Báo Đồng Nai điện tử
En

Không nên đùa giỡn quá trớn trên mạng xã hội

10:02, 25/02/2021

"Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", câu thành ngữ này ngụ ý nói về những trò nghịch ngợm đáng yêu tuổi học trò. Tuy nhiên, với thời đại công nghệ hiện nay, những trò nghịch này đã có nhiều biến tướng dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật như: tung lên mạng cảnh bạn bè đánh nhau, học trò đánh thầy cô giáo, làm giả văn bản của cơ quan chức năng... chỉ nhằm mục đích "câu like".

“Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, câu thành ngữ này ngụ ý nói về những trò nghịch ngợm đáng yêu tuổi học trò. Tuy nhiên, với thời đại công nghệ hiện nay, những trò nghịch này đã có nhiều biến tướng dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật như: tung lên mạng cảnh bạn bè đánh nhau, học trò đánh thầy cô giáo, làm giả văn bản của cơ quan chức năng... chỉ nhằm mục đích “câu like”.

Tỉnh Lâm Đồng cảnh báo xuất hiện văn bản giả cho học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19 vào tháng 2-2021. Nguồn: Internet
Tỉnh Lâm Đồng cảnh báo xuất hiện văn bản giả cho học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19 vào tháng 2-2021. Nguồn: Internet

* Trò đùa tai hại

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, nhiều địa phương trong cả nước ban hành văn bản cho học sinh, sinh viên tạm nghỉ học. Lợi dụng vấn đề này, một số học sinh của một trường THPT trên địa bàn TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã làm giả văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng cho học sinh nghỉ học (thực tế tỉnh này vẫn cho học sinh đi học bình thường) nhằm mục đích gửi cho bạn bè để trêu đùa. Văn bản giả mạo này sau đó được phát tán rất nhiều trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận và cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm.

Tại Đồng Nai tuy không có trường hợp học sinh làm giả văn bản của cơ quan nhà nước nhưng lại xuất hiện tình trạng học sinh quay clip đánh bạn rồi đăng trên mạng xã hội. Đơn cử như, ngày 15-2, xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, 2 nữ sinh học lớp 7 và lớp 8 Trường THCS Gia Kiệm (H.Thống Nhất) tổ chức hành hung một nữ sinh lớp 6 học cùng trường rồi quay clip tung lên mạng xã hội cho là bị “đánh ghen”.

Trong đoạn clip nói trên ghi lại hình ảnh một nữ học sinh bị một nhóm bạn nữ đánh, chửi và bắt quỳ mặc cho nữ sinh bị đánh khóc và van xin. Sau đó, 2 nữ sinh đánh bạn đã bị Hội đồng kỷ luật Trường THCS Gia Kiệm kỷ luật bằng các hình thức khiển trách, nhắc nhở trong trường vì hành vi đánh bạn.

Liên quan đến hành vi làm giả văn bản của cơ quan nhà nước nêu trên, luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, việc giả mạo văn bản nhà nước của nhóm học sinh này là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người. Bởi vì việc làm trên có dấu hiệu của hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Căn cứ mục đích, tính chất và hậu quả do hành vi gây ra, cơ quan có thẩm quyền áp dụng mức xử lý hành chính hoặc hình sự.

Luật sư Nguyễn Đức phân tích, theo quy định của pháp luật, hành vi làm giả giấy tờ, đăng tin giả, chia sẻ thông tin xúc phạm uy tín, danh dự của người khác bị xử phạt rất nặng.

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị phạt hành chính  từ 10-20 triệu đồng. Đồng thời, tại Khoản 1, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức có mức phạt tối đa 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 7 năm.    

“Do đó, người sử dụng mạng xã hội, nhất là các em học sinh, phải hiểu biết và nắm vững các quy định này để không vi phạm, tránh xem đó chỉ là trò đùa vô hại” - luật sư Nguyễn  Đức khuyến cáo.

* Cấm đưa lên mạng những nội dung bịa đặt

Việc dùng mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, chứng kiến, sự sáng tạo chính đáng, đúng luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội không bị pháp luật hạn chế, ngăn cấm. Tuy nhiên, người sử dụng mạng xã hội cần biết những điều cấm của Luật An ninh mạng năm 2018 để tránh vi phạm pháp luật.

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Luật An ninh mạng năm 2018 cấm hành vi thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời luật cũng quy định, người có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

“Vừa qua, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 46/2020/TT-BGDĐT về chương trình môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11-1-2021, thay thế Thông tư số 02/2017/TT-BGDĐT. Theo tôi, đây là điều cần thiết và phù hợp với đối tượng là  học sinh THPT. Qua đó, giúp các em có hành vi xử sự đúng đắn trước những thông tin độc hại và ý thức cao trong việc sử dụng mạng xã hội làm sao để không vi phạm pháp luật” - luật sư Lưu Hồng Khanh, Đoàn Luật sư tỉnh bày tỏ.

Luật sư Lưu Hồng Khanh, Đoàn Luật sư tỉnh lưu ý: “Dư luận xã hội, pháp luật không bao giờ đồng tình với những hành vi lợi dụng mạng xã hội để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, tổ chức với bất kỳ mục đích nào như: “câu like”, chém gió, bông đùa, làm nổi…”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều