Báo Đồng Nai điện tử
En

Tràn lan rượu không nhãn mác

11:01, 04/01/2013

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và giúp thị trường tiêu thụ rượu lành mạnh hơn, ngày 12-11-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP (gọi tắt NĐ94) về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, tất cả các loại rượu đều phải gắn tem, nhãn và việc sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép.

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và giúp thị trường tiêu thụ rượu lành mạnh hơn, ngày 12-11-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP (gọi tắt NĐ94) về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, tất cả các loại rượu đều phải gắn tem, nhãn và việc sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép.

NĐ94 có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, nhưng khảo sát của phóng viên tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh trong 4 ngày đầu năm  2013 cho thấy, các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu vẫn diễn ra bình thường (không theo NĐ94), dù người nấu, kẻ bán không có giấy phép hoạt động.

* Người nấu chưa rõ, kẻ bán không biết

Ghi nhận của phóng viên trong những ngày đầu NĐ94 có hiệu lực, tại các cửa hàng tạp hóa, quán ăn… rượu vẫn được bán cho khách như trước đây. Tại những nơi này, rượu được mua bán như một mặt hàng nhu yếu phẩm mà không cần phải có giấy phép kinh doanh, trên sản phẩm không dán nhãn mác, nguồn gốc hợp pháp…, vì hầu hết rượu được mua từ các lò nấu thủ công.

Rượu được nấu thủ công vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi, dù không có giấy phép sản xuất, kinh doanh.
Rượu được nấu thủ công vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi, dù không có giấy phép sản xuất, kinh doanh.

Khi được hỏi về chất lượng rượu, những người bán đều khẳng định, tuy không nhãn mác nhưng là mối quen, vẫn được lò nấu đưa hàng tận nơi, nên người mua cứ yên tâm uống. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, chủ một tiệm tạp hóa ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi bán hàng tạp hóa cả chục năm nay và rượu là mặt hàng không thể thiếu, trong đó có cả rượu thuốc lẫn rượu trắng. Hàng trăm lít rượu tôi bán đều lấy từ các cơ sở sản xuất thủ công hộ gia đình. Sau đó, theo nhu cầu của khách mà tôi ngâm thêm vài thứ, như: thuốc bổ, chuối hột, rắn, chim… Tôi bán như thế từ bao năm nay mà có cần phải xuất trình giấy tờ gì đâu?”.

Ông Long Minh Trí, Chủ tịch UBND phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, trên địa bàn phường hiện chỉ có một doanh nghiệp tư nhân đăng ký và được cấp phép kinh doanh các loại rượu. Ngoài ra, chưa có bất cứ đơn vị, cá nhân nào tự giác đến phường đăng ký sản xuất, kinh doanh rượu.

-  Ngày 1-6-2012, một vụ ngộ độc rượu xảy ra ở ấp Tam Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) đã khiến 3 người tử vong. Nguyên nhân xuất phát từ việc các nạn nhân sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng dẫn đến ngộ độc.

Theo chị Quỳnh, khách đến tiệm tạp hóa chị mua hàng là những người lao động nghèo có thể cần rượu nhậu lai rai với bạn bè bất cứ lúc nào; để bán được, rượu ở đây không những ngon mà còn phải rẻ. Thời điểm cận tết, gia đình chị vẫn tăng cường nhập thêm rượu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cao điểm này.

Còn anh Đinh Văn Huấn (ngụ ở phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) thì cho biết, hầu hết người mua đều lo ngại rượu không đảm bảo chất lượng sẽ nguy hiểm, nên kiểm tra chất lượng rượu là rất đúng đắn. Nhưng nếu cấm rượu không nhãn mác lưu hành sẽ khó cho những người dân buôn bán nhỏ lẻ như anh, vì rượu được bán chủ yếu do hộ gia đình nấu thủ công bằng gạo nếp. Thêm vào đó, mỗi hộ kinh doanh chỉ bán có vài chục lít rượu mà buộc phải xin thêm giấy phép kinh doanh mặt hàng này khiến nhiều hộ nấu rượu ngại đi đăng ký.

NĐ94 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn… Tuy nhiên, đến thời điểm này, ở những gia đình nấu rượu với phương thức gia truyền, ít ai biết thông tin này và rượu vẫn được nấu, được bán một cách vô tư. Bà Lê Thị Thủy (ngụ ở xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cho biết, gia đình bà nấu rượu thủ công đã nhiều năm nay. Đặc sản rượu nếp Can Lộc (Hà Tĩnh) được nhiều người biết tiếng, nên rượu nhà bà nấu chỉ bán cho người quen và một số mối quen chuộng men gia truyền, nấu đến đâu bán hết đến đó.

Bà Thủy cũng nói thêm, không chỉ có nhà bà, ở khu vực này có nhiều gia đình nấu rượu. Rượu nấu ra, ngoài việc bán rượu, hèm rượu còn được người dân tận dụng làm nguồn thức ăn để chăn nuôi rất hiệu quả. “Đăng ký sản xuất cũng được, nhưng phải có nhãn mác, kiểm định chất lượng thì ai sẽ giám sát? Rượu được nấu từ mấy đời nay, ai mua thì bán thôi…” - bà Thủy nói.

* Sẽ siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh

Càng về cuối năm, đặc biệt vào dịp gần đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ, do nhu cầu tăng mạnh, việc sản xuất và buôn bán rượu hiện đang nở rộ, mọi người đều có thể dễ dàng nhìn thấy các hoạt động kinh doanh, sản xuất rượu. Theo khảo sát mới đây của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cả nước có đến 2 ngàn loại rượu bán trên thị trường, nhưng tỷ lệ rượu nấu thủ công đã công bố tiêu chuẩn chất lượng rất thấp. Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với mặt hàng rượu, bia, đặc biệt là các hộ cá thể nấu rượu thủ công trên địa bàn tỉnh.

Theo Nghị định 94, kể từ ngày 1-1, tất cả các loại rượu đều phải dán nhãn mác (ảnh mang tính minh họa).
Theo Nghị định 94, kể từ ngày 1-1, tất cả các loại rượu đều phải dán nhãn mác (ảnh mang tính minh họa).

Việc ra đời của NĐ94 không chỉ siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, mà còn ngăn ngừa những hiểm họa khó lường từ rượu không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Liên quan đến việc triển khai NĐ94 trong thời gian tới, ông Dương Minh Dũng, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Điều 17 của NĐ94 quy định điều kiện cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu khá đơn giản, bao gồm: có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ đồ uống có cồn hoặc kinh doanh rượu; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; trực thuộc hệ thống phân phối của thương nhân bán buôn sản phẩm rượu; có hợp đồng và văn bản giới thiệu của thương nhân bán buôn sản phẩm rượu; có kho hàng (hoặc hệ thống kho hàng) thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê kho hàng phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu bảo quản được chất lượng của sản phẩm rượu trong thời gian lưu kho…”.

Theo ông Dũng, những quy định trên là cần thiết, mang tính ngăn ngừa và cảnh báo đối với người dân và các đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu, vì chất lượng rượu bày bán trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại và giá cả cũng vô chừng, từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng một lít. Điều đáng quan tâm là trên thị trường hiện nay, rượu kém chất lượng, rượu giả khá nhiều, ngộ độc rượu xảy ra thường xuyên, nhẹ thì ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật, nặng thì dẫn đến chết người. Để người dân nắm được quy định này, các đội nghiệp vụ của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất rượu làm cam kết và hướng dẫn xin giấy phép, đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau nhiều tháng tuyên truyền, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 600 đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu được làm cam kết và cấp phép hoạt động. Việc siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu sẽ góp phần giúp thị trường tiêu thụ mặt hàng này lành mạnh hơn...

Võ Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều