Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa cưới công nhân

10:12, 03/12/2012

Càng gần đến tết, đám cưới trở thành đề tài được bàn tán xôm tụ trong giới công nhân. Dù đang trong thời buổi kinh tế khó khăn, những buổi tăng ca thưa dần, đồng lương eo hẹp, nhưng ai cũng mong có được một tổ ấm hạnh phúc.

 

Càng gần đến tết, đám cưới trở thành đề tài được bàn tán xôm tụ trong giới công nhân. Dù đang trong thời buổi kinh tế khó khăn, những buổi tăng ca thưa dần, đồng lương eo hẹp, nhưng ai cũng mong có được một tổ ấm hạnh phúc.

Giữa bộn bề khó khăn, từ món quà cưới, tấm thiệp đến bàn cỗ đãi khách được họ tối giản hết sức. Lo lắng đấy, nhưng ngày trọng đại của một đời người vẫn được chu toàn.

* Tối giản hết mức!

Nhẩm tính số khách mời để chốt sổ, Nguyễn Thị Tuyết (25 tuổi, ở trọ tại KP2, phường Long Bình, TP. Biên Hòa)cẩn thận dò từng cái tên một. Từ lúc chuẩn bị lễ cưới, ngoài chuyện phải tính toán thế nào để ít tốn kém nhất, chị Tuyết và anh Thái Văn Chuân rất đau đầu khi chọn giá cả cho tiệc cưới. Bởi, nếu không tính chi ly thì khả năng họ bù lỗ rất lớn. “Với công nhân nghèo, mức giá từ 1,5 triệu đồng/bàn cỗ đổ lại là vừa. Vẫn muốn làm cỗ tươm tất một chút, nhưng chúng em phải đề phòng những chi phí phát sinh. Nhà hàng sẽ lo hết, cứ đến giờ là đến làm lễ thôi” - chị Tuyết tâm sự.

Đám cưới tập thể tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt.
Đám cưới tập thể tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt.

Giá cả tăng, kinh tế suy thoái, doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả đã ảnh hưởng đến đời sống của đa số công nhân trẻ. Mùa cưới đang về với bao bộn bề, lo toan. Để có tiền, chú rể Hoàng Thanh Tân (31 tuổi, công nhân Công ty sản xuất keo dán giày Henkel Dongsung Việt Nam, KCN Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) phải đi vay 6 triệu đồng đặt cọc cho nhà hàng. Theo anh Tân, chỉ tính sơ sơ, bạn bè hai bên đã gần 20 bàn, nhưng vì quá eo hẹp, họ giảm xuống 16 bàn, chi phí gần 30 triệu đồng. Đám cưới xong, đôi vợ chồng son sẽ lấy tiền mừng thanh toán cho nhà hàng và trả nợ dần. “Mình có người quen mới cưới xong tháng trước nên rút kinh nghiệm. Anh Huy và chị Lán, người cùng quê Thanh Hóa với tôi, thuộc số ít cặp may mắn cưới xong còn chút tiền để phòng thân, chứ đa số công nhân ở đây cưới xong chỉ hòa vốn, thậm chí nhiều cặp còn bị lỗ nặng” - anh Tân bày tỏ.

Không xe hoa, không nhạc sống rình rang, lễ cưới của anh Đức và chị Vân (cùng làm công nhân may ở Công ty Roo Hsing) vẫn diễn ra vui vẻ, ấm cúng. Trò chuyện với chúng tôi, chị Vân (27 tuổi) không giấu niềm hạnh phúc lớn lao mà mình đã mong ước bao lâu nay. Trong cuộc đời của người con gái, chiếc nhẫn như “vật thiêng” minh chứng cho đôi nam nữ chính thức nên duyên vợ chồng, buộc chặt họ cho đến tận cuối đời. Nhưng với chị, đôi bông tai hoa mai bằng vàng giả còn có ý nghĩa hơn thế nhiều.

Lấy từ trong chiếc hộp ra một vật đã bị ố vàng mà chị nói là “rất quý”, chúng tôi hết sức ngạc nhiên nhưng cũng cầm lòng khi chị tâm sự: “Ngày cưới, nhà trai chỉ có mỗi cha chồng vào. Khổ nỗi, gia cảnh đằng chồng quá khó khăn, ông cụ gom mãi mới được ít tiền đủ để chi trả tiền xe ra, vào. Để cụ không mất mặt với bên nhà gái, tôi đã ra chợ mua đôi hoa tai này. Tới hôm đeo cho tôi, thấy cha run run mà nước mắt chực trào ra. Với tôi, đây cũng là một kỷ vật quý giá, thời buổi tiết kiệm mà, mơ gì vàng thật. Vật chất dù cần thiết lắm nhưng tình cảm bền lâu mới thật quan trọng”.

* Háo hức chờ đám cưới tập thể

Chi phí cho một đám cưới dù rẻ đến mức nào cũng rất tốn kém, vì trong ngày vui có trăm thứ phải chi. Hầu như bạn trẻ nào cũng xác định, “đại hỉ” bắt buộc phải lỗ. Ước mơ có một đám cưới đàng hoàng trở thành gánh nặng với nhiều thanh niên công nhân.

Nhiều năm nay, lễ cưới tập thể do Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh tổ chức đã góp phần mang lại hạnh phúc cho các bạn thanh niên, xây dựng nếp sống văn hóa trong tổ chức lễ cưới văn minh, tiết kiệm. Năm nay, Đồng Nai có 6 cặp đôi may mắn tham gia chương trình này. Trước ngày vui lớn, nhiều bạn trẻ cảm xúc dâng trào, háo hức, sẵn sàng chờ đón một cuộc đời mới. Hạnh phúc không chỉ đến từ tình yêu đôi lứa, mà còn đến từ sự quan tâm của toàn xã hội.

Hạnh phúc trong ngày cưới (ảnh mang tính minh họa).
Hạnh phúc trong ngày cưới (ảnh mang tính minh họa).

Chỉ còn mấy ngày nữa, cặp đôi Nguyễn Văn Hưng (23 tuổi) và Cao Thị Thảo (18 tuổi) sẽ chính thức nên duyên vợ chồng. Ngày 12-12-2012 là ngày đáng nhớ nhất của cuộc đời họ. Họ làm việc trong công ty giày da, nhưng liên tục phải nghỉ việc do hợp đồng ngày càng ít. Lương bổng không tăng, mà giá cả tăng vùn vụt, nên anh Hưng bỏ công ty, chạy ra làm ngoài, thu nhập phập phù. Còn chị Thảo, cũng vài lần bỏ công ty, nhưng rồi thấy công việc khác chẳng khá hơn bao nhiêu nên vẫn gắn bó với nó. Hai người, hai nơi nhưng Thảo vẫn thường xuyên giữ liên lạc, đến khi có được công việc ổn định ở Công ty may Đồng Nai (chi nhánh Định Quán) họ mới nghĩ đến chuyện cưới xin. “Mấy hôm nay bận rộn lắm, càng đến ngày cưới càng háo hức, hồi hộp” - Thảo tâm sự.  Đang còn trẻ, kinh nghiệm đường đời chưa trải hết nhưng với cặp đôi này, tình yêu sẽ giúp họ vượt qua tất cả.

Được khoác lên mình những bộ váy cưới đẹp mắt, nhận những lời chúc phúc chân thành từ gia đình, bạn bè là niềm ước ao, mong mỏi đã bấy lâu nay của chị Khánh Linh (30 tuổi). Ngồi kế bên chị, anh Trần Tuấn Kiệt (40 tuổi), người bạn đời của chị, cũng hạnh phúc không kém. Là cặp đôi lớn tuổi nhất trong số những người tham gia đám cưới tập thể lần này, họ vẫn tự tin, hãnh diện. Yêu nhau từ lúc học ở quê, trải qua nhiều sóng gió, tưởng chừng họ không thể đến được với nhau. Những bạn bè thân, không ai nghĩ rằng, sau bao trắc trở, cuối cùng họ sẽ thành đôi.

“Hồi tháng 10, thấy có thông báo đám cưới tập thể trên báo, chúng tôi rủ nhau đi đăng ký liền. Lo sợ ít cơ hội được chọn, nhưng khi nhận trên tay tờ thông báo của Tỉnh đoàn Đồng Nai gửi đến, niềm vui như vỡ òa với chúng tôi. Thật sự, chúng tôi không dám tin vào mắt mình. Ngày 9-12 tới đây, cả hai sẽ đi TP.Hồ Chí Minh tham gia lớp tập huấn kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc” - anh Kiệt hồ hởi cho biết.

Một mùa cưới nữa lại về, bên cạnh những khó khăn vật chất, người ta vẫn đặt hy vọng vào những điều tốt lành đang đợi chờ phía trước. Bởi hôm nay, mọi kết nối mới chỉ bắt đầu, để mỗi tổ ấm đừng bao giờ nguội lạnh; ấp áp, nồng nàn như ngày đầu mới yêu. Khao khát vun bồi là khát vọng, nguyện vọng đẹp đẽ, chính đáng của các đôi uyên ương.

Thanh Hải

 

 

 

 

Tin xem nhiều