Báo Đồng Nai điện tử
En

Những bất cập từ dải phân cách mềm trên quốc lộ 51

09:10, 11/10/2006

Dải phân cách mềm (DPCM) trên quốc lộ (QL) 51 dài 38 km, được xây dựng ở địa bàn tỉnh Đồng Nai bắt đầu từ ngã tư Vũng Tàu đến xã Phước Bình, huyện Long Thành (giáp ranh xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 1998, công trình được đưa vào sử dụng. Trên cơ sở là đường cấp 1 đồng bằng nên QL 51 được phân luồng mỗi chiều cụ thể: phía trong DPCM dành cho xe thô sơ (xe không gắn động cơ) và người đi bộ (rộng 3 mét), phía ngoài dành cho hai làn xe ô tô và các loại xe gắn máy (rộng 18 mét).

Cảnh buôn bán ngay tại dải phân cách mềm trên QL51, đoạn ngã tư Vũng Tàu.

Dải phân cách mềm (DPCM) trên quốc lộ (QL) 51 dài 38 km, được xây dựng ở địa bàn tỉnh Đồng Nai bắt đầu từ ngã tư Vũng Tàu đến xã Phước Bình, huyện Long Thành (giáp ranh xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 1998, công trình được đưa vào sử dụng. Trên cơ sở là đường cấp 1 đồng bằng nên QL 51 được phân luồng mỗi chiều cụ thể: phía trong DPCM dành cho xe thô sơ (xe không gắn động cơ) và người đi bộ (rộng 3 mét), phía ngoài dành cho hai làn xe ô tô và các loại xe gắn máy (rộng 18 mét). Thực tế, nếu như hai bên QL 51 là đồng bằng như bản thân đường đã được ngành chức năng xác lập thì DPCM là một trong những điều kiện để người đi đường dễ dàng lưu thông theo phần luồng đã được phân định. Đằng này, dọc QL 51 thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai đều có khu dân cư tập trung. Trong khi đó, ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của người dân chưa cao, mật độ xe qua lại nhiều, nên việc xây dựng DPCM tại những nơi này lại trở thành cản ngại, thậm chí rất nguy hiểm trong việc sinh hoạt, đi lại hàng ngày của người dân...

 

* Khi ý thức của người dân còn hạn chế

 

Một trong những hình ảnh gây "phản cảm" trên QL 51, đó là cảnh buôn bán ngay tại  DPCM. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều đoạn đường trên QL51, đặc biệt là tại ngã tư Vũng Tàu. Nơi đây, những người bán hàng vô tư để hàng dựa vào DPCM. Và mỗi lần có xe ghé vào đón khách, cảnh bát nháo giữa người buôn thúng bán bưng, rồi lơ xe níu kéo khách ngay phần đường dành cho các loại xe cơ giới khiến nhiều lúc khu vực này trở nên mất trật tự, nhốn nháo, thậm chí ùn tắc giao thông. Trong khi mật độ lưu thông trên Ql 51 ước mỗi giờ có hàng ngàn xe qua lại thì những lúc có tình trạng đón khách và buôn bán ở ngay DPCM khiến lòng đường bị thu hẹp, gây nhiều nguy hiểm cho các loại phương tiện lưu thông.

Ngoài việc DPCM bị lấn chiếm làm nơi buôn bán, đón khách dọc đường đối với nhiều loại xe khách, thì bản thân DPCM còn thường bị kẻ xấu hủy hoại lấy trộm. Thực ra, thành phần kẻ gian cưa trộm DPCM để bán ve chai cũng có, nhưng số DPCM thỉnh thoảng bị biến mất là do có chủ đích... mở đường của một số hộ dân. Từ ngã tư Vũng tàu đến hết ranh giới tỉnh Đồng Nai, chúng tôi ước tính có hàng trăm "cửa ngõ" được mở một cách tùy tiện, sau khi những trụ sắt chống DPCM bị ai đó lén lút cưa cụt. Những "cửa ngõ" này thường là nơi ra vào của một số hộ dân buôn bán nhỏ, quán cà phê... Ngoài ra, tại nhiều đoạn, DPCM còn bị bẻ méo mó, hoặc đinh vít bị tháo bỏ.  Đề cập đến chuyện trụ sắt đỡ DPCM bị mất cắp, nhiều dân cư ở hai bên đường cho biết, từ ngày có DPCM đã cản trở việc đi lại của người dân. Muốn "ra" được khúc quẹo, dân cư hai bên đường phải đi ngược lên trên vài cây số mới có lối ra. Cho nên, để thuận tiện hơn trong việc đi lại, người dân đã chọn "giải pháp" chạy... ngược chiều trong phần đường giành cho xe thô sơ, hoặc "cầu mong" cho ai đó lấy cắp một vài trụ để hình thành lối đi. Có người còn nói, thực tế lâu nay, trừ một số trường hợp học sinh đi học bằng xe đạp thì hầu hết mọi gia đình đều có xe gắn máy, người đi bộ lại càng hiếm, cho nên phần đường dành cho xe thô sơ trở nên ít sử dụng (trừ phần lớn xe đi ngược chiều). Đó là chưa kể nhiều phương tiện thô sơ như xe bò, xe ba gác và cả xe đạp cũng ung dung chạy song hành với các loại xe gắn máy ở phần đường bên ngoài. Chính vì vậy, trong khi phần đường giành cho xe cơ giới luôn có mật độ cao; người điều khiển xe gắn máy hai bánh thường phải trong tình trạng căng thẳng để có thể đối phó với những tình huống bất lợi do bị những "hung thần" xa lộ...ép, thì phần đường bên trong lại trở nên trống trơn. Quả thật, trên suốt tuyến đường từ ngã tư Vũng Tàu đến xã Phú Bình - điểm giáp ranh giữa Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi thấy rất nhiều đoạn không có DPCM. Chẳng hạn như ở trước khu vực trại bò sữa đến ngã ba đường vào khu công nghiệp Long Thành hoặc từ ngã ba xã An Phước đến ấp 2, xã Long An (ngang qua trung tâm tâm thị trấn Long Thành dài khoảng 3km)... đều không có DPCM nhưng việc đi lại ở những nơi này có phần an toàn hơn. Tại những khu vực kể trên, người điều khiển xe gắn máy không chạy song song với các loại xe ô tô, mà hầu hết đều đi cặp phía trong lề đường (do đường thông thoáng). Điều này cho thấy, nếu DPCM được xây dựng không đúng chỗ, sẽ trở nên vô tác dụng, một khi ý thức chấp hành của người đi đường chưa cao. Đáng kể là trong số những vụ TNGT xảy ra trên tuyến đường này trong thời gian qua, có không ít vụ do tác nhân từ DPCM.

 

* Có nên tồn tại dải phân cách mềm ở những điểm dân cư?

 

Các phương tiện đi sai phần đường quy định.

Trao đổi về những bất cập của DPCM trên QL51, ông TRƯƠNG TY, Chánh Thanh tra chuyên ngành (trước đây là Thanh tra giao thông) Sở Giao thông vận tải (GTVT), ông Trương Ty khẳng định: "Sau khi DPCM trên QL51 được đưa vào sử dụng một thời gian, Ban Thanh tra giao thông và lãnh đạo Sở GTVT tỉnh đều có ý kiến về những bất cập của nó. Tại nhiều cuộc họp với Bộ GTVT, chúng tôi đều có ý kiến đề nghị Bộ nên xem xét lại và có hướng điều chỉnh một số đoạn có DPCM tại những khu dân cư tập trung. Bởi, nếu đặt DPCM tại những nơi này sẽ gây bất lợi cho người dân trong việc đi lại. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cũng có ý kiến, đã là đường cấp 1 đồng bằng thì việc thiết kế không thể khác được. Cho nên, mặc dù đã thấy có vấn đề không "ổn" từ DPCM trên QL51, nhưng ngành chức năng địa phương đành bó tay...". Ông Ty cho rằng, thực ra DPCM trên QL51 sẽ phát huy tác dụng như mong muốn nếu như nó được thiết kế một cách hợp lý hơn. Bởi bản thân DPCM là đường cấp 1 đồng bằng nên sự phân luồng theo lộ giới dành riêng cho xe thô sơ và người đi bộ là hợp lý, cụ thể là tại những khu vực như một số đoạn từ xã Phước Thái trở đi, hai bên đường là đồng ruộng sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho các phương tiện lưu thông và đảm bảo sự an toàn cho mọi thành phần tham gia lưu thông. Tuy nhiên, khi xây dựng DPCM tại những khu vực dân cư tập trung thì cần xem xét lại. Chẳng hạn như tại ngã tư Vũng Tàu và rất nhiều đoạn khác trên Ql51, DPCM kéo dài đã khiến việc sinh hoạt, đi lại hàng ngày của người dân nơi đây bị cản trở. Bởi thói quen của cuộc sống dân cư tập trung ven đường, phần lớn đều gắn bó với chuyện buôn bán. Chính vì lẽ đó, DPCM không còn tác dụng khi người dân cố tình mở thêm cửa ngõ mới, hoặc rất ít phương tiện, đặc biệt là người đi bộ chấp hành theo đúng lộ trình đã quy định. Việc thiết kế DPCM tại những khu dân cư tập trung không phù hợp này càng khiến cho lòng đường chật hẹp hơn, đồng thời càng trở nên nguy hiểm, nhất là đối với xe hai bánh, bởi người điều khiển phương tiện sẽ không có đường thoát hiểm khi gặp sự cố từ bên ngoài...

Phó giám đốc Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 711 (đơn vị quản lý DPCM trên QL51,  trụ sở ở TP. Hồ Chí Minh) Phạm Viết Nguyên thì phàn nàn về những vụ lấy cắp trụ sắt của DPCM để mở các "cửa ngõ" từ phần đường bên trong ra phần đường bên ngoài. Việc mở "cửa ngõ" vô tội vạ này khiến cho công tác quản lý, bảo vệ DPCM của đơn vị chủ quản nhiều khi gặp lúng túng, vì phải thường xuyên lắp đặt lại những đoạn bị lấy cắp hoặc bị phá hỏng. Bên cạnh đó, việc chính quyền địa phương buông lỏng quản lý  hoặc không cương quyết khắc phục tình trạng tiểu thương họp chợ lấn chiếm lộ giới, hoặc cứ dựa vào DPCM để buôn bán, dẫn đến hình ảnh khó coi và tạo sự bất an cho cả người đi đường lẫn người buôn bán. Ngoài ra, nhiều trường hợp vi phạm an toàn giao thông như đi sai phần đường quy định không được xử lý đến nơi đến chốn... Song, khi đề cập về những bất hợp lý của DPCM trên QL51, ông Nguyên cũng thừa nhận là có nhiều đoạn thiết kế chưa phù hợp. "Theo tôi, thời gian sử dụng DPCM trên Ql51 đã khá lâu nên việc bộc lộ những khiếm khuyết của công trình  tại một số điểm là điều dễ hiểu. Để khắc phục những tồn tại này, tôi cho rằng ngành chức năng địa phương nên tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT về vấn đề này, để tùy theo tình hình thực tế của từng khu vực mà điều chỉnh cho hợp lý. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ, hoàn thiện những giải pháp hữu hiệu cho công tác đảm bảo ATGT, không chỉ là những biện pháp xử lý tức thời, mà quan trọng hơn về lâu dài, ý thức chấp hành luật giao thông của người đi đường phải được thể hiện ở mọi nơi một cách nghiêm túc". Ông Nguyên nói.

Tạ Nguyên

 

Tin xem nhiều