Báo Đồng Nai điện tử
En

Đập tan cánh cửa thép

11:04, 08/04/2015

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, việc đập tan cánh cửa thép, cứ điểm phòng thủ cuối cùng của địch tại Xuân Lộc là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của các lực lượng quân giải phóng.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, việc đập tan cánh cửa thép, cứ điểm phòng thủ cuối cùng của địch tại Xuân Lộc là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của các lực lượng quân giải phóng.

Bộ đội K8 Xuân Lộc trên đường ra trận.
Bộ đội K8 Xuân Lộc trên đường ra trận.

Bằng lối đánh táo bạo, kết hợp với việc vận dụng sáng tạo chiến thuật “3 mũi giáp công” nên quân, dân Xuân Lộc đã kề vai sát cánh với bộ đội chủ lực liên tục tiến công địch, đánh tan rã hoàn toàn quân địch tại phòng tuyến cuối cùng này, tạo đà cho quân chủ lực tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

* Đánh trong vòng vây của địch

Vốn là người am hiểu chiến trường Xuân Lộc từ khá sớm, nên Đại tá Hoàng Viết Sở, nguyên Đại đội phó trinh sát - đặc công Quân khu 7, người được giao nhiệm vụ bám địch ở chiến trường Xuân Lộc trong chiến tranh và  nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự TX.Long Khánh nay đã nghỉ hưu, bồi hồi nhớ lại: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, huyện Xuân Lộc có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Trên địa bàn huyện có những tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 1, tuyến đường sắt Bắc - Nam và các tỉnh lộ 2, 3 đi Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đây, Xuân Lộc có rừng nối liền với rừng cực Nam Trung bộ, Xuyên Mộc, Định Quán, Tân Phú, tạo nên thế liên hoàn có khả năng xây dựng căn cứ kháng chiến. Chính vì địa thế trên nên cả ta và địch đều tận dụng địa bàn Xuân Lộc để thực hiện các mục đích quân sự lâu dài. Trong chiến tranh, Mỹ và chính quyền Sài Gòn coi Xuân Lộc là “bức tường thép” bảo vệ hướng Đông Bắc Sài Gòn, do vậy chúng tập trung xây dựng ở đây nhiều căn cứ quân sự lớn, với nhiều lực lượng quân binh chủng quan trọng để đàn áp phong trào cách mạng địa phương và ngăn chặn các đòn tiến công của ta.

Cuối năm 1974, cục diện chiến trường chung có nhiều thuận lợi, Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Đông - Xuân 1974-1975, trọng điểm là đường 14 - Phước Long; chiến trường Bà Rịa - Long Khánh, trong đó có Xuân Lộc. Từ cơ sở này, Khu ủy Miền Đông quyết định mở chiến dịch lộ 3, lộ 1 nhằm tiêu diệt hệ thống căn cứ quân sự ở đây để kìm chân Sư đoàn 18 của địch, đồng thời mở rộng vùng giải phóng, mở rộng hành lang chiến lược nối với Khu 6 và xây dựng lực lượng chính trị, hậu cần dự trữ cho các chiến dịch lớn hơn.

Trong thời gian này, ông Lương Văn Năm (tức Sáu Lâm), nguyên  Bí thư Chi bộ xã Bảo Định trong chiến tranh, cho biết để thực hiện đúng kế hoạch chỉ đạo của trên, Huyện ủy Xuân Lộc đã quyết định động viên toàn bộ sức mạnh của quân và dân huyện nhà tập trung lực lượng giải phóng vùng ven rộng lớn phía Bắc và Đông Nam TX.Long Khánh. Do vậy, lực lượng K8 cùng Tiểu đoàn 445 Bà Rịa - Long Khánh, các đội vũ trang và lực lượng tự vệ mật của Ban cán sự di dân liên tục tổ chức các trận đánh tiêu hao sinh lực địch ở khu vực Suối Cát, Bảo Chánh, Bình Phú. Tiểu đội súng cối nữ cơ động pháo kích phá hủy phương tiện chiến tranh, kho tàng địch ở sân bay Long Khánh, cầu Gia Liêu, Bình Phú, đánh địch ở khắp địa bàn ven TX.Long Khánh.

* Cùng bộ đội chủ lực phá tan cánh cửa thép

Ông Trần Quang Nhứt, nguyên là cán bộ địch vận của xã Bảo Định trong chiến tranh, chia sẻ với quyết tâm biến chủ trương của trên thành hiện thực, vào đêm 10 rạng sáng 11-12-1974, du kích cùng nhân dân Bảo Chánh đã phối hợp với bộ đội K8 huyện tổ chức tấn công đồn Bảo Chánh bằng chiến thuật “3 mũi giáp công”. Khi tiếng súng nổ ra, Tiểu đội nữ súng cối pháo kích uy hiếp, Ban binh vận huyện cùng Chi bộ Đảng địa phương huy động quần chúng, trong đó có nhiều gia đình binh sĩ đến phát loa kêu gọi con em trong đồn buông súng đầu hàng. Trước áp lực của quân giải phóng,  toàn bộ binh lính bảo an trong đồn Bảo Chánh ra hàng. Bảo Chánh là xã đầu Tiên của tỉnh Bà Rịa - Long Khánh được giải phóng, mở đầu cho phong trào địa phương tự lực giải phóng xã, ấp. Bài học từ việc bức hàng đồn Bảo Chánh được Khu ủy phổ biến rộng trong toàn khu. Và cũng từ kinh nghiệm đánh địch bằng “3 mũi giáp công” ở Bảo Chánh, liên tục trong thời gian cuối năm 1974, đầu năm 1975, các đội vũ trang ở các khu, đồn và tự vệ mật đã liên tục tiến công và nổi dậy diệt ác ôn, tiêu hao và làm tan rã các trung đội dân vệ và phòng vệ dân sự địch, bắt và giải tán bộ máy kiềm kẹp của địch, lần lượt giải phóng các đồn Lều Xanh, Suối Cát, Đồng Tâm 1, 2, 3, 4, 5 có trên 20 ngàn dân, đồng thời cắt đứt quốc lộ 1 nối với Long Khánh từ hướng Đông Bắc.

Ông Lương Văn Năm cho biết thêm, trước sự kiện “Bảo Chánh” và trước sức tiến công của quân dân Xuân Lộc, địch phải dùng lực lượng bảo an căng kéo chống đỡ. Tiểu khu Long Khánh cùng Sư đoàn 18 lo sợ, tăng cường bố trí phòng thủ và tung lực lượng thám báo, biệt kích đi khắp nơi thăm dò. Liên đoàn biệt kích 81 lùng sục ráo riết ở khu vực núi Chứa Chan, Chiến đoàn 52 càn quét hướng Bảo Chánh, Ruộng Tre, lực lượng Bảo an địch ở Bình Phú, Ông Đồn bị đảo lộn phải thay nhau liên tục.

Đại tá Hoàng Viết Sở cho biết thêm, khi Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột bắt đầu vào ngày 10-3-1975 thì đến ngày 18-3-1975, để chia lửa với chiến trường chính, lực lượng K8 huyện cùng du kích các xã phối hợp với Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 (Sư đoàn 6) giải phóng Suối Cát, tổ chức đánh diệt địch từ Tiểu khu Long Khánh lên tăng viện. Đến ngày 20-3-1975, K8 cùng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4 tiêu diệt 2 đại đội của Tiểu đoàn Bảo an 332 địch từ Bình Phú lên tiếp viện cho Ông Đồn. Đêm 20 rạng 21-3-1975 ta đồng loạt tiến công quét sạch địch, giải phóng ngã ba Ông Đồn, núi Chứa Chan, làm chủ được lộ 3 từ ngã ba Ông Đồn đến Trà Tân 2. Thừa thắng xông lên, ngày 21-3-1975, Tiểu đoàn 445 Bà Rịa - Long Khánh cùng lực lượng huyện Cao Su giải phóng xã Ông Quế...

Từ ngày 21-3 đến 2-4-1975, cũng bằng chiến thuật “3 mũi giáp công”, Huyện ủy Xuân Lộc đã phát động nhân dân kết hợp các Đội vũ trang tuyên truyền và du kích các xã dọc quốc lộ 1 từ ngã ba Ông Đồn đến Căn cứ 5 quét sạch địch trên tuyến đường này, giải phóng toàn bộ các xã, ấp, giải phóng trên 100 ngàn dân, mở một hành lang rộng lớn ở phía bắc TX.Long Khánh, đảm bảo cho các đơn vị của Quân đoàn 4 đứng chân mở Chiến dịch Xuân Lộc.

Đặc biệt, khi Chiến dịch Xuân Lộc nổ ra, để hỗ trợ cho Quân đoàn 4 tiến công địch, Tiểu đoàn 445, Đại đội 41 của huyện Châu Đức, Bà Rịa - Long Khánh, bộ đội K8 Xuân Lộc, du kích và tự vệ các xã tăng cường tấn công, chia cắt địch. Trong các ngày 6, 7, 9-4-1975, lực lượng vũ trang Bà Rịa - Long Khánh và bộ đội K8 Xuân Lộc đã đánh tiêu hao nặng 2 tiểu đoàn bảo an địch ở Bình Phú, Bảo Toàn, giải phóng Bảo Hòa, chia cắt địch ở Tân Phong, Suối Cát, chiếm cầu Gia Liêu, Bảo Thị, khống chế địch ở căn cứ Suối Râm, giải phóng hoàn toàn huyện Xuân Lộc, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn ở phía bắc TX.Long Khánh, mở đường cho Quân đoàn 4 đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc - Long Khánh, tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đức Việt

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều