Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới tuyên truyền văn hóa an toàn giao thông

06:05, 16/05/2022

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tuyên truyền văn hóa an toàn giao thông (ATGT) gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, việc đổi mới cách tuyên truyền sẽ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, xây dựng môi trường văn hóa giao thông văn minh, hiện đại.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tuyên truyền văn hóa an toàn giao thông (ATGT) gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, việc đổi mới cách tuyên truyền sẽ góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, xây dựng môi trường văn hóa giao thông văn minh, hiện đại.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông trong học sinh tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc). Ảnh: Thanh Hải
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông trong học sinh tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc). Ảnh: Thanh Hải

* Công tác tuyên truyền bị ảnh hưởng

Theo Công an tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay đã chỉ đạo lực lượng công an thực hiện đấu tranh phòng, chống tội phạm, nạn đua xe trái phép; tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông tự giác chấp hành quy tắc giao thông, văn hóa giao thông và thực hiện nghiêm túc khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” và chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự thực hiện các cao điểm về đảm bảo trật tự ATGT, trực tiếp thực hiện 15 buổi tuyên truyền, hướng dẫn luật giao thông tại các công ty, trường học, khu dân cư cho hơn 1,5 ngàn lượt người tham dự, tổ chức cho 438 lượt tổ chức, cá nhân, gia đình ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo ATGT. Đồng thời, tổ chức gọi điện, răn đe 47 đối tượng nghi vấn tổ chức điều khiển phương tiện với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Tỉnh đoàn cho biết, đơn vị duy trì hiệu quả hoạt động của 13 đội thanh niên tình nguyện sơ cứu, ứng cứu nhanh tai nạn giao thông và CLB Hỗ trợ và đảm bảo ATGT tỉnh Đồng Nai trên các tuyến quốc lộ 1, 51 và 20. Qua đó, đã hỗ trợ cho 511 trường hợp vá xe, thay ruột, giúp những người hỏng xe, trực trặc về máy; hỗ trợ bảo vệ hiện trường 149 vụ tai nạn, va chạm giao thông và hỗ trợ cấp cứu người tham gia giao thông trên quốc lộ 51, địa bàn TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và H.Xuân Lộc.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch, chương trình, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự ATGT tại các đơn vị, trường học; thực hiện hiệu quả chương trình Năm ATGT 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Kết quả đã triển khai, phát động cuộc thi ATGT cho nụ cười ngày mai với gần 74 ngàn cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia; tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền đội mũ bảo hiểm dành cho học sinh tiểu học…

Ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh đánh giá, mặc dù từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT được thực hiện trong trạng thái bình thường mới, công tác tuyên truyền trực tiếp được triển khai nhưng việc tập trung tại các nơi đông người, tổ chức các buổi hội họp, hội thi… vẫn hạn chế tối đa người tham dự. Do đó, một số chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT theo chủ đề năm ATGT 2022 vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

* Cần nhiều thay đổi trong tuyên truyền

Hằng năm, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với sở, ngành, địa phương tổ chức hàng loạt hoạt động, kế hoạch nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân như: toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe máy; triển khai các cuộc thi giao thông học đường, ATGT cho nụ cười ngày mai…

Những chương trình này đã góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho từng đối tượng cụ thể. Tuy nhiên, trong 2 năm 2020 và 2021 do tác động dịch bệnh Covid-19 nên công tác này cũng bị ảnh hưởng. Thời gian tới, vấn đề tuyên truyền về văn hóa giao thông cần phải thay đổi về cách thức thực hiện và đối tượng được tuyên truyền để phù hợp với tình hình thực tế.

Đại diện Tỉnh đoàn cho hay, thông qua mạng xã hội, đơn vị đã đăng tải hơn 58 tin bài, video tuyên truyền có nội dụng về ATGT trên các trang Facebook, Zalo, trang web của đơn vị, thu hút hơn 23 ngàn lượt tiếp cận của đoàn viên, thanh niên, học sinh và sinh viên.

Trung tá Trần Văn Bắc, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết, công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông thời gian tới cần đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả phòng ngừa tai nạn, chấp hành tốt ý thức khi tham gia giao thông. Tuyên truyền tập trung ưu tiên các đối tượng: nhóm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; đội ngũ lái xe vận tải hành khách, hàng hóa, người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

Đồng thời, tuyên truyền về tác hại của rượu, bia; vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia; tuyên truyền vai trò của gia đình, người thân trong việc thay đổi thói quen và hành vi giao thông an toàn và chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Thông qua công tác tuần tra, xử lý vi phạm giao thông, lực lượng chức năng kết hợp phổ biến tuyên truyền về mức xử phạt, hình thức xử phạt khi vi phạm giao thông, những hậu quả sức khỏe, gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế, gánh nặng cho xã hội, di chứng do tai nạn giao thông gây ra.

Báo Đồng Nai và Ban ATGT tỉnh vừa tiến hành ký kết quy chế Phối hợp tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT. Ngoài các chuyên trang, chuyên mục hiện nay, thời gian tới báo sẽ đổi mới cách tuyên truyền bằng việc thực hiện các video về ATGT để đăng tải trên Báo Đồng Nai điện tử. Qua đó, góp phần nâng cao ý thực tham gia, chấp hành pháp luật về ATGT trong người dân, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông.

Thanh Hải

Tin xem nhiều