Báo Đồng Nai điện tử
En

Muôn sắc ngày hè

10:08, 02/08/2014

Năm học mới sắp đến. Trong những ngày hè ngắn ngủi còn lại, nỗi âu lo kiếm tiền trang trải cho năm học mới, tìm nơi gửi con và tranh nhau học hè… như điệp khúc quen thuộc đối với phụ huynh lẫn học sinh.

Năm học mới sắp đến. Trong những ngày hè ngắn ngủi còn lại, nỗi âu lo kiếm tiền trang trải cho năm học mới, tìm nơi gửi con và tranh nhau học hè… như điệp khúc quen thuộc đối với phụ huynh lẫn học sinh.

* Theo cha mẹ ra đồng

Gà vừa cất tiếng gáy sáng, cu Mạnh (14 tuổi, ngụ ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đã khư khư tô cơm trong lòng. Thoắt một cái, bụng cu Mạnh căng tròn, đủ năng lượng để theo cha mẹ đi tỉa bắp thuê cho gia đình ông Hai Tân cùng ấp. Đến nay, cu Mạnh đã làm thuê được 30 ngày công.

Không riêng ngày hè, cu Quan (lớp 8, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) luôn biết giúp mẹ đan giỏ. Ảnh: Đ.Phú
Không riêng ngày hè, cu Quan (lớp 8, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) luôn biết giúp mẹ đan giỏ. Ảnh: Đ.Phú

Em hồn nhiên nói với chúng tôi: “Người lớn thì được chủ đất trả công 150 ngàn đồng/ngày. Riêng tụi con nít như con thì tùy theo công việc mà chủ đất trả công từ 100-120 ngàn đồng/ngày. Tuy tiền công thua người lớn nhưng con tỉa hạt còn lẹ hơn người lớn đó”.

Để tỉa cho xong 7 sào đất trong ngày, ông Hai Tân cần tới 10 lao động. Ông Hai Tân cho biết, những việc như tỉa hạt, hái thuốc lá thì trẻ em làm còn nhanh tay hơn người lớn. Tuy vậy, thuê các em cũng gặp rất nhiều bất tiện, như: không được ép công, trong làm việc hay đùa giỡn, hay bỏ việc nửa chừng vì ngẫu hứng không thích làm nữa. “Thường tôi chỉ thuê những trẻ nào có cha mẹ cùng đi làm thuê cho mình. Như vậy, vừa tạo việc làm cho con em họ, vừa để cha mẹ quản lý đôn đốc các em làm việc cho tốt” - ông Hai Tân tâm sự.

Ngày hè của các trẻ em nghèo mà chúng tôi đã gặp nơi những cánh đồng vắng vẻ hay đô thị đông đúc là vậy. Mùa hè của các em vẫn là những buổi sáng theo cha mẹ ra đồng đến tối mịt mới về, hay phơi nắng ngoài đường để bán vé số, đánh giày, nhặt ve chai, hoặc lam lũ bên những bãi rác ô nhiễm… Với các em, ngày hè được chia sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền với gia đình, sum họp gia đình là hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nữa khi ve sầu dứt tiếng, các em được quay lại mái trường quen thuộc với áo quần, tập sách mới và đóng góp đủ đầy các khoản tiền trường bằng sức lao động của mình trong những ngày hè như bao các bạn con nhà khá giả khác.

Sát với đám rẫy ông Hai Tân là đám mì hơn 3 tháng tuổi của chị Ngọc Liên. Tại đây có gia đình em Ngoan (16 tuổi, học lớp 10, cùng ấp với gia đình cu Mạnh) đang làm cỏ mì thuê. Nghỉ tay cuốc, em Ngoan cho biết những việc rẫy vườn, như: làm cỏ, gặt lúa, gọt vỏ bạch đàn, trỉa hạt, chặt mì… em đều đã quen tay khi còn học cấp 2. “Con làm riết nên quen nắng, quen mưa không thấy mệt. Bắt đầu từ hè năm nay, tiền công của con được chủ đất trả bằng với ngày công của cha mẹ. Tuy vậy, cha mẹ chỉ cho con làm những việc vừa sức. Những việc nặng, như: dọn đất, vát cây, phun thuốc thì cha mẹ không cho làm vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe” - em Ngoan bộc bạch.

Rời đám rẫy chị Ngọc Liên, chúng tôi tà tà xe máy theo đường 761, 768 men theo các nhánh đường vào rẫy, rừng trồng của người dân các xã Trị An, Tân An (huyện Vĩnh Cửu). Tại rẫy mía bạt ngàn của ông Ba Sơn (xã Trị An), chúng tôi thấy có vài chú nhóc đang cùng cha mẹ tỉa lá, làm cỏ. Bắt chuyện với em nhỏ tên Tuấn, được biết em học lớp 8, là con của chị Bảy The, nhà em ở hẻo lánh nơi đám đất của ông Ba Sơn để vừa tiện đi làm thuê, vừa canh chừng mía cho chủ. “Ở đây rất thưa nhà nên con không có bạn để chơi. Muốn đi chơi, con phải đi xe đạp vài cây số để ra đầu ấp tìm bạn học chung lớp rủ đi tắm suối, bấm điện tử cho đã đời mới về nhà” - Tuấn bày tỏ.

* Tất tả vì con

Không chờ năm học kết thúc, chị Hiền (KP.2, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) liên tục điện thoại cho cô giáo của cu Nguyện (lớp 4) xin được gửi con học nội trú tại nhà cô như mọi khi. Trong thâm tâm chị Hiền, được giao hẳn con cho cô giáo trông coi, đồng thời kèm cặp kiến thức cho cu Nguyện là tốt rồi. “Vợ chồng tôi là công chức nên không thể thay phiên nhau ở nhà trông cháu. Còn bỏ cháu ở nhà một mình hay mang theo ra cơ quan trong suốt những ngày hè thì rất bất tiện” - chị Hạnh bộc bạch.

Còn chị Hải Hà (KP.3, phường Bình Đa) thì lúng ta lúng túng khi cô con gái chuẩn bị bước vào lớp 1. Chị Hải Hà cho biết, trường mầm non không thể nhận cháu quá tuổi. Do đó, chị chỉ còn cách gửi con vào lò luyện lớp 1 tại nhà một người quen để rảnh tay đi làm. “Chồng làm việc ở công ty suốt ngày. Riêng tôi vướng phải lớp bồi dưỡng này nọ nên không có thời gian chăm sóc bé. Trong khi đó, ông bà nội, ngoại thì ở quê, bị con cháu bám chặt, không nhờ vả gì được” - chị Hải Hà bức xúc nói.

Những ngày hè, bé Nguyệt (lớp 5, ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) bán hàng phụ cha mẹ.
Những ngày hè, bé Nguyệt (lớp 5, ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) bán hàng phụ cha mẹ.

Do làm mẹ đơn thân, chị Yến (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa) phải chạy vạy nhiều nơi, mãi mới tìm được chỗ nhận bé Hậu (8 tuổi) với giá rẻ. Chị Yến tủi thân nói: “Thu nhập từ đồng lương công nhân của tôi không nhiều, mẹ con phải thuê nhà trọ để ở nên khó mà tìm nơi giữ trẻ điều kiện tốt cho bé. Được người ta nhận trông giúp là tốt rồi. Có hôm người ta bận việc gia đình, tạm trả lại con cho mình giữ. Những ngày ấy, tôi phải nhờ vả hết người này đến người khác ở chung khu nhà trọ để đi làm”.

Tại một quán cóc ở đường Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng), chị Ngọc Hiền đang ép con ăn thật nhanh để kịp đưa đến trường sinh hoạt hè. Chị Ngọc Hiền bày tỏ, để con chị khỏi bị sức ép học hè quá lớn, chị chọn giải pháp sáng thứ 2, thứ 4, thứ 6, cô giáo hợp đồng xe đưa con chị và các học sinh khác sinh hoạt hè ở trường. Kết thúc buổi sinh hoạt, cô giáo hợp đồng xe chở về nhà chăm sóc các ngày còn lại. “Tuy tốn kém đôi chút, nhưng con tôi được cô quản lý và dạy thêm tại nhà, đồng thời vẫn được tham gia sinh hoạt hè đúng với tinh thần của ngành giáo dục. Dịch vụ này chỉ đáp ứng cho nơi nhận trẻ số đông và là giáo viên của trường con tôi đang học thôi” - chị Ngọc Hiền cho hay.

Anh Bùi Xuân Thống, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai, chia sẻ mùa hè là khoảng thời gian có lợi và cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ học và chơi hợp lý sẽ phát triển tốt hơn hẳn những trẻ chỉ chăm chăm vào việc học hoặc chơi. Duy trì một nếp sống năng động không những giúp trẻ có thêm nhiều cơ hội học hỏi mà còn không cảm thấy ngại khi năm học mới bắt đầu. Thay vì để trẻ ở nhà với tivi, truyện tranh, phim hoạt hình, hãy cho trẻ tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên, vui cùng bạn bè trong các trò chơi, những khám phá và vui cười cùng các bạn khác.

Năm học vừa khép lại, anh Bùi Tân (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) đã ráo riết tìm chỗ học hè cho Hải. Hải mới học xong lớp 5 nên được mẹ đăng ký cho học thêm chương trình lớp 6 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Ngoài ra, cháu còn học Tin học và rèn chữ ở các trung tâm. Lịch học kín mít cả thứ 7, chủ nhật, không thua so với trong năm học là bao khiến Hải mệt mỏi và căng thẳng. Hải cho biết, dịp hè em chỉ muốn nghỉ ngơi và học vài môn năng khiếu, nhưng cha mẹ sợ vào năm học sẽ theo không kịp bài và thi đậu vào các trường điểm mà cha mẹ đã chọn sẵn.

Riêng bé Ngọc Quỳnh (xã Hiệp Hòa) hết hè này bước vào lớp 4. Chính vì vậy, chị Lan và chồng không cho bé về quê thăm nội, ngoại hay du lịch như mọi năm mà bắt cháu ở nhà học tiếng Anh, luyện Toán. Chị Lan lý lẽ, phải cho bé học trước may ra mới theo kịp bạn bè, được học tiếp lớp chọn và giữ vững được danh hiệu học sinh giỏi của trường khi vào năm học mới.           

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều