Báo Đồng Nai điện tử
En

Vào vùng "Năm Rưỡi" xem bắt bọ cạp!

10:05, 23/05/2005

Có mặt ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đã có thâm niên đến 17 năm làm trưởng ấp, đặc biệt là góp phần đưa ấp 5 xã Phú Lộc của huyện miền núi Tân Phú trở thành ấp văn hóa suốt 3 năm liền, nhưng ông Năm Hưng (Nguyễn Tấn Hưng) vẫn đứng trước chuyện khó xử.

Học sinh Phạm Văn C. tranh thủ ngoài giờ học đi bắt bọ cạp.

Có mặt ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đã có thâm niên đến 17 năm làm trưởng ấp, đặc biệt là góp phần đưa ấp 5 xã Phú Lộc của huyện miền núi Tân Phú trở thành ấp văn hóa suốt 3 năm liền, nhưng ông Năm Hưng (Nguyễn Tấn Hưng) vẫn đứng trước chuyện khó xử. Mấy tháng nắng vừa rồi, có đến mười mấy chủ vườn trong ấp trực tiếp đến "mắng vốn" về việc ông không có biện pháp ngăn chặn đám đào bắt "bù kẹp" xới tung đất vườn nhà họ, trong khi họ là những hộ gương mẫu luôn đi đầu trong việc đóng quỹ an ninh quốc phòng mỗi năm 12.000 đồng... Trưởng ấp Năm Hưng chỉ biết lắc đầu. Ông cho rằng dân "đào bù kẹp" gần đây phát triển lên đến cả trăm người, trong đó có cả học sinh, con em của các chủ vườn trong ấp, mà họ lại hoạt động rất "bí mật, gọn, nhẹ" thì làm sao mà ngăn chặn được...

 

Món ẩm thực thời thượng!

Thị trấn Tân Phú, nơi từng một thời được mệnh danh là "thủ đô" của thuốc rê, đậu nành - hai loại nông sản hàng hóa lớn nhất miền Nam, còn bây giờ cũng đang là "trọng điểm" của nhiều loại trái cây nhiệt đới như: nhãn, xoài, mãng cầu ta (na)... Thị trấn miền núi này gần như quanh năm nhộn nhịp thương lái xa gần trong cả nước đến "ăn hàng", trú ngụ... Do vậy, chuyện ăn nhậu ở Tân Phú cũng luôn mang nét mới. Mấy năm trước, giới ăn nhậu thích rùa, rắn thì gần đây lại  chuyển sang các món hải sản. Nhờ giao thương thuận lợi, nhiều loại hải sản tươi sống  và có giá ở miền biển như: ốc hương, cua huỳnh đế, tôm hùm... đều có mặt ở phố núi này. Cái gu mới của dân nhậu ở Tân Phú hiện nay là kêu một con cua đinh (ba ba) sống rồi bảo quán làm 2 đến 3 món, trong đó có món uống đầu tiên là cắt tiết pha rượu.

Khi mời tôi "đi chợ" (chọn món ăn) và nghe tôi đề nghị về món cua đinh rất khoái khẩu thì Bảy Vân - một chủ vườn cà phê, tiêu ở xã Phú Lộc nói ngay:

- Cua đinh "quê" lắm rồi! Dân nhậu bây giờ phải ăn... bù kẹp!

- Bù kẹp là con gì?

- À! Bọ cạp đó! Trên truyền hình người ta chiếu cảnh dân Thái Lan , Singapore , Trung Quốc rất khoái bọ cạp chiên dòn mà ông hổng có coi sao? Tụi này dân gốc miền Tây nên quen miệng cứ kêu là... bù kẹp! Ăn món này là... "ông khoái mà bà khen" nghe!

Nhìn mấy con bọ cạp đá (có nơi còn gọi là bọ cạp núi) xám xanh vươn đuôi nhọn hoắc và quơ quơ cặp càng, tôi hơi nhợn nhợn. Vậy mà khi đĩa bọ cạp chiên thơm phức bưng ra tôi nhón thử một con thấy dòn dòn, béo béo. Hỏi đĩa bọ cạp chiên chỉ có 10 con này giá bao nhiêu, Bảy Vân nói tỉnh queo:

- Hàng tại chỗ mà anh! Giá rẻ rề hà! Năm chục ngàn thôi!

Tôi nhẩm tính là mỗi con bọ cạp qua chế biến ở quán có giá 5.000đ!

Anh Tư Anh (Trần Ngọc Anh), Chủ tịch Hội nông dân huyện Tân Phú cũng là thổ địa của vùng rừng núi Túc Trưng - Tân Phú tiết lộ một chuyện khá bất ngờ:

- Hai năm nay, dân Chợ Lớn đổ xô về đây tranh mua bù kẹp, rồi dân nhậu mình mới làm quen, thưởng thức thử đều khen béo, khen ngon, chớ mấy chục năm nay tui toàn "chơi" rượu ngâm bù kẹp. Nhờ vậy mà tới tuổi này tui không hề bị đau lưng hay nhức mỏi gì cả. Một ngày chơi vài séc tennis vẫn tỉnh bơ! Mà lạ nghen! Rượu rắn, rượu rít ngâm có mùi khó chịu, chớ rượu bù kẹp ngâm cỡ 3 tháng mở ra thơm phức!

Vùng rốn... của loài bọ cạp đá

Sau khi tìm hiểu biết được "nguồn hàng tại chỗ" (bọ cạp) tập trung nhiều nhất là ở cái rốn... "Năm Rưỡi", tôi quyết định mò vào. Cái địa danh là lạ này nằm trên địa bàn xã Phú Lộc. Phú Lộc ngày nay tràn ngập một màu xanh của vườn cây trái, có đường nhựa tiếp giáp với quốc lộ 20 từ trung tâm thị trấn Tân Phú vào đến tận bờ sông Đồng Nai để qua bên kia rừng cấm Nam Cát Tiên, chừng hơn một chục cây số. Ở đoạn Km 5,5 có đường quẹo vào bến đò Năm Bửu có  cái chợ xã được đặt tên là chợ Phú Lộc (cư dân trong vùng quen gọi là chợ "Năm Rưỡi"). Và đoạn đường nhựa tiếp theo cũng gọi là... "đường Năm Rưỡi". Do địa bàn ấp 5 nằm tiếp giáp bờ sông Đồng Nai nên cũng mang luôn địa danh Năm Rưỡi. Chuyện buồn cười là dân sống lâu năm ở đây cũng tự nhận với mọi người: "Tui là dân Năm Rưỡi!". Năm Rưỡi có đặc điểm là vùng đất có đá phún thạch lộ đầu đã phong hóa, rạn nứt thành từng tảng nhỏ, tạo ra lớp đất mùn tơi xốp màu nâu đỏ rất thích hợp cho nhiều loại cây trồng. Bây giờ Năm Rưỡi là vùng nhãn, tiêu, cà phê, mãng cầu... sung túc với chừng 200 hộ, phần lớn là những chủ vườn làm ăn cần cù, năng động, có quan hệ rộng với những thị trường trái cây lớn trong nước.

Phạm Văn C. (15 tuổi, học sinh lớp 9 của Trường THCS Nguyễn Chí Thanh của xã Phú Lộc) là con trai của một bà chủ vườn nhãn khá lớn ở Năm Rưỡi. Tuy nhỏ con nhưng khá là lanh lẹ, C. sớm nổi lên như một nhân vật có tiếng trong việc đào, bắt bọ cạp. C. có biệt tài là "đột" vườn rất nhanh và chỉ cần đảo mắt quan sát dưới các gốc cây là có thể xác định ngay hang nào là hang bọ cạp. C. ra hiệu cho người bạn cùng đi lật tảng đá sang một bên để em dùng cái sạc-lai nhỏ (loại cuốc làm cỏ rẫy ở vùng cao) cuốc vài nhát mở rộng hang là lôi ra hai "vợ chồng" bọ cạp. Không như dân bắt bọ cạp từ Phương Lâm, hoặc 123, 124 ở ngoài thị trấn vào Năm Rưỡi phải dùng kẹp sắt bắt bọ cạp, C. đưa tay túm ngay cái đuôi (có mũi kim chất độc) của con bọ cạp một cách lẹ làng rồi bỏ vào thùng. Cậu bé này tranh thủ đi đào bọ cạp ngoài giờ học để kiếm thêm tiền này nói với tôi bằng một giọng rành rẽ:

- Coi con bù kẹp núi này lông lá xám xanh với cặp càng ngo ngoe thấy ghê vậy chớ nó hiền lắm. Nó chích cũng tê tê thồi hà, chớ hổng phải như con bù kẹp nhà nhỏ xíu màu xám lợt chích một cái đau thấu trời. Có khi bị nóng lạnh luôn!

C. còn tranh thủ chỉ cho tôi cách phân biệt các loại hang nằm dưới tảng đá: hang bù kẹp  thì dẹp, hang dế  thì tròn nhỏ, còn  hang rắn thì lớn và láng...

Nguyễn Thành D. 18 tuổi, con trai của một chủ vườn cà phê ở Năm Rưỡi cũng là một "cao thủ" trong việc... "đào bù kẹp". D. cầm đầu một nhóm gồm hai đứa bạn cùng trang lứa có ngày đào bắt được cả hai ký bù kẹp. Giá bán mỗi ký bọ cạp cho các điểm thu mua ở Tà Lài hoặc chợ Năm Rưỡi là 80.000 đồng. Tính ra mỗi người thu nhập được hơn 50.000 đồng/ ngày.

Điều này đã lý giải được vì sao có hàng trăm người đổ xô vào "Năm Rưỡi" để đào, bắt bọ cạp. Trưởng ấp Năm Hưng cho biết do tình trạng trái cây rớt giá nên tiền thuê mướn nhân công ở Phú Lộc rất thấp: công làm các công việc đòi hỏi có chút đỉnh kỹ thuật như hái cà phê, tỉa cành, tưới nước hoặc chất đá quanh gốc tiêu là 25.000đ/ngày; còn làm cỏ thì từ 17.000 đến 20.000 đồng/ ngày. Do đó, đi đào bắt... bù kẹp có ăn hơn mà công việc lại nhẹ nhàng, thú vị. Thường một nhóm đi đào bắt bọ cạp có chừng 2 đến 3 người và "đồ nghề" mang theo chỉ là 1 cái sạc-lai nhỏ, 1 cái kẹp sắt và 1 cái thùng nhựa để đựng bọ cạp (trong đó bỏ thêm một nắm đất rời để chúng không cắn, đánh nhau). Công việc nặng nhất là lật đá, có khi phải ba người mới lật nổi một tảng đá.

Giá mua tăng, bọ cạp giảm dần

Nguyễn Thành D. cho biết: "Ở Năm Rưỡi này hồi trước rắn, rít, bù kẹp... nhiều lắm. Dân ở Phương Lâm về đây mua, bắt một dạo, nay kiếm đỏ con mắt không ra một con rắn. Chỉ có bù kẹp là nhiều. Mấy năm trước vào đầu mùa mưa nước ngập hang, bù kẹp kéo nhau ra nằm lềnh khênh trên đường bị xe cán chết sắp lớp. Mới năm rồi, tự nhiên có mấy người ở Phương Lâm xuống hỏi mua bù kẹp với giá 40.000 đồng/kg. Trong khi cà phê lúc ấy 5.000đ/kg mà bán không được. Thế là từ người làm công đến chủ vườn ồ ạt lật đá ra đào bắt bù ẹp để bán. Dân thất nghiệp ở Phương Lâm, ở cây số 123, 124 cũng ùn ùn kéo vào săn tìm bù kẹp. Vườn nào cũng bị đào xới tưng bánh luôn làm mấy ông chủ vườn lớn vừa không có người làm vừa bị lật đá ra khỏi gốc cây trồng thưa gởi rùm trời!". Tay đào bù kẹp thiện nghệ Nguyễn Thành D. còn cho biết thêm: "Đào bù kẹp bán được nhiều tiền, mà khoái nhứt là lật trúng một ổ bù kẹp có đến mười mấy con. Thường thường một hang có 2 hoặc 3 con lớn!".

Tôi hỏi kỹ mới biết một kg bọ cạp loại lớn có khoảng 60 con (hiện ở Phương Lâm mua với giá đến 90.000đ), còn loại nhỏ phải từ 90 đến 100 con mới được một kg.

D. than: "Năm rồi người ta đào bù kẹp quá trời, nên năm nay bù kẹp ở Năm Rưỡi này giảm nhiều lắm, dù giá bù kẹp tăng lên gấp đôi. Tụi tui là loại chiến, năm rồi chỉ cần tìm đào từ một đến 2 tiếng đồng hồ là kiếm cả ký bù kẹp. Nay đào cả ngày rã ruột mới được 1kg".

Dân sành điệu rất khoái món bọ cạp đầu mùa mưa. Vì thời điểm này bọ cạp  cái có chửa, chỉ cần rửa bằng nước muối rồi đem chiên giòn ăn rất ngon và béo ngậy.

Đến nước này, liệu người ta có nên đặt câu hỏi: Mai này Năm Rưỡi có còn... bù kẹp?

 Bùi Thuận

 

Tin xem nhiều