không có BHYT, khám bệnh trái tuyến vẫn nhận được nụ cười, sự đón tiếp niềm nở từ các y, bác sĩ của trạm y tế xã.

Mỗi ngày, đội ngũ y, bác sĩ ở Trạm y tế xã Bình Lộc (TX.Long Khánh) thăm khám bệnh cho gần 40 lượt người. Người có bảo hiểm y tế (BHYT) hay người không có BHYT, khám bệnh trái tuyến vẫn nhận được nụ cười, sự đón tiếp niềm nở từ các y, bác sĩ của trạm y tế xã.

Bác sĩ Thúy Anh tranh thủ khám bệnh cho người dân trước giờ vào họp.
Bác sĩ Thúy Anh tranh thủ khám bệnh cho người dân trước giờ vào họp.

Ngày trạm y tế xã còn là khu nhà cấp 4 nhỏ xíu đóng tại Trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng xã Bình Lộc, nữ hộ sinh Lê Thị Thu Nga (cử nhân, Trạm phó Trạm y tế xã) còn là nữ hộ sinh sơ cấp xách đồ nghề rời trạm đi đỡ đẻ cho các bà mẹ đến giờ phút thiêng liêng lại bị kẹt trong rẫy. Những tiếng khóc chào đời của trẻ, nụ cười của người mẹ sau khi sinh mãi là kỷ niệm khó quên đối với nữ hộ sinh Nga.

* Tận tâm, trách nhiệm

Con cháu bận việc, mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Quyền (82 tuổi, ngụ ấp 3) phải ra ngõ đi nhờ xe đến Trạm y tế xã Bình Lộc khám cái lưng bị đau. Khám, nhận thuốc tại trạm, bà Quyền được các y, bác sĩ niềm nở đón tiếp, ân cần hỏi bệnh nên bà “nghiện” khám ở đây, lười ra bệnh viện lớn.

Cha con ông Huỳnh Bảo Minh và Huỳnh Bảo Khang (ngụ ấp Cây Da) là “mối quen” của Trạm y tế xã Bình Lộc mấy năm nay. Ông Minh cho biết do bé Khang bị bệnh thận ứ nước nên thường hay đau bệnh, trong khi đó gia đình ông rất khó khăn nên đăng ký BHYT tại trạm cho tiện bề theo dõi sức khỏe của con trai. Khám tại trạm, bé Khang được bác sĩ, Trạm trưởng Thúy Anh theo dõi rất kỹ và thường xuyên cho 2 cha con tiền ăn sáng.

Tập thể y, bác sĩ Trạm y tế xã Bình Lộc.
Tập thể y, bác sĩ Trạm y tế xã Bình Lộc.

Đường Cây Da - Bình Lộc nay được bê tông nhựa nên việc cha con ông Minh dắt nhau ra trạm không còn vất vả như trước nữa. Chỉ mất 2 giờ cho việc đi khám bệnh và đi về, người dân ở ấp Cây Da giải quyết xong chuyện bệnh tật để tranh thủ ra vườn rẫy, đi học...

Tuy vậy, trong ký ức của nữ hộ sinh Thu Nga, con đường này thật sự là vật cản bước chân đội ngũ y, bác sĩ trong trạm và người dân với công tác chăm sóc sức khỏe, triển khai các chương trình y tế quốc gia của 30 năm về trước.

30 năm trước, Trạm y tế xã Xuân Bình (phụ trách địa bàn 4 xã sau khi chia tách hiện nay, gồm: Xuân Thiện, Bảo Vinh, Bình Lộc và Xuân Bắc) còn đóng tại Trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng xã Bình Lộc, nữ hộ sinh Thu Nga đã góp mặt.

Để vào được tận đây thực hiện công tác truyền thông về y tế, triển khai các chương trình y tế quốc gia, như: phòng chống sốt rét; kế hoạch hóa gia đình; tiêm phòng; uống Vitamin A cho trẻ…, nữ hộ sinh Thu Nga và đồng nghiệp phải gửi xe ở nhà dân rồi xách đồ nghề cuốc bộ đến mỏi chân mới tới nơi.

Rẫy vườn, nghèo khó ẩn chứa nhiều bệnh tật, Trạm y tế xã Xuân Bình những năm tháng đó một mặt cắt cử người trực 24/24 giờ khám, chữa bệnh ban đầu, mặt khác tung cán bộ về bám trụ cơ sở và phối hợp với các ấp truyền thông về y tế nhằm nâng cao ý thức phòng chống bệnh trong dân.

Nữ hộ sinh Thu Nga tâm sự, chuyện các bà mẹ bị đẻ rớt ngoài vườn rẫy hoặc chuyển dạ đẻ luôn tại chòi canh rẫy thời đó không hiếm. Tuy nhiên, các bà mẹ một khi lỡ đẻ hoặc chuyển dạ tại nhà cũng biết nhờ người nhà chạy ra trạm y tế xã mời nữ hộ sinh về chăm sóc để phòng rủi ro cho mẹ và em bé về sau.

* Nụ cười hạnh phúc

Ngoài nhiệm vụ điều trị Đông y cho các bệnh nhân tại Trạm y tế xã Bình Lộc, y sĩ Phan Thị Mỹ Hoa còn thực hiện các liệu pháp tại nhà người bệnh theo sự chỉ đạo của trạm, như: xoa bóp, ấn huyệt, phục hồi chức năng cho những bệnh nhân lớn tuổi, đi lại khó khăn. “Thái độ niềm nở, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm vì bệnh nhân của cán bộ trạm cũng là một liều thuốc tinh thần nhằm động viên người bệnh mau khỏe” - y sĩ Mỹ Hoa thổ lộ.

Dù biết bác sĩ Thúy Anh bận họp vào lúc 8 giờ nhưng bà Tư Bình, ông già Mến, chị Bích Thắm… vẫn tỉ tê kể chuyện bệnh tình. Hiểu tính người già và phụ nữ, bác sĩ Thúy Anh “tám” thêm vài điều cho họ vui vẻ.

Bác sĩ Thúy Anh bộc bạch, mỗi ngày Trạm y tế xã Bình Lộc thăm khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho khoảng 40 lượt người từ Đông y đến Tây y.

Bên cạnh đó, trạm còn triển khai chương trình chăm sóc người già tại nhà, như: khám bệnh, trị liệu, ấn huyệt.

Riêng người không đăng ký BHYT tại trạm y tế xã, trạm vẫn triển khai khám, họ vẫn được sử dụng dịch vụ y tế cao, như: đo điện tim, chụp X.quang, nội soi... miễn phí và bán thuốc theo giá quy định từ Tủ thuốc Công đoàn. Tủ thuốc Công đoàn do cán bộ trạm y tế xã góp vốn nhằm cải thiện đời sống, nhưng thật ra chẳng dư được bao nhiêu.

Bác sĩ Thúy Anh tỏ bày, vì giải quyết thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong xã được hưởng các chính sách về chăm sóc sức khỏe của Nhà nước và ngành y tế nên Tủ thuốc Công đoàn của trạm y tế xã phần bị ế (do linh hoạt cấp từ quỹ thuốc BHYT của trạm mà quy định ngành cho phép), phần tặng không cho người khó khăn. Dù vậy, y, bác sĩ của trạm ai vẫn vui và hạnh phúc vì được phục vụ người bệnh tận tình.

Mưa trái mùa tháng 2 làm cho ông già Mến (ngụ ấp 3) sụt sịt nên đạp xe ra trạm y tế xã thăm khám. Tại đây, không chỉ được khám cảm cúm, ông còn được bác sĩ Thúy Anh đo huyết áp, tim mạch vì ông có tiền sử bệnh này.

Khi được dược sĩ Dương Văn Đồng cho thuốc, ông móc tiền ra đòi mua thêm thuốc cao huyết áp vì sực nhớ ra ở nhà đã hết thuốc điều trị huyết áp. Tuy nhiên, bác sĩ Thúy Nga nở nụ cười bảo dược sĩ Đồng cấp bổ sung thuốc cao huyết áp cho ông.

Ở Trạm y tế xã Bình Lộc và nhiều nơi khác giờ đây đã không còn cảnh bác sĩ, y tá cầm ống nghe khám bệnh với bộ mặt cau có, khó chịu với người bệnh. 7 y, bác sĩ của trạm y tế xã dù hình thể khác nhau, nhưng tất cả đều có nụ cười y đức giống nhau nên ông già Mến và nhiều người khác không ngại.

Bác sĩ Thúy Anh tỏ bày, việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, truyền thông y tế, hội họp của trạm y tế xã tuy tất bật nhưng điều đó không ảnh hưởng tới việc khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho dân. Bởi vì đội ngũ y, bác sĩ của trạm được ngành y tế thị xã, chính quyền địa phương theo dõi rất sát, quán triệt và kỳ vọng khi xây dựng nông thôn mới nâng cao, đồng thời là động lực, niềm tin nhằm thu hút người dân tham gia BHYT tại trạm ngày càng nhiều, giảm bớt gánh nặng cho tuyến trên và giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều