Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều phương tiện vẫn đang chờ được cấp thẻ nhận diện 'luồng xanh'

09:07, 29/07/2021

Nhu cầu lớn nhưng việc trả kết quả chậm hoặc không được cấp thẻ nhận diện có mã QR đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa của nhiều doanh nghiệp. Đến nay, sau nhiều ngày triển khai, việc đăng ký thẻ nhận diện "luồng xanh" vẫn còn khó khăn.

Nhu cầu lớn nhưng việc trả kết quả chậm hoặc không được cấp thẻ nhận diện có mã QR đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa của nhiều doanh nghiệp. Đến nay, sau nhiều ngày triển khai, việc đăng ký thẻ nhận diện “luồng xanh” vẫn còn khó khăn.

Lực lượng chức năng kiểm tra y tế, thông tin đối với lái xe chở hàng hóa tại chốt kiểm soát giao thông khu vực đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (H.Long Thành). Ảnh: Thanh Hải
Lực lượng chức năng kiểm tra y tế, thông tin đối với lái xe chở hàng hóa tại chốt kiểm soát giao thông khu vực đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (H.Long Thành). Ảnh: Thanh Hải

Những ngày gần đây, Báo Đồng Nai tiếp nhận phản ảnh của nhiều doanh nghiệp sản xuất, đơn vị vận tải về việc khó lưu thông qua các chốt kiểm soát giao thông dù chở các mặt hàng thiết yếu.

* Không có mã QR, khó qua chốt kiểm soát

Ông T., nhân viên Công ty TNHH Vận tải đường bộ Phú Cường A (TP.Biên Hòa) phản ảnh, việc đăng ký thẻ nhận diện QR đối với phương tiện vận tải lưu thông qua các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong 5 xe mà đơn vị đăng ký trên trang web luongxanh.drvn.gov.vn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chỉ có 2 xe được chấp nhận, những xe còn lại chưa nhận được phản hồi.

Theo ông T., thời gian để làm các thủ tục đăng ký xin cấp mã nhận diện cũng rất lâu, chờ đợi nhiều ngày. Chỉ các xe chở hàng đã được cấp phép vào “luồng xanh” mới được lưu thông, nhiều xe phải quay trở về vì không có thẻ nhận diện. Dù khi qua các chốt kiểm soát giao thông, lái xe có đủ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2; phương tiện có lệnh vận chuyển hành trình nơi đi, nơi đến vẫn bị bắt quay đầu.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hoàng (H.Trảng Bom) cho biết, ông đăng ký trên hệ thống “luồng xanh” cho nhiều loại xe chở hàng song chỉ các xe chở thực phẩm, lương thực được cấp phép, còn các hàng hóa khác thì sau 3-4 ngày vẫn chưa có phản hồi. Không chỉ doanh nghiệp của ông, nhiều đơn vị khác cũng gặp tình trạng tương tự.

Theo ông Minh, quy định với phương tiện được đăng ký vào “luồng xanh” là xe chở hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, vận chuyển thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, gas, xăng dầu; chở hàng cứu trợ. Nhiều doanh nghiệp đăng ký xe chở thức ăn chăn nuôi, một số loại hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh lại không được hiểu là hàng thiết yếu nên chậm được giải quyết. “Với xe chở hàng hóa từ vùng dịch đến nơi khác, có tỉnh cho đi lại bình thường, có tỉnh yêu cầu phải là hàng hóa thiết yếu mới được cấp giấy có mã QR. Do đó, đối với những xe chưa được cấp giấy nhận diện phương tiện kịp thời, nhưng tài xế đã có giấy xét nghiệm âm tính còn giá trị (trong vòng 72 giờ) thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch nên cho xe lưu thông” - ông Minh cho hay.

Giám đốc Công ty TNHH Trường Giang Phát Vũ Văn Tư cũng phản ảnh, đơn vị được phép kinh doanh, buôn bán thực phẩm thiết yếu nhưng hiện nay nằm trong khu vực phong tỏa nên lực lượng chức năng tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) ngăn  không cho xe lưu thông ra ngoài. Trước đó, khi ra, vào chốt kiểm soát dịch, các xe vận chuyển xuất trình giấy nhận diện mã QR (do Sở GT-VT Đồng Nai cấp) cũng như thực hiện đúng các quy định đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định mà vẫn bị từ chối. “Điều này đã gây thiệt hại, khó khăn cho việc kinh doanh của đơn vị. Sau nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng, địa phương thì đến tối 27-7, xe chở hàng của công ty mới được cho lưu thông. Việc kiểm tra tại các chốt còn cứng nhắc, chưa có sự thống nhất” - ông Tư nói.

* Gỡ “nút thắt” nhận diện phương tiện

Theo quy định, doanh nghiệp vận tải có nhu cầu vào “luồng xanh” đăng ký tại địa chỉ luongxanh.drvn.gov.vn, sau đó Sở GT-VT các địa phương tiếp nhận thông tin và giải quyết, trả kết quả đến email của đơn vị đăng ký. Doanh nghiệp tự in thẻ nhận diện phương tiện kèm theo mã QR lên giấy (khổ A5) để dán trên kính phía trước và in lên giấy (khổ A4) để dán thêm lên kính hai bên cửa xe giúp lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch nhận biết.

Sở GT-VT cho biết, đợt 1 từ ngày 13 đến 19-7, đơn vị đã phối hợp với Sở GT-VT TP.HCM cấp thẻ nhận diện có mã QR cho khoảng 2 ngàn xe. Đợt 2 từ ngày 20 đến sáng 26-7 đã tiếp nhận và cấp trực tiếp trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hơn 11 ngàn xe. Trong đó, tổng số xe đủ điều kiện cấp mã QR gần 6,2 ngàn xe; từ chối gần 5 ngàn xe do hồ sơ không hợp lệ, không đúng đối tượng… Riêng trong ngày 26 đến sáng 27-7, không thể giải quyết hồ sơ do phần mềm cấp mã QR bị lỗi, không truy cập được.

Các cơ quan chức năng đánh giá, ngoài các trường hợp không thuộc đối tượng cấp mã QR, có nhiều nguyên nhân khiến hệ thống “luồng xanh” quá tải như: mỗi xe đăng ký theo một hồ sơ mà không đăng ký theo doanh nghiệp; nhiều chủ xe là hộ gia đình, không thông thạo và kê khai không đúng mẫu nên hồ sơ bị từ chối và phải khai lại.

Để gỡ “nút thắt” trong việc nhận diện phương tiện chở các mặt hàng thiết yếu để được cấp thẻ nhận diện QR, Bộ Công thương vừa có văn bản hỏa tốc đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì liệt kê danh mục “hàng hóa thiết yếu” được phép lưu thông. Việc làm này nhằm hạn chế cách hiểu mỗi nơi mỗi kiểu, đang gây nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết, nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo danh mục hàng hóa cấm lưu thông - vốn là danh mục 19 hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế lưu thông theo quy định của pháp luật - được ban hành từ tháng 5-2014 trên cơ sở hướng dẫn từ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP (trừ những hàng hóa được Thủ tướng Chính phủ cho phép). Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được lưu thông. “Thời gian qua, Sở Công thương đã có văn bản hướng dẫn chi tiết về danh mục hàng hóa thiết yếu trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho các doanh nghiệp, địa phương. Đến nay, việc lưu thông hàng hóa đã thuận lợi hơn, quan trọng là việc chấp hành. Những chốt kiểm soát dịch nào không làm đúng, doanh nghiệp cần báo cho Sở GT-VT, Công an tỉnh để tháo gỡ, xử lý” - ông Lộc nói.

 Box: Bộ GT-VT vừa có văn bản yêu cầu các địa phương trong cả nước về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc bố trí các chốt kiểm soát dịch được tổ chức thành nhiều điểm, các điểm có khoảng cách và diện tích phù hợp, lực lượng chức năng thực hiện phân loại phương tiện để đưa vào kiểm soát tại từng điểm, không kiểm tra phương tiện trên đường để đảm bảo tuyệt đối không ùn tắc giao thông trên tuyến.

Bộ GT-VT vừa có văn bản yêu cầu các địa phương trong cả nước về việc tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe đưa đón công nhân, chuyên gia được lưu thông thuận lợi khi đi, đến hoặc đi qua khu vực thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc bố trí các chốt kiểm soát dịch được tổ chức thành nhiều điểm, các điểm có khoảng cách và diện tích phù hợp, lực lượng chức năng thực hiện phân loại phương tiện để đưa vào kiểm soát tại từng điểm, không kiểm tra phương tiện trên đường để đảm bảo tuyệt đối không ùn tắc giao thông trên tuyến.

Thanh Hải

Tin xem nhiều