Báo Đồng Nai điện tử
En

Xét xử trực tuyến: Giải quyết án tồn nhưng còn nhiều băn khoăn

08:09, 14/09/2021

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác xét xử và không bị án tồn, án quá hạn, TAND tối cao đang hoàn thiện Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để giải quyết các vụ án.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác xét xử và không bị án tồn, án quá hạn, TAND tối cao đang hoàn thiện Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để giải quyết các vụ án.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử sẽ được ngành Tòa án đẩy mạnh trong thời gian tới Trong ảnh: Một vụ án có sự tham dự của trẻ em được TAND tỉnh sử dụng công nghệ thông tin trình chiếu lời khai của bị hại qua màn hình. Ảnh: Tố Tâm
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử sẽ được ngành Tòa án đẩy mạnh trong thời gian tới Trong ảnh: Một vụ án có sự tham dự của trẻ em được TAND tỉnh sử dụng công nghệ thông tin trình chiếu lời khai của bị hại qua màn hình. Ảnh: Tố Tâm

Việc xét xử trực tuyến vừa là yêu cầu cấp thiết hiện nay, vừa là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, để triển khai được hoạt động xét xử trực tuyến vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

* Xét xử trực tuyến các loại án đơn giản

Trong Dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến nêu rõ, xét xử trực tuyến là việc tổ chức xét xử trực tiếp có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng. Theo đó, phiên tòa trực tuyến sẽ được mở tại tòa án với thành phần tham gia là hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư. Riêng bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác không bắt buộc phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng vẫn đảm bảo nhìn thấy mọi hình ảnh, diễn biến phiên tòa xét xử và có thể trao đổi với nhau.

Dự thảo quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến cũng quy định cụ thể các vụ án được đưa ra xét xử. Trong đó, đối với các vụ án hình sự, các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội ít nghiêm trọng (phạt tù đến 3 năm), nghiêm trọng (phạt tù đến 7 năm) hoặc rất nghiêm trọng (phạt tù đến 15 năm) nhưng chứng cứ đã rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam hoặc chấp hành án tại cơ sở giam giữ.

Đối với những vụ án xét xử phúc thẩm thì sẽ xét xử trực tuyến các vụ án bị tòa cấp sơ thẩm kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường. Các vụ án hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thì xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ một số vụ án không được xét xử trực tuyến bao gồm: các vụ việc có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài; vụ việc phải có sự tham gia của người phiên dịch; vụ việc thuộc trường hợp xử kín; vụ án về tội xâm phạm an ninh quốc gia; xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; xâm hại về chức vụ, hoạt động tư pháp.

Ngoài ra, dự thảo nói trên cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên xét xử trực tuyến cũng như yêu cầu khi tham gia xét xử. Đặc biệt, để đảm bảo đủ điều kiện xét xử trực tuyến thì cần có đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật; bị cáo, đương sự phải có văn bản đồng ý xét xử trực tuyến, văn bản đề nghị của nơi giam giữ; văn bản đồng ý xét xử trực tuyến của kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong vụ án. Trong trường hợp đang xét xử bị rớt mạng, mất điện hoặc do sự cố khách quan không thể tiếp tục phiên tòa thì tòa án sẽ có quyết định tạm ngừng phiên tòa, phiên họp.

* Cần chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo một thẩm phán TAND tỉnh, hiện nay số lượng các loại án tòa thụ lý lên đến hàng chục ngàn vụ, việc mỗi năm. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, TAND hai cấp đã thụ lý gần 16 ngàn vụ, việc nên áp lực đảm bảo thời hạn xét xử, đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, bị hại và các đương sự ngày càng lớn. Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, kéo dài nên việc xét xử hầu như ngưng trệ, không thể thực hiện được, có những vụ án đã phải hoãn lịch xét xử 4-5 lần và với tình hình dịch bệnh hiện nay khả năng sẽ tiếp tục phải hoãn xét xử nhiều vụ án.

Cũng theo ngành Tòa án, nếu có thể xét xử trực tuyến sẽ vừa giải quyết được án tồn, vừa tiết kiệm được nhiều chi phí; vụ án sẽ được đông đảo người dân quan tâm, theo dõi mà không bị giới hạn số lượng người xem bởi không gian của phòng xử; thuận tiện cho những đương sự ở khu vực xa, giảm bớt đi lại.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng băn khoăn, xét xử trực truyến là phương thức mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định. Trong khi đó, để xét xử một vụ án thường liên quan đến nhiều quy định pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

“Việc xét xử trực tuyến ngoài việc phải đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật còn đòi hỏi các đối tượng, đương sự phải hợp tác. Trong khi đó, thời gian giãn cách xã hội có nhiều thẩm phán ở trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa, không nghiên cứu được hồ sơ vụ án thì cũng không thể xét xử được. Do đó, việc triển khai xét xử trực tuyến cũng không dễ” - một thẩm phán TAND tỉnh cho hay.

Đại diện Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, việc xét xử trực tuyến sẽ giúp giải quyết án đang tồn đọng do đại dịch hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện xét xử trực tuyến lại rất khó, bởi trong điều kiện tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật; việc trình bày chứng cứ, vật chứng của luật sư bào chữa liệu có được chấp nhận khi đưa qua màn hình không? Việc xét xử trực tuyến liệu có đảm bảo quyền con người, quyền được đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật của bị cáo, bị hại hoặc các đương sự…

Cũng theo vị luật sư này, trước khi đưa vụ án ra xét xử trực tuyến phải sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và kéo theo hàng loạt các quy định khác phải được thay đổi. Trước khi xét xử trực tuyến phải được chuẩn bị kỹ lưỡng mọi vấn đề, nhất là quy định về hoạt động tố tụng thì mới có thể triển khai.

Tố Tâm

Tin xem nhiều