Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghề đúc chậu hoa cảnh vào mùa

07:01, 15/01/2013

Khi cách tết khoảng một tháng, nhiều người làm nghề đúc chậu hoa cảnh đã hối hả chuẩn bị hàng phục vụ. Dù chậu kiểng thường ít được để ý, quan tâm như hoa, bonsai…, nhưng lại là thứ không thể thiếu, góp phần làm cho các loại hoa cảnh thêm phần giá trị, hấp dẫn.

Khi cách tết khoảng một tháng, nhiều người làm nghề đúc chậu hoa cảnh đã hối hả chuẩn bị hàng phục vụ. Dù chậu kiểng thường ít được để ý, quan tâm như hoa, bonsai…, nhưng lại là thứ không thể thiếu, góp phần làm cho các loại hoa cảnh thêm phần giá trị, hấp dẫn.

Nghề đúc chậu hoa cảnh không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, nhưng rất cần sự tinh tế và sáng tạo. Sản phẩm làm ra phải là đồ vật hữu hiệu, giàu tính nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

* Nghề cần sự tinh tế, sáng tạo

Nghề đúc chậu hoa cảnh có vẻ giản đơn, nguyên vật liệu dễ kiếm, nhưng thực ra người đúc cũng cần có sự tinh tế, kỹ thuật thì mới thực hiện thành công. Nhờ mày mò nghĩ ra hàng loạt kiểu dáng, đồng thời đầu tư thêm khuôn dập hoa văn, in chữ nổi…, nên anh Đinh Văn Lợi (ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành) đã sản xuất ra hàng loạt chậu hoa cảnh với đủ kích cỡ, kiểu dáng để khách hàng dễ lựa chọn.

Nghề đúc chậu đòi hỏi người thợ phải giàu tính sáng tạo, nghệ thuật. Ảnh: T.HảI
Nghề đúc chậu đòi hỏi người thợ phải giàu tính sáng tạo, nghệ thuật. Ảnh: T.HảI

Theo anh Lợi, nguyên liệu đúc chậu chỉ có xi măng và cát, nhưng không phải người nào cũng có thể theo được nghề. Chỉ những ai có tình yêu với nó thì mới thổi được hồn vào sản phẩm, tạo dấu ấn trên những sản phẩm vô tri để biến các chậu hoa cảnh thành đồ vật hữu hiệu, giàu tính nghệ thuật.

Đưa đôi bàn tay thô ráp xoa nhẹ mép chậu, cặp mắt nhìn chăm chú không chớp, anh Lợi nói: “Nghề này cũng cần sự tinh tế, kỹ thuật như bao nghề khác. Người thợ phải kiên nhẫn, thậm chí ngồi vài tiếng đồng hồ mới đúc ra được từng cái chậu hoàn hảo. Uốn người, xoay tay và sáng tạo…, có giỏi nghề hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng chịu khó, hết lòng với nghề của người thợ”.

Để thỏa mãn yêu cầu của khách hàng, người thợ luôn suy nghĩ, “chế” ra những chậu cảnh phong phú về kiểu dáng và kích cỡ. Bên cạnh đó, cách pha tráng màu phải chuẩn để màu sắc không phai, bền đẹp, nước sơn không tróc, ố và hợp với phong thủy nhà cửa của khách hàng. Hào hứng giới thiệu bộ chậu gồm 4 kiểu dáng tượng trưng cho 4 mùa: xuân - hạ - thu - đông in hình tùng, cúc, trúc, mai, ông Tám Tích (65 tuổi, ngụ ở xã Long An, huyện Long Thành) cho biết: “Chậu cảnh có rất nhiều loại, khách hàng thường chuộng loại đường kính 90-150cm, nhiều người giàu thích chậu “khủng” rộng 2-3m. Giá chậu cũng vô chừng, từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng”. Trong “xưởng” đúc chậu của ông Tám còn nhiều loại chậu cảnh với các mẫu mã khác nhau, như: in chữ phúc, lộc, thọ, hỷ… với những đường nét hết sức mềm mại, đẹp mắt.

Một người thợ lành nghề có mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, thợ tập làm có mức thu nhập thấp hơn, khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày, một người thợ có thể làm ra từ 7-10 chậu hoa cảnh loại vừa, nhưng với những chậu lớn phải mất một tuần mới hoàn thành. Anh Vũ (35 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định), làm nghề này đã gần chục năm cho biết, công việc chính của anh là thợ xây, nhưng cứ vào dịp cuối năm, thời điểm mà nhu cầu chậu hoa cảnh tăng nhanh, anh lại quay về làm công cho các chủ đúc chậu cảnh. “Sức lực bỏ ra không nhiều nhưng thu nhập cao, lại ở trong nhà suốt ngày nên tôi mong đến dịp này lắm” - anh Vũ tâm sự.

* Chờ vào vụ tết…

Những ngày này, không khí làm việc tại nhà ông Quảng Bá (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Mảnh sân vườn rộng gần 2 sào của gia đình ngoài trồng những gốc mai chờ đón tết, ông vẫn để dành 1/3 diện tích làm xưởng đúc chậu. Tranh thủ trời nắng ráo, ông đã đem ra sân phơi khô hàng chục chậu hoa cảnh với nhiều kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc. Để đáp ứng nhu cầu cho các nhà vườn, hiện tại ông Bá phải cần 3-5 lao động làm việc cật lực. Và với 200 chậu cây, những người trong gia đình ông phải làm việc liên tục hơn 1 tháng. “Hiện tại, gần 100 chậu lớn, nhỏ đã sơn quét hoa văn xong xuôi, những ngày sắp tới chỉ chờ khách đến lấy nữa thôi. Phần còn lại sẽ làm dần từ đây cho đến giữa tháng Chạp” - ông Bá cho biết.

Chậu đúc ra được phơi, hóng khô chờ khách hàng đến mua. Ảnh: T.Hải
Chậu đúc ra được phơi, hóng khô chờ khách hàng đến mua. Ảnh: T.Hải

Giống như ông Bá, nhiều người làm nghề đúc chậu hoa cảnh cũng đang trong tâm trạng vui vẻ, phấn khởi chờ đến tết. Anh Nguyễn Hải Tuấn (39 tuổi, ngụ ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đang hối hả chuẩn bị cho ra đời những “mẻ” chậu đầu tiên. Năm nay, quy trình đúc chậu của anh, dù muộn hơn mọi năm nhưng những chậu “khủng” loại 2,5-3m vẫn được nhiều nhà vườn, người chơi chọn lựa. Theo lý giải của anh Tuấn, những gốc cây loại lớn, độc đáo vẫn được nhiều doanh nghiệp, cá nhân chơi trong dịp tết, với mong muốn năm tới sẽ ăn nên làm ra.

Đến thời điểm này, khi các nhà vườn cây cảnh, bonsai bắt đầu bước vào đợt chăm bón cuối cùng, thì các chủ xưởng như ông Quảng Bá, anh Tuấn mới chính thức bước vào vụ làm nghề. Nhưng với khách hàng là người chơi khó tính, những chiếc chậu được họ thiết kế theo đơn đặt hàng cả tháng trước đã có thể hoàn thiện những khâu cuối cùng. Bên ngoài vỏ chậu được quét những lớp sơn đắt tiền, kiểu dáng cầu kỳ nên giá những loại chậu này có thể lên tiền triệu.

Đa phần thợ làm nghề đúc chậu hoa cảnh đều đam mê nghệ thuật, họ cũng có bàn tay tài hoa, đầu óc luôn sáng tạo. Nhưng do nghề này phát mạnh trong những tháng cuối năm, nên họ làm việc theo kiểu bán thời gian.   

Tuy nhiên, khi kinh tế có khó khăn, nhiều người đang “kế hoạch” thú chơi hoa, cây cảnh thì người làm nghề đúc chậu khá lo lắng. Không phải là người đúc chậu với số lượng lớn, nhưng cả gia đình anh Bình (43 tuổi, phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đều trông chờ vào vụ tết này.  “Ngoài đúc chậu cho mai, tôi còn làm thêm cả chậu chứa đá cảnh, hòn non bộ. Trong thời buổi khó khăn, sản phẩm mình phải đa dạng mới mong bán chạy như năm trước” - anh Bình tâm sự.

Qua những nhà vườn trồng mai có đúc chậu cảnh, như: Đồng Khởi, Tuyết Mai (TP.Biên Hòa)…, không khí lao động khẩn trương chẳng kém gì mùa gặt. Ở những mảnh đất trống, chậu hoa cảnh được xếp thành hàng dài chờ phơi nắng. Màu xám, đỏ, trắng của chậu hòa cùng màu xanh, vàng xen lẫn của lá mai tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Hy vọng tết này, thị trường hoa cảnh, bonsai sẽ khởi sắc để người đúc chậu cảnh được gặp may suốt năm!

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều