Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh rủi ro khi tranh chấp hợp đồng tín dụng

07:09, 22/09/2022

Theo TAND tỉnh, thời gian qua, tranh chấp hợp đồng tín dụng (HĐTD) diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, từ công tác xét xử đến việc thi hành án đối với loại hình tranh chấp này đều gặp khó khăn, bởi đương sự không hợp tác, không có tài sản đảm bảo hoặc hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu đã khiến cho các tổ chức tín dụng gặp rủi ro khi tranh chấp.

Theo TAND tỉnh, thời gian qua, tranh chấp hợp đồng tín dụng (HĐTD) diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, từ công tác xét xử đến việc thi hành án đối với loại hình tranh chấp này đều gặp khó khăn, bởi đương sự không hợp tác, không có tài sản đảm bảo hoặc hợp đồng thế chấp tài sản vô hiệu đã khiến cho các tổ chức tín dụng gặp rủi ro khi tranh chấp.

Một phiên tòa tranh chấp kinh doanh, thương mại diễn ra tại TAND tỉnh. Ảnh: T.Tâm
Một phiên tòa tranh chấp kinh doanh, thương mại diễn ra tại TAND tỉnh. Ảnh: T.Tâm

Việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ HĐTD tại tòa án đóng vai trò quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn.

* Trầy trật thu nợ

Theo ngành tòa án, thời gian gần đây, số lượng án kinh doanh, thương mại tranh chấp liên quan đến HĐTD được đưa ra giải quyết tại tòa án tăng và có chiều hướng phức tạp, gây khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp và thi hành án.

Trong đó, có nhiều khách hàng chây ì không chịu trả nợ khiến cho ngân hàng phải “đau đầu”. Điển hình như vụ án tranh chấp HĐTD  giữa Ngân hàng Q. (chi nhánh Biên Hòa) và ông M.T. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa). Mặc dù đã có quyết định của tòa án vào cuối tháng 6-2022 buộc ông M.T. phải trả lại số tiền hơn 160 triệu đồng cho Ngân hàng Q. nhưng phía ngân hàng vẫn chưa có cách nào liên lạc hay đòi lại tiền đã cho vay.

Cụ thể, vào tháng 1-2018, Ngân hàng Q. ký hợp đồng tín dụng cho ông M.T. vay 500 triệu đồng để mua xe ô tô, thời hạn vay 60 tháng, lãi suất từ 8-12%/năm. Sau khi được vay tiền, ông M.T. thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi phát sinh. Sau khi trả nợ được hơn 450 triệu đồng, ông M.T. ngưng thực hiện nghĩa vụ thanh toán khiến cho ngân hàng phải làm đơn khởi kiện. Tình trạng bị khách hàng “chạy nợ”, chây ì không thanh toán tiền diễn ra khá phổ biến đã khiến cho Ngân hàng Q. liên tục phải khởi kiện “thượng đế” của mình ra tòa.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tòa án 2 cấp đã thụ lý gần 420 vụ, việc kinh doanh thương mại (cấp sơ thẩm thụ lý hơn 400 vụ, việc); trong đó, có gần 120 vụ, việc  tranh chấp liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng (chiếm gần 30% các vụ án kinh doanh thương mại tòa 2 cấp đã thụ lý).

Ngoài ra, hiện nhiều ngân hàng còn gặp khó khi cho khách hàng mở thẻ tín dụng và sử dụng tiền có trong thẻ. Tuy nhiên, sau khi khách hàng sử dụng hết tiền trong thẻ tín dụng thì “mất tích”, khiến cho ngân hàng phải nhờ đến tòa án phân xử.

Đơn cử như trường hợp của Ngân hàng S.G. (chi nhánh tại H.Nhơn Trạch) đã kiện anh S.T. (ngụ H.Nhơn Trạch) yêu cầu trả lại số tiền 30 triệu đồng cùng lãi suất ngân hàng tính từ năm 2016 là gần 30 triệu đồng. Mặc dù tòa án triệu tập nhiều lần nhưng anh S.T. không có mặt và sau khi có bản án, ngân hàng cũng chưa tìm được anh S.T. để đòi nợ.

Ngoài ra, có rất nhiều HĐTD bị vô hiệu do trong quá trình làm hồ sơ thế chấp của ngân hàng không đảm bảo đúng quy định pháp luật. Điều này đã khiến cho ngân hàng lâm vào cảnh không biết khi nào mới đòi hết nợ. Đơn cử như vào cuối tháng 7-2022, TAND tỉnh đưa vụ án tranh chấp HĐTD giữa Ngân hàng X. (chi nhánh TP.Biên Hòa) và bà T.H. (ngụ H.Thống Nhất) ra xét xử và tuyên buộc ngân hàng phải trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho vợ chồng ông Tr. (ngụ H.Long Thành, là bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

Theo nội dung vụ án, vào năm 2007, Ngân hàng X. cho bà T.H. vay số tiền hơn 3 tỷ đồng. Để đảm bảo khoản vay, ông Tr. đã cho bà H. mượn giấy chứng nhận QSDĐ thế chấp ngân hàng. Trong quá trình vay mượn, bà H. không trả đủ nợ nên Ngân hàng X. làm đơn khởi kiện yêu cầu bà H. trả nợ và giao cho ngân hàng xử lý tài sản thế chấp của bên thứ 3.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử nhận định hợp đồng thế chấp không có đủ chữ ký của vợ ông Tr. là không đúng với quy định của pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử tuyên hợp đồng thế chấp QSDĐ vô hiệu, buộc bà H. phải trả số tiền còn nợ cho ngân hàng là hơn 3,7 tỷ đồng và ngân hàng phải trả lại giấy chứng nhận QSDĐ cho vợ chồng ông Tr. Điều đáng nói, không có tài sản thế chấp thì ngân hàng cũng khó đòi được nợ.

* Cẩn trọng trước khi cho vay tiền

Theo một thẩm phán TAND tỉnh, hiện nay các giao dịch trong xã hội ngày càng đa dạng, nhu cầu vay vốn để kinh doanh, sản xuất, tiêu xài cá nhân ngày càng cao. Do đó, HĐTD ngân hàng thời gian qua đang có xu hướng tăng, phức tạp và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro.

Tranh chấp HĐTD là những mâu thuẫn phát sinh từ việc thực hiện quyền và nghĩa vụ giữa bên cho vay (tổ chức tín dụng) và bên vay (khách hàng). Chủ yếu xoay quanh các tranh chấp về: lãi suất, nợ gốc, lãi, giải ngân hoặc xử lý tài sản đảm bảo… Thông thường, việc tranh chấp HĐTD thường được giải quyết thông qua các bước như: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Trong đó, phương thức giải quyết cuối cùng của tranh chấp HĐTD là khởi kiện tại tòa án.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp HĐTD, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do cán bộ tín dụng chưa tuân thủ quy định pháp luật như: việc ký thế chấp thiếu đồng sở hữu, tài sản thế chấp được định giá cao hơn nhiều so với giá thị trường, biên bản thẩm định sai thực tế do chỉ xem xét tài sản dựa trên giấy tờ mà không căn cứ thực tế, không thực hiện đầy đủ thủ tục xem xét, thẩm định giá tài sản thế chấp theo quy định” - vị thẩm phán TAND tỉnh cho hay.

Do đó, theo ngành tòa án, tổ chức tín dụng cần kiểm tra chặt chẽ hồ sơ pháp lý tài sản thế chấp. Trong đó, cần chú trọng các vấn đề như: xác minh tài sản chung hay riêng, thời hạn sử dụng đất, thẩm định giá đúng giá trị thực tế, thường xuyên kiểm tra hiện trạng tài sản thế chấp nhằm ngăn chặn kịp thời tình huống khách hàng thay đổi hiện trạng tài sản; có như vậy mới đảm bảo tài sản cho khoản tiền vay trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.               

Tố Tâm

Tin xem nhiều