Báo Đồng Nai điện tử
En

Thanh Sơn mùa… vàng

11:12, 31/12/2012

Dòng sông Đồng Nai bao quanh, xã vùng sâu Thanh Sơn (huyện Định Quán) nằm biệt lập với bên ngoài, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Với kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp (trên 91%) nên cây lúa, cây bắp trở thành cây trồng chính của nông dân nơi đây. Công việc đồng áng của nhà nông luôn nặng nhọc, nhưng ai cũng hăng say lao động để hy vọng có được một ngày mùa no đủ.

Dòng sông Đồng Nai bao quanh, xã vùng sâu Thanh Sơn (huyện Định Quán) nằm biệt lập với bên ngoài, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Với kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp (trên 91%) nên cây lúa, cây bắp trở thành cây trồng chính của nông dân nơi đây. Công việc đồng áng của nhà nông luôn nặng nhọc, nhưng ai cũng hăng say lao động để hy vọng có được một ngày mùa no đủ.

Những ngày cuối tháng 12 hàng năm là dịp bà con các dân tộc ở xã Thanh Sơn bước vào vụ thu hoạch lúa. Những bó lúa vàng óng ả, trĩu hạt sau khi gặt xong được bà con đem phơi hóng trên sân nhà, như những tấm thảm vàng thơ mộng.

* Rộn ràng mùa gặt mới

Chúng tôi về Thanh Sơn trong không khí rộn rã của những ngày mùa thu hoạch lúa. Trên khắp các nẻo đường, bà con nông dân xuống đồng khẩn trương thu hoạch hơn 1.100 hécta lúa và chuẩn bị làm đất trồng gần 300 hécta bắp cho vụ tới. Năm nay, mưa thuận gió hòa, thời tiết nắng ráo ngay lúc cây lúa đang kỳ đón đòng, không có gió to nên vụ đông - xuân vừa rồi được mùa. Trong mỗi ánh mắt, nụ cười của người dân nơi đây hiện rõ niềm vui trước một vụ mùa bội thu.

Những cánh đồng lúa chờ thu hoạch.
Những cánh đồng lúa chờ thu hoạch.

Từ sáng sớm đến chiều tối, các gia đình tập trung nhân lực, thời gian thu hoạch lúa. Chị Nguyễn Thị Thủy (ở ấp 2) không giấu niềm vui: “Năm nay, nhà tôi trồng được 6 sào, tính ra thu được hơn 3 tấn, đủ cho 4 nhân khẩu dùng trong nửa năm. Cây lúa sinh trưởng trên vùng đất giáp đồi thường không được tươi tốt lắm, nhưng năm nay thời tiết thuận lợi nên năng suất khá cao”.

Tranh thủ lúc trời còn mát mẻ, từ sáng sớm, nông dân ở xã Thanh Sơn đã chuẩn bị dụng cụ ra đồng thu hoạch lúa. Ở những đám ruộng bằng phẳng, diện tích lớn, nông dân sử dụng máy gặt và tuốt tại chỗ. Với những mẫu ruộng còn lại, đàn ông, đàn bà xếp hàng ngang, tay liềm lia thoăn thoắt, tạo thành “đội quân” cắt lúa hùng hậu. Những đứa trẻ cũng theo chân cha mẹ ra đồng, phụ giúp những việc vặt và tận hưởng niềm vui với hương lúa mới.

Cũng như các hộ trồng lúa khác, ông Phát (ở ấp 4) cũng đang gấp rút thu hoạch 8 sào lúa vụ đông - xuân. Nở nụ cười mãn nguyện, ông Phát cho biết, gia đình ông mấy ngày nay đã gặt được gần nửa diện tích. Hầu hết mọi việc đều do gia đình tự làm để giảm chi phí. Do được chăm sóc tốt nên từ đầu vụ đến nay, lúa phát triển tốt, hạt chắc mẩy, năng suất khá, cho dù giá cả vật tư có tăng cao.

Chúng tôi đi ngang qua cánh đồng, tiếng máy tuốt lúa hòa vào tiếng người gọi nhau í ới khiến không khí mùa gặt thêm rộn ràng. Gặp nhóm gặt gần 10 người đang hối hả thu hoạch từng sào lúa một, chúng tôi cảm nhận thấy niềm vui luôn thấp thoáng qua những nụ cười tươi rói của họ. Có thể coi mùa gặt là mùa vui nhất của người nông dân chân quê. Những bông lúa trĩu nặng là thành quả của bao tháng ngày chăm sóc và có cả trong đó những giọt mồ hôi, sự mong mỏi, hy vọng vào một ngày mùa no đủ.

* Tăng vụ với cây bắp

Ở Thanh Sơn mùa này, trong khi ở cánh đồng này đang tấp nập gặt lúa, thì những nơi khác nhiều người tiến hành đốt gốc rạ, rơm khô giải phóng đất, để chuẩn bị cho vụ gieo trồng sắp tới. Nằm xen kẽ với những ruộng lúa vàng ươm sắp thu hoạch xong là những sào bắp đang chờ xuống giống với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài.

Ông Lê Văn Bích, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Sơn cho biết: “Vụ xuân - hè năm nay, cả xã trồng 300 hécta bắp, 100% diện tích canh tác là giống bắp lai 333, năng suất ước đạt 8,5 tấn/hécta. Cây bắp dễ trồng, thời gian cho thu hoạch ngắn (4 tháng), thu nhập cao, dễ tiêu thụ nên nông dân tận dụng đất đai trồng bắp. Cây bắp giúp nhiều gia đình trong xã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Những mảnh đất cố định trồng lúa trước đây, hoặc những ruộng thiếu nước mùa này đã được chuyển sang trồng bắp”.

Theo chân ông Bích ra thăm đồng, chúng tôi được dịp chứng kiến cách trồng bắp mới của bà con nông dân nơi đây. Sau khi gặt xong, những ruộng lúa sẽ được tưới đẫm nước rồi dùng cây tầm vông vót nhọn đâm sâu xuống đất và cho bắp giống xuống. Khoảng chục ngày, bắp sẽ nảy mầm, sinh trưởng trên nền đất lúa.

Người dân đang gieo bắp trên nền đất lúa.
Người dân đang gieo bắp trên nền đất lúa.

Có 5 sào đất lúa, anh Hồ Uy (ở ấp 4) đã quyết định tăng vụ, trồng thêm cây bắp. Công việc này đã đem lại kết quả rất khả quan. Cây bắp sinh trưởng khỏe, phát triển nhanh trên nền đất lúa nên cho năng suất cao. Theo dự đoán của anh, thu hoạch xong thấp nhất cũng đạt 7 tạ/sào, cao nhất 8,5 tạ/sào. Sở dĩ năng suất bắp tăng cao như vậy là nhờ nguồn giống đảm bảo chất lượng, đất đai phù hợp với cây bắp.

Theo kinh nghiệm của gia đình ông Phạm Văn Ân (ở ấp 6), bà con nông dân ở đây chỉ trồng bắp được 1 vụ trong năm. Cây bắp thích hợp trồng ở thời điểm mùa khô, bởi khi mưa xuống rất dễ gây úng cây. Thời điểm tốt nhất nên chọn xuống giống vào tháng 12 hàng năm đến khoảng tháng 4-5 là bắt đầu thu hoạch rộ cho kịp vụ. Đến khi mưa xuống lại chuyển qua cấy lúa. Trồng bắp không tốn nhiều vốn đầu tư, chỉ cần chịu khó chăm sóc và tưới tiêu hàng ngày là bắp cho năng suất cao.

Cây lúa cho một vụ mùa bội thu cùng cây bắp vươn lên xanh tốt trên cánh đồng xã Thanh Sơn bảo đảm cuộc sống nông dân no ấm, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, chung tay vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa này. Ông Nguyễn Duy Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Hiện tại, dân số của toàn xã khoảng 27 ngàn người, trên 91% làm nông nghiệp. Diện tích lúa gần 1.100 hécta, canh tác 2 vụ/năm, sản lượng ước đạt 5,5 tấn/hécta. Việc phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn xã hiện có chuyển biến tích cực, nhưng sản lượng lương thực đạt hiệu quả chưa cao. Việc chuyển đổi cơ cấu giống, cụ thể là tăng vụ với cây bắp, đem lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần tạo nguồn dự trữ lương thực ổn định cho bà con các dân tộc ở Thanh Sơn”.

Thanh Hải

 

 

 

 

Tin xem nhiều