Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ đô của phẩm giá con người

08:12, 27/12/2012

Khi ban Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ chỉ nghĩ kinh đô Thăng Long và nước Đại Cồ Việt sẽ còn phải tiếp tục chiến đấu với giặc phương Bắc. Nhưng đức vua không thể ngờ 962 năm sau, vào tháng 12-1972, Thăng Long - Hà Nội lại có một cuộc đọ sức quyết liệt với một siêu cường quốc từ bên kia đại dương là Mỹ.

Khi ban Chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ chỉ nghĩ kinh đô Thăng Long và nước Đại Cồ Việt sẽ còn phải tiếp tục chiến đấu với giặc phương Bắc. Nhưng đức vua không thể ngờ 962 năm sau, vào tháng 12-1972, Thăng Long - Hà Nội lại có một cuộc đọ sức quyết liệt với một siêu cường quốc từ bên kia đại dương là Mỹ.

Cuộc đọ sức này không phải trên mặt đất, không có tiếng voi gầm, ngựa hí, không gươm giáo rợp trời… Đây là cuộc chiến đấu trên không với những “siêu pháo đài bay” B.52 của đế quốc Mỹ, ném những quả bom tấn xuống Hà Nội, muốn kéo “Hà Nội trở về thời đồ đá”.

* Cuộc hủy diệt lớn nhất hành tinh

Sinh thời, Bác Hồ đã nhìn nhận đế quốc Mỹ sẽ dùng máy bay B.52 ném bom Hà Nội rồi mới chịu ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước”, Người khẳng định ý chí của Đảng ta, nhân dân ta: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá. Nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Tất cả trẻ em, người già ở Hà Nội được sơ tán ra ngoại ô thành phố để tránh bom Mỹ.
Tất cả trẻ em, người già ở Hà Nội được sơ tán ra ngoại ô thành phố để tránh bom Mỹ.

Bị thất bại ở chiến trường miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Mỹ đã dùng đến con át chủ bài B.52 để giải quyết một số vấn đề trên bàn đàm phán. Từ cuối tháng 12-1972, mà cao điểm là đêm 26-12, Mỹ cho hàng đàn B.52 đánh vào ga Hàng Cỏ, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Giao thông và một số khu tập thể, đặc biệt là phố đông dân Khâm Thiên. Nhiều cán bộ, dân thường, bác sĩ, y tá… bị giết. Chúng đã dùng bom để hủy diệt cuộc sống của người Hà Nội. “Những trái bom nhằm khuất phục lòng người Hà Nội, lay chuyển hệ thần kinh thép của tập đoàn cộng sản Bắc Việt” - như lời bình luận của đài BBC.

Hà Nội tháng 12-1972 lạnh tê tái. Xe xúc, xe cẩu và mọi người lặng lẽ đào bới, kiếm tìm những thi thể trong đống đổ nát ở Bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên. Những vành tang trắng, những giọt nước mắt chảy dài trên gò má. Không ngờ kẻ thù lại điên cuồng, tàn ác đến như thế. Niềm oán hận thấu tận trời xanh. Nhân loại tiến bộ sục sôi phẫn nộ.

Đã từ lâu, Hà Nội luôn theo dõi chiến trường miền Nam. Những trận đánh Núi Thành, Ấp Bắc, Bình Giã, sân bay Biên Hòa; các cuộc tấn công và nổi dậy năm 1968, 1972 làm Hà Nội nức lòng. Tin máy bay Mỹ bị bắn hạ ở Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… khiến Hà Nội hả dạ. Lần này, Hà Nội được cả nước giao nhiệm vụ: hãy chiến đấu và chiến thắng B.52 của Mỹ. Với bản lĩnh Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội sẽ thay mặt cả nước tiêu diệt vũ khí tối tân hiện đại nhất của Mỹ, tiêu diệt ý chí xâm lược của kẻ thù.

Hà Nội những đêm ấy trời và đất tối đen, không một ánh điện, chỉ có ánh đèn dầu, đèn pin. Máy bay chiến đấu, tên lửa, ra đa, pháo cao xạ đã sẵn sàng. Khi B.52 lẻn vào hòng gây tội ác, máy bay chiến đấu của ta vút lên trời cao. Anh hùng Phạm Tuân đã tiếp cận và bắn hạ được B.52. Có phi công đã dũng cảm lao vào đội hình B.52, khiến B.52 nổ tan xác trên bầu trời. Pháo cao xạ, tên lửa nổ rầm rầm, đỏ rực cả bầu trời. Xác B.52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà, cả nước reo mừng chiến thắng tuyệt vời này.

* Cuộc sống vẫn đâm chồi nảy lộc

Những ngày ấy, đi trên đường phố Hà Nội, tôi càng thêm hiểu tâm hồn người Hà Nội. Ở phố Khâm Thiên, tôi thấy hai đám đông đang đào bới giữa những cụm khói hương nghi ngút. Bên đống đổ nát, người ta đã bày bán xu hào, củ cải, cà rốt, khoai tây, thịt heo. Đi qua mấy cửa hàng bán dầu, bán gạo vẫn đông nghịt người. Trước Noel, đi qua cửa hàng mậu dịch ở Khâm Thiên, tôi đã thấy cảnh một chị phụ nữ mua được mảnh vải lụa giơ lên cao ngắm khen lụa bền và đẹp. Bây giờ, cửa hàng đã bị bom đánh sập rồi. Tôi có cô bạn mới ra công tác, lãnh tháng lương đầu mua được hai mét vải tô-bi-can may áo khoác diện tết, đặt ở hiệu may Khâm Thiên. Hôm đến lấy áo, cửa hàng bị trúng bom, kính văng một nơi, cửa văng một nẻo. Thợ may đã đi sơ tán rồi. Cô nói trong ngậm ngùi: “Nếu bom nó đánh mất thì thôi, bắt đền làm gì. Người ta còn mất cả người, mình có cái áo có sao đâu”.

 Tôi tấp vào một quán nước, nghe được một câu chuyện. Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng nhà ở Khâm Thiên bị bom đánh trúng, tan hoang hết. Ông cùng mấy người bạn đạp xe về dọn dẹp nhà cửa, chợt thấy giò phong lan còn nguyên vẹn, tươi tốt, ông đặt vào ghi-đông xe đạp chở về nơi sơ tán, thỉnh thoảng ngắm hoa cho vui. Từ Khâm Thiên, tôi đạp xe về khu tập thể Láng thăm bà chị. Khu nhà lắp ghép Láng bị một quả bom ngay phía sau. Kế nhà bà chị có ông láng giềng mở máy quay đĩa hát. Ông đang bắc giàn dây thép trước hiên nhà để trồng cây leo đến mùa hè cho mát. Bà chị nói rất văn chương: “Cuộc sống vẫn đâm chồi nảy lộc đấy chứ em”.

Đạp xe về Nhà xuất bản Văn Học ở số 49, Trần Hưng Đạo để tìm ba tôi - nhà văn Bùi Hiển, thì ông đã đi Khâm Thiên viết bài theo đặt hàng của Báo Nhân Dân.

Tôi lại đạp xe ra Bờ Hồ, tiếng người từ các cửa hầm ở Bờ Hồ vẳng ra. Nhiều xe đạp ghếch bên hầm. Có người trải chiếu bên miệng hầm, khoác áo bông ngồi thu lu, người trùm chăn bông kín đầu ngủ, những người khác thì chuyện trò rôm rả. Trên ghế đá có mấy cặp ngồi trông ra Bờ Hồ mờ sương tâm sự. Người ngủ tràn cả vỉa hè Hàng Trống.

Tôi ghé lại 49 Trần Hưng Đạo thì gặp ba tôi. Ba đang ăn vội hai cái bánh quẩy, uống chén rượu viết cho xong bài  Tội ác và trừng phạt để mai nhà báo Đỗ Quảng (Báo Nhân Dân) đến lấy. Tôi lang thang ra phố mua cho ba ổ bánh mì. Chợt thấy ở ngã tư phố Huế - Trần Hưng Đạo có một người mặc áo mưa cúi xuống hầm tránh bom cá nhân ở đường Trần Hưng Đạo rít mấy hơi thuốc đỏ lửng thổi khói xuống hầm, giọng miền Nam hỏi: “Có muỗi nhiều không?”. Nhà ông ở khu Nhà máy dệt 8-3, mấy hôm bom đánh rát quá, phải cho vợ con lên đây sơ tán.

Trưa 28-12, tôi lại dự một đám cưới Hà Nội. Cô dâu là giáo viên - bạn tôi, mặc áo dài. Chú rể bộ đội mặc quân phục. Tiệc cưới chỉ có bánh, kẹo, trà và bó hoa lay - ơn trắng, đưa dâu bằng xe đạp. Ba phần tư câu chuyện trong đám cưới là chuyện bom đạn. Có người còn nêu sáng kiến đưa mấy thằng giặc lái ra giữa phố cho máy bay Mỹ ném bom.

Người Hà Nội những năm tháng ấy, những năm tháng tột cùng đau thương nhưng mang vẻ đẹp trong sáng, lấp lánh của sự ung dung, bình tĩnh, can trường một cách lạ thường. Đó là những thỏi thép sáng rực được tôi luyện trong lửa đạn. Với chiến công tháng 12-1972, Hà Nội đã dâng tặng cho nhân dân cả nước, bạn bè khắp năm châu một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Với chiến công ấy, Hà Nội còn dâng tặng tất cả các thế hệ người Hà Nội trước đây và mai sau.

Bùi Quang Tú

 

Tin xem nhiều