Báo Đồng Nai điện tử
En

Tất cả cho mặt trận Xuân Lộc (Bài 1)

03:04, 22/04/2015

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Chiến dịch Xuân Lộc là một trận chiến vô cùng khó khăn, khốc liệt của các lực lượng giải phóng quân. Đánh vào nơi địch cho là "cánh cửa thép" với hệ thống phòng thủ nhiều tầng lớp, quân ta đã gặp nhiều tổn thất. Nhưng với lòng yêu nước và sự mưu trí, dũng cảm, các cánh quân của ta đã đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch sau 12 ngày đêm chiến đấu.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Chiến dịch Xuân Lộc là một trận chiến vô cùng khó khăn, khốc liệt của các lực lượng giải phóng quân. Đánh vào nơi địch cho là “cánh cửa thép” với hệ thống phòng thủ nhiều tầng lớp, quân ta đã gặp nhiều tổn thất. Nhưng với lòng yêu nước và sự mưu trí, dũng cảm, các cánh quân của ta đã đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch sau 12 ngày đêm chiến đấu.

Quyết tâm trước giờ ra trận.                                                             Ảnh tư liệu
Quyết tâm trước giờ ra trận. Ảnh tư liệu

Nhắc lại cuộc chiến ở Xuân Lộc - Long Khánh 40 năm trước, Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, đơn vị trực tiếp đánh vào Xuân Lộc ngày ấy, nhận định: trận chiến Xuân Lộc - Long Khánh là trận ác liệt nhất và cũng là một trong những thử thách oanh liệt nhất của Quân đoàn 4. Dù lực lượng quân tham chiến của ta ít hơn địch, bị thương vong nhiều, nhưng ta đã mở rộng được cửa phía Đông để cho đại quân giải phóng mở trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

* Tạo thế bất ngờ

Trung tướng Lê Nam Phong chia sẻ, sau các chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, cục diện chiến trường miền Nam đã thay đổi về cơ bản. Chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã tiêu diệt và làm tan rã 2 quân đoàn và 2 quân khu, trên 35% bộ binh, 40% lực lượng binh chủng, thu và phá hủy 43% cơ sở vật chất kỹ thuật của địch, giải phóng 12 tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và toàn bộ Tây Nguyên. Ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ, quân dân ta đã đẩy mạnh tác chiến, tạo thế, tạo lực, chuẩn bị một bước quan trọng cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trước tình hình đó, vào ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị đã họp đánh giá tình hình và chỉ rõ: “Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu. Cần động viên cao độ và nhanh chóng lực lượng của cả nước giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể chậm”.[links(right)]

Ngày 1-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện cho các đồng chí của Bộ Chỉ huy mặt trận Sài Gòn: “Vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ, quán triệt đầy đủ tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Cần hành động thật táo bạo, cơ động lực lượng thật khẩn trương. Bất ngờ hiện nay không ở phương hướng lớn nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh Sài Gòn, nhưng chúng cho rằng chúng ta cần phải chuẩn bị 1-2 tháng. Vì vậy hiện nay chủ yếu là ở tốc độ. Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc; mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không chờ đợi....

Qua chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và trước tình hình hết sức khẩn trương ở chiến trường, vào ngày 2-4-1975, Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh các lực lượng quân giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn, đã giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 triển khai lực lượng trên 2 hướng Đông Nam và Tây Nam Sài Gòn. Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 tạm thời tách khỏi Quân đoàn 4, hoạt động ở chiến trường Tây Nam trong đội hình Đoàn 232. Ở hướng Đông, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định phối thuộc Sư đoàn 6 của Quân khu 7 cho Quân đoàn 4. Các đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân khu 7 cùng  Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 chỉ huy hướng này.

Nhận nhiệm vụ của cấp trên giao, ngày 3-4-1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 bàn phương án đánh chiếm Xuân Lộc.

Cần nói thêm, sau khi bị mất Huế - Đà Nẵng, Tướng Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, đã trực tiếp đôn đốc quân đội Sài Gòn xây dựng một tuyến phòng thủ mới kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó coi Xuân Lộc là điểm trọng tâm nhằm ngăn chặn quân ta tiến theo các đường số 1 và 20 đánh vào Biên Hòa, Sài Gòn. Dưới góc nhìn quân sự, Weyand nói với Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh: “Bằng mọi giá phải giữ cho được Xuân Lộc. Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

* Biết địch, biết ta

Về lực lượng và cách bố phòng của địch, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 nhận định Xuân Lộc - Long Khánh là một khu vực phòng thủ rất mạnh của địch, khác hẳn với các mục tiêu mà Quân đoàn 4 đánh chiếm trước đó, như: Phước Long, Lâm Đồng. Trong khi đó, lực lượng của ta ít hơn địch, đặc biệt là các đơn vị binh chủng. Do vậy, để đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, Quân đoàn 4 phải sử dụng 3 sư đoàn bộ binh, gồm: Sư đoàn 7, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 của Quân khu 7 phối thuộc và các lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ, cùng toàn bộ lực lượng pháo binh, pháo cao xạ, xe tăng, công binh, thông tin và các đơn vị bảo đảm khác của Quân đoàn 4.

Để giữ “cánh cửa thép” ở cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, quân đội Sài Gòn đã tập trung một lượng lớn binh lực để phòng thủ Xuân Lộc, gồm: Sư đoàn Bộ binh 18, Trung đoàn 5 Thiết giáp, 8 tiểu đoàn bảo an, 20 đại đội địa phương quân, hàng ngàn cảnh sát và phòng vệ dân sự. Lực lượng ứng cứu trực tiếp gồm có Lữ đoàn 3 Thiết giáp ở Biên Hòa, Lữ đoàn dù số 1 ở Sài Gòn. Ngoài ra, còn có các sư đoàn bộ binh và lực lượng binh chủng của 2 quân khu 3 và 4. Đó là chưa kể đến lực lượng pháo binh và không quân còn rất mạnh của địch.

Đối với cứ điểm phòng thủ mạnh như Xuân Lộc, ngay từ đầu Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đề ra phương châm “đánh chắc, tiến chắc” diệt địch bên ngoài là chính, tạo thế bao vây, cô lập, khi có thời cơ sẽ tiến công dứt điểm. Tuy nhiên, trước tình hình địch đang hoang mang dao động, cần phải khẩn trương, táo bạo sử dụng một bộ phận bộ binh, tập trung toàn bộ xe tăng, pháo binh tiến công thẳng vào Sở Chỉ huy tiểu khu Long Khánh và Sư đoàn 18 của địch; nếu địch tan vỡ thì nhanh chóng đánh chiếm, giải phóng Xuân Lộc.

5 giờ 40 ngày 9-4-1975, Quân đoàn 4 nổ súng tiến công Xuân Lộc. Các trận địa pháo của quân đoàn, sư đoàn đồng loạt nhả đạn. Ngay trong phút đầu tiên, một quả đạn pháo 85 ly phá tan cụm ăng-ten của khu thông tin trong TX.Long Khánh. Một quả pháo 122 ly bẻ gãy cột ăng-ten trên đỉnh núi Thị. Một giờ sau, bộ binh ta bắt đầu xung phong.

Nguyên Chủ nhiệm cao xạ Sư đoàn 341, ông Lê Văn Tạc kể lại, khi nhận lệnh tiến công, từ hướng Bắc, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 nhanh chóng thọc sâu chiếm khu thông tin, khu cố vấn Mỹ, khu cảnh sát... Trước đó mấy ngày, tổ trinh sát của sư đoàn đã được các đồng chí trong Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh trao đổi tường tận tình hình địch, tình hình nhân dân và địa hình khu vực tác chiến nên khi tiếng súng tiến công nổ ra, quân ta thành thạo địa hình, mục tiêu. Đến 9 giờ 40, các chiến sĩ của Sư đoàn 341 mang lá cờ Quyết thắng tiến về dinh Tỉnh trưởng Long Khánh. Địch tập trung lực lượng phản kích dữ dội, buộc Trung đoàn 266 phải dừng lại ở bên ngoài Sở Chỉ huy tiểu khu Long Khánh.

Tại hướng Đông, 8 xe tăng dẫn đầu Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) còn cách cổng căn cứ Sư đoàn 18 chưa đầy 200m thì bị bắn hỏng 3 chiếc phải dừng lại. Chính trị viên Nguyễn Văn Tạo và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Lèo Viết Cường bị thương nặng, Phó tiểu đoàn trưởng tiếp tục chỉ huy đơn vị chiếm được một phần hậu cứ chiến đoàn 52. Ở vòng ngoài, Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 và Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 diệt 2 chiến đoàn 43, 48 của địch từ Tân Phong và núi Thị tràn vào cứu viện. Ở khu vực ngã ba Dầu Giây, Sư đoàn 6 diệt 5 chốt địch trên đoạn đường từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con, thu 2 khẩu pháo 105 ly, buộc chiến đoàn 52 phải bỏ Túc Trưng kéo về giữ ngã ba Dầu Giây.

Đức Việt

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều