Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầy võ dưới chân núi Gia Lào

07:09, 12/09/2013

Thay bộ đồ lao động lấm lem dầu nhớt, người thợ vá vỏ xe lưu động Lê Mạnh Hùng (huấn luyện viên huyền đai đệ ngũ đẳng Taekwondo ở ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) lại say sưa với các trò nhỏ trên sân tập võ. Với ông Hùng, võ thuật như một niềm đam mê, một sức hút rất khó cưỡng lại.

Thay bộ đồ lao động lấm lem dầu nhớt, người thợ vá vỏ xe lưu động Lê Mạnh Hùng (huấn luyện viên huyền đai đệ ngũ đẳng Taekwondo ở ấp Trung Nghĩa, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) lại say sưa với các trò nhỏ trên sân tập võ. Với ông Hùng, võ thuật như một niềm đam mê, một sức hút rất khó cưỡng lại.

* Đam mê võ thuật

Một đêm trăng sáng năm 1982, khi cậu bé Hùng và nhóm bạn đang ngồi tán chuyện dưới chân núi Gia Lào (ấp Trung Nghĩa) thì được một cán bộ xã Xuân Trường đi đến hỏi có thích học võ hay không. Rồi ông gọi lũ nhóc đến một bãi đất trống ven đường và múa bài quyền Tây Sơn (Bình Định) cho chúng xem. Thấy bọn nhóc thích thú, người cán bộ xã mới phán một câu làm bọn nhóc như Hùng sung sướng, gật đầu lia lịa: “Tụi bây thích thì vô nhà tao, tao dạy cho”.

Người vá vỏ xe dạo Lê Mạnh Hùng.
Người vá vỏ xe dạo Lê Mạnh Hùng.

Hôm sau, trong chiếc quần đùi, áo thun và cái bụng đói meo, cậu bé Hùng cùng nhóm bạn kéo đến nhà thầy Bưởi (tên người cán bộ xã) học võ. Cả nhóm được thầy Bưởi niềm nở tiếp đón, ông gọi cả bọn ra sân dạy cho những thế võ, bài côn mà không cần đến nén hương, con gà làm thủ tục bái sư. “Lúc đó, tụi tui cơm không đủ no thì lấy đâu ra tiền trả công cho thầy. Ngày lên rẫy thồ củi về bán, hoặc ôm những túi bắp, đậu, gạo nhảy tàu mưu sinh. Tối về, cả nhóm mới tụ tập tại nhà thầy học võ đến tận khuya. Được gần năm thì lớp giải tán, vì thầy đã truyền hết vốn võ của mình cho lũ nhóc tì mê võ như tụi tui” - ông Hùng kể lại.

Để các thế võ của thầy Bưởi truyền thụ không bị mai một, đêm đến, cậu bé Hùng chăm chỉ ra khu đất trống trước nhà mải mê luyện tập một mình. Vừa tập, cậu vừa nhẩn nha khẩu quyết bài trường côn Tây Sơn (Bình Định) giữa đêm khuya mà không biết chán.

Thấy Hùng ngày bán cà rem, gánh hàng thuê, nhảy tàu bán thuốc lá nhưng ham học, một người bạn đã giới thiệu Hùng đến thầy Hộ bái sư. Học được 6 tháng, võ đường của thầy Hộ giải tán, Hùng lại lên núi Gia Lào gặp nhà sư Thích Minh Triết bái sư học võ. “Trên đường đến am thầy tu luyện, tui đói và khát nước quá, nên hái vài trái điều của người dân trồng trong rẫy để ăn. Thầy thấy vậy đã mắng cho một trận và chỉ thu nhận tui làm chân gánh nước, quét dọn am. 4 tháng sau, thầy mới cho tui vào tập chung với các bạn” - ông Hùng nhớ lại.

Được thọ giáo thầy Minh Triết các thế võ Thiếu Lâm bát phái và những triết lý làm người, cậu bé Hùng dần thay đổi tính nết. Như thường xuyên tập võ, chàng thiếu niên 45kg như Hùng đã có thể khiêng khúc gỗ vài tạ đi trong rừng, khuân vác cả tạ hàng cho khách thập phương lên núi Gia Lào viếng chùa... “Dù ngày lao động vất vả, bụng bữa đói, bữa no, nhưng tối đến tui lại được thầy Minh Triết dạy võ và nói chuyện đạo, chuyện đời” - ông Hùng xúc động nói.

* Thợ vá vỏ đạt huyền đai đệ ngũ đẳng Taekwondo

Gần 5 năm theo sư thầy Thích Minh Triết học võ, cậu bé Hùng đã có vốn học kha khá để tự vệ và tăng sức lao động. Rồi cậu được thầy Minh Triết cho xuống núi. Khi xuống núi, Hùng còn được thầy Minh Triết giới thiệu đến lò võ của thầy Võ Hồng Sinh (võ sư Taekwondo) ở ngã ba Ông Đồn để học võ. Tại đây, cậu được phát huy thêm vốn võ học và theo thời gian đã mở được câu lạc bộ Taekwondo tại nhà.

Ông Lê Mạnh Hùng sửa lại thế võ cho các trò nhỏ.
Ông Lê Mạnh Hùng sửa lại thế võ cho các trò nhỏ.

“Hiện tui là huấn luyện viên huyền đai đệ ngũ đẳng Taekwondo. Câu lạc bộ của tui luôn duy trì được trên 70 võ sinh tại các buổi tập. Võ sinh của tui có nhiều em đạt đẳng cấp cao và đạt nhiều thành tích tại các giải thi đấu trong tỉnh, như: Nguyễn Trọng Hiếu, Phùng Minh Huyền (huy chương vàng giải Taekwondo thiếu nhi tỉnh mở rộng); Nguyễn Trọng Hiếu, Nguyễn Tuấn Anh (huy chương bạc Taekwondo tỉnh); Lê Quang Việt (huy chương vàng Taekwondo tỉnh)... Dù môn võ Taekwondo cho tui thỏa ước mơ võ thuật, nhưng lòng tui vẫn luôn nhớ về những người thầy, như: thầy Bưởi, thầy Minh Triết với những thế võ, bài học làm người đầy tính nhân văn” - ông Hùng thổ lộ.

Ông Lê Mạnh Hùng cho hay, tuy làm nghề vá vỏ xe dạo vất vả, nhưng ông vẫn được các em nhỏ gọi bằng thầy (dạy võ). Với ông, tiếng gọi thầy ấy đã luôn thôi thúc ông đem hết sự học của mình truyền thụ lại cho thế hệ trẻ. “Dù truyền bá môn võ Taekwondo của Hàn Quốc, nhưng trong tim tui luôn thấm đẫm tinh thần võ đạo của người thầy quá cố Thích Minh Triết. Thầy không chỉ dạy cho tui võ học, mà còn dạy cả đạo làm người, kiến thức sống” - ông Hùng nói.

Để duy trì được câu lạc bộ võ thuật cho riêng mình, ông Hùng phải tiếp nối nghề vá xe dạo của cha để có tiền đầu tư mua sắm trang bị tập luyện, tham gia các phong trào thể dục thể thao của huyện, tỉnh. Ông cho hay, hiện ông là Phó chủ nhiệm Chi hội Taekwondo huyện Xuân Lộc, nên việc phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ trên địa bàn tập huấn, bồi dưỡng võ thuật cho dân quân, dân phòng đã giúp ông có điều kiện tốt để phát huy tinh thần võ thuật. Ngoài ra, ông sẵn sàng dạy võ miễn phí cho các võ sinh nghèo yêu thích bộ môn này. “Ngày xưa, mình không có tiền đóng học phí vẫn được các thầy dạy miễn phí. Nay mình phải có trách nhiệm truyền lại những gì mình hiểu biết cho các em. Nhiều khi để có phong trào, thầy trò cùng nhau góp tiền để tổ chức giải” - ông Hùng tỏ bày.

Chỉ tay vào chiếc vỏ xe đang vá dang dở, ông Hùng chậm rãi giải thích, làm cái nghề này cũng cần sức như mình đang song đấu với bạn tập. Phải tỉ mỉ và dòm ngó trước sau những hỏng hóc để chọn thế, rồi mới mở vỏ ra vá. Dù hơn nửa ngày chưa có hạt cơm vào bụng, nhưng những chiếc bánh máy cày, xe ben nặng trịch, lấm lem bùn đất đã phải phơi ruột dưới bàn tay của ông. “Nghề vá vỏ xe dạo giúp tui nuôi dưỡng tình yêu võ thuật. Võ thuật chính là sự đam mê mà “cơm áo, gạo tiền” cũng rất khó chen chân vào” - ông Hùng quẹt mồ hôi nói.

Rồi ông mời chúng tôi cùng lên xe vào rẫy để vá vỏ cho xe của một bác nông dân đang nằm đường. Tay cầm vô lăng, ông Hùng thổ lộ, cuộc đời ông chỉ cao sang khi được khoác chiếc áo võ cùng các trò trên sân tập, thi tài trên sân. Quãng thời gian còn lại của cuộc đời ông vẫn là những tháng ngày lam lũ, nhảy tàu, leo núi, phơi nắng… để tìm cho mình một cuộc sống ổn định, gia đình hạnh phúc. Ông chỉ hạnh phúc hơn khi niềm đam mê võ thuật vẫn tiếp tục nảy nở trong tổ ấm nhỏ bé của mình.

Thành Nhân

 

Tin xem nhiều