Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm “chui” giữa ban ngày (Bài 1)

10:01, 07/01/2013

Nguồn lợi thu được từ việc khai thác “chui” tài nguyên, khoáng sản rất lớn, nên dù bị cơ quan chức năng tăng cường xử phạt, nhiều đối tượng vẫn không e sợ. Hậu quả của việc khai thác khoáng sản trái phép không chỉ làm hao hụt tài nguyên của đất nước, mà còn gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sự an toàn của dân cư, cộng đồng.

 

Nguồn lợi thu được từ việc khai thác “chui” tài nguyên, khoáng sản rất lớn, nên dù bị cơ quan chức năng tăng cường xử phạt, nhiều đối tượng vẫn không e sợ. Hậu quả của việc khai thác khoáng sản trái phép không chỉ làm hao hụt tài nguyên của đất nước, mà còn gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sự an toàn của dân cư, cộng đồng.[links(left)]

Khu đất rộng hàng chục hécta nằm phía sau khu dân cư đông đúc thuộc hai ấp Thiên Bình và Long Khánh 2, xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) vốn dĩ bình yên, nay đã trở thành một công trường khai thác đất, đá, sét. Bên cạnh các công ty được cấp phép hoạt động, có không ít đơn vị trà trộn vào đây khai thác “chui”.

* Trà trộn để khai thác “chui”

Khảo sát các điểm khai thác đất ở khu vực này, chúng tôi phát hiện, ngoài các công ty được cấp phép hoạt động, như: A.P., B.C., H.A,… bên trong công trường này hiện đang tồn tại nhiều điểm khai thác đất, đá, sét “chui”. Những điểm khai thác “chui” cũng tiến hành mọi công đoạn như các đơn vị hợp pháp khác, như: thuê máy cuốc múc lớp đất màu (đất trên cùng) bán cho những nơi san lấp mặt bằng, rồi bán đất sét cho các lò gạch và cuối cùng tiến hành khai thác đá.

Một điểm khai thác đất, đá “chui” tại ấp Long Khánh 2, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa.
Một điểm khai thác đất, đá “chui” tại ấp Long Khánh 2, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa cho biết, để có một vị trí khai thác ở đây, một số ông chủ ngoài việc đã có đất sẵn, họ còn mua thêm đất vườn của các hộ dân để mở rộng khai thác. Chỉ với diện tích vài hécta, một điểm khai thác tự phát đã có thể hình thành và họ tự do đào bới, mua bán đất, sét...

Vừa dừng xe trước khu mỏ ở ấp Thiên Bình, chúng tôi đã thấy hàng chục xe tải ben loại lớn vừa “ăn hàng” chạy ra. Nhìn vào khu vực mỏ chỉ thấy bụi bay mù mịt, những quả đồi bị xé toạc từng mảng lớn. Ông D., một bảo vệ làm việc tại khu vực này, cho biết: “Điểm khai thác đất, đá nào có rào chắn bảo vệ thì nơi đó có phép, còn lại đều làm chui hết. Nhiều người làm chui quá nên không biết đâu mà lần”. Vừa nói, ông D. vừa chỉ tay về khu mỏ, nơi có 3 chiếc xe chuyên dụng (xe khai thác “chui”) đang múc đất đổ ào ào lên thùng 10 chiếc xe tải ben.

Cách ấp Thiên Bình khoảng 4km, mỏ khai thác đất nằm kề hương lộ 21, ngay phía sau phân hiệu 2 Trường tiểu học Tam Phước (chỉ cách vài chục mét). Điểm khai thác đất “chui” này được bao bọc bởi những nhà dân nằm san sát nhau. Không quá rầm rộ như khu mỏ ở ấp Thiên Bình, nhưng ở đây, máy móc, công nhân và xe vận chuyển ra vào vẫn hoạt động đều đặn. Phía ngoài khu mỏ, một số lán trại, quán nước “dã chiến” đã mọc lên để phục vụ công nhân làm việc ở đây. Khu mỏ này đã hoạt động nhiều tháng nay, nhưng theo lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.Biên Hòa, các chủ khai thác này đều hoạt động “chui”, cơ quan chức năng không có cấp phép các cơ sở hoạt động theo kiểu nhỏ lẻ này.

Quan sát của chúng tôi tại đây cho thấy, có đến hàng ngàn mét khối đất đã được khai thác và chuyển đi nơi khác bởi hàng trăm chuyến xe tải ben mỗi ngày. Hết khu vườn của các hộ dân sống hai bên đường là một khoảng đất rộng được dùng để làm bãi quay đầu xe mỗi khi thay chuyến. Bên trong đó, công trường khai thác với nhiều máy móc vẫn đang hoạt động. Những chiếc máy xúc vẫn liên tục ngoạm đất để kịp đổ cho những chuyến xe đã quay đầu chờ sẵn. Mỗi ngày, chủ khai thác “chui” lại tự mở đường lên đồi, xúc đất bán cho các lò gạch, điểm san lấp mặt bằng... hàng chục ngàn mét khối đất, đá.

Ông N.V.H., chủ xe cuốc khai thác “chui” ở đây cho biết, khu đất của ông có trữ lượng khoảng 2 triệu mét khối đất. Hàng ngày, có hàng chục xe vào, ra mua đất san lấp mặt bằng. Ông H. ra giá mỗi xe đất loại 12m3 (khoảng 15 tấn) 200 ngàn đồng. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế mỗi xe đất được bán từ 300-500 ngàn đồng, thậm chí có thể lên đến 700 ngàn đồng (tùy theo loại đất). Hiện tại, ông H. có 4 xe tải ben chuyên chở đất, đá ở đây, mỗi ngày ông thu về không dưới 30 triệu đồng.

* Vi phạm thường xuyên

Trước hoạt động phức tạp tại các điểm khai thác khoáng sản trái phép, thời gian gần đây, các lực lượng chức năng của TP.Biên Hòa đã kiểm tra, xử phạt nhiều vụ vi phạm. Như ngày 8-11-2012, Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.Biên Hòa đã phối hợp với Công an xã Tam Phước kiểm ra việc khai thác đất, đá tại một số mỏ ở ấp Thiên Bình (xã Tam Phước). Tại đây, công an phát hiện ông Hồng Thanh Hoàng (32 tuổi, ngụ ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) có xe cuốc khai thác đất, đá nhưng không xuất trình được giấy phép hoạt động. Lực lượng kiểm tra đã ra quyết định xử phạt hành chính, phạt tiền 15 triệu đồng và tạm giữ hai xe cuốc.

Tương tự, ngày 1-12-2012, tại khu đất rộng 5 hécta nằm kề hương lộ 21 (thuộc khu 2, ấp Long Khánh 2, xã Tam Phước), cơ quan chức năng cũng phát hiện ông Nguyễn Văn Hậu (ngụ ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) đang hoạt động khai thác đất trái phép. Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra ghi nhận có một xe cuốc đang múc đất lên thùng của 4 xe tải ben. Việc khai thác đã làm cho mặt bằng khu đất lồi lõm, hình thành nhiều vách đất thẳng đứng có độ cao từ 1,5-4m. Khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, các tài xế xe tải, xe cuốc đều đồng loạt bỏ trốn, tỏ thái độ bất hợp tác. Trước diễn biến đó, ngành chức năng đã tiến hành lập biên bản sự việc, tạm giữ các phương tiện vi phạm và đưa về trụ sở UBND xã để tiếp tục điều tra, xử lý.

Hành động ngang nhiên xâm phạm, tổ chức khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản của các đối tượng, dù bị xử phạt nhưng xem ra chưa đủ mạnh để ngăn chặn những kẻ vi phạm. Các đối tượng không vì thế mà chùn tay, lần vi phạm sau thường nghiêm trọng hơn lần trước, vì họ phải khai thác nhiều hơn để gỡ gạc lại số tiền nộp phạt và phương tiện đã bị thu giữ. Vì vậy, dù thường xuyên vi phạm và bị xử phạt, nhưng việc khai thác khoáng sản không phép ở đây vẫn kéo dài nhiều năm, với khối lượng lên đến hàng chục triệu tấn. Phải chăng, hoạt động này có sự nương tay của chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành chưa siết chặt quản lý?

Chị N.T.L., một người dân ngụ tại ấp Thiên Bình cho biết, trước đây, thi thoảng chị cũng thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra các điểm khai thác đất, đá tại khu vực này. Tuy nhiên, sau mỗi lần xử phạt, các điểm này vẫn trở lại hoạt động bình thường.

Trần Danh - Thanh Hải

 

 

Tin xem nhiều