Báo Đồng Nai điện tử
En

Hậu quả khôn lường khi lạm dụng rượu, bia

10:11, 12/11/2021

Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, khoảng 40% vụ án tại Đồng Nai xảy ra có liên quan đến việc các đối tượng sử dụng rượu, bia gây ra. Một số người phạm tội thừa nhận, chỉ vì sử dụng rượu, bia quá chén mà họ không làm chủ được hành vi nên đã gây nên những hậu quả nặng nề cho bị hại, gia đình bị hại và khiến bản thân phải trả giá đắt.

Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, khoảng 40% vụ án tại Đồng Nai xảy ra có liên quan đến việc các đối tượng sử dụng rượu, bia gây ra. Một số người phạm tội thừa nhận, chỉ vì sử dụng rượu, bia quá chén mà họ không làm chủ được hành vi nên đã gây nên những hậu quả nặng nề cho bị hại, gia đình bị hại và khiến bản thân phải trả giá đắt.

Bị cáo Hoàng Trọng Nhân lãnh mức án 20 năm tù giam về tội giết người. Ảnh: T.Tâm
Bị cáo Hoàng Trọng Nhân lãnh mức án 20 năm tù giam về tội giết người. Ảnh: T.Tâm

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, sử dụng rượu, bia phạm tội không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trái lại, đây còn là tình tiết định khung tăng nặng đối với một số tội danh.

* Nỗi đau sau cuộc nhậu

Thời gian qua, tình trạng gây án mạng sau khi lạm dụng rượu, bia đang trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, hàng xóm đang tốt đẹp bỗng trở nên thù hằn, ly tán chỉ vì sử dụng rượu, bia quá chén. Thậm chí, có những người khi say rượu, bia đã thẳng tay chém người vợ đầu ấp tay gối một cách dã man.

Ngồi thẫn thờ tại phiên tòa xét xử ngày 28-6, bị cáo Nguyễn Kim Sơn (48 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) liên tục quay qua xin lỗi bà B., vợ ông, nhưng bà không thể tha thứ cho sự tàn nhẫn của bị cáo.

“Để ngăn ngừa hậu quả của việc sử dụng rượu, bia, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền có hiệu quả để mỗi người dân hiểu được sự nghiêm khắc của pháp luật, hậu quả để lại và cái giá phải trả sẽ rất đắt nếu lạm dụng rượu, bia nói chung và khi phạm tội nói riêng” - Phó trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện KSND tỉnh THÁI NGỌC TỪ cho hay.

Bà B. kể lại, vợ chồng bà bình thường có mâu thuẫn và cãi nhau nhưng chưa đến mức ly hôn. Thế nhưng, sau khi ông Sơn đi nhậu về, lấy cớ ghen tuông vô cớ đã xuống bếp lấy dao liên tục chém bà 25 nhát, làm cho bà bị thương tật tỷ lệ lên đến 90%.

Tương tự, vào ngày 2-7, khi bị đưa ra xét xử tại tòa, bị cáo Lý Thanh Sang (26 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) khóc lóc hối hận vì tội lỗi đã gây ra. Sang kể, gia đình có 4 cha con sống nương tựa vào nhau. Là con cả nên bị cáo luôn cố gắng làm việc để phụ giúp cha nuôi các em ăn học. Ngờ đâu sau cuộc nhậu tại một đám giỗ vào ngày 13-12-2020, bản thân bị cáo không làm chủ được hành vi nên đã dùng dao đâm chết em ruột chỉ vì tranh cãi đòi 300 ngàn đồng. Ngoài bản án 18 năm tù giam, bị cáo Sang còn phải chịu sự giày vò của bản án lương tâm đến suốt cuộc đời.

Ngoài ra, có trường hợp sau khi uống rượu, bia không làm chủ bản thân dùng dao đuổi đánh người thân trong gia đình và giết nhầm người ngay, khiến bản thân trả giá đắt. Cụ thể, vào ngày 8-11-2020, sau khi say rượu, Hoàng Trọng Nhân (25 tuổi, ngụ xã Phước Thái, H.Long Thành) đã lấy dao và kéo hăm dọa cha ruột, đuổi đánh anh trai và em trai. Sau đó, Nhân tiếp tục đâm ông Phan Tấn Tiếp (53 tuổi, ngụ xã Phước An, H.Nhơn Trạch) nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Với tội ác gây ra, ngày 10-11-2021, Nhân phải lãnh 20 năm tù về tội giết người.

* Nâng cao ý thức phòng ngừa trong dân

Phó trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội Viện KSND tỉnh Thái Ngọc Từ cho biết, hiện nay có nhiều vụ án như: giết người, cố ý gây thương tích và nhất là tai nạn giao thông… do các đối tượng lạm dụng rượu, bia gây nên. Đặc biệt là thanh thiếu niên thường tham gia tụ tập ăn nhậu, gây hấn và giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, từ đó tạo ra nhiều mất mát đau thương, để lại những hậu quả hết sức nặng nề.

Ông Thái Ngọc Từ phân tích, lạm dụng rượu, bia ngoài việc ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe còn tác động đến tâm thần như: tâm trạng biến đổi liên tục, dễ bị kích động, trầm cảm lo âu, thậm chí gây ảo giác… Đó cũng là lý do một số đối tượng sau khi gây án đã biện minh việc bản thân khi gây án do không tỉnh táo hòng được giảm nhẹ tội. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia, chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hơn nữa, uống rượu, bia khi gây án không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn là tình tiết định khung hoặc tăng nặng trong một số tội được quy định như: vi phạm quy định về tham gia giao thông, điều khiển phương tiện giao thông.

Luật sư Phan Thiên Vượng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phân tích, hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông là việc có thể ngăn chặn được bằng ý chí chủ quan của bản thân. Việc để vụ án xảy ra hậu quả là họ tự lựa chọn và tự tước đi cơ hội nhằm ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra do mất kiểm soát bởi lạm dụng rượu, bia. Do đó, pháp luật buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện tội phạm trong tình trạng say rượu, bia và là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt sẽ có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia gây án.

Mỗi cá nhân phải tự điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức tự giác. Mọi người cần nhận thức đúng về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và tìm nguồn động lực của riêng mình để tránh xa, từ bỏ rượu, bia. Ngoài ra, sự giáo dục, khuyên răn từ gia đình cũng là vấn đề rất cần thiết.

Tố Tâm

Tin xem nhiều