Báo Đồng Nai điện tử
En

Đuối nước và câu chuyện dạy bơi học đường

10:04, 24/04/2016

Dù thầy cô và phụ huynh đã nhắc nhở, dạy bảo, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng liên tục cảnh báo, nhưng tình trạng trẻ em bị đuối nước hầu như năm nào cũng xảy ra.

Dù thầy cô và phụ huynh đã nhắc nhở, dạy bảo, các phương tiện truyền thông đại chúng cũng liên tục cảnh báo, nhưng tình trạng trẻ em bị đuối nước hầu như năm nào cũng xảy ra.

Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội, từ năm 2014 đến tháng 4-2016, toàn tỉnh có 38 trường hợp trẻ em bị đuối nước, trong đó năm 2014 có 18 trẻ, 2015 có 15 trẻ và trong 4 tháng đầu năm nay là 5 trẻ. Hầu hết trẻ đuối nước gặp nạn trong giai đoạn chuyển mùa, từ mùa  khô sang mùa mưa, thời tiết oi bức và trong thời gian nghỉ hè.

* Năm nào cũng có trẻ chết đuối

Ngày 31-3, được nghỉ học nên một nhóm học sinh lớp 7/2 Trường THCS Xuân Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) rủ nhau đến suối Cả (ấp 2, xã Xuân Đường) chơi. Trong lúc chơi, em Lê Thị Kim Thoa bất ngờ trượt chân ngã xuống suối. Hai em Nguyễn Hoàng Phi Hùng và Đỗ Văn Huy nhảy xuống suối cứu bạn, nhưng do sức nước mạnh nên cả 3 đã bị cuốn theo dòng nước. Những em còn lại trong nhóm chạy đi tìm người đến cứu, nhưng khi người lớn đến đưa Thoa, Hùng và Huy vào bờ thì cả 3 đã tử vong.

Trẻ em tắm ở sông Đồng Nai không có người lớn giám sát.
Trẻ em tắm ở sông Đồng Nai không có người lớn giám sát.

Gần đây nhất, vào ngày 18-4, khi đi học về ngang đập nước nằm giáp ranh giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và xã Phước Bình (huyện Long Thành), một nhóm học sinh thuộc một trường THCS ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ghé vào chơi. Trong lúc đang chơi, em Ngô Văn Đức bất ngờ bị trượt chân té xuống chân đập và em Nguyễn Khánh Đăng đã nhảy xuống cứu bạn. Do nước sâu, cả hai đều bị đuối và chìm dần, các học sinh còn lại trên bờ la hét gọi người đến cứu nhưng không kịp.

Đã 2 năm trôi qua nhưng ông Võ Văn Trí (ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa) vẫn chưa thể nguôi ngoai chuyện con trai học lớp 7 bị đuối nước khi cùng bạn đi tắm hồ gần nhà. Hôm đó, trước khi con đi học thêm, ông Trí dặn con đi học phải về sớm, không la cà đi tắm sông, hồ; muốn đi đâu chơi phải có người lớn theo cùng. Nhưng khi tai nạn xảy ra thì ông mới nhận ra, hầu hết những lời dặn dò sẽ không đủ tác dụng phòng ngừa nếu trẻ không được trang bị các kỹ năng sống cần thiết như lúc đi lạc hay bơi lội…

“Ơ gần sông, hầu như nhà nào cũng đưa con em ra bờ sông bơi, riết rồi tụi nhỏ quen nhảy xuống sông tắm lúc trời nóng. Nhưng càng ở gần sông nước thì càng phải trang bị cho con những kỹ năng khác ngoài chuyện biết bơi. Bởi ao, hồ, sông, suối tự nhiên tiềm ẩn nhiều xoáy nước, đá ngầm bên dưới nên không biết nguy hiểm sẽ xuất hiện vào lúc nào” - ông Trí bộc bạch.

* Đi tìm giải pháp khả thi

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - thương binh và xã hội), nhận định về chuyện trẻ bị đuối nước, nguyên nhân khách quan là do môi trường xung quanh trẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, nhiều nhà gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn; nhiều bể chứa nước, giếng đào không nắp đậy… Về mặt chủ quan, do nhận thức của xã hội, người dân và bản thân trẻ em về tai nạn đuối nước còn hạn chế; nhiều trẻ không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ đuối nước vì thiếu sự giám sát của cha mẹ, người giữ trẻ do phải lo mưu sinh...

Trẻ em học bơi bài bản tại hồ bơi ở TP.Biên Hòa.
Trẻ em học bơi bài bản tại hồ bơi ở TP.Biên Hòa.

“Chúng tôi nhấn mạnh vai trò tuyên truyền cho trẻ em và gia đình hiểu sự nguy hiểm của tai nạn thương tích đối với trẻ em và cách phòng ngừa. Nếu chỉ dựa vào việc làm hàng rào hay quản lý từ phía nhà trường thôi là chưa đủ, vì nghỉ hè học sinh chủ yếu ở nhà, chơi gần nhà, thời gian rảnh nhiều, phụ huynh lại bận đi làm nên việc quản lý con cái không phải đơn giản. Hàng năm, Sở Lao động - thương binh và xã hội đều có văn bản hướng dẫn các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cùng với việc tuyên truyền cho phụ huynh học sinh. Tính riêng 2 năm 2014 và 2015, toàn tỉnh đã tổ chức 186 buổi tư vấn cộng đồng cho gần 85 ngàn lượt người, chủ yếu về trẻ em tại các trường THCS. Nhưng muốn giải quyết tận gốc vấn đề này thì phải từ chính các em, phải được đào tạo kỹ năng sống, dạy bơi lội và hiểu được sự nguy hiểm khi tắm sông, hồ” - ông Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, cho hay vào dịp hè năm nay, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ em, tổ chức Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em”. Và trên hết, phía nhà trường cũng như phụ huynh phải tích cực cảnh báo, dặn dò học sinh cẩn thận mỗi khi di chuyển gần khu vực sông, hồ, nhất là phải có sự giám sát của người lớn nếu muốn đến chơi ở các khu vực này.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, năm 2010 Sở GD-ĐT đã có chương trình dạy bơi trong trường học đối với học sinh tiểu học. Đến năm 2013, Sở tiếp tục có kế hoạch “xóa mù bơi” cho học sinh một số địa phương xa, như: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú… bằng hồ bơi di động sẽ được áp dụng, nhưng do hồ bơi làm bằng chất liệu nhựa không bền, dễ thủng, hiệu quả không cao nên không áp dụng. Đến nay, trên toàn tỉnh chưa có trường tiểu học công lập nào có hồ bơi.

“Giải pháp khác được đưa ra khi trong năm 2015 Sở GD-ĐT đã làm việc với Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam về việc xây dựng hồ bơi và dạy bơi lội cho học sinh trong các trường học ở tỉnh. Theo đó, Sở đã xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh và được chỉ đạo chậm nhất đến cuối năm 2016 phải có 12 hồ bơi ở 12 trường tiểu học với nguồn vốn xã hội hóa. Điều này sẽ giúp học sinh ở huyện có điều kiện học bơi ngay tại trường khi mà các hồ bơi bên ngoài không nhiều như ở các đô thị” - ông Thạch cho hay.

Đăng Tùng

 

 

 

 

Tin xem nhiều