Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi dòng sông đang chết

09:09, 04/09/2006

Vùng rừng đước ngập mặn Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch) nằm trong hệ thống sông Thị Vải được xem là nơi có trữ lượng thủy hải sản khá dồi dào với nhiều loài nổi tiếng như: tôm, cua, sò huyết, cá chẽm... Với món quà quý giá của thiên nhiên ban tặng, nhiều người dân địa phương và các nơi đã tập trung về đây đầu tư khai thác nguồn lợi thủy sản.

Người thanh niên này thu hàng chục mét lưới nhưng vẫn chưa thấy con cá nào.

Vùng rừng đước ngập mặn Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch) nằm trong hệ thống sông Thị Vải được xem là nơi có trữ lượng thủy hải sản khá dồi dào với nhiều loài nổi tiếng như: tôm, cua, sò huyết, cá chẽm... Với món quà quý giá của thiên nhiên ban tặng, nhiều người dân địa phương và các nơi đã tập trung về đây đầu tư khai thác nguồn lợi thủy sản. Thời hoàng kim, rừng đước Phước An, Long Thọ đã nuôi sống hàng ngàn con người. Vậy mà giờ đây, trước tốc độ phát triển các khu công nghiệp ven sông, sông Thị Vải đang chết dần, chết mòn vì nạn ô nhiễm nguồn nước, đẩy những người dân kiếm sống trên sông rơi vào cảnh lao đao, lận đận...

 

* Sông không còn xanh

 

Lấy chiếc xuồng ba lá đưa chúng tôi ra thăm khu vực rừng đước ngập mặn Phước An, Mỏng - người thanh niên chèo xuồng cư ngụ ở ấp Bàu Bông, xã Phước An nói ngày trước: "Ở rừng đước ngập mặn này, muốn ăn con cá, con tôm chỉ cần đánh vài nhát lưới là có dư mồi để đãi khách. Giờ thì sự sung túc ấy đã qua rồi. Muốn có được con cá, con tôm, dân chài đã vất vả kiếm tìm đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Cho tay kéo thêm ga tăng tốc động cơ để đưa chiếc xuồng rẽ vào con sông nhỏ, Mỏng giải thích thêm: "Con sông này đang bị ô nhiễm nặng lắm. Có thời điểm nước sông đột ngột đổi màu từ xanh sang nâu đỏ, hôi thối không chịu nỗi huống chi là tôm, cá!". Lo âu của người lái đò này quả thật đã làm cho chúng tôi thêm nặng lòng. Trước đây, có dịp đi tham quan trên dòng sông này, đến đâu chúng tôi cũng thấy cảnh dập dìu ghe thuyền của bà con ngư dân hành nghề đánh bắt tôm cá trên sông. Giờ thì cảnh ấy đã khác xưa rồi. Có lẽ do dòng sông bị ô nhiễm, lượng cá tôm giảm sút nên nhiều người đã chuyển nghề hoặc bỏ đi nơi khác để kiếm sống. Anh Trần Trung Dũng, Trưởng công an xã Phước An cho biết, toàn xã Phước An có 1.070 hécta mặt nước bị ngập mặn theo chế độ bán nhật triều, diện tích này chiếm 2/3 diện tích toàn xã. Với lợi thế đó, nhiều năm qua người dân Phước An và các xã lân cận đã đầu tư nhiều, tiền của để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, nuôi hy vọng đổi đời trên vùng đất này bằng các hình thức như đắp đùn, đập nuôi tôm, cá, đóng đáy, chài lưới, rập cua v.v... Hàng năm, nguồn lợi thủy sản mà bà con thu về từ việc khai thác, nuôi trồng, đánh bắt trên rừng ngập mặn Phước An chiếm tỉ lệ không nhỏ trong nền kinh tế của xã. Vậy mà trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, lượng cá tôm ở sông Thị Vải và khu vực rừng ngập mặn đã giảm sút đáng kể. Có loài gần như bị tuyệt chủng, đã đẩy người dân chài đến chỗ cơ cực, phá sản. Mới đây, qua kiểm tra thực tế của đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên môi trường cho thấy, bình quân hàng ngày các khu công nghiệp nằm ven sông Thị Vải đã đổ ra sông trên dưới 10.000m3 nước thải độc hại chưa qua xử lý, khiến dòng sông đang đứng trước nguy cơ chết dần. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Phạm Khôi Nguyên đã nhìn nhận: "Mức độ ô nhiễm sông Thị Vải đã đến mức báo động. Chất lượng nước sông Thị Vải xuống cấp quá nhanh, ít có lưu vực sông nào xuống cấp nhanh như thế...".

 

* Lao đao phận người trên sông

 

Xuồng chúng tôi đến khu vực Cắm Sào cũng đã vào giờ trưa. Mọi khi, ở khúc sông này tấp nập ghe thuyền của bà con các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Cà Mau neo đậu chờ con nước lên để vào cuộc đánh bắt tôm cá. Vậy mà trước mắt chúng tôi giờ đây trên mênh mông sông nước, chỉ có lèo tèo vài chiếc thuyền buông neo phơi mình trong nắng gió. Trên chiếc thuyền đã đến thời xuống cấp, 2 cha con anh Nguyễn Văn Trứ ở huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) đang cố sức kéo mẻ đáy mà cha con anh đã đóng hơn một ngày trước đó. Niềm hy vọng được cha con anh trút dồn vào mẻ lưới này vậy mà khi đáy được kéo lên, trong ấy chỉ có vài con cá tạp và rác. Anh Thứ nói như than: "Tôi lên đây kiếm sống đã hơn 10 năm rồi nhưng chưa khi nào thấy khó khăn như lúc này. Ô nhiễm nguồn nước đã làm cạn kiệt nguồn tôm cá. Làm một đêm kiếm chưa được 10 ngàn đồng thì lấy đâu ra để sống và sửa chữa phương tiện. Cứ cái đà này thì tiền đâu để gởi về quê nuôi sắp nhỏ". Gần nơi hành nghề của anh Trứ, còn có vợ chồng anh Nguyễn Mạnh Dũng với đứa con 2 tuổi. Mới 30 tuổi mà anh Dũng đã có 4 mặt con. 3 đứa con anh gởi cho ngoại ở Long An, vợ chồng anh ẵm đứa con út khăn gói, dong thuyền lên Phước An kiếm sống. Anh Dũng nói: "Tui đầu tư vào ghe, lưới trên 60 triệu đồng. Nếu gặp lúc làm ăn thuận lợi thì lấy lại vốn cũng không khó. Đằng này, nước sông bị ô nhiễm đành phải bó tay, phá sản là cái chắc. Cứ một đợt mà các khu công nghiệp xả nước thải ra sông thì phải đợi 3-4 con nước sau mới có vài con cá, con tôm bén mảng đến đây. Hôm tết vừa rồi, mấy ổng xả nước thải ra sông dữ quá, tôm cá chết nổi lềnh mặt sông. Đến nỗi con cá Ngát, là loại chịu đựng được môi trường khắc nghiệt, mà cũng không sống nổi". Cùng chung với nỗi bức xúc của anh Dũng, chị Nguyễn Thị Thảo, cư ngụ ở huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) người chuyên thu mua hải sản của ngư dân đánh bắt trên vùng rừng đước Phước An cho biết: "Trước đây, khi chưa có nạn ô nhiễm nguồn nước, bình quân mỗi ngày tôi thu mua của bà con từ 200- 300kg tôm, cua, cá. Vậy mà nay đã 10 ngày qua rồi, lên đây ăn chực nằm chờ, cũng chưa mua được bao nhiêu?"

Những mẻ lưới không có cá thường thấy khi sông Thị Vải bị ô nhiễm.

Một khi cuộc sống của những ngư dân ngày càng lâm vào thế khó khăn thì việc nuôi trồng, khai thác thủy hải sản của các chủ đùn, đập nuôi tôm cá cũng không khá gì hơn. Anh Nguyễn Thanh Phong, cư ngụ ở TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cùng bạn bè gom góp vốn liếng lên Phước An đầu tư đắp đập  nuôi tôm cho biết: "Tôi đầu tư cả tỉ đồng để đắp 2 con đập nuôi tôm ở khu vực Cắm Sào. Thu hoạch được vài vụ thì nước sông bị ô nhiễm. Một ao mất trắng không thể khắc phục, ao còn lại thì khai thác cầm chừng để nuôi sống số người làm công. Cứ sống thoi thóp để hy vọng ngày nào đó môi trường sẽ được khắc phục".

Cũng theo anh Trần Trung Dũng, Trưởng công an xã Phước An, nạn ô nhiễm nước sông Thị Vải đã làm ảnh hưởng hầu hết các luồng, rạch, ngòi ở Phước An. Do vậy đã có khá nhiều ngư dân phải bỏ nghề lên bờ kiếm sống. Số còn lại do không có nghề, không có vốn liếng nên cứ cố bám vào mặt sông, con số này không phải là ít. Theo thống kê của công an xã, hiện nay còn trên 320 hộ đăng ký hành nghề đánh bắt thủy sản trên vùng rừng ngập mặn Phước An. Trong đó có hơn 100 hộ là dân địa phương. Số còn lại là dân ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau. Những hộ này đã lỡ đầu tư vốn liếng nhiều hoặc không có nghề gì khác ngoài việc đánh bắt, khai thác thủy sản nên họ cứ cố bám víu lấy nghề. Tuy nhiên, một khi dòng sông đang chết thì cuộc mưu sinh của những người sống trên sông cũng thật mong manh...

 Đức Việt

 

 

 

Tin xem nhiều