Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Những trang sử hào hùng

10:12, 19/12/2016

Thực hiện chủ trương "hòa để tiến", vào ngày 6-3-1946, Chính phủ ta đã ký với Pháp Hiệp ước sơ bộ.

[links()] Thực hiện chủ trương “hòa để tiến”, vào ngày 6-3-1946, Chính phủ ta đã ký với Pháp Hiệp ước sơ bộ. Theo đó, quân đội của 2 bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí chờ đợi để thực hiện các điều khoản được ký kết. Nhưng chưa đầy 10 ngày sau, Pháp huy động 5 ngàn quân có máy bay, tàu chiến yểm trợ bất thần tiến công vào Chiến khu Đ, thực hiện chiến dịch “đốt sạch - phá sạch - giết sạch”, tàn phá nặng nề vùng căn cứ kháng chiến miền Đông.

Lán trại trong chiến khu.
Lán trại trong chiến khu.

Sự lật lọng trắng trợn bị dư luận phản ứng, tên tướng Pháp Nyo lên tiếng muốn được tiếp xúc với Bộ Chỉ huy Khu 7 của Việt Minh. Biết địch có mưu đồ tìm hiểu lực lượng ta, nhưng cần tranh thủ thời cơ hòa hoãn để củng cố và phát triển lực lượng, nhân cơ hội đánh đòn chính trị phô trương thanh thế cách mạng, ta đã đồng ý. Nhưng cuộc họp ngày 10-4-1946 tại miếu Bà Cô (thuộc địa bàn huyện Vĩnh Cửu) rơi vào bế tắc, đúng như ta dự đoán.

Vừa đánh vừa xây căn cứ

Vào lúc 3 giờ ngày 19-4-1946, tướng Pháp Leclerc chỉ huy 8 ngàn quân chia thành nhiều mũi bao vây và tấn công vào Chiến khu Đ với mục tiêu tiêu diệt cơ quan đầu não và lực lượng Việt Minh ở miền Đông Nam bộ, nhằm giành thắng lợi quyết định, tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp chính trị chúng đang tiến hành ở Nam bộ.

Đã chuẩn bị sẵn, ta sơ tán các cơ sở hậu cần vào rừng sâu, bố trí lực lượng bảo vệ các khu vực xung yếu, như: Lạc An, Giáp Lạc, Xóm Sình, Mỹ Lộc… Nhờ vậy, các đơn vị vũ trang linh hoạt, cơ động chặn đánh tiêu hao địch khắp các mũi. Ngay trong ngày đầu đã diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy cả máy bay, xe quân sự…

Nhưng thế giặc quá mạnh, với lợi thế quân đông và vũ khí hiện đại, mấy ngày sau quân Pháp hầu như làm chủ được toàn bộ vùng căn cứ địa của kháng chiến quân miền Đông.

Trước tình thế đó, Bộ Chỉ huy Khu 7 và Ban Chỉ huy Vệ quốc đoàn quyết định phá vòng vây vượt ra ngoài. 9 giờ đêm 22-4-1946, toàn cơ quan khu bộ, các đơn vị bộ đội, các cơ quan kháng chiến, cơ sở hậu cần gần 2 ngàn người bí mật rời khỏi các điểm ẩn náu, an toàn thoát khỏi vòng vây của địch.

Khoảng 1 tháng sau, cơ quan Khu bộ Khu 7 rút về Vườn Thơm (Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh), sau đó về Đức Hòa (tỉnh Long An) lập ra Quân khu Đông Thành.

Chiến khu Đ từ đây do Ban Chỉ huy Vệ quốc đoàn Biên Hòa đảm trách. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp còn lâu dài, các cơ quan dân chính Đảng của tỉnh Biên Hòa được chuyển sâu vào Chiến khu Đ để tiếp tục xây dựng, phát triển căn cứ, tạo thành nơi đứng chân vững chắc hơn. Chỉ huy trưởng Huỳnh Văn Nghệ chia lực lượng Vệ quốc đoàn Biên Hòa thành 5 phân đội án ngữ, bảo vệ khắp vùng căn cứ; đồng thời giao đồng chí Chín Quì phụ trách Ban Sanh sản - địa hình làm nhiệm vụ sản xuất lương thực và đảm trách các khu vực theo phương án chiến đấu. Đặc biệt, thành lập các đội trinh sát, tình báo, liên lạc... làm nhiệm vụ theo dõi địch tình, liên lạc bên ngoài chiến khu.

Tháng 6-1946, thực hiện chủ trương thống nhất các lực lượng vũ trang trong toàn khu, Vệ quốc đoàn Biên Hòa (gồm bộ đội Huỳnh Văn Nghệ và bộ đội Châu Thành) cùng Vệ quốc đoàn Long Thành hợp nhất lại, lấy phiên hiệu Chi đội 10 với quân số 1,1 ngàn người, trang bị 380 súng trường, 13 súng máy, 25 tiểu liên, 1 súng cối… do đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy.

Thực hiện nhiệm vụ quân sự, tỉnh Biên Hòa đã chuyển các “quận quân sự” thành các “ban công tác liên thôn”, bên dưới là các “ban công tác xã”. Như thế, trong Chiến khu Đ đã hình thành 3 hình thức tổ chức vũ trang: bộ đội địa phương, du kích tập trung và du kích xã. Trong vòng vây khép kín của quân thù, Chiến khu Đ vẫn hoạt động, phát triển nhiều mặt và tự khẳng định khả năng phòng vệ của mình, đồng thời vươn lên lập nhiều kỳ tích chiến công trong cuộc chiến tranh giải phóng quê hương.

Bên cạnh việc thường xuyên đối đầu với Lữ đoàn Lê dương thứ 13 của Pháp (đặc trách đánh phá mục tiêu Chiến khu Đ), Chi đội 10 đã tập kích diệt gọn một trung đội địch, giải tỏa đồn Đất Cuốc. Đặc biệt, để kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, vào ngày 15-9-1946, Chi đội 10 đã vượt Chiến khu Đ cơ động đánh đoàn xe lửa ở tận Bảo Chánh và Trảng Táo, thu nhiều súng đạn, lương thực…, được đồng chí Lê Duẩn (người lãnh đạo cao nhất phụ trách Nam bộ) đến chiến khu biểu dương.

Tiếp đó Chi đội 10 có những trận Bàu Cá, đường 14 Đồng Xoài… và lừng lẫy nhất là trận đánh La Ngà gây tiếng vang lớn trong nước, làm chấn động dư luận nước Pháp.

Trong gian lao, thử thách

Đầu năm 1948, sau khi trở thành Khu bộ trưởng, đồng chí Huỳnh Văn Nghệ cho chuyển cơ quan Khu bộ Khu 7 từ Đồng Tháp Mười trở về Chiến khu Đ và đặt Văn phòng Tư lệnh tại Nhà Nai (Tân Uyên).

Ngày 27-3-1948, bộ đội trong toàn Khu 7 được biên chế lại thành 10 trung đoàn và một tiểu đoàn cơ động. Chi đội 10 trở thành Trung đoàn 310, do đồng chí Nguyễn Văn Lung làm Trung đoàn trưởng. Trung đoàn 310 được giao nhiệm vụ phối hợp cùng bộ đội lưu động Hoàng Thọ bảo vệ cơ quan Khu 7, Chiến khu Đ và lưu động tác chiến.

Lúc này, Chiến khu Đ được bổ sung rất nhiều nguồn nhân lực quý giá, như: Võ Cương (sinh viên y khoa vào rừng, được bổ nhiệm làm Giám đốc Quân y viện), kỹ sư Lê Công Tâm du học từ Pháp về, phụ trách công binh xưởng và đã nghiên cứu chế ra nhiều loại lựu đạn, trong đó nổi tiếng nhất là mìn FT (phá tường); những nhà quân sự giàu kinh nghiệm: Nguyễn Xuân Diêu, Phan Đình Công, Bùi Cát Vũ, Đặng Sĩ Hùng, nhà văn - nhà báo Nguyên Hùng và những nhân sĩ trí thức tên tuổi, như: giáo sư Phạm Thiều, luật gia Lê Đình Chi, bác sĩ Hồ Văn Huê...

Cuối năm 1949, Pháp đẩy mạnh chiến dịch bình định cùng lúc triển khai chiến thuật De La Tour bằng cách xây dựng hàng loạt tháp canh tạo thành vành đai bao bọc Chiến khu Đ. Đêm 18-4-1950, tổ du kích Tân Uyên do các đồng chí Trần Công An và Bùi Cát Vũ chỉ huy đã dùng mìn FT và Beta (bê-ta) phá sập tháp canh cầu Bà Kiên, diệt toàn bộ bọn lính canh. Chiến công này không chỉ khẳng định khả năng đánh bại chiến thuật De La Tour của Pháp, mà còn hình thành cách đánh đặc biệt của Việt Nam, gọi là “chiến thuật đặc công”.

Từ năm 1949-1951, trong vùng Chiến khu Đ phát sinh nạn cọp 3 móng hoành hành. Trong 3 năm, con cọp tinh quái và hung tợn này đã giết hàng chục người dân, cán bộ, bộ đội… Qua nghiên cứu, Giám đốc công binh xưởng Bùi Cát Vũ đã “lấy độc trị độc” hạ được con ác thú, được mọi người ca ngợi, đặt cho ông biệt danh là… “Võ Tòng Chiến khu Đ”.

Quân Pháp được tăng viện để thực hiện chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh”, trước tiên là đánh nhanh vào tiềm lực của Chiến khu Đ bằng những biện pháp kiểm soát, phong tỏa hết sức gắt gao.

Trong hoàn cảnh vùng căn cứ chiến khu bị bao vây, phong tỏa kinh tế, Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Biên Hòa nêu cao khẩu hiệu “Giữ người, giữ của, xây dựng người, xây dựng của, lấy của địch bồi dưỡng ta, không để một tấc đất hoang” bằng nhiều biện pháp nhằm phát triển kinh tế, khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất; lập hội đồng canh nông cấp xã, lập Quỹ Nghĩa thương, nâng giá thu mua thóc… Các đơn vị bộ đội ngoài tổ chức trực chiến còn mở lò rèn sản xuất nông cụ; lập xưởng thuộc da, sản xuất các loại thắt lưng, bao đạn, dây đeo súng… Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và huyện đều lập bộ phận sản xuất lương thực, chăn nuôi…

Bùi Thuận

Bài 3: Mã Đà sơn cước anh hùng tụ

 

Tin xem nhiều