Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi xanh màu cuộc sống

10:12, 04/12/2016

KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) có nhiều quả đồi cao, thấp xanh tươi những vườn tràm. Tuy là vùng thị tứ, dân cư KP.4 vẫn còn đặc sệt nét làng quê với 80% dân cư nông nghiệp, nhà không cổng rào ngăn trộm, người dân bền bỉ gắn bó với mảnh đất, khu vườn.

KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) có nhiều quả đồi cao, thấp xanh tươi những vườn tràm. Tuy là vùng thị tứ, dân cư KP.4 vẫn còn đặc sệt nét làng quê với 80% dân cư nông nghiệp, nhà không cổng rào ngăn trộm, người dân bền bỉ gắn bó với mảnh đất, khu vườn.

Nông dân KP.4, thị trấn Vĩnh An vần đổi công nhau trong thu hoạch hom tràm.
Nông dân KP.4, thị trấn Vĩnh An vần đổi công nhau trong thu hoạch hom tràm.

Vốn là dân “thổ địa” vùng này, Trưởng ban công tác Mặt trận KP.4 Phạm Đức Ứng cho biết KP.4 có 3 nhóm dân cư, gồm: cán bộ, công nhân viên lâm trường (nay đã giải thể); dân cư từ TP.Biên Hòa đến làm kinh tế năm 1976 và dân di cư tự do từ các tỉnh đến, tất cả đều xuất thân từ dân nghèo đi lập nghiệp nên chung sống đoàn kết, nghĩa tình.

Khai khẩn đất đồi

Sau năm 1975, ông Năm Hiền (tổ 5) và vài hộ dân từ TP.Biên Hòa về KP.4 khai phá các triền đồi trồng bắp, mì, lúa và làm nghề rừng. Cuộc sống của ông Năm Hiền và các hộ dân ổn định hơn so với thời còn ở thành thị làm thợ, buôn bán nhỏ lẻ.

Ông Năm Hiền cho biết lúc đầu đất đai còn màu mỡ nên trồng cây gì cũng tốt tươi. Sau mỗi vụ lúa, bắp, đậu…, nhà nào cũng dư dả nông sản nên không phải lo chuyện chạy ăn từng bữa như lúc mới đến. Tuy nhiên, nông sản làm ra trao đổi với bên ngoài rất khó khăn nên nông dân phải bán tại chỗ với giá rất rẻ. Vì lẽ đó, nông dân như ông vẫn còn quẩn quanh với phương thức sản xuất theo kiểu “tự cung tự cấp”.

Nông nghiệp chưa thể làm cho nhà nông khá lên, nông dân cũng không màng đến chuyện khai khẩn thật nhiều ruộng, rẫy. Vì vậy, những người di cư đến KP.4 sau đó có nhiều cơ hội để tìm cho gia đình mình quả đồi tốt khai hoang, lập vườn, ổn định cuộc sống.

Những con đường nông thôn mới ở KP.4, thị trấn Vĩnh An.
Những con đường nông thôn mới ở KP.4, thị trấn Vĩnh An.

Ông Trần Mạnh (ngụ tổ 3, quê tỉnh Quảng Trị) cho hay vào năm 1978, ông về vùng đất KP.4 khẩn hoang. Đất đai lúc này còn màu mỡ nên cây lúa, hoa màu không cần bón phân vẫn tươi tốt. Số nông sản làm ra, gia đình ông chỉ bán một phần, phần còn lại để ăn và phục vụ chăn nuôi.

Vốn là dân vùng quê “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, ông Mạnh rất quý đất đai. Gặp được quả đồi tốt, ông càng bỏ sức, thời gian ra chăm chút. Nhờ vậy, sau 5 năm lập nghiệp, gia đình ông Mạnh đã khai khẩn được 4 hécta đất và xây được ngôi nhà gỗ đẹp nhất xóm.

Ông Mạnh tâm sự, đất KP.4 thời gian đầu rất màu mỡ. Thời gian sau đất dần bạc màu, nông dân lại thiếu phân bón nên năng suất cây trồng rất thấp. Vì vậy, không ít nông dân bỏ hoang đất cũ, tìm vùng đất mới khai khẩn hoặc chuyển qua làm nghề rừng, nghề tự do khác.

Đến năm 1990, những quả đồi ở KP.4 đã dần có chủ. Ông Phạm Đức Ứng cho hay, chủ nhân của các quả đồi này phần lớn thuộc về lâm trường nguyên liệu giấy. Dân di cư từ TP.Biên Hòa và các tỉnh làm chủ những quả đồi rải rác quanh đất lâm trường và gần đường tỉnh 768. Thời điểm đó, đời sống của dân di cư tự do sung túc hơn công nhân viên lâm trường. Sau năm 2009, lâm trường nguyên liệu giấy giải thể thì nông dân là công nhân viên lâm trường lại khá hơn dân di cư tự do.

Theo ông Ứng lý giải, sự đảo chiều đó là do khi lâm trường giải thể, cán bộ, công nhân viên được lâm trường được giao đất và họ nhạy bén với các cây trồng mới, kết hợp chăn nuôi với trồng rừng nên phất lên.

Xanh màu cuộc sống

Bình minh, KP.4 thị trấn Vĩnh An đẹp như bức tranh với những thôn nữ cắt hom tràm trên những quả đồi xanh mướt. Hoàng hôn, khúc khích tiếng học sinh, công nhân vui đùa trên đường về. Đêm về, điện rực sáng trên những triền đồi soi tỏ từng nếp nhà mới của dân, những vườn tràm phủ hơi sương.

KP.4, thị trấn Vĩnh An có 343 hộ dân/11 tổ nhân dân, mỗi hộ dân một hoàn cảnh lập nghiệp.

Trưởng KP.4 Nguyễn Đình Đà cho biết 80% dân KP.4 là nông dân. Cây trồng và vật nuôi chính của nông dân là tràm lấy gỗ, tràm lấy hom, heo, bò, dê, gia cầm… Đó là mô hình làm kinh tế truyền thống của nông dân KP.4 nên kinh tế của người dân KP.4 không khá hơn các khu phố khác trên địa bàn thị trấn Vĩnh An. Bù lại, đời sống người dân trong khu phố rất ổn định, kinh tế hộ rất vững chắc.

“Siêng nhặt chặt bị. Ăn chắc mặc bền”, câu nói của người xưa luôn thấm đẫm trong cách làm, cách nghĩ của người dân các tỉnh: Quảng Trị, Ninh Bình, Nam Định… di cư về KP.4 lập nghiệp. Những quả đồi xanh không đem lại cho họ nhiều của cải vật chất, nhưng nhờ sự tích cóp và siêng năng trồng trọt kết hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ, người dân KP.4 vẫn bình an trước sự trồi sụt, thất bát của giá cả và mùa màng.

Ông Nguyễn Đình Đà đúc kết, dân KP.4 có chung một mô hình sản xuất nên khá cùng khá, nghèo cùng nghèo. Vì vậy, kinh tế các hộ dân trong khu phố đều tương đối như nhau. Một người trồng tràm lấy hom thì các hộ trong khu phố cùng làm theo. Cây tràm lấy hom đến ngày thu hoạch thì các hộ tự nguyện đến vần đổi công cho nhau mà không phải thuê lao động bên ngoài. Nhà ông Mạnh hôm qua có đôi bò, đôi dê thì vài hôm sau mấy hộ hàng xóm cũng có bò, dê trong chuồng. Nhìn cái hay của người khác làm theo để mình không thua kém, chậm chân, điều đó được người dân KP.4 áp dụng triệt để lâu nay. Vì vậy, khi được hỏi trong khu phố ai là người giàu nhất, ông Đà trả lời gọn lỏn: “Trong KP.4 không ai dám nhận là người giàu, nhưng khu phố cũng chọn được 37 hộ kinh tế khá, số còn lại ở mức trung bình”.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Chi bộ KP.4 Lê Thị Thắng cho biết dân KP.4 bây giờ không sợ thất nghiệp. Với người quen lao động nông nghiệp thì công việc trồng tràm lấy hom giải quyết được vấn đề nông nhàn và làm tăng giá trị sử dụng đất (thu nhập 80 triệu đồng/sào/năm). Còn giới trẻ thì dễ dàng tìm kiếm công việc làm ổn định từ các công ty đóng trên trên địa bàn huyện. Cuộc sống của người dân ổn định, kinh tế phát triển vững chắc kéo theo nhiều vấn đề tốt đẹp, như: an ninh trật tự đảm bảo, xóm làng sống đoàn kết, nghĩa tình, văn minh, văn hóa.

Cuối tháng 11, trời ít mưa, vườn tràm lấy hom của nông dân KP.4 vẫn xanh tốt nhờ hệ thống tưới phun tự động. Bên đồi tràm đẹp như đồi chè xứ Bảo Lộc mát mẻ, Trưởng ban công tác Mặt trận KP.4 Phạm Đức Ứng có lời mời chúng tôi lần theo những con đường nông thôn mới quanh co ngắm vườn tràm dưới ánh đèn điện; đồng thời thưởng thức thứ cảm giác cuốc bộ xuyên qua những vườn tràm lấy hom vào nhà dân chơi. Ông Ứng tỏ bày, dân ở đây dù có tiền vẫn không thích làm hàng rào. Lý do là để tiết kiệm đất, tình nghĩa xóm làng thêm gần gũi nhau hơn.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều