Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động ngăn ngừa các vụ cháy lớn

08:04, 18/04/2021

Trong 3 năm gần đây, số vụ cháy lớn trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số vụ cháy toàn tỉnh, cũng như cả nưươc. Đây là một trong những kết quả nổi bật trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh.

Trong 3 năm gần đây, số vụ cháy lớn trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số vụ cháy toàn tỉnh, cũng như so với số vụ cháy lớn toàn quốc. Đây là một trong những kết quả nổi bật trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tuyên truyền kiến thức phòng cháy và thoát hiểm cho học sinh, giáo viên Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tuyên truyền kiến thức phòng cháy và thoát hiểm cho học sinh, giáo viên Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Trong giai đoạn 2018-2020, Đồng Nai xảy ra 94 vụ cháy, trong đó có 4 vụ cháy lớn (chiếm 4,3 % tổng số vụ cháy toàn tỉnh và gần 3,4% số vụ cháy lớn toàn quốc). Là một tỉnh phát triển công nghiệp với 31 khu công nghiệp chính thức đi vào hoạt động, với nhiều khu đô thị, hàng chục ngàn nhà trọ, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp nhưng Đồng Nai đã hạn chế được các vụ cháy lớn.

* Hạn chế xảy ra cháy lớn

4 vụ cháy lớn xảy ra trong giai đoạn 2018-2020 đều tập trung trong năm 2018 với 3 cơ sở ngành gỗ và 1 cơ sở thuộc ngành dệt may, tổng thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. 2 vụ cháy gây tổn thất nặng nhất là vụ cháy xưởng sản xuất của Công ty TNHH Shingmark (Khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom) ngày 15-1-2018 thiệt hại hơn 42 tỷ đồng, mất gần 4 giờ để chữa cháy và vụ cháy xưởng sản xuất của Công ty TNHH Dệt Hoành Thân (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) ngày 17-3-2018 thiệt hại hơn 31 tỷ đồng, mất gần 20 giờ để chữa cháy.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, trong 2 năm trở lại đây (2019-2020), toàn tỉnh không xảy ra vụ cháy lớn nào. Kết quả trên đạt được, một phần là nhờ quá trình huấn luyện nâng cao khả năng ứng phó sự cố ban đầu của lực lượng tại chỗ. Nhất là lực lượng dân phòng, bảo vệ các đơn vị, doanh nghiệp... Nên khi xảy ra cháy, đây là những người đầu tiên có mặt xử lý, ngăn cháy lan, cháy lớn, hỗ trợ lực lượng chuyên nghiệp tại hiện trường.

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ của công an 11 huyện, thành phố thường xuyên xây dựng chuyên đề, tổ chức các buổi tuyên truyền cho nhiều nhóm đối tượng. Từ đó, thay đổi, đa dạng nội dung, hướng dẫn cách phòng cháy và thoát hiểm phù hợp với từng địa phương, khu vực, vụ cháy. Song song đó là siết chặt kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm về an toàn PCCC; duy trì chế độ trực sẵn sàng chữa cháy của lực lượng chuyên nghiệp, cắt cử trực ứng phó cháy của lực lượng chuyên ngành, lực lượng cơ sở; tăng cường phối hợp với các đơn vị để chi viện chữa cháy khi cần.

* Mở cao điểm kiểm tra về PCCC

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn do Bộ Công an tổ chức ngày 15-4, đại diện Bộ Công an cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, cả nước xảy ra 118 vụ cháy lớn (làm 30 người chết, 72 người bị thương, thiệt hại khoảng hơn 4 ngàn tỷ đồng) và 193 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người (làm 205 người chết, 436 người bị thương). So với cùng kỳ giai đoạn 2015-2017, số vụ cháy lớn tăng 26 vụ, thiệt hại tài sản tăng 151,9 tỷ đồng; giảm 2 người chết và 1 người bị thương. Do đó, thời gian tới, các địa phương cần tăng cường các giải pháp PCCC, nhất là phòng ngừa các vụ cháy lớn.

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh huấn luyện kỹ năng chữa cháy cho các đội phòng cháy cơ sở tại doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh huấn luyện kỹ năng chữa cháy cho các đội phòng cháy cơ sở tại doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng

Để kéo giảm số vụ cháy lớn, thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đề nghị công an các đơn vị, địa phương phải tham mưu UBND các cấp chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông phối hợp lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền an toàn PCCC. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành do người đứng đầu chính quyền các cấp làm trưởng đoàn nhằm đi sâu sát thực tế, xử lý, giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập về công tác PCCC. Nhất là tại những điểm nóng gây mất an toàn về PCCC, có nguy cơ cao dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn PCCC…

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, từ ngày 15-4 đến 15-10, lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc sẽ tiến hành đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư. Trong đó, lực lượng công an sẽ phối hợp với ngành Điện lực, các tổ chức đoàn thể địa phương kiểm tra từng khu dân cư về an toàn PCCC, chỉ ra sai phạm, lập biên bản xử lý và đề nghị điều chỉnh; chú ý những nhà có nguy cơ cháy nổ, không có lối thoát nạn.

Số vụ cháy và thiệt hại do cháy liên tục giảm

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, trong 3 năm qua (2018-2020) tại Đồng Nai số vụ cháy liên tục giảm, từ 45 vụ trong năm 2018, còn 30 vụ trong năm 2019 và 19 vụ trong năm 2020. Thiệt hại do cháy cũng giảm theo từ 119,5 tỷ đồng trong năm 2018 giảm còn 13,5 tỷ trong năm 2019 và chỉ 6,6 tỷ đồng trong năm 2020 vừa qua.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều