Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhằm khắc phục nạn gây ô nhiễm sông Thị Vải: Sẽ kiên quyết đóng cửa những doanh nghiêp không có thiện chí

09:09, 25/09/2006

"Sẽ kiên quyết đóng cửa những doanh nghiệp gây ô nhiễm mà không có thiện chí khắc phục, công bố các doanh nghiệp gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục đưa vào "danh sách đen" những doanh nghiệp gây ô nhiễm...". Đó là những kiến nghị mới nhất của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đối với những doanh nghiệp, những KCN gây ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Một công ty dệt nhuộm bỏ tiền tỷ đầu tư xử lý nước thải.

"Sẽ kiên quyết đóng cửa những doanh nghiệp gây ô nhiễm mà không có thiện chí  khắc phục, công bố các doanh nghiệp gây ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếp tục đưa vào "danh sách đen" những doanh nghiệp gây ô nhiễm...". Đó là những kiến nghị mới nhất của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đối với những doanh nghiệp, những KCN gây ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải vừa được Thủ tướng phê duyệt.

 

* Không chỉ là 77    4...

 

Cho đến nay, Bộ TN-MT đã có những công bố chính thức về tình hình ô nhiễm sông Thị Vải và mức độ gây ô nhiễm của mỗi cơ sở (CS) và KCN trên lưu vực sông thông qua kiểm tra 77/172 dự án đang hoạt động tại lưu vực sông ở hai tỉnh Đồng Nai (ĐN) và Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT).

Trong số 77 CS được Bộ TN-MT kiểm tra vừa qua, có 54 CS và KCN của Đồng Nai. Kết quả cho thấy, lượng nước thải của 54 CS này đã lên đến gần 22.000 m3/ngày đêm (chưa bao gồm nước làm máy thiết bị). Có 35/54 CS đầu tư xây dựng hệ thống nước thải nhưng chỉ có 7 CS đạt tiêu chuẩn môi trường (TNMT), có 9 CS có các biện pháp xử lý khí thải, 24 CS thực hiện quản lý chất thải nguy hại theo quy định và 28 CS thực hiện báo cáo giám sát môi trường theo đúng tần suất quy định. Những CS và KCN gây ô nhiễm nặng cho sông Thị Vải phải kể đến là KCN Nhơn Trạch 1 (thuộc Công ty phát triển đô thị công nghiệp), KCN Nhơn Trạch 2 (thuộc Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2), KCN Nhơn Trạch 3 (thuộc Công ty TNHH một thành viên Tín Nghĩa), Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN, KCN Gò Dầu (thuộc Công ty phát triển KCN Biên Hòa)...

Qua thực tế kiểm tra tại KCN Nhơn Trạch 2 cho thấy, mức độ gây ô nhiễm ở KCN này rất cao khi có 23/35 dự án đã đi vào sản xuất các loại hình công nghiệp dệt nhuộm, cơ khí, điện tử và mỹ phẩm với tổng lượng nước thải là 9.295m3/ngày, trong đó CS dệt nhuộm chiếm đa số nhưng lại không có CS nào xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, nên nước sông đoạn ngang khu vực này có màu đen, bốc mùi hôi thối nặng, trong đó tổng hàm lượng Coliform vượt tiêu chuẩn cho phép đến 1.920 lần. Còn ở Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN, nước thải trung bình khoảng 4.150m3/ngày đêm. Mặc dù công ty đã xây dựng 3 hệ thống xử lý nước thải ở 3 khâu chế biến tinh bột và mật rỉ đường bằng công nghệ hiện đại, nhưng hầu như ở cả 3 hệ thống, không có hệ thống nào đạt hoàn toàn các TCMT, đặc biệt hàm lượng Cyanua vượt đến 34 lần (ở hệ thống UASB), hàm lượng  Coliform (ở hồ sinh học) vượt đến 1.460 lần so với tiêu chuẩn. Cũng trong quá trình kiểm tra, đoàn đã phát hiện ở công ty này có hiện tượng xả trực tiếp nước thải không qua xử lý vào sông Thị Vải,  nên tại các cống xả khu vực cảng Vedan, nước thải có hàm lượng ô nhiễm rất cao. Ở KCN Nhơn Trạch 1, có lượng nước thải khoảng 4.000m3/ ngày đêm. Ở KCN này, loại hình sản xuất  dệt nhuộm cũng chiếm đa số. KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng mới chỉ đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm (từ tháng 10-2005) và mới chỉ xử lý được 1.500m3/ngày, lượng nước thải còn lại khoảng 2.500 m3/ngày đêm vẫn thải trực tiếp vào hệ thống thoát chung qua kênh Bà Ký đổ vào sông Thị Vải. Nước thải dù qua xử lý vẫn có tổng Coliform vượt 2.600 lần, hàm lượng Florua vượt 26 lần, nước thải còn lại không qua hệ thống xử lý có hàm lượng các chất ô nhiễm rất cao. KCN Gò Dầu là nơi tập trung các loại hình công nghiệp hóa chất và phân bón, có lượng nước thải 1.000 m3/ngày đêm. Tại KCN này có 19 nhà máy hiện đang thải trực tiếp nước thải ra sông Thị Vải, tổng hàm lượng Coliform trong nước thải vượt 800 lần (ở cống thoát cảng Gò Dầu), ở cửa xả nước thải của Công ty Supe phốt - phát Long Thành, hàm lượng các chất hữu cơ như sắt, phốt pho và độ pH cao hơn nhiều so với TCMT. Ở KCN Nhơn Trạch 3 có 2 cống thoát chính ra cống Lò Rèn và Rạch Miễu đổ ra sông Thị Vải. Hiện công ty đã xây dựng hệ thống thu gom nước thải  nhưng chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện nước thải được lưu tại các hồ nhỏ cho tự thấm, bay hơi tự nhiên trong khu vực quản lý của từng đơn vị. Phân tích mẫu nước thải của KCN tại cống Lò Rèn cho thấy, hàm lượng các chất Cyanua và vi khuẩn khá cao, trong đó hàm lượng Coliform vượt tiêu chuẩn đến 9.200 lần.

Thông qua kết quả kiểm tra, Bộ TN-MT đã thống nhất xếp 77 CS và KCN (của cả ĐN và BR-VT) theo 4 danh sách: Danh sách 1 bao gồm các CS sản xuất thực hiện tốt công tác BVMT (gồm 6 CS, có 2 CS của ĐN); danh sách 2 là các KCN trên lưu vực sông Thị Vải chưa xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung theo quy định về BVMT (gồm  8 KCN, có 4 KCN của ĐN); danh sách 3 gồm các CS và KCN có nước xả thải vượt TCMT cho phép  (gồm  28 CS, trong đó có 20 CS của ĐN) và Danh sách 4 gồm những CS và KCN vi phạm các quy định về BVMT (gồm  35 CS, có 27 CS của ĐN).

 

*"Không khắc phục, doanh nghiệp sẽ bất lợi nhiều mặt..."

 

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, Luật BVMT mới đã quy định rất chặt chẽ mức độ xử lý đối với những CS gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước sông. Ngoài việc bị chế tài, những đơn vị không thiện chí khắc phục ô nhiễm sẽ bất lợi nhiều mặt: Phải bị tạm ngưng sản xuất hoặc đóng cửa vĩnh viễn nếu không khắc phục đúng thời hạn quy định. Những CS, KCN gây ô nhiễm sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu và làm giảm sức thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Nhưng lớn hơn nữa khi sắp tới đây, VN gia nhập WTO, lợi thế cạnh tranh của những DN có nguồn gốc sản phẩm không "sạch" sẽ gặp nhiều bất lợi khi xuất ra thị trường thế giới, đặc biệt là châu Âu.

Hiện nay, việc khắc phục và hạn chế ô nhiễm môi trường nước sông Thị Vải đang trở nên cấp bách, Bộ TN-MT đã chính thức trình lên Thủ tướng Chính phủ những chỉ đạo sau: Sở TN-MT hai tỉnh ĐN và BR-VT tiếp tục giám sát tình hình khắc phục ô nhiễm và xử lý vi phạm đối với những CS đã và chưa được kiểm tra trên lưu vực sông Thị Vải. Nhanh chóng xây dựng bản tin công khai tình hình ô nhiễm để các DN có thêm thông tin khi lựa chọn địa điểm đầu tư và nhân dân tham gia giám sát BVMT;  các CS có nguồn nước thải ra sông Thị Vải phải hoàn thành các công trình xử lý đạt tiêu chuẩn, thời hạn từ nay đến hết năm 2006. UBND tỉnh ĐN và BR-VT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng miền về khả năng chịu tải của sông Thị Vải. Tạm thời không cho phép đầu tư  5 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm và thuộc da;  5 loại hình  công nghiệp khác cũng bị hạn chế cấp phép là: Công nghiệp xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón và sản xuất bột giấy trên lưu vực sông Thị Vải.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều