Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử phạt bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi

09:10, 04/10/2020

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 ngăn cấm hành vi bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi và hành vi sử dụng rượu, bia đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Dù luật đã có hiệu lực thi hành từ 1-1-2020 nhưng đến thời điểm này những hành vi trên vẫn chưa bị xử phạt.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 ngăn cấm hành vi bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi và hành vi sử dụng rượu, bia đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Dù luật đã có hiệu lực thi hành từ 1-1-2020 nhưng đến thời điểm này những hành vi trên vẫn chưa bị xử phạt.

Nhiều cửa hàng tiện ích ở TP.Biên Hòa không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Ảnh minh họa: Đăng Tùng
Nhiều cửa hàng tiện ích ở TP.Biên Hòa không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Ảnh minh họa: Đăng Tùng

Chính vì vậy, việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng (gọi tắt là Nghị định 98) có hiệu lực từ ngày 15-10 và Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (gọi tắt là Nghị định 117) có hiệu lực từ ngày 15-11 quy định mức xử phạt tiền đối với 2 hành vi trên và  nhiều hành vi khác liên quan tới rượu, bia rất được dư luận quan tâm.

* Đủ sức răn đe

Luật gia Phạm Đình Đức, Giám đốc Chi nhánh Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia TP.Biên Hòa cho hay, Nghị định 98 quy định, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Nghị định 117 quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng rượu bia là hợp lý, đủ sức răn đe và có tính ngăn ngừa, hạn chế người vi phạm rất cao.

Luật gia Đức phân tích, với độ tuổi đủ 16 đến dưới 18 tuổi, phần lớn các em còn đang tuổi ăn học, chưa làm ra tiền, suy nghĩ chưa chín chắn. Do đó, Nghị định 117 quy định mức phạt tiền như vậy là phù hợp, có tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa. Nhất là một khi các em trong độ tuổi này không có khả năng tài chính để nộp phạt, là người phụ thuộc nên pháp luật buộc cha mẹ, người giám hộ phải nộp phạt thay. Như vậy, nghị định có tính tới trường hợp vi phạm là con em trong những gia đình có điều kiện khó khăn về kinh tế, đối tượng vi phạm sinh sống ở vùng nông thôn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Còn với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, Nghị định 98 quy định mức phạt từ 500 ngàn đồng  đến 1 triệu đồng nhằm áp dụng chung cho 2 nhóm đối tượng vi phạm: tổ chức, hộ kinh doanh có đăng ký (thuộc diện có điều kiện và khả năng kinh tế, thu nhập cao); người bán hàng rong, quà vặt, kinh doanh lưu động, hộ sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp - làm muối không phải đăng ký kinh doanh (thuộc diện thu nhập thấp, kinh tế khó khăn) nên dư luận có chút ít băn khoăn. Tuy nhiên, đa số ý kiến đều cho rằng, việc chế tài như vậy là nhằm để người dân sớm biết để không bán, cung cấp, từ chối bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi và chấp hành đúng quy định về việc bán, trưng bày rượu, bia.

“Trong thực tế cuộc sống, hiện vẫn còn những vùng, miền, tập quán, tư tưởng... cho rằng người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mua, uống rượu, bia là chuyện bình thường. Chính vì vậy, độ tuổi này được người lớn rủ rê, mời mọc, kích động ép uống rượu, bia tại những cuộc vui tập thể, tiệc tùng hoặc nhờ đi mua giùm rượu, bia xảy ra không hiếm. Nay Nghị định 117 đưa ra mức xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 3 triệu đồng đối với các hành vi trên thì chắc chắn vấn nạn này sẽ được hạn chế” - luật gia Đức phân tích.

* Quy định rõ trách nhiệm của gia đình, cơ sở kinh doanh rượu, bia

Hậu quả của sử dụng rượu, bia rất khó lường. Việc lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông, bệnh tật, tệ nạn xã hội và các dạng vi phạm pháp luật khác, cụ thể như hành vi hiếp dâm, giao cấu với trẻ em...

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau: giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia. Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, luật cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm; địa điểm không được bán, uống rượu, bia; trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia...

Luật sư Lưu Hồng Khanh, Đoàn luật sư tỉnh cho biết, Nghị định 98 quy định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với các hành vi: bán rượu, bia bằng máy bán tự động; kinh doanh rượu, bia tại các điểm cấm kinh doanh rượu bia theo quy định; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia. Còn Nghị định 117 quy định, phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi: uống rượu, bia tại điểm không được uống rượu, bia (cơ sở y tế, trường học, bệnh viện, nơi làm việc). Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập, lao động và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập, lao động...

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định, cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan tổ chức có trách nhiệm trong công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia. Vấn đề này được Nghị định 117 quy định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi không thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan, tổ chức mình quản lý, điều hành.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích