Báo Đồng Nai điện tử
En

Vang dội trận đánh Nhà Xanh (Bài 1)

10:04, 10/04/2015

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân dân Đồng Nai đã có cả trăm, ngàn trận đánh địch. Trong đó, có những trận đánh khiến cho địch thiệt hại nặng nề, gây chấn động dư luận, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc xâm lược, thống nhất Tổ quốc.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân dân Đồng Nai đã có cả trăm, ngàn trận đánh địch. Trong đó, có những trận đánh khiến cho địch thiệt hại nặng nề, gây chấn động dư luận, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ số báo này Báo Đồng Nai giới thiệu một số trận đánh tiêu biểu của quân dân Đồng Nai trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bà Bảy Quý đến thăm khu di tích lịch sử Nhà Xanh.
Bà Bảy Quý đến thăm khu di tích lịch sử Nhà Xanh.

Đã 56 năm trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Bảy (Bảy Quý, 76 tuổi, hiện ngụ KP.4, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) vẫn còn nhớ rõ về trận đánh Nhà Xanh ngày 7-7-1959 của Đại đội C250 và lực lượng tự vệ mật của Thị ủy Biên Hòa (cũ). Trong trận đánh này, bà được tổ chức giao nhiệm vụ móc nối với cơ sở (má Bảy Vết) để che giấu đồng chí Hưng (cán bộ liên lạc của Ban Quân sự Miền) từ căn cứ về Gò Me phối hợp cùng với đồng chí Ba Lễ (Bí thư Thị ủy Biên Hòa) điều nghiên tình hình.

Lúc ấy,  bà Bảy Quý mới 20 tuổi, làm liên lạc cho tổ chức cách mạng nội thành, với vỏ bọc là người “ở đợ” (làm thuê). “Đồng chí Hưng là bạn học cũ của tui lúc ở rừng nên cả hai khá thân thiết. Sau khi bắt liên lạc với má Bảy Vết để che giấu đồng chí Hưng, tui được tổ chức chuyển về khu vực Chợ Đồn hoạt động nhằm giữ bí mật” - bà Bảy Quý nói.

* Chuẩn bị cho trận đánh

Tháng 2-1959, đồng chí Nguyễn Văn Hoa (Năm Hoa, Đại đội phó Đại đội C250) đưa đồng chí Hưng mang thư của Ban Quân sự Miền về gặp đồng chí Ba Lễ bàn việc phối hợp diệt Mỹ.

Sau khi trao đổi kỹ, đồng chí Năm Hoa quay về Chiến khu Đ báo cáo, đồng chí Hưng ở lại, đồng chí Ba Lễ ở nhà má Sáu Tơ, cách Nhà Xanh chưa đầy 100m, cách nơi lính bảo an đóng hơn 200m. Đồng chí Hưng được bố trí ở nhà má Bảy Vết, đề phòng bố ráp, bị bắt thì khai là thanh niên trốn quân dịch. Ban ngày, 2 người thường lánh mặt trong buồng. Tối đến, cả hai trà trộn với dân vào Nhà Xanh xem chiếu bóng để quan sát địa hình khu Nhà Xanh, nắm quy luật hoạt động của bọn Mỹ và cách tuần tra canh gác của trung đội lính bảo vệ.

Từ ngày nhận được chỉ thị của trên về việc chuẩn bị kế hoạch phối hợp đánh bọn cố vấn Mỹ ở Nhà Xanh, suốt gần 8 tháng, đồng chí Ba Lễ và đồng chí Hưng bám trụ tại nhà má Sáu Tơ và má Bảy Vết để tổ chức điều nghiên, nắm quy luật bố phòng của bọn lính bên trong Nhà Xanh. Khoảng 20 ngày một lần, đồng chí Hưng trở về căn cứ báo cáo tình hình và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Quân sự Miền. Tháng 5-1959, khi từ căn cứ quay về ấp Lân Thành, đồng chí Hưng mang theo một quả mìn giấu tại nhà má Sáu Tơ.

Một lần bà Sáu Tơ vô tình vào buồng, thấy 2 đồng chí Ba Lễ và Hưng đang vẽ sơ đồ Nhà Xanh, trao đổi cách đánh liền hỏi: “Chúng nó ở nhà lầu, bọn bay không có súng làm sao đánh?”. Đồng chí Ba Lễ nói sẽ dùng mìn thì bà Sáu Tơ kiên quyết xin được ôm mìn diệt Mỹ. Tuy nhiên, cả hai đã lựa lời khuyên má Sáu Tơ rằng nhiệm vụ che giấu cách mạng của má cũng góp phần trực tiếp đánh giặc thì má mới chịu nghe.

Tháng 6-1959, đồng chí Năm Hoa và đồng chí Hưng hóa trang như công chức, đi xe đạp đến lân la ở các quán giải khát gần cửa ra vào cổng Nhà Xanh để nắm tình hình địch.

Cuối tháng 6-1959, Ban Quân sự Miền thông qua kế hoạch do đồng chí Ba Lễ và đồng chí Hưng phác thảo. Theo phương án tác chiến, lực lượng ta gồm Đại đội đặc công C250 với sự phối hợp của lực lượng tự vệ mật thị xã và quyết định giờ hành động lúc 19 giờ ngày 7-7-1959, nhằm vào thời điểm địch kỷ niệm ngày Diệm “chấp chính” tổng thống. Đây chính là thời điểm lính trong Nhà Xanh ăn mừng và nhậu nhẹt say sưa, sẽ có những sơ hở trong việc tuần tra, canh gác; đồng thời tránh được sự thiệt hại tính mạng của nhân dân quanh vùng (đêm đến nhân dân thường vào Nhà Xanh xem chiếu bóng).

* Giờ G đã điểm

Tối ngày 5 đến 7- 7-1959, 6 chiến sĩ đặc công gồm: Năm Hoa (chỉ huy), Hưng, Huề, Bé, Phú và Sắc đã từ Chiến khu Đ vượt sông Đồng Nai về đến rừng Tân Phong và nghỉ chân ở đây. Đồng chí Ba Lễ trực tiếp gặp mọi người và bàn kế hoạch phối hợp trận đánh. Nửa đêm 6-7-1959, đội đặc công về ém ở vạt rừng chồi Gò Me (sau nhà má Xuân). 18 giờ ngày 7-7-1959, đồng chí Năm Lũy (con má Xuân) và đồng chí Hưng lại ra trinh sát một lần nữa khu vực Nhà Xanh và thấy bọn Mỹ lần lượt kéo đến với 7 chiếc xe du lịch, có khoảng 20 cố vấn Mỹ.

Gần 19 giờ, đội đặc công hóa trang và trang bị như toán lính ngụy đi tuần tiễu được lệnh xuất phát. Một số tự vệ mật của Thị xã Biên Hòa cũng triển khai đội hình theo hướng được phân công. Anh Nhái (tự vệ mật) giả dạng người đạp xích lô, giấu dưới nệm xe một khẩu súng tiểu liên và 2 quả lựu đạn, dừng xe đợi khách ở khu vực Nhà máy cưa BIF với nhiệm vụ kiềm chân bọn lính từ các nơi kéo về tiếp ứng khi đội đặc công hành động xong rút ra khỏi cổng. Đồng chí Sáu A (người Gò Me) và một số người được trang bị súng, bám theo đội đặc công để khi đơn vị lọt qua cửa đi thẳng vào chỗ bọn Mỹ đang ăn chơi thì tổ này nhanh chóng bao vây kho súng (nằm cạnh cổng vào và nhà tên đại úy chỉ huy đơn vị bảo vệ khu vực này), không cho địch đánh phía sau lưng các chiến sĩ đặc công.

Trận đánh Nhà Xanh đã gây tiếng vang trong và ngoài nước. Sau trận đánh, chính quyền Sài Gòn tung lực lượng cảnh sát, mật vụ vào cuộc nhưng vẫn không điều tra được gì. Di tích Nhà Xanh là nơi ghi dấu ấn đậm nét sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Đây còn là di tích thể hiện tinh thần, ý chí cách mạng táo bạo, quả cảm của quân dân Biên Hòa - Đồng Nai trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Đội đặc công nhanh chóng vượt qua một khe hở của hàng rào kẽm gai, tiếp cận với Nhà Xanh. Lực lượng hỗ trợ bên ngoài nổ súng bắn ngã tên thượng sĩ đứng gác cổng, đồng chí Phú (tức Nguyễn Thanh Long) nhảy thẳng vào đứng gác cửa kho súng.

Bên trong Nhà Xanh, tên bồi bàn đang bưng chiếc khay thức ăn từ trong nhà bếp ra, thấy 6 chiến sĩ đặc công tay cầm súng tiến vào thì hốt hoảng la lên. Nghe động, một tên Mỹ từ trên lầu nhảy xuống cầu thang, chạm mặt với đồng chí Huề đang ôm quả mìn kéo theo sợi dây điện phía sau. Hắn nhảy xổ tới giành giật quả mìn với đồng chí Huề. Trên cầu thang, còn lố nhố nhiều tên Mỹ khác. Một đồng chí đặc công đứng phía sau lập tức quét một loạt tiểu liên vào bọn Mỹ đang đứng trên cầu thang.

Thấy bọn Mỹ quá đông và thời cơ diệt địch đã đến, đồng chí Huề chấp nhận hy sinh và hô to: “Châm”. Đồng chí Sắc đứng phía sau liền châm 2 đầu dây điện vào khối pin. Một quầng lửa chớp sáng lòa với tiếng nổ như sét đánh. Hệ thống điện trong Nhà Xanh tắt phụt. 4 đồng chí đặc công xông lên cầu thang, quét thêm vài loạt tiểu liên vào chỗ có tiếng kêu gào của bọn Mỹ rồi nhanh chóng rút lui.

Nhằm đánh lạc hướng truy kích của địch, cơ sở mật ở địa phương nghi binh như có một đơn vị vượt sông đi về hướng cù lao Phố. Địch bị hút vào hướng nghi binh của ta nên các chiến sĩ đặc công rút về căn cứ an toàn.

Trận đánh này đồng chí Huề hy sinh, đồng chí Sắc bị thương được đồng đội đưa về căn cứ. Riêng địch tổn thất nặng, có 2 “cố vấn“ Mỹ bị giết và đây cũng là 2 quân nhân Mỹ đầu tiên chết ở Việt Nam (Thiếu tá Dale R.Buis và Trung sĩ Chester M.Ovmand).

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều