Báo Đồng Nai điện tử
En

Phá án trộm cước viễn thông quốc tế (Bài cuối)

10:07, 11/07/2016

Từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2006, tại Đồng Nai xuất hiện các tiệm internet thu hút rất đông người sử dụng. Từ đây, Phòng An ninh kinh tế (PA81) Công an tỉnh đã phát hiện một thủ đoạn phạm tội mới là trộm cước viễn thông quốc tế.

Từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2006, tại Đồng Nai xuất hiện các tiệm internet thu hút rất đông người sử dụng. Từ đây, Phòng An ninh kinh tế (PA81) Công an tỉnh đã phát hiện một thủ đoạn phạm tội mới là trộm cước viễn thông quốc tế. Sau mấy tháng điều tra, trinh sát PA81 đã lần ra “ông chủ” các tiệm internet chính là người đã lấy cắp tài khoản các cuộc gọi quốc tế của dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh.

* Xuất hiện loại tội phạm mới

Thượng tá Phạm Ngọc Hà, Phó trưởng phòng PA81, nhớ lại thời điểm cuối năm 2005 đến đầu năm 2006, trên địa bàn tỉnh bắt đầu xuất hiện các tiệm internet công cộng thu hút rất đông người lui tới sử dụng. Qua theo dõi, các trinh sát PA81 đã phát hiện một số máy điện thoại cố định và một số kênh thuê bao internet tại Đồng Nai có lưu lượng cuộc gọi lớn bất thường. Dấu hiệu này cho thấy “có vấn đề” trong giao dịch viễn thông của các thuê bao này.

Các bị cáo  tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Trước những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của ngành viễn thông, Đại tá Ngô Minh Đức, Phó giám đốc Công an tỉnh, đã chủ trì cuộc họp với các cán bộ an ninh chủ chốt và thống nhất phải nhanh chóng điều tra làm sáng tỏ những nghi vấn đã đặt ra.

Sau một thời gian nắm tình hình, vào ngày 27-2-2006, Ban giám đốc Công an tỉnh đã xác lập chuyên án mang bí số VT06 để huy động lực lượng vào cuộc điều tra. Những cán bộ trinh sát dày dạn kinh nghiệm đã được giao nhiệm vụ điều tra hoạt động của các đối tượng liên quan đến vụ việc này.

Quá trình trinh sát, PA81 đã phát hiện người có tên Trần Đình Định (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) đứng tên trong hợp đồng với Bưu điện Đồng Nai lắp đặt 12 máy điện thoại cố định và một đường truy cập internet Mega VNN (ADSL), nhưng có dấu hiệu trộm cước viễn thông trong các cuộc gọi điện thoại quốc tế.

Thượng tá Hà cho biết, tại thời điểm đó, việc sử dụng mạng viễn thông để hoạt động phạm tội là một thủ đoạn mới xuất hiện tại địa bàn tỉnh Đồng Nai nên ban chuyên án rất quyết tâm làm sáng tỏ nhằm lật tẩy hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan. Do có liên quan đến mảng công nghệ cao, mạng viễn thông nên khi thành lập chuyên án, Ban giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu Sở Bưu chính viễn thông, Bộ Công an cùng phối hợp để điều tra làm rõ thủ đoạn của các đối tượng trong vụ án.

Với nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau gần 2 tháng điều tra, Ban chuyên án đã thu thập được nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội của Trần Đình Định. Theo đó, Định đã sử dụng các thiết bị công nghệ cao để chuyển các cuộc gọi điện thoại quốc tế thành các cuộc gọi trong nước nhằm chiếm đoạt cước phí quốc tế của ngành viễn thông. Hành vi này đã gây thất thoát hàng trăm triệu đồng của Nhà nước, đồng thời gây ra tình trạng mất an ninh trong việc sử dụng mạng viễn thông.

* Ông chủ tiệm internet trộm cước viễn thông

Sau khi đã thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến hoạt động trộm cước viễn thông của Trần Đình Định, ban chuyên án đã quyết định bắt giữ đối tượng để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, quá trình điều tra ban chuyên án xác định, ngoài Định còn có nhiều người khác liên quan đến hoạt động trộm cước viễn thông. Hầu hết những đối tượng này là người nhà của Định, bị Định lôi kéo bằng việc cho quản lý các tiệm internet của Định lập ra tại nhiều địa điểm.

Cụ thể, Phan Thanh Tịnh (em rể Định, ngụ huyện Xuân Lộc) được Định cho điều hành tiệm internet tại phường Bửu Long; Lê Tấn Vũ (em rể Định, ngụ TP.Hồ Chí Minh) quản lý tiệm internet tại quận Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh). Đặc biệt, liên quan đến vụ án có đối tượng Việt kiều Nguyễn Ngọc Bình (còn gọi là Benny Bình), người đã tổ chức cho Định lập các tiệm internet để trộm cước viễn thông.

Sau khi đã rà soát và xác định 4 địa điểm kinh doanh internet của Định tại các phường: Bửu Long, Quang Vinh (2 điểm) và một chi nhánh tại quận Bình Thạnh, các trinh sát đã lập kế hoạch bắt khám xét khẩn cấp ở những nơi này. “Nếu không đồng loạt ra quân khám xét tại các địa điểm mà đối tượng đang hoạt động internet thì các đối tượng này có thể thông báo cho nhau để tiêu hủy chứng cứ. Vì vậy, sau khi đã thống nhất kế hoạch, ban chuyên án đã huy động tối đa lực lượng đồng loạt ập vào 4 cơ sở cùng lúc để kiểm tra” - Thượng tá Hà cho biết.

Một ngày cuối tháng 3-2006, các mũi trinh sát đồng loạt ập vào các địa điểm kinh doanh internet của Định để bắt giữ Định và các đối tượng liên quan, đồng thời khám xét, thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động trộm cước viễn thông.

Tháng 10-2006, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa vụ án Nguyễn Đình Định và đồng bọn tổ chức trộm cước viễn thông quốc tế ra xét xử về tội trộm cắp tài sản. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Định 4 năm 6 tháng tù, Nguyễn Ngọc Bình 3 năm tù và Phan Thanh Tịnh 18 tháng tù, đồng thời buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước số tiền thiệt hại 465 triệu đồng.

Qua đấu tranh khai thác, Định khai từ năm 2004 đã xin phép thành lập Doanh nghiệp tư nhân Khánh Linh kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có hoạt động dịch vụ internet công cộng và mua bán máy tính, phụ kiện máy tính, trụ sở chính đặt tại đường Phan Đình Phùng (phường Quang Vinh). Sau đó, Định lập thêm 2 chi nhánh Thùy Linh và Thùy Linh 2 tại các phường Bửu Long và Quang Vinh. Tại các chi nhánh này, Định cho lắp đặt hàng chục điện thoại cố định, đường truyền internet và một kênh truy nhập internet với tốc độ cao (Định thuê bao riêng).

Để lấy cắp cước viễn thông quốc tế thông qua các cuộc gọi điện thoại đi nước ngoài, tại các tiệm internet của mình, Định đã cho lắp đặt các thiết bị trộm cước viễn thông. Các thiết bị này sẽ làm giảm lưu lượng các cuộc gọi từ nước ngoài về Việt Nam thông qua các số máy điện thoại cố định, đường truyền ADSL và kênh thuê riêng do Định đã lắp từ trước.

Theo cơ quan điều tra, để thực hiện được thủ đoạn gian dối này, Định đã nhận được sự giúp sức của Benny Bình. Theo điều tra, từ năm 1999-2006, Benny Bình đã 22 lần xuất nhập cảnh vào Việt Nam để hỗ trợ, hướng dẫn Định thực hiện việc trộm cước viễn thông quốc tế.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định tại các tiệm kinh doanh internet của Định mỗi tháng có một lượng lớn cuộc gọi trong nước đến các tỉnh, thành, như: Bến Tre, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh. Có những ngày lên tới hàng ngàn cuộc gọi đi và tất cả đều dùng dịch vụ điện thoại internet. Với thủ đoạn chuyển cuộc gọi quốc tế thành những cuộc gọi trong nước, Định đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng cước viễn thông quốc tế. Ngoài Định, cơ quan công an đã bắt giữ Phan Thanh Tịnh và Nguyễn Ngọc Bình để phục vụ công tác điều tra.

Trần Danh

 

 

 

Tin xem nhiều