Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghe kể chuyện bám rừng kháng chiến

10:12, 23/12/2016

Ở tuổi 86, già làng Năm Nổi (Nguyễn Văn Nổi) vẫn là "cây đại thụ" của bao thế hệ đồng bào Chơro ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).

Ở tuổi 86, già làng Năm Nổi (Nguyễn Văn Nổi) vẫn là “cây đại thụ” của bao thế hệ đồng bào Chơro ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, già làng Năm Nổi đã che giấu, bảo bọc biết bao chiến sĩ cách mạng nơi rừng già Chiến khu Đ, Khu ủy miền Đông (nay thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai).

Già làng Năm Nổi luôn quý những kỷ vật mà đồng chí, đồng đội trao tặng.
Già làng Năm Nổi luôn quý những kỷ vật mà đồng chí, đồng đội trao tặng.

Thông thuộc từng cánh rừng, từng con suối vùng Chiến khu Đ, già làng Năm Nổi khôn khéo dẫn dắt đồng bào Chơro và bộ đội tìm nơi an toàn tránh bom đạn và sự bố ráp của kẻ thù. Già làng Năm Nổi quả quyết, rừng già còn thì già và dân làng Chơro còn nơi che giấu bộ đội.

Người con của rừng già

Già làng Năm Nổi bày tỏ, tại những khu bí mật xung quanh Chiến khu Đ, Khu ủy miền Đông, dân làng Chơro được hưởng chế độ như bộ đội. Bộ đội được cấp gạo, muối, thuốc men, áo quần... thì đồng bào cũng được y như vậy. Khi đường liên lạc bị tắc, lương thực, thực phẩm từ hậu cứ không chuyển vào được thì đồng bào đi đào củ chụp, hái măng, săn thú về sẻ chia với bộ đội. Tình nghĩa giữa dân làng Chơro với bộ đội luôn như vậy. Tất cả nhằm đảm bảo tốt nhất cho việc bảo mật đến mức tuyệt đối các khu vực đóng quân, che giấu cán bộ và bộ đội.

Già làng Năm Nổi mang dòng máu dân tộc Chơro của mẹ và dân tộc Kinh của cha. Cha của già là chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Đương (hy sinh năm 1959), hoạt động nơi rừng già Chiến khu Đ. Năm 15 tuổi, già làng Năm Nổi được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho tướng Nguyễn Bình và ông Huỳnh Văn Nghệ từ Trung ương Cục đến các đơn vị chỉ huy nơi rừng già. Vốn thông thạo từng con suối, từng cánh rừng, ông thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng làm kẻ thù khiếp sợ.

Già làng Năm Nổi kể, thời chống Pháp, đồng bào Chơro của già chỉ có những vũ khí thô sơ, như: nỏ, chông…, nhưng vẫn kiên cường đánh đuổi kẻ thù ra khỏi làng khi chúng đi ruồng bố. Có lần, già cùng mấy thanh niên trong làng theo bộ đội đánh lính Pháp đang đổ quân ở vàm Sông Bé. Chờ cho tụi lính từ tàu bước lên bờ, già và mấy thanh niên bắn nỏ trúng vào người chúng. Bị trúng tên, bọn lính Pháp cười ngất, xem thường và hùng hổ xông lên. 5 phút sau, những tên lính trúng tên bị co giật, sùi bọt mép rồi lăn đùng ra chết (vì trong tên có tẩm thuốc độc). Sau trận đánh đó, già và các thanh niên trong làng càng vững tin và nhận ra rằng, dù vũ khí của dân làng thô sơ vẫn chiến thắng kẻ thù mạnh, vũ khí hiện đại, quan trọng là cách đánh.

 Nhấp ngụm trà bên bếp lửa nhà sàn, già làng Năm Nổi nhìn về phía nhà rông và nói: “Thằng giặc nó ác lắm, nó trút nhiều bom đạn xuống làng, làm cho nhà cửa tan hoang, buộc đồng bào phải tản mát vào tận rừng sâu, vùng nước độc để trốn. Trốn vào rừng, thằng giặc cũng không để đồng bào yên ổn, chúng không cho đồng bào sản xuất. Để có cái ăn và nuôi bộ đội, đồng bào Chơro phải bí mật vào rừng sâu đào củ mài, củ chụp, hái lá rừng và săn con thú. Để tránh sự lùng sục, bố ráp và những cặp mắt cú vọ của kẻ thù, bảo vệ bộ đội, đồng bào Chơro phải phân tán ra từng nhóm, chọn khu vực rừng sâu, xa nguồn nước để trú ngụ và đào hầm nuôi giấu bộ đội”.

Năm 1957, với vai trò Bí thư Chi bộ xã Lý Lịch, già làng Năm Nổi chỉ huy 4 đồng đội là thanh niên trong làng tiêu diệt một tiểu đoàn dù của địch nhảy dù xuống rừng già.

Già làng Năm Nổi nhớ lại, nhận định địch sẽ đổ quân xuống đồng tranh để càn, tối trước đó già cho người đào hầm, ém sẵn 5 tay súng theo 5 hướng. Đúng như dự đoán của già, sáng hôm sau bọn lính nhảy dù xuống tới tấp. Từ các ổ trú quân, già làng Năm Nổi và 4 chiến sĩ nhắm vào bọn địch. Số trúng đạn rơi xuống đất theo dù, số bị mắt kẹt trên những ngọn cây khi dù vướng cây treo lơ lửng. Sau trận đánh đó, già và đồng đội an toàn rút vào rừng.

Trái tim dâng cho Đảng

Khi cuộc kháng chiến trở nên ác liệt, quân thù tăng cường bố ráp dân, lùng bắt bộ đội, giết đồng bào dân tộc thiểu số để răn đe. Sự bố ráp có lúc quyết liệt dẫn đến đường dây liên lạc giữa bên ngoài và bộ đội trong rừng bị tắc. Già làng Năm Nổi phải cải trang làm người đi săn, đào củ, đem thú săn được ra chợ đổi muối, còn tài liệu thì được giấu vào ruột cây chà gạc.

Già làng Năm Nổi bộc bạch, mấy chục năm theo bộ đội kháng chiến, đồng bào Chơro ở làng Lý Lịch không bao giờ sợ chết, sợ đói dẫn tới đầu hàng địch, phản bội cách mạng. Mỗi người dân Chơro của già lúc ấy là một chiến sĩ cách mạng kiên cường bám rừng, bám địch để đánh. Người già, trẻ nhỏ, thương bệnh binh được già làng Năm Nổi, cách mạng đưa vào những khu bí mật để trú ẩn. Người khỏe mạnh, thanh niên trai tráng đều được phân công nhiệm vụ vận tải, dẫn đường, canh phòng đánh địch.

Là người con ưu tú của đồng bào Chơro, già làng Năm Nổi thông thuộc từng con suối, lối rừng, vị trí cạm bẫy mà kẻ thù giăng vây bộ đội. Kinh nghiệm dẫn đường của già làng Năm Nổi luôn chính xác với những phương án hành quân, trận đánh. Chỉ cần nhìn nhánh cây rừng một lần là già nhớ hướng đi, lối về. Bước chân già nhẹ như con sóc trên lá cây, lỗ tai thính như con hươu, con nai. Vì vậy, khi bộ đội trong chiến khu cần người liên lạc, dẫn đường vận tải, đưa đón cán bộ ra vào, đánh đồn…, già làng Năm Nổi luôn được chọn, tin tưởng giao nhiệm vụ.

Già làng Năm Nổi tỏ bày, chỉ cần người dẫn đường sai lối thì bộ đội bị tổn thất nặng nề. Nếu người dẫn đường không chính xác sẽ bị kỷ luật rất nghiêm.

Với kẻ thù, già làng Năm nổi là mối nguy hiểm cần phải loại trừ. Do đó, chúng sử dụng mọi thủ đoạn để dụ hàng già hoặc gây hoang mang trong đồng bào Chơro, gây mất niềm tin ở già nơi bộ đội. Có lần chúng cho trực thăng phát loa thông báo khắp rừng già rằng, dân làng Chơro cả tuần lễ nói già đã đầu hàng. Tức giận, già làng Năm Nổi xách súng lên ngọn đồi cao bắn vào máy bay địch và hô lớn rằng già không bao giờ đầu hàng địch, trái tim già đã trao cho Đảng, cách mạng rồi. Có lần thằng giặc vào làng ruồng bố, bắn giết dân làng. Để bảo vệ bí mật nơi trú ẩn của quân và dân, già làng Năm Nổi bảo vợ lấy vải bịt miệng người con trai thứ 6 (Nguyễn Văn Tân) để không cho khóc, khiến anh này ngất lịm.

Hòa bình lập lại, già làng Năm Nổi thêm lần nữa lần lượt kêu gọi đồng bào mình bỏ rừng về khu trung tâm sinh sống, định cư để chính quyền, Đảng, Nhà nước quan tâm chăm sóc y tế, sức khỏe và học hành cho lũ trẻ. Qua thời kỳ bao cấp khó khăn, địa phương bước vào thời kỳ phát triển, già làng Năm Nổi vẫn là cây đại thụ, linh hồn của đồng bào Chơro ấp Lý Lịch năm xưa và Phú Lý hôm nay trong việc hướng dẫn người dân tin Đảng, làm đúng chủ trương và xây dựng đời sống văn hóa mới.

Cuộc sống, rừng già, xã hội với quá nhiều đổi thay theo thời gian, già làng Năm Nổi vẫn giữ thói quen nếp nhà sàn với bếp lửa bập bùng tiếp khách gần xa, kể chuyện kháng chiến, kể chuyện rừng già như muốn nhắn gửi: “Người Chơro luôn một lòng theo Đảng, theo cách mạng, không thích xa hoa, làm những điều trái, không đúng với lịch sử”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều