Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa thuốc lá... buồn

10:02, 06/02/2017

Những cơn mưa trái mùa liên tiếp xảy ra trước và sau tết làm cho cây điều, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… chậm ra hoa, đậu trái.

Những cơn mưa trái mùa liên tiếp xảy ra trước và sau tết làm cho cây điều, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… chậm ra hoa, đậu trái. Riêng người trồng thuốc lá thì buồn thiu vì thuốc lá đang trong giai đoạn thu hoạch rộ, gặp mưa dẫn đến mất nhựa, giảm chất lượng và mất giá.

Tranh thủ nắng sớm để cứu những mẻ thuốc xắt đêm gặp mưa.
Tranh thủ nắng sớm để cứu những mẻ thuốc xắt đêm gặp mưa. Ảnh: Đ. Phú

Bần thần bên những líp thuốc lá vừa xắt trong đêm gặp mưa, ông Thạch Thương (ngụ ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) thở dài nói: “Những người thuê rẫy như tụi tui, cả năm chỉ trông chờ vào vụ thuốc lá. Nay thời tiết như vậy, tiền bán thuốc sợi không đủ trả công người thu hoạch thì lấy tiền đâu để tái sản xuất”.

Khổ vì mưa

Mưa trái mùa về đêm càng nhiều thì người trồng thuốc lá càng sốt ruột, lo lắng gấp bội. Bởi vì, sợi thuốc xắt ra không được ăn sương đêm, phơi mình dưới nắng vàng ban ngày thì chất lượng kém, bán với giá rất thấp. “Mỗi hécta thuốc lá tụi tui lỗ chí ít 40 triệu đồng tiền vốn đầu tư, chăm sóc, thu hoạch và tiền thuê đất. Số tiền này rất lớn đối với những Việt kiều Campuchia thuê đất trồng thuốc ở Võ Dõng 3. Cho nên, tụi tui rất mong được Nhà nước hỗ trợ và chủ đất cho nợ lại một phần tiền thuê đất để tụi tui có điều kiện tái sản xuất, ổn định cuộc sống” - ông Thạch Thương bộc bạch.

Cây thuốc lá từ vườn đem ra rẫy trồng được hơn tuần đã hao hụt gần một nửa vì tháng 9 trời mưa như trút nước, buộc vợ chồng ông Thạch Thương phải tranh thủ trồng dặm liên tục. Tuy vậy, thời tiết vẫn “cướp” 1/3 thành quả lao động của vợ chồng ông khi làm cho cây thuốc bị úng gốc chết hoặc èo uột. Tháng 12, cây thuốc bắt đầu cho thu hoạch thì trời vẫn còn mưa, càng làm cho vợ chồng ông Thạch Thương lo lắng. Nay cây thuốc bước vào kỳ thu hoạch chính lại gặp mưa trái mùa nên vợ chồng ông Thạch Thương đâm ra mất ăn, mất ngủ.

Không chỉ vợ chồng ông Thạch Thương xót xa cho cây thuốc lá gặp mưa trái mùa, mà trên 40 hộ Việt kiều Campuchia về ấp Võ Dõng 3 thuê đất trồng thuốc lá cũng thấp thỏm, đứng ngồi không yên.

Cây thuốc gặp mưa trái mùa sẽ kém năng suất và chất lượng.
Cây thuốc gặp mưa trái mùa sẽ kém năng suất và chất lượng.

Ông Mác Cara cho biết rẫy thuốc lá của nhà ông cây mọc lưa thưa nên năng suất giảm hơn một nửa so với năm ngoái; chất lượng thuốc chỉ đạt loại 3 và loại 2, giá giảm chỉ còn 500 ngàn tới 1 triệu đồng/cục 15kg. Với giá thuốc hiện tại, ông chỉ đủ trả công hái, xắt, phơi. Riêng tiền ông bỏ ra thuê rẫy 25 triệu đồng/hécta, đầu tư phân bón, công chăm sóc… thì trôi tuột theo mưa.

Trong lúc Việt kiều Campuchia ở ấp Võ Dõng 3 “khóc tiếng Miên” vì thuốc lá gặp mưa trái mùa thì những người Hoa trồng thuốc lá ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán cũng chung tâm trạng.

Ông Phùng Chí Sáng (ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán) với giọng buồn rầu tỏ bày, cây thuốc chỉ ăn sương mà lớn, cho nhựa tốt, lá to và dày. Mưa nhiều, cây thuốc dễ úng gốc chết, phát triển èo uột dẫn đến lá thuốc nhỏ, mỏng và nhựa kém. Vì vậy, trên 1 hécta thuốc lá của ông chỉ thu được thuốc loại 3, loại 2 nên rất khó lấy lại vốn đầu tư.

Thuốc xấu, kém năng suất dẫn tới chuyện làm ra sợi thuốc thành phẩm nhà nông càng phải bù lỗ thêm công hái, công ủ, xắt, phơi. Tuy vậy, người trồng thuốc lá vẫn cố bòn mót từng lá thuốc trên cây để đem vào phơi, ủ với hy vọng cây có sức cho thêm vài tầng lá tốt khi trời dứt mưa. Như vậy, cuối vụ nhà nông có nhiều thuốc loại 1 (giá 3 triệu đồng/cục 15kg), để bù cho những tầng lá xấu, giai đoạn mưa nhiều.

“Thuốc đến ngày thu hoạch mà bỏ cho héo, úng để tránh lỗ cũng không được. Còn hái về xắt, phơi thì lỗ thêm vài trăm ngàn đồng/cục thuốc, càng buồn hơn” - ông Lầu A Hoa (ngụ xã Phú Bình, huyện Tân Phú) bày tỏ.

12 năm thuê rẫy đá của nông dân ấp Võ Dõng 3 trồng 2 vụ bắp, 1 vụ thuốc lá, năm nay ông Thu Ra gặp cảnh mất vốn đầu tư, không có tiền trả tiền thuê đất. Tuy vậy, ông Thu Ra vẫn không chịu bỏ cuộc, cố vét cho được những chiếc lá thuốc cuối cùng trên rẫy và vay mượn thêm tiền với lãi suất 4-5% /tháng để tiếp tục thuê lại khu đất cũ trồng bắp, thuốc lá với hy vọng sang năm trời sẽ ít mưa, nhiều sương và cây thuốc sẽ trúng mùa, được giá.

Chia sẻ với nhau

Cuối tháng 12-2016, ông Tư Vẹn (quê tỉnh Đồng Tháp) mang bàn xắt thuốc hình con ngựa bằng gỗ về vùng đất Võ Dõng 3 xắt thuốc thuê cho nhóm bạn của ông Thạch Thương đúng hẹn. Mùa thuốc năm nay, giá chủ rẫy trả công cho ông Tư Vẹn ngang với giá năm ngoái (240 ngàn đồng/đêm và bao ăn ở). Lý do giá công thợ xắt giữ nguyên là thời gian làm việc dài hơn (từ 17 giờ đến 8-9 giờ hôm sau) bởi do trời mưa. Do đó, dù ông Tư Vẹn rất muốn kết thúc công việc sớm, nhưng thời tiết không cho phép, buộc ông và nhóm thợ phải nghỉ chờ mưa tạnh, sân khô, trời đổ sương.

Thu nhập bị giảm sút, ăn uống kham khổ, ông Tư Vẹn và nhóm thợ vẫn cảm thông cho các chủ rẫy trước sự thua lỗ, mất mùa. Mọi người hiểu rất rõ, dù thua lỗ nặng nhưng các chủ rẫy vẫn cố vay mượn, bán rẻ sản phẩm để trả tiền công, bồi dưỡng kịp thời cho nhóm thợ xắt thuốc để mọi người có tiền gửi về quê cho vợ con. “Chủ rẫy gặp khó khăn mà mình gây khó dễ, bỏ về quê thì còn gì tình nghĩa. Hơn nữa, công việc của tụi tui phụ thuộc vào các chủ rẫy thuốc, nếu kén việc không làm thì không có tiền gửi về quê” - ông Tư Vẹn nói.

Nước mưa cộng với cái lạnh của vùng đất đá về đêm, người thợ xắt thuốc Út Lành (quê tỉnh Trà Vinh) và nhóm thợ co ro trong cái lều bạt lẻ loi giữa màn đêm.

Ông Phòng A Tuấn (ngụ ấp 5, xã Phú Tân, huyện Định Quán) cho hay, thợ xắt thuốc khó tìm nhưng họ biết giữ chữ tín và luôn biết chia sẻ khó khăn với người trồng thuốc trong việc làm thêm giờ, xắt cùng lúc cho 2 rẫy trong một đêm, đưa người nhà chủ rẫy vào phụ việc để giảm tiền công… Nhờ vậy, dù thuốc gặp mưa bị hư hỏng, mất giá, lòng chủ rẫy buồn thiu nhưng vẫn cố chịu đựng để cùng nhóm thợ xắt thức thâu đêm, mưa tạnh là cật lực làm việc.

Nắng sớm mai vàng rực đã kịp cứu vãn mẻ thuốc xắt đêm qua gặp mưa, phải ủ lại trong chòi. Tuy vậy, mẻ thuốc đêm qua của ông Bảy Hia (ngụ xã Xuân Bình, huyện Tân Phú) đạt loại 2, vẫn còn tốt hơn nhiều so với các chủ rẫy khác khi thuốc lá xuống loại 3, chỉ còn 500 ngàn đồng/cục 15kg.

Ông Bảy Hia thổ lộ, nếu thiếu sự cảm thông, chia sẻ của nhóm thợ xắt, hái thuốc thuê thì ông sẽ bỏ mặc hơn 1,2 hécta thuốc cho mưa gió. Bởi, ông có cố thu hoạch cũng bị lỗ nhiều hơn, còn bỏ mặc không thèm thu hoạch thì chỉ bị lỗ công đầu tư.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích