Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường đến Hiệp định Paris (Bài 1)

11:01, 23/01/2013

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự - chính trị - ngoại giao. Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Đây là tiền đề tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự - chính trị - ngoại giao. Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Đây là tiền đề tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973 – 27-1-2013), từ số báo này, Báo Đồng Nai ghi lại những đóng góp của quân - dân Đồng Nai vào cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần tạo lợi thế cho ta trên bàn đàm phán.[links(right)]

Để buộc quân Mỹ “cút” khỏi đất nước ta, quân và dân Đồng Nai, cùng với quân dân cả nước đã đánh nhiều đòn choáng váng vào đầu quân xâm lược Mỹ và ngụy quyền.

* Bố trí lại chiến trường

Năm 1965, thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đưa quân viễn chinh ồ ạt vào miền Nam Việt Nam, mở đầu cho chiến lược “chiến tranh cục bộ”.  Thời điểm này, đội quân viễn chinh Mỹ và quân chư hầu ở miền Nam lên đến nửa triệu quân. Riêng ở chiến trường Biên Hòa - Long Khánh, địch bố trí lại chiến trường, lập khu 33 chiến thuật, bao gồm các tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh và Bình Tuy. Lực lượng chủ lực cơ động của địch gồm nhiều đơn vị quân viễn chinh Mỹ và chư hầu, như: Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan và Sư đoàn 18 bộ binh ngụy. Chúng mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa và hàng chục sân bay quân sự dã chiến khác.

Cố Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An (giữa, nguyên U trưởng U1) cùng ông Nguyễn Tấn Vàng (bìa phải) và Lê Minh Soái (nguyên đặc công U1) những người trực tiếp chỉ huy, tham gia trận đánh tổng kho Long Bình ngày 22-6-1966.
Cố Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An (giữa, nguyên U trưởng U1) cùng ông Nguyễn Tấn Vàng (bìa phải) và Lê Minh Soái (nguyên đặc công U1) những người trực tiếp chỉ huy, tham gia trận đánh tổng kho Long Bình ngày 22-6-1966.

Ngoài ra, Mỹ còn lập Bộ Tư lệnh Hậu cần số 1 và Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ đóng tại Long Bình (TP.Biên Hòa), xây dựng kho Long Bình thành một tổng kho liên hợp quân sự lớn nhất miền Nam. Sau đó, Mỹ tiếp tục xây dựng, mở rộng các căn cứ quân sự, các trại huấn luyện, như: kho bom Thành Tuy Hạ (huyện Nhơn Trạch), khu căn cứ Nước Trong (huyện Long Thành), khu căn cứ thiết giáp Suối Râm (TX.Long Khánh)...

Trước dã tâm của địch, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi lịch sử, khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược: “Johnson và bè lũ phải biết rằng, chúng có thể đưa 50 vạn quân, một triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng chục ngàn máy bay tăng cường đánh phá miền Bắc, nhưng chúng không thể lay chuyển được ý chí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng… Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc, đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu. Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn…”.

Trước tình hình mới, Trung ương Cục miền Nam nhận định miền Đông Nam bộ có vị trí chiến lược, trong đó Biên Hòa - Long Khánh có vị trí đặc biệt quan trọng. Đối với địch, đây là trung tâm đầu não quân sự và hậu phương trực tiếp của Sài Gòn. Với cách mạng, đây là địa bàn chuyển tiếp nối liền cực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Trung ương, đồng thời là chiến trường tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch có tính chất quyết định. Từ nhận định đó, tháng 9-1965, Trung ương Cục quyết định thành lập U1 (một đơn vị chiến trường tương đương cấp tỉnh) bao gồm: thị xã Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu; đồng thời thành lập Đại đội 238, đơn vị vũ trang trực thuộc Tỉnh đội. Nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị là tổ chức đánh vào các căn cứ đầu não, sân bay, kho tàng của Mỹ - ngụy ở Biên Hòa.

Đến giữa năm 1965, trên địa bàn Đồng Nai tồn tại 3 đơn vị cấp tỉnh, gồm: Biên Hòa, Long Khánh và U1. Các đơn vị tích cực chuẩn bị địa bàn, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang (LLVT), sẵn sàng chiến đấu trực tiếp với quân viễn chinh Mỹ và chư hầu.

Tại Chiến khu Đ, Sư đoàn 9 - sư đoàn chủ lực đầu tiên của miền được thành lập. Tại Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Sư đoàn 5 - sư đoàn chủ lực thứ 2 của miền cũng được thành lập để đánh tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích ở địa phương.

* Tiến lên đánh bại ý chí xâm lược của địch

Những tháng cuối năm 1965, chuẩn bị cho cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất, quân Mỹ - ngụy và chư hầu đã mở hàng trăm cuộc hành quân càn quét trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ và Biên Hòa - Long Khánh. Bom đạn, xe ủi Mỹ đã hủy diệt từng cánh rừng lớn, đốt cháy hàng ngàn hécta cao su; san ủi, phát quang làm thay đổi địa hình nhiều khu vực nhằm đẩy các lực lượng cách mạng, đặc biệt là LLVT của ta ra xa.

Ngày 11-11-1965, lữ đoàn dù 173 của Mỹ có pháo binh của lực lượng Tân Tây Lan hỗ trợ đã bất ngờ đánh vào đồi Giang Tói của Tỉnh ủy và Tỉnh đội U1 ở Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Đại đội 238 của tỉnh dựa vào công sự vững chắc đã kiên cường bám trụ, bẽ gãy được nhiều đợt tấn công của địch, diệt và làm bị thương 78 tên Mỹ. Trận đọ sức quyết liệt đầu tiên của Đặc công U1 Biên Hòa giành thắng lợi không chỉ mang ý nghĩa quân sự, mà còn có tác động về mặt chính trị rất to lớn. Đó thực sự là nguồn động viên, cổ vũ quyết tâm đánh Mỹ của quân dân ta và qua đó cho thấy, ta có đủ khả năng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Sau trận thắng đầu tiên của LLVT Biên Hòa trước quân viễn chinh Mỹ, LLVT và dân quân du kích các địa phương trong tỉnh đã thể hiện tư tưởng chủ động tiến công quân Mỹ - ngụy và chư hầu. Ở xã Thiện Tân, bộ đội và du kích trong 6 tháng đầu năm 1966 đã đào được 10 hầm bí mật để ém quân, tạo bàn đạp cho các lực lượng đặc công đánh vào kho tàng, đầu não của Mỹ - ngụy ở Biên Hòa, khu kho liên hợp quân sự Long Bình. Ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch), bộ đội, du kích và nhân dân đã đào địa đạo dài hàng ngàn mét để che giấu quân đánh địch.

2 giờ ngày 22-6-1966, các chiến sĩ Đại đội 2, Đặc công U1 do đồng chí Nguyễn Tấn Vàng chỉ huy đã mưu trí vượt qua mọi chướng ngại phòng thủ của địch, dùng mìn gắn kíp hẹn giờ đánh vào cao điểm 50-53 khu kho liên hợp quân sự Long Bình, phá hủy 40 ngàn quả đạn pháo 155 ly của Mỹ. Trận đánh đã gây tiếng vang lớn đối với dư luận trong nước và quốc tế, có tác dụng hỗ trợ và cổ vũ tinh thần đánh Mỹ của quân dân ta trên khắp các chiến trường.

Trên chiến trường Long Khánh, bộ đội chủ lực miền gồm 2 Trung đoàn 4 và 5 (thuộc Sư đoàn 5), cùng bộ đội địa phương và dân quân, du kích liên tục tổ chức đánh địch với lực lượng địch đông gấp nhiều lần. Ngày 11-4-1966, sau nhiều lần giáp chiến với quân Mỹ và chư hầu, Trung đoàn 4 đã đánh tập kích tiêu diệt 1 tiểu đoàn quân Mỹ thuộc Lữ đoàn dù 199, loại khỏi vòng chiến đấu 500 tên, thu 40 súng các loại. Hai tháng sau đó, Trung đoàn 5 cùng bộ đội địa phương đã tiêu diệt Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52, Sư đoàn 18 ngụy với xe thiết giáp Mỹ yểm trợ, khi chúng đi bình định, gom dân, lập ấp theo trục quốc lộ 20...

Với hàng chục trận đánh quân Mỹ - ngụy và chư hầu, các LLVT và dân quân du kích Biên Hòa - Long Khánh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, trang bị vũ khí ngày càng tốt hơn, đặc biệt là kỹ - chiến thuật tác chiến được nâng cao, góp phần cùng quân dân cả nước tiến lên giành thế chủ động trên chiến trường, tạo tiền đề cho việc mở Hội nghị Paris về sau này.

Đức Việt

 

 

 

Tin xem nhiều